Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: Rome, không được hở hang nơi tôn nghiêm (kỳ 2)

30 Tháng Bảy, 2003 | Pháp
Còn lại những cột trụ và gạch vụn: Quảng trường Roman Forum, được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 trước CN, trung tâm chính trị thời La Mã cổ đại

Nguyễn Hồng-Anh

***

Tên thủ đô của nước Ý là Roma, nếu gọi bằng chính tiếng Ý hoặc tiếng La-tinh. Tiếng Anh và Pháp đều viết và gọi là Rome. Người Việt phiên âm thành La Mã. Thành phố này được xây dựng trên vùng đồi và phát triển cạnh con sông Tiber, ở miền Trung nước Ý, cách bờ biển phía Tây chừng 25 cây số. Cái tên Rome có thể xuất phát từ tên của vua Romulus.

Theo huyền thoại, Rome được thành lập bởi Romulus – người được chó sói nuôi và cho bú khi còn bé và là một trong Thất Hoàng (Seven Kings) đầu tiên – vào năm 753 trước Công Nguyên.

Năm 509, ông vua cuối cùng của Rome bị lật đổ và một chế độ Cộng Hòa thành hình, được cai trị bởi hai loại quan chấp chánh tối cao (consul) được bầu hàng năm. Nhưng Cộng Hòa La Mã cũng có những lúc bị cai trị bởi những nhà độc tài, những tam đầu chế (Triumvirate) như trường hợp Julius Caesar, khi loại bỏ được các đối thủ và trở thành nhà độc tài suốt đời. Năm 44 trước Công Nguyên, Caesar bị con nuôi là Brutus âm mưu với Cassius ám sát ngay trong Nghị Viện.

Năm 27 trước Công Nguyên, Octavian loại bỏ chế độ Công Hòa, xưng vương, lấy niên hiệu là Augustus và biến La Mã thành một Đế Quốc. Tân Ước nói Chúa Giê – su sinh ra dưới thời Hoàng Đế Au-gus-ti-nô là vậy.

Augustus không có con nên năm thứ 4 sau Công Nguyên đã chọn con ghẻ là Tiberius nối ngôi. Triều đại Tiberius kéo dài từ năm 14 đến năm 37. Chính dưới thời Hoàng Đế Tiberius mà Chúa Giê – su bị đóng đinh ở Jerusalem, một thuộc địa của La Mã.

Năm 42, dưới thời Hoàng Đế Claudius (41-54 sau CN), Thánh Phao – lô Tông Đồ qua La Mã để truyền đạo. Năm 64, dưới thời Hoàng Đế Nero, một trận lửa đã đốt cháy thành La Mã mà một số sử sách cho rằng chính Hoàng Đế đã ra lệnh đốt để mua vui cho các cung tần mỹ nữ.

Năm 313, Hoàng Đế Constantine ra sắc dụ cho phép người Thiên Chúa Giáo (Christians – followers of Christ) được tự do hành đạo và đến năm 380 Hoàng Đế Theodosius công nhận Thiên Chúa Giáo là tôn giáo chính thức của Đế Quốc La Mã (tức quốc giáo).

Năm 476, Đế Quốc La mã  chính thức bị sụp đổ khi vị hoàng đế cuối cùng là Romulus Augustulus bị Odoacer – một chiến binh người Đức – lật đổ.

Trải qua một lịch sử kéo dài khoảng 12 thế kỷ dưới sự cai trị của trên 250 nhà lãnh đạo, La Mã đã có một nền văn minh cực thịnh, rực rỡ, ảnh hưởng Âu Châu thời đó và cả thế giới sau này. Vì lẽ đó mà tôi chọn trạm dừng chân đầu tiên là thành phố Rome, kinh đô của La mã cổ đại và giáo đô của đạo Công Giáo hoàn vũ ngày nay.

Book khách sạn

Đi Âu Châu lâu ngày mà để các hãng bán vé máy bay book khách sạn dùm là điều không nên. Thứ nhất, họ thường có khuynh hướng lựa những chỗ ngủ, khách sạn hay apartment tốt cho khách, nên lệ phí rất cao. Họ cũng không chịu mất nhiều thời giờ để đi dò loanh quanh hầu có thể tìm được chỗ trọ không đến nỗi tệ mà giá lại không quá cỡ. Thứ đến, người ta làm ăn thì phải có huê hồng. Tốt hơn hết là mình nên tự tìm kiếm lấy, nhất là khi phải di chuyển đến nhiều nước khác nhau. Và dễ dàng nhất là tìm trên internet.

Tôi lên mạng, tìm Lonely Planet Exchange.com lần mò những chỗ trọ rẻ tiền ở Rome. Có đủ loại, từ chỗ ngủ tập thể, mỗi người một giường trong dormitory, hostel với giá khoảng 15 Euro mỗi đêm cho đến những loại phòng trọ B&B (Bed & Breakfast), hotel 2 sao giá từ 50 Euro cho một phòng đơn (private) có phòng tắm; 75 Euro cho một phòng giường đôi hay 93 Euro cho phòng có 3 giường đơn chung một phòng tắm.

Tôi chọn một phòng lớn (quintuple) có 3 giường đơn và một giường đôi cho gia đình gồm 5 người, có cầu tiêu chung với chỗ tắm. Có thể trả tiền lối on-line nhưng tôi thấy hơi nguy hiểm, nên gọi điện thoại chủ khách sạn để đọc số thẻ tín dụng cho họ, đồng thời hỏi thêm đôi chút về vị trí của khách sạn trong thành phố và mặc cả. Thông thường các nhân viên trong khách sạn, nhà trọ loại rẻ tiền đều có thể nói được tiếng Anh. Nếu cha mẹ không nói được thì họ cũng sẽ có con cái giúp cho.

Tôi chọn khách sạn Hotel Dolomiti, một khách sạn nằm cách nhà ga xe lửa trung ương Stazione Termini chừng 600 mét. Quanh khu vực nhà ga Termini có rất nhiều khách sạn bình dân. Dolomiti là khách sạn loại 2 sao, cổ xưa nhưng được tân trang, có thang máy chỉ chứa tối đa 5 người thuộc loại nhỏ con như chúng tôi. Giá mỗi đêm cho gia đình chúng tôi là 150 Euro (xin nhắc lại, tiền Euro cao gấp đôi tiền Úc). Ăn sáng 6 Euro mỗi đầu người. Đại khái đó là những trao đổi trên điện thoại. Giá apartment 4 sao rưỡi cho 5 người ở Philip Island cũng khoảng đó mà thôi. Đi Tây Âu cả gia đình mà đặt cái lưng tốn khoảng 60 Úc kim cho mỗi người mỗi đêm thì cũng có thể chịu được.

Nhập cảnh nước Ý rất thoải mái

Chúng tôi đến phi trường quốc tế Fiumicino (tên cũ Leonardo Da Vinci) ở Rome sau chuyến bay dài 23 tiếng, kể cả 3 tiếng đợi và chuyển máy bay ở Singapore. Trời nắng và nóng chang chang nhưng hành khách phải xuống máy bay giữa sân bay, đáp xe buýt vào phòng đợi để lo các thủ tục nhập cảnh.

Trước Công Trường và Đền Thánh Phêrô

Từng đi Mỹ và nhiều nước Á Châu, tôi phải chuẩn bị để điền phom nhập cảnh. Thấy tiếp viên trên máy bay không cho mẫu phom nhập cảnh, tôi tưởng họ quên. Đến phòng đợi, xếp hàng chờ qua cửa di trú, tôi quan sát thấy chẳng có ai cầm thêm một mẫu giấy tờ gì ngoài cái passport.

Thấy một bà xơ người Á Châu trong bộ áo dòng tu nói tiếng Ý với người bên cạnh, ngờ ngợ bà có thể là người Việt nhưng tôi cứ hỏi bà bằng tiếng Anh xin mẫu khai báo di trú ở đâu. Bà xơ không hiểu tôi nói gì nên cứ xổ một tràng tiếng Ý làm tôi chẳng muốn gây náo động nếu cứ tiếp tục hỏi trong khi hầu hết hành khách đều im lặng chờ.

Cuối cùng tôi mới vỡ lẽ là nhập cảnh ở Ý chẳng phải khai báo gì cả. Chẳng cần phải điền đơn, khai báo về chuyện mang tiền bạc, hàng hóa, tình hình bệnh SARS, hay chọn đi cửa xanh cửa đỏ như ở phi trường Úc. Ở phi trường Ý, chỉ đi một cửa và chỉ việc đưa thẻ thông hành cho nhân viên di trú liếc sơ mà thôi. Gọn và nhanh chóng vô cùng, khiến tôi phải nói với nhà tôi là những tay buôn lậu hay nhập cảnh lậu chắc không phải lo lắng khi qua ải quan thuế của nước Ý.

Đang còn đứng đổi ít tiền Euro, một người đàn ông tới hỏi tôi có đi taxi không. Tôi bảo đợi một lát. Ông ta giúp gia đình chúng tôi kéo va-li lên và đưa lên xe. Vì chưa thấy xe của ông ta nên tôi hỏi ông ta tính tiền chuyến hay cây số, nhưng ông ta bảo khỏi phải lo. Tới nơi, mới thấy xe không có bảng hiệu taxi, nhưng phần vì quá mệt mỏi qua chuyến đi dài giờ lại thấy ông lái xe mặt mày cũng sạch sẽ coi bộ đàng hoàng, lại xin mình ghi tên và ký lên cái phiếu nên cũng yên chí, nghĩ rằng một chuyến đi từ phi trường Tullamarine về thành phố Melbourne khoảng $60 Úc kim thì ở Rome cao tay lắm là $100 đô. Do kẹt xe nên phải mất khoảng 50 phút mới về tới khách sạn.

Ông tài xế nói được ít tiếng Anh nên trên đường đi có chỉ cho tôi một số di tích lịch sử khi xe chạy ngang qua. Tôi dự trù sẽ cho ông tiền tip khi trả tiền xe. Nhưng khi đến nơi, hỏi bao nhiêu, ông phán 90 Euro! Tôi làm bài toán nhân và thấy một cuốc xe đã nuốt mất $180 đô, nên gần méo mặt, nghĩ rằng ông lái xe ngoài luồng đã lấy cắt cổ, thì cần gì phải cho tiền boa. (Sau này, khi nhờ khách sạn kêu taxi ra phi trường và theo dõi kim đồng hồ, tôi chỉ trả 60 Euro cho một chuyến đi mà thôi). Tôi cho rằng đấy là một kinh nghiệm và tự cảnh giác về một cuộc sống đắt đỏ và những lần trả tiền hớ ở Rome đang chờ trước mắt.

Trả thêm tiền thì sẽ bớt nóng

Đến khách sạn, việc trước tiên là đưa passport cho khách sạn để báo cáo cho cảnh sát địa phương, y như người ta về Việt Nam phải khai báo cho công an phường vậy (nghe nói Việt Kiều nay có thể khỏi phải khai, nhưng đi báo vẫn an toàn hơn). Công dân Úc qua các nước như Pháp hay Ý và các nước khối Liên Hiệp Âu Châu có ký vào hiệp ước không kiểm soát biên giới, không cần phải xin visa, nhưng riêng Ý, cần phải báo cho cảnh sát địa phương. Khách sạn sẽ giúp du khách làm công việc đó.

Đến Rome gặp mùa hè nên nóng không thể tả được. Khí hậu nóng và khô như ở Huế hay Sài Gòn. Vào phòng ngủ lại càng nóng hơn bởi vì không có máy lạnh hay quạt trần. Tôi ra dấu hiệu hỏi các nhân viên dọn dẹp có cái quạt máy hay quạt trần hoặc làm sao mở cái máy trong phòng mà xem ra giống cái máy lạnh. Hỏi ba bốn lần họ vẫn chỉ xuống lầu hỏi văn phòng. Đi thang máy vừa bị kẹt lại quá nóng ngộp, tôi đành phải lội bộ lên xuống và mới biết thêm là muốn xài máy lạnh, phải trả thêm 13 Euro mỗi ngày. À ra thế, bao nhiêu Euro cũng phải chịu, nếu không sẽ chết ngộp vì nóng.

Cũng do nóng chúng tôi phải tu những lon nước ngọt hâm hẩm trong tủ lạnh, một tủ lạnh chẳng thấy hơi lạnh gì cả trong suốt 2 ngày. Đúng là khách sạn 2 sao ở nước Ý. Tiền nào của đó. Tôi nhớ lại cách đây khoảng hai tháng, báo chí Úc đăng tin kèm hình ảnh, phê bình Thủ tướng Howard cùng các nhân viên tùy tùng “hoang phí” khi ở khách sạn loại $5,000 Úc kim một đêm tại Rome khi ông trên đường gặp Tổng thống Bush về ghé thăm Thủ tướng Ý. Phòng của cả gia đình chúng tôi chỉ $300 Úc kim.

Ở Rome có 2 đêm, tôi phải nhanh chân đi viếng Vatican ngay buổi sáng đặt chân tới Ý. Cô con gái bà chủ khách sạn cho biết Vatican chỉ cách xa khoảng 5 cây số. Tôi nhờ cô gọi taxi nhưng cô ta đưa cho cái bản đồ và bảo nên đi xe lửa ngầm (metro) hay xe bus cho đỡ phí tiền. Chỉ cần ra tiệm bán báo hay tiệm thuốc lá ngoài đường mua một cái vé 3 Euro rưỡi là có thể đi xe lửa, xe bus suốt cả ngày. Là một người sống ở Melbourne trên 20 năm nhưng không biết làm sao từ Richmond đi lên Footscray bằng phương tiện công cộng và phải luôn luôn đi taxi nếu xe bị hư, tôi đã biết thích nghi mỗi khi đi du lịch như lúc đi Singapore, Hồng Kong, chỉ cần có tấm bản đồ là xong ngay.

Thành phố Rome có chiều ngang và chiều dọc mỗi bề dài chừng 20 cây số. Riêng nội thành, từ Đông sang Tây (Vatican đến ga Termini) và từ Bắc xuống Nam (từ Villa Borghese xuống Terme di Caracalla) mỗi bề dài chừng 5, 6 cây số.

Cổng vào công trườn và đền thánh Phêrô

Chúng tôi dùng xe lửa ngầm đi Metro Linea A, bỏ 5 trạm, tới trạm Ottaviano San Pietro thì nhảy xuống. Từ đấy vào trong sân Công Trường Thánh Phê – rô  gần một cây số. Dùng đường Via Ottaviano để vào Vatican, nhưng ai đã xuống trạm xe lửa Ottaviano San Pietro thì hầu như sẽ đi đến Vatican. “Mọi con đường đều dẫn tới La Mã”! Chúng tôi bị cuốn hút trong rừng người hành hương Vatican.

Một chút lịch sử về giáo đô

Vatican là một quốc gia độc lập nằm phía hữu ngạn, cách con sông Tiber chừng nửa cây số, nơi mà bạo chúa Nero (Né-ron) hành hình những người đạo Thiên Chúa vào thập niên 60 sau Công Nguyên.

Điện tích thành Vatican khoảng nửa cây số vuông, với chu vi dài 2.6 cây số. Bạn đọc hãy thử tưởng tượng một miếng đất hình vuông mỗi cạnh dài khoảng 700 mét. Quốc gia nhỏ bé nhất thế giới này có khoảng 1,000 cư dân và hầu như chỉ toàn giống đực. Tuy nhỏ nhưng có đầy đủ sở, bộ và quốc trưởng là Đức Giáo Hoàng.

Nhà Thờ Thánh Phê- rô (St. Peter Basilica) và Công Trường Thánh Phê – rô (St. Peter Square) chiếm khoảng ¼ diện tích thành Vatican, nằm gần phía Nam. Chỉ có hai nơi này trong thành Vatican  là du khách và người hành hương được phép ra vào một cách tự do. Trước khi đến cổng Công Trường Thánh Phê- rô (CTTPR – gọi công trường theo thói quen, nhưng thật ra là phải gọi quảng trường mới đúng) bạn sẽ đi ngang đường Angelica, một con đường tương đối hẹp, lát đá phiến mòn nhẵn bởi hàng tỉ hàng tỉ bước chân hành hương. Bên phải là bức tường cao mà đằng sau là Điện Sistine, Thư Viện Vatican, Lâu Đài Giáo Hoàng (tức cấm thành), một tổ hợp với những kiến trúc phức tạp. Bên trái đường Angelica là các cơ sở, tiệm bán đồ kỷ niệm. Con đường này dài khoảng 400 mét. Trước khi tới CTTPR, sẽ thấy bên phải cánh cổng có lính gác. Lính người Thụy Sĩ cao ngồng mặc đồ xanh lụng thụng mang nón két mùa hè soát giấy người ra vào. Tôi thấy có những linh mục mặc áo dòng đen, những vị giám mục đội mũ đỏ thắt dây đai to bảng đi ra đi vào dù trời nắng chói chang.

Nói về lính ngự lâm của giáo triều, tôi thấy còn hai toán khác. Một toán gác bên cánh trái vách thành CTTPR mặc đồ sọc đỏ và một toán ở bên cánh tả Nhà Thờ Thánh Phê-rô, một ngõ khác để vào cấm thành Vatican. Toán lính gác này đứng nghiêm như trời trồng, nhưng mỗi khi có xe của một chức sắc tòa thánh vào, họ vung tay lên chào. Các lính gác này, cũng như lính gác hoàng cung Anh, do nghề nghiệp đòi hỏi  mà mặt mày lạnh như tiền trông đến khó thương.

Hồi nhỏ, tôi đã nghe nói nhiều về CTTPR. Lớn lên xem ảnh và coi truyền hình nhưng chưa thể tưởng tượng quảng trường này lớn và vĩ đại như thế nào. Quảng Trường Thiên An Môn tôi đã có đến, rộng thật đấy, nhưng không thể nào đẹp bằng CTTPR, một khu đất rộng được bao bộc bởi một hành lang vòng cung có mái, được chống đỡ bằng những hàng cột trụ to lớn, uy nghi. Trên mái hành lang là những bức tượng điêu khắc và từ xa, cuối sân quảng trường là Nhà Thờ Thánh Phê-rô (còn gọi là Điện Thánh Phê-rô, Đại Giáo Đường Thánh Phê-rô hay Vương Cung Thánh Đường Phê-rô).

Giữa sân là một ngọn tháp rất cao bằng cẩm thạch mà hồi nhỏ thầy dạy học tôi nói đó là một tảng đá nguyên vẹn (không phải ráp nối), được người ta cắt từ núi và khiêng về dựng nên giữa quảng trường, vì thế, đấy là một công trình và là một tác phẩm vĩ đại thời xa xưa. Cứ xem các phim La Mã và hình dung việc dựng một ngọn tháp như thế với sức lao động của người thường hay của nô lệ. Mở ngoặc: Nước Ý nổi tiếng với đá cẩm thạch và người Ý ra vẻ rất chuộng đồ bằng cẩm thạch, ngàn năm trước, ngàn năm sau vẫn thế.

Cuối quảng trường, gần cửa Nhà Thờ Thánh Phê-rô là khán đài có mái che, nơi dành cho Giáo Hoàng làm lễ trong các dịp lễ đại trào ngoài trời. Các dãy ghế xếp chiếm một phần ba quảng trường, được giăng dây để ngăn du khách bước vào khu vực đó. Trước mặt tiền nhà thờ có nhiều ban-công mà ban công có màn nhung đỏ là nơi Đức Giáo Hoàng xuất hiện vẫy tay chào khách hành hương, cũng còn là chỗ mà vị tân giáo hoàng ra mắt công chúng khi vừa được bầu trong cuộc họp kín.

Sau khi ngắm những cột trụ trong dãy hành lang chung quanh công trường để tránh cái nắng trưa hè, chúng tôi tiến tới giữa sân để chụp một vài bức hình trước ngọn tháp đá cẩm thạch. Rồi vòng phía tay phải, nhập vào đoàn người đang xếp hàng giữa nắng để được vào chiêm ngưỡng ngôi thánh đường lớn nhất, nổi tiếng nhất của Giáo Hội Công Giáo. Nghe nói, chỉ nội chiều dài dưới mái vòm trong nhà thờ đã dài đến 120 mét.

Như đã nói ở trước, sau thời kỳ bách hại đạo của các Hoàng Đế La mã, đến đời Hoàng Đế Constantine, vị vua La Mã này mới cho phép người Thiên Chúa Giáo được tự do hành đạo. Chính dưới thời này, tức vào thế kỷ thứ 4, mà Nhà Thờ Thánh Phê-rô đầu tiên đã được xây ngay chính trên ngôi mộ của vị thánh và là vị giáo hoàng đầu tiên khởi của Giáo Hội La Mã.

Kinh thánh có chép rằng Chúa Giê-su đã nói với Phê-rô: “Này Phê-rô, con là đá, trên đá này ta sẽ xây giáo hội của ta…”. Peter (hay Pierre) có nghĩa là đá. Có lẽ vì thế mà giáo hội tiên khởi đã chọn xây nhà thờ trên mộ của thánh Phê-rô.

Lính gác cổng vào cấm thành Vatican

Năm 1450, Giáo Hoàng Nicholas V cho phá ngôi thánh đường này và giao cho kiến trúc sư Rossellino vẽ kiểu để xây nên một nhà thờ vĩ đại hơn, xứng đáng với tầm vóc của giáo hội, một giáo hội cực thịnh và có uy quyền ở Âu Châu thời bấy giờ. Nhưng phải đợi đến năm 1506, dưới thời Giáo Hoàng Jules II thì mới khởi công xây với kiểu vẽ của kiến trúc sư Bramante. Nhà thờ có hình chữ thập, tường dày, mái vòm cao và đồ sộ, tròn, kiểu Romanesque, tức kiểu La Mã (khác với Nhà Thờ Đức Bà Paris kiểu Gothic, tức kiểu phổ biến ở Tây Âu từ thế kỷ 12 đến 16 với những vòm nhọn, những cột cao nhỏ).

Nhờ bàn tay truyền thần tài hoa của các họa sĩ và điêu khắc gia trứ danh thờ Phục Hưng như Raphael (1514), Michelangelo (1546)… mà các mái vòm nhà thờ, các bức tường đã có những bức tranh tuyệt vời để lại cho hậu thế. Từ năm 1600 trở đi trong vòng hai chục năm sau, có những cuộc tu bổ khác để làm cho nhà thờ đẹp hơn. Có thể nói không có một nhà thờ nào trên thế giới có những bức tranh khổ lớn, lâu đời và có giá trị như Nhà Thờ Thánh Phê-rô.

Không được hở hang nơi tôn nghiêm

Một đời có một lần, chúng tôi nhất quyết phải nối vào cái đuôi dài thòng để được vào chiêm ngưỡng nhà thờ.

Nhưng khi gần đến hàng rào, tôi thấy người ta cãi cọ nhau chí chóe bằng tiếng Ý. Bạn phải biết tiếng Ý có âm thanh phát rất mạnh và rõ, do đó khi cãi nhau thì chẳng khác gì hai người Tàu to tiếng. Một bà người Ý chạy ngược về phía chúng tôi và đưa cho vợ và con gái chúng tôi chiếc khăn voan, biểu hãy mang vào để che cổ, ngực. Tiếng Anh pha tiếng Ý của bà làm cho chúng tôi hiểu sắp có chuyện bất ổn. Tôi không thấy quầy bán vé cũng chẳng thấy người soát vé, chỉ thấy các nhân viên gác và giữ trật tự lấy tay ngoắc một số người vào, đồng thời cũng lấy tay gạt một số người không cho qua cửa hàng rào.

Con cái tôi hiểu nhanh và nói rằng họ cấm không cho các bà và các ông vận y phục không đúng tiêu chuẩn được vào. Nhưng đứng giữa đám đông người lúc nhúc đó, tôi chẳng biết thế nào là đạt tiêu chuẩn. Thôi thì đã mất công sắp hàng, cứ thế mà đợi. Đến gần phiên chúng tôi, tôi thấy một người đàn ông bồng con đi với vợ bị giữ lại bởi vì ông ta mặc chiếc quần dài thời trang kiểu lai quần ngắn trên mắt cá chừng gang tay. Anh ta phải quay lui làm bà vợ cũng phải đi trở ra.

Tôi bảo vợ con cứ đi bừa vào thử xem, nhưng vợ tôi và các con gái bị xua lui. Những người gác cổng chỉ vào váy và áo của vợ con  chúng tôi. Váy ngắn trên đầu gối gần gang tay và áo sát nách, cổ hở! Bây giờ không có người áng ngữ trước mặt, tôi mới thấy có cái bảng nho nhỏ vẽ hình các loại y phục với vạch chéo. Té ra thế!

Một bà đến bên một anh nhân viên an ninh đang để cánh tay trần kê trên hàng rào, xổ một tràng tiếng Ý, chỉ vào cánh tay vạm vỡ của anh ta có các hình xâm. Bà ta giận dữ chỉ vào cánh tay của anh ta và mắng nhiếc một hồi. Tôi đoán là bà cho rằng tại sao trời nắng và nóng nực thế này mà ông đòi chúng tôi phải mặc kín người trong khi ông để cánh tay trần xâm đầy hình ở nơi tôn nghiêm như thế! Anh gác cửa cãi lại, nhưng một đồng nghiệp vỗ vai can ngăn.

Tôi bực mình nói với nhà tôi và con cái: “Quá đáng! Quá đáng! Dù phải kính trọng nơi tôn nghiêm, nhưng họ làm quá đáng”. Tôi kể cho con cái nghe hồi đi du lịch Bali ở Nam Dương, vào một đền thờ Ấn Giáo trông rất tôn nghiêm, thấy có bảng viết bằng tiếng Anh yêu cầu phụ nữ có kinh chớ đi vào, nhưng chỉ yêu cầu vậy thôi, vì làm sao khác được?

Tôi nghĩ nhiều người Ý cả đời mới có cơ hội tới Rome một lần để hành hương các đền thánh. Nhìn từng nhóm du khách được người hướng dẫn du lịch giải thích bằng tiếng Ý thì tôi mới biết rằng chúng tôi là những kẻ may mắn được đi trên vạn dặm thăm thánh đô. Nhưng lại bị cấm không cho vào. Thánh cũng phải giận. Nhất là phải sắp hàng giữa trời nắng chói chang. Tôi giận và nói lẫy với vợ con: “Thôi mình về. Xem bên ngoài đủ rồi. Cần gì vào tận bên trong”.

Vợ con tôi bảo tôi và đứa con trai cứ vào xem kẻo không còn cơ hội thứ hai. Chúng tôi vào, đi lướt một vòng và hỏi một vị linh mục da đen khi nào nhà thờ đóng cửa, và khi được ông cho biết 7 giờ tối, tôi vội vã đi ra, nói với vợ con ghé ra ngoài cổng ăn uống chút đỉnh rồi về khách sạn, thay áo quần xong trở lại để cả nhà cùng vào xem nhà thờ, bởi vì “chưa vào bên trong Đền Thánh Phê-rô thì chưa thật sự qua Vatican, chưa đi Roma!”

Kinh nghiệm này có thể tránh

Tôi đoán nếu bạn đi hành hương theo phái đoàn, người hướng dẫn (nếu là linh mục hay dì phước) chắc sẽ yêu cầu bạn ăn mặc chỉnh tề. Tới nhà thờ nhà thánh mà! Nhưng những người đi du lịch tự túc như chúng tôi thì chẳng để ý đến chuyện đó. Lại gặp cái nóng cả 35 độ thì mặc đồ càng ít vải càng tốt. Nhưng chúng tôi đã có cái kinh nghiệm phải mất công lặn lội về khách sạn ở xứ lạ để thay đổi y phục hầu có thể thực hiện được ước muốn chiêm ngưỡng ngôi thánh đường số 1 của Giáo Hội Công Giáo. Cái giá bằng mồ hôi và cơn nóng!

Ra khỏi cổng thành Vatican chừng vài chục bước, có một dãy hàng quán bên tay phải. Khát nước quá, chúng tôi kéo nhau vào cái quán đầu tiên, đông người, kêu nước ngọt và bia, đồng thời gọi ít khoại tây chiên, vài miếng thịt gà để giải quyết nhanh chóng bữa cơm trưa hầu còn trở lại Vatican.

Tôi biết trước rằng đời sống ở Ý đắt đỏ nhưng một bữa ăn trưa nhẹ như thế mà phải trả gần 60 Euro (120 Úc kim) thì quả là không ngờ. Một ly bia họ tính 6 Euro (tức 12 Úc kim), ly coca 4 Euro. Tôi vẫn biết khu du lịch (xa phố xá, trung tâm thương mại) thường đắt nhưng vẫn không ngờ đắt đến như vậy. Người du lịch từ Úc như chúng tôi thấy nhà hàng, tiệm ăn ở Ý là dợn bước, nhưng du khách Âu Châu, Bắc Mỹ, người Nhật, họ vào ăn uống thoải mái. Có lẽ đồng tiền của họ cao, lương họ cao chăng? (sẽ giải thích khi nói về cuộc sống ở Pháp).

Chưa hết, đi thêm vài bước nữa, qua khỏi tường thành Vatican ở phía trái, tôi thấy có tiệm đổi tiền, bèn ghé vào đổi ít tiền, phòng hờ những nơi người ta không chấp nhận thẻ tín dụng.

Tôi thấy họ đề bảng giá 1 Úc kim ăn 56 xu Euro và chẳng thấy đề huê hồng (commission). Tôi đưa tiền, họ hỏi tên, bấm giấy biểu tôi ký. Khi thấy họ trừ huê hồng đến 15.90% lại còn cộng thuế 1.50%, tôi từ chối không ký, đòi trả lại tiền, nhưng người thâu ngân nói đã lỡ in giấy ra rồi, không thể trả lại tiền. Bà này nói tiếng Anh chút đỉnh, lại thêm cái nóng điên người, tôi không cãi cọ, và đành ký tên để lấy tiền hầu còn về nhà và kịp trở lại Vatican, coi đây là một kinh nghiệm khác của người lần đầu tiên đi du lịch Ý, ít có thì giờ để nghiên cứu trước.

Trong chuyến du lịch Âu Châu, tôi chưa thấy nơi nào ăn huê hồng cắt cổ như tiệm đổi tiền ở gần Vatican này. Các nơi khác chỉ lấy cao nhất là 6.5%. Nhưng tiệm này chém cả thảy 17.4%. Do đó, một đồng Úc lúc này chỉ còn là 47 xu Euro. Xin ghi địa chỉ để bạn đọc tránh cái tiệm này. Tên tiệm: Maccopp Italiana S.p.A, số 27 đường Via Ottaviano, nằm bên tay trái khi từ thành Vatican đi trở ra. Rút kinh nghiệm: qua Rome, nên đổi tiền trước ở Úc, chậm lắm là ở phi trường (Úc hay Ý) và phần còn lại nên dùng thẻ tín dụng khi hoàn cảnh cho phép (còn tiếp).

TVTS số 905 – 30.7.2003