Do Thái: ngày cuối cùng và kinh nghiệm du lịch Do Thái (kỳ 6)

12 Tháng Một, 2011 | Do Thái
Vương Cung Thánh đường Basilica of Gethsemane (giữa) với Gethsemane Garden sát bên trái (Mộ Đức Mẹ cũng nằm phía trái của vườn) và Church of St Mary Magdalena với các vòm tháp màu vàng xa xa bên phải. Hình N.H.A.

Nguyễn Hồng-Anh

***

Từ Biển Chết trở về Jurusalem, nhân viên khách sạn kiêm hướng dẫn viên du lịch Nasser thả chúng tôi trước vương cung thánh đường (Basilica of) Gethsemane. Lúc này khoảng 2 giờ chiều, gần đến giờ mở cửa. Chúng tôi thấy có một toán khách hành hương người Ấn Độ đứng đợi sẵn. Ngày đầu tiên đến Jerusalem chúng tôi đến đây sau 6 giờ chiều nên dù trời mùa hè còn sáng, bấm chuông, năn nỉ vào xem nhưng ông thầy dòng Phan-xi-cô nói đã đóng cửa.

Để giúp bạn đọc biết được thời khóa biểu thăm viếng, tôi có chụp bảng giờ mở cửa gắn trước cổng vào, xin ghi lại như sau:

Basilica of Gethsemane. Visiting hours.

April- September: AM 8-12; PM 2.30-6.

October- March: AM 8-12; PM 2.30-5.

Grotto of Gethsemane: AM 8.30-12; PM 2.30-6.

Vườn Gethsemane nằm dưới chân núi (Mount of) Olives trước thung lũng Kidron. Từ hướng cổng Lions Gate của cổ thành Jerusalem đi lên bạn sẽ thấy phía bên trái cổng của một ngôi thánh đường của đạo Chính Thống Hy Lạp, đó là nơi có mộ của Đức Mẹ Maria Đồng Trinh. Đi vài chục mét, bạn sẽ gặp ở bên phải cổng vào vườn Gethsemane, cũng là nơi có vương cung thánh đường Gethsemane của đạo Công Giáo La Mã. Mặt tiền thánh đường này nhìn ra con đường lớn và cổ thành Jerusalem, nhưng cổng chính này không mở nên du khách thường phải đi cổng vào vườn ô-liu.

Tiến xa hơn chút nữa, khoảng vài trăm mét trên đồi cao, bạn sẽ gặp nhà thờ St Mary Magdalene của đạo Chính Thống Nga với những mái vòm và tháp màu vàng nổi bật nhất trong cả khu vực. Nhà thờ St Mary Magdalene được Nga hoàng Alexander III xây để tưởng nhớ mẹ của ông là nữ hoàng Maria Alexandrovna.

Là đất thánh, nên chỉ nội một khu ở phía đông bắc bên ngoài cổ thành Jerusalem có đến 3 địa điểm hành hương của các đạo Thiên Chúa giáo.  Tôi thấy rằng ở Jerusalem, mỗi bước đi là một lần gặp gỡ lịch sử xa xưa.

Tương truyền Gethsemane Garden là nơi chôn  Đức Mẹ. Nhưng cũng có truyền thuyết Đức Mẹ được chôn ở Ephesus bên nước Thổ Nhĩ Kỳ, nơi thánh Gioan tông đồ chết (Đức Mẹ đi theo thánh Gioan bởi Chúa trối Đức Mẹ cho thánh Gioan trước khi chết).

Quan tài hiện nay ở Gethsemane được hầu hết tín hữu Chính Thống giáo Đông phương tin là của Đức Mẹ. Họ tin Đức Mẹ chết bình thường như mọi người (The Dormition of the Theotokos = the falling asleep of  God-bearer) nhưng hồn lên trời ngay còn xác thì sống lại và lên trời 3 ngày sau. Trong khi đó người Công giáo tin rằng vì Maria là mẹ của Thiên Chúa nên Chúa đã không để mẹ mình chết như một con người bình thường, vì thế “đến ngày đã định”  thì hồn xác Đức Mẹ về trời. Giáo hội La Mã chọn ngày 15 tháng 8 là ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời (Assumption of Mary  = Lễ Đức Mẹ Thăng Thiên).

Nhà thờ có ngôi mộ của Đức Mẹ được quản trị bởi Chính Thống giáo Hy Lạp nhưng Chính Thống Armenian cũng được dự phần và các giáo hội đông phương khác như Copt, Syriac, Abyssinian cũng có một chút xíu quyền trong đó. Tại đây người Hồi giáo cũng có một chỗ đặc biệt để cầu nguyện vì đấy là nơi chôn mẹ của Tiên tri Isa (tức Tiên tri Jesus, theo cách gọi của đạo Hồi). Vì yêu mến mẹ của Jesus (hay Isa) mà qua bao nhiêu cuộc chiến, kể cả khi bị người Hồi chiếm đóng, ngôi mộ của Đức Mẹ tại đây vẫn được nguyên vẹn.

 

Vườn Gethsemane nơi Chúa hấp hối

Gethsemane là một địa danh được nói đến trong thánh kinh của Matthew và Mark. Danh từ này xuất xứ từ tiếng Assyrian, có nghĩa là ép dầu (oil press). Người Do Thái và các dân tộc sống ở đây dùng dầu của trái cây ô-liu làm dầu ăn. Vườn Gethsemane nằm dưới chân núi Mount of Olives nơi ngày nay vẫn còn thấy nhiều cây ô-liu.

Gethsemane Garden nơi tương truyền Chúa cầu nguyện trước giờ bị bắt là một miếng đất vuông mỗi bề chừng hai chục mét được rào lại. Có bảng ghi bằng tiếng Anh trích trong phúc âm thánh Matthew với câu “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén này khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con mà theo ý Cha”.

Bên trong là những cây ô-liu được trồng thẳng hàng. Có một cây thân lớn bằng thân của một em bé, treo bảng ghi rằng được trồng bởi Đức Giáo hoàng Phao-lô VI trong chuyến viếng thăm Jerusalem của ngài vào năm 1964. Chúng tôi thấy có những thân cây đường kính gốc có thể tới 3 mét. Thân cây khô và sần sùi nhưng lá vẫn xanh.

Mặc dầu không ai biết chính xác tuổi thọ của các cây trong vườn nhưng người ta đoán tuổi của chúng khoảng 900 năm. Tuy nhiên có những giả thiết nói từ một đến hai ngàn năm. Lại có người cho rằng những cây hiện có không sống trong thời của Chúa vì năm 70 sau Công Nguyên khi La Mã chiếm đóng Do Thái, họ đã chặt bỏ các cây ô-liu trong khu này.

Một bảng chỉ dẫn trong khu này nói vườn cây dầu là nơi Chúa đến cầu nguyện và “nằm ở trên và phía tay phải của Grotto of Gethsemane (phía trái của vương cung thánh đường) và được bao bọc bởi hàng rào. Ở đây có 8 cây ô-liu mà theo tương truyền là những chứng nhân thầm lặng giờ Chúa cầu nguyện và đau đớn trong đêm trước khi bị treo trên thập giá”.

Cây cổ thụ này được xem là “một trong 8 nhân chứng thầm lặng” giờ Chúa hấp hối trong vườn Gethsemane trước khi bị đóng đinh. Hình NHA

Chúng tôi rời vườn Gethsemane qua nhà thờ nằm ngay bên phải của vườn. Nhà thờ này có tên là Basilica of Gethsemane hay Basilica of Agony (Vương cung Thánh đường Hấp hối) hay còn được gọi là Church of All Nations bởi được sự đóng góp của trên một tá quốc gia trong đó có Úc. Đây là ngôi nhà thờ thứ ba được xây trên miếng đất này.

The Bizantine Basilica được xây vào năm 380 sau Công Nguyên dưới thời Theodosius, nhỏ hơn nhà thờ hiện nay, bị phá hủy năm 614  nhưng Tảng đá Hấp hối (Rock of Agony) ở giữa chái sau được giữ gìn cho đến nay.

Tảng đá nguyên thủy có tên là Rock of Agony với khung sắt do nước Úc đóng góp, phía trên bàn thờ là một bức tranh khảm giờ Chúa hấp hối. Hình NHA

The Crusader Basilica được xây vào thế kỷ 12 và bị phá hủy khoảng năm 1200 nhưng một số di tích vẫn còn có thể thấy ở phía trái của nhà thờ hiện nay.

The New Basilica được khởi sự xây vào năm 1919 và hoàn tất năm 1924 mặc dầu các thầy tu dòng Franciscan mua miếng đất từ năm 1666 nhưng đã không được phép xây cho đến khi Jerusalem được cai trị bởi người Anh. Kiến trúc sư là Antonio Barluzzi.

Mặt tiền có 3 cửa chính với bốn dàn cột, trên mái hình tam giác là bức tranh khảm lớn. Mái gồm 12 vòm (cape) và bên trong vòm (cupola) là những bức tranh khảm do 12 nước đóng góp với huy hiệu của nước đó. Nhờ sử dụng kính màu và ánh sáng tự nhiên nên bên trong có không khí trang nghiêm, thinh lặng cho việc cầu nguyện.

Ở đây vào giờ mở cửa hình như lúc nào cũng có lễ. Một góc cuối nhà thờ (apse) cũng có bàn thờ và trước mặt là Tảng đá Hấp hối màu trắng ngà nơi tương truyền Chúa cầu nguyện và mồ hôi đỏ như máu đổ ra. Bao quanh tảng đá linh thiêng nguyên thủy này là khung ngăn bằng sắt màu đen (wrought iron work) ở mỗi góc có hình con chim hay chén thánh do Úc đóng góp. Trên tường sau bàn thờ là tranh khảm Chúa hấp hối và dưới sàn người ta còn thấy dấu vết của những miếng khảm thời Bizantine còn sót lại.

Toàn cảnh núi (Mount of) Olives với Basilica of Gethsemane ở giữa và con đường dốc dẫn qua Mount Zion nơi tương truyền có mộ của vua David, là khu linh thiêng của người Do Thái. Hình NHA

Lúc này là 3 giờ rưỡi chiều. Chúng tôi ra bên ngoài, nghỉ mát ở những phiến đá cẩm thạch quanh nhà thờ để tránh nắng. Sau 1 tiếng đồ hồ ở đây, chúng tôi trở về dự tính tạt qua viếng Mộ Đức Mẹ cạnh đó nhưng cổng đóng nên chúng tôi lội bộ trở về cổng Lions Gate để vào cổ thành Jerusalem.

Đây là lần thứ hai chúng tôi thăm viếng cổ thành, dành nhiều giờ để quan sát kỹ hơn nơi Chúa đã từng đi qua cách đây hai ngàn năm, xem các cửa tiệm, nhà cửa và lối sống của người dân trong khu vực này, quan sát sinh hoạt của các tín đồ các tôn giáo, các sắc dân và việc bảo vệ an ninh của binh sĩ Do Thái. Ăn chiều ở trong cổ thành và trở ra bằng cổng Damacus Gate mà chúng tôi đã đi lần trước. Một sự tình cờ, chúng tôi luôn luẩn quẩn trong khu vực của người Hồi giáo.

Trong có thành có 4 khu riêng biệt, của người Hồi giáo, Thiên Chúa giáo (nói chung), của người Armenian và Do Thái nhưng trớ trêu của lịch sử là những chặng trường thánh giá lại nằm trong khu vực của người Hồi giáo.

Chúng tôi trở về để chuẩn bị ra phi trường vào lúc 2 giờ sáng, theo sự yêu cầu của Nasser, nhân viên khách sạn kiêm hướng dẫn viên du lịch kiêm tài xế.

 

Đi trước 5 tiếng và thủ tục an ninh ở phi trường

Tôi hỏi Nasser gọi taxi ra phi trường Tel Aviv để đáp chuyến bay về Athens lúc 7.10AM có dễ không, anh đề nghị đưa chúng tôi đi, nói trả tài xế taxi bao nhiêu thì trả cho anh bấy nhiêu tức 280 shekels (khoảng 85 Úc kim vào thời điểm đó).

Tôi hỏi anh bận làm việc cả buổi chiều, khuya lại đưa chúng tôi đi thì làm sao có giờ ngủ, anh bảo khỏi lo vì quen rồi. Anh nói chúng tôi nên đi ngủ sớm để đúng 2 giờ sáng anh sẽ gọi chúng tôi lên đường.

Tôi  “mặc cả” giờ giấc vì phải đi quá sớm, trước 5 tiếng, nhưng Nasser nói 1 giờ lái xe, 1 giờ anh bị khám, 2 giờ chúng tôi bị khám và 1 giờ lên máy bay. Nghe qua khó tin, nhưng thấy lối kiểm soát an ninh của người Do Thái trong thời gian qua, tôi đành nghe lời Nasser.

Nasser nói vào nước Do Thái người ta kiểm soát sơ sơ, nhưng đi ra thì kiểm soát kinh khủng lắm.

Chúng tôi trở lại cổ thành Jerusalem lần thứ hai, ăn uống và nhìn sinh hoạt của một nơi có 4 nhóm tín ngưỡng cùng sinh sống trong 4 khu: Hồi giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo nói chung và Thiên Chúa giáo của người Armenian. Hình NHA

Chạy ra phi trường lúc 2 giờ sáng, đường thênh thang, chỉ mất 40 phút. Nhưng gần đến phi trường, Nasser mới nói rằng nếu gặp an ninh hỏi, tôi hãy trả lời anh ta là bạn của con trai tôi, quen nhau trên internet, chứ nói là người chuyên chở thì rắc rối vì anh không phải lái taxi chuyên nghiệp. Nasser nói anh không có thông hành Do Thái (mà chỉ có thông hành Palestine hay Ai Cập gì đó).

Anh nói anh chưa từng bị hỏi như thế này và có thể an ninh sẽ không hỏi, nhưng chỉ đề phòng. Tôi có cảm tình với anh trong hai ngày qua, nhưng khi bị yêu cầu nói dối, quả thật rất ư khó chịu. Tôi nghĩ nếu bị hỏi sẽ nói thẳng chúng tôi thuê anh ta chở chúng tôi ra phi trường chứ không phải quen biết nhờ chở giúp. Vả lại nếu anh không hài lòng thì đấy là chuyện làm ăn của anh ta và tôi cũng đã rời “vùng đất xa lạ đầy rắc rối” này rồi. Quả là phiền toái, mất hứng thú trong ngày về.

May thay, qua trạm gác vì có thể thấy anh ta chở người Á Châu nên họ vẫy tay cho đi qua mà không kiểm soát.

Đến phi trường hơn 2 giờ rưỡi sáng, đợi hoài vẫn chưa thấy tên chuyến bay LY 514 khởi hành lúc 7.10AM. Đến lúc cảm thấy chỉ còn chưa tới 3 tiếng mà giờ bay của chuyến LY 514 chưa lên bảng, tôi tới hỏi nhân viên phi trường thì họ bảo vào xếp hàng. Bây giờ tôi mới nhớ lời của Nasser. Cho nên nếu bạn tới phi trường thì tự xếp hàng hay hỏi nhân viên, vì phải qua khâu scan hành lý, khám người sau đó mới đến check-in hành lý và lấy vé lên tàu, khác thủ tục ở Úc và các nước khác.

Đến phiên tôi, một nữ nhân viên an ninh đòi xem passport, hỏi tôi có tự bỏ đồ vào vali và có ai cho quà hay gởi đồ gì không. Tôi nói tự vào hành lý, không rời hành lý nhưng có người cho quà. Cô ta hỏi quà gì, tôi trả lời là những chai nước thánh nho nhỏ thấy đề những chữ từ… Jerusalem, Jordan…

Nghe đến mấy chữ này, cô ta liền vẫy tay gọi các đồng nghiệp. Một ông an ninh mặc vét tới, rồi thêm một ông an ninh nữa tới vây quanh chúng tôi.  Cô ta phân bua vì lo ngại chất nổ. Tôi nói tôi hiểu và vì vậy mới khai ra.

Ông an ninh trẻ tuổi mặc áo vét cầm thẻ thông hành búng từng trang nhuần nhuyễn như người ta đánh bài (có lẽ để xem những nước chúng tôi từng đi qua) rồi hỏi tôi có biết tiếng Anh không và thế là một tràng những câu hỏi.

Via Dolorosa: Các khách hành hương mộ đạo cùng vác thánh giá đi trên Đường Khổ Nạn Via Dolorosa nhưng bời trớ trêu của lịch sử các chặng đường này nằm trong khu của người Hồi giáo mà an ninh do lính Do Thái kiểm soát. Hình: TVTS

Món quà là bốn lọ nước lớn hơn ve dầu nhị thiên đường và cây thánh giá đựng trong một hộp lưu niệm to không hơn bàn tay trong đó có đất và hương trầm của những vùng được coi là linh thiêng. Tôi nhận chỉ vì mến Nasser qua hai ngày chuyên chở đi tham quan, chứ món quà này chẳng hấp dẫn chút nào (bây giờ trở về Úc tôi cất ở xó nào trong nhà cũng chẳng nhớ).

Những câu hỏi của ông an ninh gồm:  người cho quà là ai, tên gì, làm việc ở đâu, tại sao quen, quen bao lâu rồi, đi với ông ta bao nhiêu ngày trong thời gian qua, thời gian qua tôi ở trong khách sạn này mấy ngày v.v… Sau ba chục năm chạy trốn chế độ xã hội chủ nghĩa, đây là lần đầu tiên tôi bị an ninh quần một trận như thế chỉ vì  cái “tội khai sự thật”.

Thế là các vali của chúng tôi bị đưa qua máy scan lần thứ  hai, một cái máy to gần bằng chiếc xe van, chiếm một không gian lớn của phi trường. Có khoảng 4 cái máy scan khổng lồ nằm ở bốn khu trước khi vào khu check-in.  Nhân viên an ninh mặc vét hỏi tôi trong cái vali mà tôi nói có quà tặng có ba cái hộp đựng kiếng, là của ai, tôi nói là những kiếng đọc sách của tôi và vợ tôi. Họ không hỏi gì về bốn lọ dầu thơm mấy trăm mils khá lớn mà chúng tôi mua ở Pyramids bên xứ ai Ai Cập.

Hôm tới phi trường lần đầu, cách hỏi sỗ sàng thiếu thân thiện của nhân viên di trú vẫn chưa làm tôi bực mình, nhưng nay bị các nhân viên an ninh làm việc với thái độ vừa nói, kể cả khuôn mặt lạnh lùng của các nữ nhân viên, tôi cảm thấy đi du lịch ở Do Thái không thoải mái và nghĩ không biết có sẽ trở lại lần nữa hay không.

Sau đợt scan thứ hai do khai mang quà tặng, chúng tôi xếp hàng check-in. Rồi qua trạm kiểm soát di trú, rồi lại tới một trạm scan như mọi phi trường khác trên thế giới, rồi lại thêm một trạm kiểm soát khác khi vào phòng đợi, ang áng đâu chừng 5 trạm kiểm soát!

Để phá tan không khí căng thẳng mà chúng tôi chưa từng gặp khi tới các phi trường quốc tế, tôi nói đùa với nhà tôi du lịch Do Thái chuổng cời là khỏe nhất, đỡ rắc rối về an ninh (mấy tháng sau, tôi nghe có ít nhất hai vụ các phụ nữ ra phi trường mặc bikini khi qua các trạm kiểm soát ở phi trường Hoa Kỳ).

Máy bay Boeing 757 của hãng hàng không Do Thái bay mất gần 2 tiếng tới phi trường Athens của Hy Lạp. Vì là buổi sáng, nên khách được cho ổ bánh mì cứng, chai nước lạnh và trà/cà phê. Cách phục vụ thua hãng máy bay của nước Jordan, nhưng ngồi trên máy bay này của Do Thái chúng tôi cảm thấy an toàn nhờ… an ninh chặt chẽ của họ. Lúc này tôi bắt đầu thông cảm cho nước Do Thái và nhận ra rằng dù bị khủng bố liên miên, chiến tranh dài dài,  thành phố Jerusalem (và cả Tel Aviv nữa) vẫn còn là nơi an toàn để khách hành hương và du khách tới thăm viếng (du lịch mang lợi nhuận cho người Palestine lẫn Do Thái).

Người Do Thái giỏi nhưng quá mạnh tay đối với người Palestine. Tuy nhiên người Palestine coi bộ cũng đáng sợ vì phương cách mà họ muốn lấy lại đất họ cho là Do Thái đã chiếm của họ sau năm 1948.

Biết là sẽ không có bạo động ở Jerusalem, nhưng trong thời gian ở cổ thành thỉnh thoảng nghe những tràng súng nổ, chúng tôi cũng phát ớn.

Khu buôn bán sát cổng của cổ thành Jerusalem. Hình NHA

Giờ đây, mỗi lần đọc báo hay xem tin tức trên truyền hình nói về bạo động ở Do Thái, tôi hiểu rõ hơn về tình hình ở khu vực này và thấy tại sao  hòa bình Trung Đông khó thành hiện thực.

Cách đây mấy năm, tôi hỏi một người Palestine đạo Công giáo định cư ở Melbourne rằng du lịch Jerusalem có an toàn không, ông bảo được với điều kiện đi theo đoàn, chứ đi một mình rất nguy hiểm, nhất là đi thăm hang đá Bethlehem thuộc vùng cai trị của người Palestine (người Palestine phần lớn theo đạo Hồi, Công giáo chỉ là thiểu số).

Nhưng chúng tôi đi một mình, trở về bình yên. Hy vọng những kinh nghiệm của chúng tôi có thể mang lại một sự bổ ích nào đó cho bạn đọc.

Melbourne 31.12.2010

Nguyễn Hồng Anh

Để kỷ niệm 20 năm du lịch viết bút ký (9/1990 – 7/2010)