Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: từ Colosseum đến Quảng trường La Mã (kỳ 3)

06 Tháng Tám, 2003 | Pháp
Hai ngàn năm sau: trước mặt tiền đấu trường Colosseum ở La Mã do Hoàng đế Vespasian xây vào năm 72

Nguyễn Hồng-Anh

***

Sau vài tiếng đồng hồ ăn uống và trở về khách sạn thay áo quần, nghỉ ngơi chừng tiếng để lấy sức, chúng tôi trở lại Vatican thì cũng đã 5 giờ chiều rồi. Trong khi bên Úc giờ này đã bắt đầu tối và rét, trời La Mã vẫn còn nắng gay gắt, vì là mùa hè. Lúc này không còn phải xếp hàng dài như sáng. Bảng cấm y phục hở hang mát mẻ vẫn còn đó nhưng những người gác cổng ra vẻ không hăm hở làm việc với những con mắt nhìn xoi mói vào y phục khách hành hương như hồi sáng.

Qua cổng kiểm tra y phục (gọi cổng chứ thật ra chỉ là cái trạm dã chiến, kê hàng rào tạm), đi một đoạn có nhân viên an ninh kiểm soát túi xách. Thấy nhà tôi thắc mắc tại sao nhà thờ mà kiểm soát kỹ thế, tôi giải thích rằng trước hết là sợ nạn khủng bố, sau là bảo vệ cái di sản vĩ đại và vô giá nằm trong ngôi thánh đường có 500 tuổi kia. Giáo hội ngày nay khó có đủ tiền để xây một ngôi thánh đường tương tự. Cũng không thể kiếm ra những danh họa vẽ trang trí như Raphael, Michel Ange. Mà có tiền cũng không dám phung phí vào chuyện xây cất sẽ bị chỉ trích. Phải bảo vệ ngôi thánh đường như một kho báu là chuyện đương nhiên.

Mở ngoặc để đính chính: nói về nhân viên an ninh gác cổng, tôi lại nhớ tới chuyện có người tuần qua chúc mừng tôi đã xin được việc làm mới ở Vatican. Họ bảo tôi cứ đọc số báo tuần trước, xem hình trang 94 sẽ rõ. Thì ra, vợ chồng chúng tôi đã là “lính gác cổng vào cấm thành Vatican”. Đáng lẽ, người chạy chú thích hình phải ghi thêm vài chữ: “… đứng phía sau, bên phải”. Cho dù chúng tôi có muốn xin làm lính ngự lâm của giáo hoàng cũng sẽ bị loại ngay vì không đạt 3 tiêu chuẩn ắt phải có: là người Thụy Sĩ, cao trên 1.80 mét và phải là đàn ông! Không biết có đúng không?

Lạc vào thế giới thần thánh

Còn cách cửa thánh đường cả chục bước, bị mấy an ninh ra hiệu cất nón. Lại bực mình, nhưng khi bước qua cửa nhà thờ, bao nhiêu khó chịu đều tiêu tan bởi không khí trang nghiêm, cổ kính của thánh đường.

Bên ngoài nắng và nóng trên 30 độ nhưng bên trong nhà thờ mát rượi. Bởi vì ngôi thánh đường có trần cao, rộng thênh thang, tường và cột đều bằng đá cẩm thạch. Hơi lạnh toát ra từ cẩm thạch tạo thêm không khí uy nghi, trầm mặc, lắng đọng như lạc vào hang động trong rừng sâu. Nhà thờ không bật đèn điện trừ ít cây đèn trên các bàn thờ, ánh sáng có được nhờ vào các cửa kiếng màu quanh mái và trần, vì thế không khí càng thêm linh thiêng.

Chúng tôi đi một vòng quanh nội thất nhà thờ để ngắm những bức tranh khổng lồ vẽ trên tường mà hồi nhỏ thường thấy trong tự điển Larousse (Tự điển Pháp – Pháp), những bức tượng điêu khắc to lớn nằm ở các bàn thờ quanh hông thánh đường. Tôi không nhớ có đến mấy chục cái bàn thờ như thế, chỉ biết là rất nhiều và mỗi bàn thờ là một công trình về hội họa và điêu khắc.

Giữa nhà thờ có bàn thờ chính với bục giảng to và cao ngất như giàn giáo. Bên cánh trái (vì nhà thờ có hình chữ thập) là bàn thờ riêng để đức giáo hoàng làm lễ hay dự lễ cùng công chúng, với cung thánh rộng bằng cái phòng tiếp tân trung bình. Ở dãy ghế bên phải có chỗ ngồi của giáo hoàng có gắn huy hiệu riêng. Tuy nằm góc 90 độ so với bàn thờ chính giữa thánh đường, vẫn có nhiều dãy ghế ngồi cho tín hữu xem thánh lễ từ bàn thờ của giáo hoàng. Tôi nghĩ đây có lẽ mới thật là bàn thờ chính của ngôi thánh đường vì có hai giàn ống đàn organ và bục cho ca đoàn hướng về bàn thờ cánh trái này. Đặc biệt có một cửa kiếng màu trên mái với hình vẽ hào quang (Mình Thánh Chúa) tạo ánh sáng thiên nhiên chiếu rọi xuống cả gian cung thánh.

Tôi ngợp mắt với khung cảnh của ngôi đại thánh đường cổ kính này. Hết nhìn chỗ này sang chỗ khác, cố thu các hình ảnh trước mắt như sợ sẽ bị quên đi. Nhà tôi cứ thắc mắc tại sao trong nhà thờ lại có lắm bàn thờ để làm lễ, đi một đoạn là có một bàn thờ, cứ như là một tiểu thánh đường. Nhà tôi cũng thắc mắc là tại sao có nhiều ngôi mộ trong nhà thờ, bên cạnh các bàn thờ. Tôi giải thích rằng có rất nhiều vị giáo hoàng được chôn trong nhà thờ này, họ thường là những vị thánh. Tôi thấy có nhiều mồ của các vị giáo hoàng mà danh tánh không quen thuộc, vì hình như giáo hội có cả vài trăm giáo hoàng.

Ánh sáng ngoài trời chiếu qua kính màu tạo hình hào quang

Tiến theo hành lang bên phải, tới cánh phải nhà thờ thấy có cái mồ bằng lồng kính trong có tượng một người mặc áo đỏ, khuôn mặt to, phúc hậu trông quen quen. Thấy có vài khách hành hương quỳ trước mồ, tôi tiến đến gần và nhận ra đó là Giáo hoàng Gioan thứ 23, chết cách đây khoảng 40 năm. Đây là vị giáo hoàng bình dân, không thuộc hàng uyên bác như các vị khác nhưng là người đã chủ trì Đại Công đồng Vaticano thứ 2, một công đồng đã làm một cuộc cải tổ sâu rộng về mục vụ và xã hội. Vị giáo hoàng này được nhiều người thương mến và nể nang. Hình như Giáo hoàng Gioan Phao-lô II có dự tính phong thánh (hay đã phong á thánh) cho vị cố giáo hoàng này.

Nhà tôi thắc mắc sao xác ngài vẫn còn nguyên vẹn đến thế. Tôi nói lại bị ám ảnh bởi các vị thánh sau khi chết mà xác không bị hư hại. Và cho dù có nguyên vẹn thì làm sao đẹp hơn cả hình thể người sống. Tôi đóng vai hướng dẫn viên du lịch kiêm thuyết minh giải thích đấy chỉ là tượng, đặt nằm trong lòng kính, bên dưới mới là mồ trong đó có di hài của người chết. Nhà tôi đến trước mồ cầu nguyện, tôi bị cuốn hút trong khung cảnh tôn nghiêm và đầy huyền diệu của ngôi thánh đường. Tôi không biết bên trong nhà thờ rộng bao nhiêu, chỉ biết rằng đứng đầu nhà thờ không nhìn thấy người cuối nhà thờ và hai tiếng đồng hồ xem lướt nội thất Đền Thánh Phê-rô trôi qua rất nhanh.

Ra khỏi cửa, tôi nói với nhà tôi là họ gắt gao với chuyện ăn mặc cũng đúng thôi, bởi vì đấy không hẳn là nới cho du khách tới ngắm mà là nơi để khách hành hương tới chiêm ngưỡng, cầu nguyện.

Tôi nói với nhà tôi là chúng tôi “đã đi rô- ma rồi”, nhưng đấy chỉ là rô- ma bên hữu ngạn sông Tiber, rô-ma của giáo hội.

Nhưng La Mã ngày xưa được xây dựng trên 7 quả đồi, nằm dọc sông Tiber. Còn một nửa Rô-ma bên tả ngạn, Rô- ma của Đế Quốc La Mã, một đế quốc có từ thế kỷ  thứ 8 trước Công Nguyên và chỉ sụp đổ vào cuối thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên. Rô-ma tả ngạn này là nơi các vua, các quan chấp chánh tối cao (consul), quan tổng tài (dictator, tức nhà độc tài, chuyên chế) và các hoàng đế đã xây dựng cung điện, lâu đài, đền thờ, vận động trường, hệ thống mương cống, tiêu nước dẫn ra sông Tiber. Không tới Rô- ma này thì coi như chưa đi La Mã, chưa thấy sự hùng vĩ, huy hoàng, kỳ diệu, nền văn minh rực rỡ của Đế Quốc La Mã ngày xưa!

Từ Colosseum đến Quảng trường La Mã

Tôi có 2 ngày ở Ý. Một ngày dành đi viếng Vatican và một ngày đi tham quan cổ thành La Mã. Nói đến La Mã là tôi nhớ đến những phim đã coi hồi thập niên 1960 như phim Ben Hur, Spartacus, Cleopatra, The Fall of the Roman Empire (Ngày tàn của đế quốc La Mã) và gần đây nhất phim Gladiator, đoạt nhiều giải Oscar, đưa tên tuổi một tài tử Úc lên tuyệt đỉnh danh vọng.

Đọc truyện vua chúa Tàu, coi phim The Last Emperor mà sau đó được tận mắt nhìn thấy Tử Cấm Thành, đặt những bước chân trên Điện Thái Hòa của vua Càn Long hay đi dạo trong Cung Di Hòa của Từ Hy Thái Hậu thì mới hưởng cái thú vị của người đi du lịch. Bây giờ tôi sắp được đi xem một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Nhìn bản đồ, tôi chấm hai địa điểm: đấu trường Colosseum (còn gọi là Coloseo) và Quảng Trường La Mã (Roman Forum hay còn gọi là Foro Romano), là di tích tôi đã từng nghe.

Cả hai địa điểm lịch sử này nằm cách xa khách sạn của chúng tôi chừng hai cây số. Chúng tôi có thể đi bộ, nhưng trời xứ Ý lúc này nắng chịu không thấu, nên chúng tôi lội bộ ra ga xe lửa Termini và đi hai chặng xe Metro là tới. Bước ra khỏi cửa là đã thấy ngay một khán đài vòng cung bốn tầng mà một nửa vòng cung của tầng ba và tầng bốn đã sập. Đấy là Colosseum mà bạn có thể thấy quảng cáo đâu đó khi giới thiệu về nước Ý hay thành phố Rome.

Công trình này còn có tên là Flavian Amphitheatre, một loại sân vận động hình bầu dục, lộ thiên, không mái với những dãy ngồi kiểu bậc thang, cao dần, vây quanh một khoảng đất trống làm nơi để trình diễn. Nhưng người ta quen gọi khán đài vòng cung này với cái tên Colosseum.

Thời vua Néron, cũng đã có những khán đài vòng cung, nhưng chỉ bằng gỗ. Chỉ đến thời Vespasian, ông vua này mới nghĩ đến việc xây một công trình lớn hơn, để đời. Colosseum được khởi công xây vào năm 72 sau Công Nguyên, nhưng ông chết vào năm 79 trước khi hoàn tất giấc mộng. Một năm sau, năm 80, con ông là vua Titus tổ chức khánh thành Colosseum và mở tiệc liên hoan kéo dài 100 ngày, vui chơi, săn đấu và giết đến 5,000 thú hoang trong sân khán đài! Nhưng công trình Colosseum chỉ thật sự hoàn tất dưới thời Domitian (81-96 sau CN).

Trước bàn thờ mộ Đức Gioan thừ 23

Colosseum có chu vi 524 mét, tính từ mép sân lên khán đài cao nhất có 80 bậc, có những ô (tức suite ngày nay) ngồi sâu bên trong khán đài, có sức chứa khoảng 90,000 khán giả (gần bằng sân MCG ở Melbourne!). Thời xưa là sân tỉ thí dành cho những võ sĩ gladiator như ta thấy trong phim ảnh. Năm 438 sau Công Nguyên, việc đấu võ bị cấm và Colosseum được dùng vào việc “săn thú vật” cho đến năm 523.

Vào thời trung cổ khán đài kiên cố và cao nghều nghệu này (cao 52 mét; trục giữa sân nơi dài nhất 188 mét và trục ngắn sài 156 mét) trở thành một loại pháo đài. Từ thế kỷ thứ 11 cho đến 15, Colosseum trở thành hoang phế và bị xem như là một cái mỏ đá nơi người ta tới đập phá, đánh cắp, đục đẽo đem vật liệu đi xây dựng ở các nơi khác. Hơn một nửa khán đài bị hư hại cũng phần nào do bàn tay con người phá hoại. Cho đến giữa thế kỷ 18, Giáo hoàng Benediet thứ 16 mới biến nơi này thành Chặng Đường Thánh Giá, và từ đó Colosseum mới thật sự được bảo vệ, và khi gia đình chúng tôi tới tham quan, thấy công tác phục chế và trùng tu đang được tiến hành.

Tài tử Úc đóng phim Gladiator ở đâu?

Giá vé vào cửa mỗi người 8 Euro bao gồm cả vé đi tham quan khu đồi Palatine (Palatino). Dòm bảng yết thị giá cả sao có hơi hướm lối kinh doanh của Trung Cộng và Việt Cộng quá. Ai học ai đây? Gia đình có con nhỏ mà có thông hành các nước trong Liên Hiệp Âu Châu thì được giảm giá, người Úc thòi lòi hoặc gốc Mít như chúng tôi cứ thế mà trả đủ. Nhưng đáng đồng tiền bát gạo, tôi thấy không có gì để than phiền (Vì chúng tôi có một lần duy nhất mua vé vào cửa ở Rome, nên không biết lối phân biệt giá cả có phổ thông ở Ý không).

Đứng sắp hàng ở hành lang bên ngoài khán đài ở tầng trệt, mà tôi cứ tấm tắc khen ngợi kỳ công của người xưa, thắc mắc không biết làm sao mà người ta có thể cắt những tảng đá lớn vuông vức để xây những cột trụ rộng cả sải tay mỗi bề để chống đỡ khán đài bằng đá lẫn gạch cao bốn tầng. Tôi nói sức “bốn ông Việt Cộng đeo cành đu đủ” (hí họa của Chóe thời trước) còn biến sỏi đá thành gạo huống gì với mấy người La Mã lược lưỡng và nô lệ ngày xưa, công trình nào họ chẳng làm nên. Sức người kéo không nổi thì họ cho hàng chục con voi kéo những cỗ xe ngựa (cart) hai bánh hay bốn bánh là đâu vào đó ngay, để hai ngàn năm sau hậu thế còn chiêm ngường.

Nhà tôi hỏi tôi có phải tài tử Russell Crowe đóng phim Gladiator ở ngay trong Colosseum này không, vì trông rất giống. Tôi dòm qua những vòm cung sâu ở bên trong đấu trường thấy toàn là hầm và đường hầm. Hầm với những song sắt to có thể là nơi nhốt tù nhân hay thú dữ. Những đường hầm với những bức tường dày đặc đó chính là  nền móng để có những tầng ghế ngồi của khán giả và khán đài. Tôi thấy hầu như toàn bộ sân khán đài (nơi trình diễn và đấu võ) đã đổ vỡ và trống trơn nên có thể đoan chắc với nhà tôi rằng cái vận động trường lộ thiên thời cổ La Mã duy nhất còn lại ngày hôm nay không phải là nơi người ta đùng để đóng phim. Cả mặt tiền bên ngoài cũng vậy, vì Colosseum có nhiều vết loang lỗ mà đấu trường trong phim thì lành lặn, như mới xây nên nhất định đó là phim trường ở Hồ Ly Vọng hay một nơi nào khác. Với kỹ thuật phim ảnh hiện đại có gì mà người ta không dựng nên được, như dựng lại chiếc tàu Titanic chẳng hạn.

Tôi nói với vợ con Colosseum không đẹp bằng đấu trường trong phim nhưng thấy tận mắt thì quả là vĩ đại. Những tiếng ‘ồ, à” là phản ứng tự nhiên của khách tham quan trước những loại công trình có một không hai này. Chúng tôi đi vòng quanh các dãy lầu, chụp hình lưu niệm, xuống sân đấu trường để xem công tác tái kiến thiết vì sân này đã hoàn toàn sụp đổ một trăm phần trăm. Tôi thấy một nửa vòng cung của khán đài chưa sập cũng đang được tu bổ. Du khách không được vào một số khu vực vì cấu trúc cũ kỹ, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Khán đài lộ thiên Colossuem là một trong những chứng tích của nghệ thuật kiến trúc, tài xây cất của người La MÃ, là nguồn cảm hứng và là kiểu mẫu cho nghệ thuật xây cất của cả Âu Châu sau này.

Cũng như ở Vatican, tôi không muốn rời Colosseum sớm, cứ muốn đứng đấy, đi lui đi tới ngắm cho hết hang cùng ngõ ngách, nhưng còn những chỗ khác cần tham quan nữa. Chúng tôi đi qua khu Platine Hill. Cá nhân tôi chưa từng nghe tên di tích lịch sử này, nhưng thấy có kèm trong vé tham quan Colosseum mà không đi thì cũng sợ uổng tiền và biết đâu có thể là một di tích hấp dẫn vì khi người ta đã bán vé thì phải có cái gì đó.

 

Tôi qua khu Palatine nằm bên mé trái Colosseum, trình vé vào. Người nào muốn đi xem Palatine riêng rẽ thì cũng phải mua vé riêng, nhưng người mua vé xem Colosseum thì phải mua luôn “package” cả hai nơi, không còn lựa chọn khác. Ngoài các bậc tầng cấp bước lên khu đất cao là đáng kể, mặt tiền đồi Palatine chẳng còn để lại bao nhiêu dấu vết của một La Mã hai ngàn năm về trước. Chỉ còn là  những khu vườn được chăm sóc kỹ lưỡng và một vài di tích là những căn nhà của người Hy Lạp di cư đến vùng này từ Thời Đồ Đồng.

Tôi nghe nói  đây là nơi mà Hoàng Đế Augustus sinh ra và sau đó quyết định sinh sống tại đây khiến khu đất rất rộng này đã một thời trở thành một thứ hoàng cung của các hoàng đế thuộc các đời sau, bởi vậy khu vực này mới có cái tên Palatium bằng tiếng La-tinh có nghĩa là cung điện. Sau nhiều thế kỷ hoang phế, các nhà quý tộc thời Phục Hưng đã xây dựng các biệt thự ở đây. Thời gian sau đó, lại có những công trình xây cất vườn tược, nhưng ngày nay chẳng còn lại mấy dấu tích sau hai thế kỷ bị khai quật để tìm cổ vật.

Nhìn đồi rộng cả cây số vuông, thấy những vách tường nhà đổ nát của các hoàng đế mờ mờ đằng xa dưới ánh nắng trưa hè gay gắt, lại nằm trên cao nên gió bụi nhiều, chúng tôi đi được vài trăm thước trong công viên và vườn cây, đành quyết trở lại, dành thì giờ để xem những di tích đang hiện rõ trước mắt, dưới chân đồi. Cho dù còn tham lam xem thật nhiều, nhưng thì giờ có hạn, sáng sớm mai đã phải rời Ý rồi.

Xuống đồi Palatine, quẹo tay trái đi xuống dốc, là bạn sẽ bắt gặp ngay khu có tên bằng tiếng Ý là Foro Fomano (tiếng Anh Roman Forum) và tiếng Việt tôi tạm dịch là Quảng trường La Mã.

Khu đất này – rộng gần bằng diện tích của tòa thánh La Mã chạy dài từ đấu trường Colosseum đến tận điện Capitol – ngày xưa có gần 20 cung điện, đền thờ mà nay chỉ còn lại khoảng một phần năm là tương đối còn mái còn vách, chứ phần còn lại chỉ toàn một bãi đất trống rải rác những cột trụ nằm chơ vơ, những bức tường thấp, và những viên gạch rời rạc như đã đăng trong trang 42 số báo tuần trước.

Quảng trường La Mã – tức là nơi nhân dân tới hội họp để bàn việc công, được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ 6 hay thứ 4 trước Công Nguyên. Lúc đầu còn là cái chợ, về sau biến thành trung tâm chính trị, kinh tế và tôn giáo. Qua các triều đại của các nhà vua, các nền cộng hòa và sau cùng là thời đế chế, nhiều công trình kiến trúc khác đã được xây lên như Điện thờ Julia, Điện thờ Temple of Vesta của các nữ tu, Điện Maxentius, Điện Aemilia, cổng hình cung Arch of Septimius Severus, Temple of Antonius and Faustina, Điện thờ Julius Caesar v.,v..

Độc tài “anh minh”

Nói đến Caesar là tôi nhớ một nhân vật lịch sử mà tôi thích nhất thời học trò. Người ta thường nói đến chữ “nếu” như nếu Caesar không bị ám sát, nếu Napoleon không bị ám hại (?) trong thời gian bị Anh giam tù hoặc nếu Quang Trung không mệnh yểu (?) thì cục diện thế giới và đất nước của họ có thể đã thay đổi. Những người nói trên là những nhà chuyên chế nhưng được phần lớn dân chúng tôn sùng và đôi khi còn gọi là những vị vua anh minh. Có lẽ do họ làm được việc?

Khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên, La Mã đã là một đế quốc rộng và hùng mạnh, nhất là sau khi họ đánh bại thành Carthage. Nhưng Thượng viện (Senate) dưới thời Công hòa La Mã rất yếu kém trong việc cai trị. Họ được lập ra để điều hành một thành phố như Rome chứ không phải để cai trị một đế quốc. Các nghị sĩ thời đó chỉ giỏi đấu đá nhau và nhận hối lộ, nên dân chúng muốn có một nhân vật mạnh.

Julius Galus Caesar sinh ngày 12 tháng 7 năm 100 trước Công Nguyên (vì vậy tên Julius được đặt cho lịch tháng bảy, tức July), thuộc dòng dõi quý tộc. Lấy bà Cornelia năm 16 tuổi (vợ chết lúc ông 23 tuổi), làm trạng sư năm 22 tuổi, được chọn làm quan coi quốc khố năm 32 tuổi. Năm 37 tuổi được phong chức đại giáo trưởng La Mã (pontifex maximus) và năm 38 tuổi làm pháp quan (praetor). Năm 39 tuổi làm thái thú Viễn Tây Ban Nha. Cùng với Pompey và Crassus ông thành lập bộ Tam Đầu Chế đầu tiên nhưng rất lỏng lẻo. Năm 41 tuổi ông được chọn làm quan chấp chánh tối cao (consul).

Thấy đường hoạn lộ của Caesar thênh thang, các nghị sĩ lo sợ nên họ đì ông bằng cách cho ông qua xứ Gaul để cai trị cái tỉnh rất xa mặt trời Rome. Gaul là một tỉnh thuộc nước Pháp ngày nay và có lẽ vì thế người Pháp mới cho rằng tổ tiên của họ là người Gaullois. Năm 51 trước Công Nguyên, lúc đó Caesar 49 tuổi, mang quân sang cai trị tỉnh Gaul và ông đã chinh phục được một phần lớn đất đai Tây Âu ngày nay. Danh tiếng của ông vang đội cả Rome khiến các nghị sĩ càng lo sợ hơn.

 

Sau khi Caesar mãn nhiệm kỳ ở Gaul, Thượng Nghị Viện yêu cầu Caesar trở về Rome nhưng phải để quân lính ở lại Gaul. Họ ra lệnh cho Caesar không được đem quân ra khỏi sông Ribicon. Caesar bất tuân lịnh Thượng Viện, ung dung mang đoàn quân thắng trận trở về La Mã giữa tiếng reo hò của dân chúng trong thành. Ngày nay, người ta thật sự không biết sông Rubicon nằm ở nơi mô, là một trong số những con sông nào giữa biên giới nước Ý và nước Pháp, nhưng thành ngữ Cross the Rubicon ngày nay là một lối nói văn hoa để chỉ quyết tâm của một người dù khó khăn nguy hiểm đến đâu vẫn phải hoàn tất cho được việc quan trọng mà họ đã nhắm tới, kiểu một liều ba bảy cũng liều.

Thời gian năm 49 đến năm 45 trước Công Nguyên đánh dấu giai đoạn cuộc nội chiến La Mã. Caesar mở nhiều mặt trận, giúp người tình là nữ hoàng Cleopatra ở Ai Cập củng cố địa vị, liên minh với La Mã (có với Cleopatra một đứa con là Caesarion), và dành được danh hiệu Dictator of Rome, dictator for life, trở thành nhà chuyên chế trọn đời, và từ đấy trong lĩnh vực chính trị mới có từ nhà độc tài – dictator. Nền cộng hòa của La Mã bị xóa bỏ từ đây.

Caesar có công xây dựng  một La Mã hùng mạnh, thống nhất nước Ý, lót đường cho Đế Quốc La Mã sau này mà người hưởng đầu tiên là Augustus. Ông là một nhà cải cách, người đặt ra các đạo luật đầu tiên để cai trị La Mã, chỉnh đốn hệ thống tiền tệ. Hình của ông có trên hầu hết các đồng tiền La Mã, và trên danh nghĩa tuy ông chỉ có chức tước là Dictator (nhà chuyên chế) nhưng người ta coi ông như Emperor (hoàng đế) bởi vậy mới có chuyện trong Kinh thánh, khi các người biệt phái đưa đồng  tiền La Mã cho Chúa Giê-su để hỏi kiểu bắt bẻ, đã được ngài trả lời: “Của Caesar hãy trả lại cho Caesar, sự gì của Thiên chúa hãy trả lại cho Thiên chúa”.

Người ta coi Caesar là nhân vậc xuất sắt nhất của La Mã cổ đại, một trong những vị tướng lừng danh nhất trong lịch sử Âu Châu, ảnh hưởng đến văn minh và lịch sử của Âu Châu sau này. Ngoài tài quân sự, chính trị, Caesar còn là một nhà văn với những tác phẩm nổi tiếng bằng tiếng La-tinh như “Bút ký về cuộc chiến ở xứ Gaul”“Bút ký về cuộc Nội chiến”.

Caesar đã nói một câu lừng danh trước Thượng Nghị viện La Mã sau khi ông chế ngự được Pharnaces, một ông vua nổi lên chống La Mã với câu “Veni, vidi, vici”, có nghĩa “tôi đã đến, đã thấy, đã chiến thắng”. Nhà quân sự thiên tài, chính khách lỗi lạc và nhà văn tài hoa của đế quốc La Mã chỉ mô tả cuộc hành quân của ông bằng ba động từ ngắn gọn bằng tiếng La-tinh!

Tôi mê câu nói của Caesar từ hồi học sử La Mã nên khi đến Công trường La Mã, đứng trước đền Temple of the Deifield Julius Caesar nằm ngay giữa phức hợp Roman Forum đã bị sụp đổ, chỉ còn cái nền trơ trọi, tôi thầm đọc lại câu nói của ông, sửa chữ cuối, rằng “tôi đã đến, đã thấy … và đã thật sự đi La Mã”.

Ngày 15.3.44 trước Công Nguyên, ba ngày trước khi Caesar chuẩn bị lên đường mở cuộc hành quân đến Martiae, ông qua Thượng Nghị viện dự phiên họp cuối cùng. Mặc dù bị cảnh cáo hãy đề phòng những nguy hiểm về tính mạng nhưng Caesar quá tự tin và coi thường đám nghị sĩ trói gà không chặt, chỉ giỏi tranh dành quyền lợi. Nhưng ông đâu ngờ cuộc âm mưu này có đến 60 người tham dự, được lãnh đạo bởi Cassius và con nuôi là Brutus.

Bọn này dấu dao găm trong áo choàng bước vào phòng họp, bao vây Caesar và đâm ông tới 23 nhát. Caesar ngã quỵ xuống sàn, ngước nhìn đứa con nuôi và chỉ nói được một câu trước khi tắt thở: “Cả con nữa ư, Brutus?”. Năm đó ông được 56 tuổi.

Vì trước đây Caesar không có con để kế truyền nên đã nhận Octavian làm cháu. Sau khi Caesar chết, Octavian liên kết với tướng cận vệ của Caesar là Mark Antony và Lepidus làm bộ  Tam Đầu Chế lần thứ hai trong lịch sử La Mã. Sau khi Mark Antony đưa người tình Cleopatra chạy về Ai Cập và thua trận thủy chiến với Brutus, Octavian xưng hoàng đế, lấy niên hiệu Augustus, chính thức mở đầu đế chế La Mã.

Cả một lịch sử hai ngàn năm trước diễn ra trước mắt tôi trên lối mòn Quảng Trường La Mã. Chúng tôi đi trên con đường nằm giữa những xác đền đài như bãi tha ma, tiến về cổng vòng cung Arch of Septimius Severus, quẹo phải, đụng điện Capitol trước khi tìm đường ra bên ngoài đường lộ đón xe bus về khách sạn.

Cũng nên nói thêm từ đấu trường Colosseum tới điện Capitol có khoảng 3 cái cổng hình vòm cung mà cái lớn nhất và còn khá nguyên vẹn là Arch of Constantine. Cổng chào mừng chiến thắng này có ba cửa (một loại Cổng Tam Quan Việt Nam), cao 25 mét. Đây là cái cổng mà Thượng Viện xây lên để ghi nhớ Hoàng Đế Constantine (người cho phép truyền đạo Thiên Chúa ở La Mã). Công cuộc tổng đại tu Arch of Constantine được thực hiện từ năm 1982-1987 làm cho người ta có cảm tưởng như khải hoàn môn này mới được xây hồi gần đây.

Trước tầng cấp lên điện Capitol

Khải hoàn môn La Mã đã là nguồn hứng để các nước Âu Châu bắt chước xây ở đường phố của họ, từ Anh tới Pháp. Khải hoàn môn danh tiếng ở Paris là Arc de Triomphe mà Napoleon cho xây để đón đoàn quân chiến thắng của ông trở về nước diễn hành cũng là sự bắt chước của La mã, nhưng Napoleon cho xây lớn hơn, cao hơn. Khải Hoàn Môn là niềm hãnh diện của người Pháp, để rồi hàng năm có lẽ Pháp là người duy nhất ở Tây Âu cho tổ chức duyệt binh long trọng (dù mưa hay nắng) trong ngày Quốc Khánh 11 tháng 7. Con gà trống Pháp thích gáy là thế!

Trước khi ra đường lộ đón xe bus, tôi phải đi qua điện Capitol và nhờ thế mà có dịp chiêm ngắm một công trình kiến trúc chót của người La Mã trước khi rời Ý.

Điện này cũng được xây trên đồi cao với quần thể gồm nhiều tòa nhà mà tòa nhà lớn nhất nằm ở giữa là điện thờ thần Jupiter – Temple of Jupiter the Best and the Greatest – cao bốn tầng, rộng 53 mét và dài 63 mét. Điện này được khánh thành năm 509 trước Công Nguyên, bị cháy năm 83 trước Công Nguyên và được xây lại một phần bằng đá cẩm thạch với những cột trụ to lớn được mang từ Hy Lạp sang, lấy từ đền Thần Olympic Zeus của thành Athens. Điện Capitol được xây lại lần chót dưới thời Hoàng Đế Domitian (81-96 sau CN). Và sau này, dước thời Phục Hưng (các thế kỷ 14, 15 và 16), được bàn tay khéo léo của Michelangelo làm cho hoa lệ hơn.

Thấy đẹp, lộng lẫy, chúng tôi chụp một số hình lưu niệm trước sân và  từ các bậc cấp lên sân trước mặt tiền điện.

Trời đã về chiều, chúng tôi đón xe bus về khách sạn. Tới gần trạm xe lửa, thấy có tiệm đổi tiền, tôi dừng lại. Cái tên Western Union nhận chuyển tiền nhanh chóng khắp nơi trên thế giới làm tôi nhớ quen quen, hình như đã nhiều lần đăng trên báo Tivi Tuần San. Trong khi vợ và các con gái tôi lo về trước để vào siêu thị mua ít nước ngọt, tôi nói với con trai rằng đổi tiền chỗ này thì hy vọng sẽ an toàn hơn vì đây là một công ty chuyển tiền quốc tế. Con trai tôi có vẻkhông tin tưởng cho lắm, vẫn còn một nghi năm bảy ngờ.

Tôi hỏi cô thâu ngân có phải hối xuất như đề trên bảng không, cô ta nói đúng. Hỏi có phải không có commission (huê hồng) như đã ghi trên tường không. Cô gật đầu. Tôi yên chí đưa tiền đổi, nhưng khi lấy biên lai thì mới thấy có cái khoảng service fees tức tiền dịch vụ đến 6.5%.

Lại thêm một kinh nghiệm nữa, tuy không bực mình bằng lần đổi tiền gần cổng Vatican. Tôi nói với con, sang Pháp tôi sẽ hỏi thật chi tiết có bao nhiêu thứ chi phí và nhất là tôi sẽ nhận được bao nhiêu sau khi đổi tiền.  Chứ ngại mà không hỏi là chỉ bị thiệt thòi, dẫu làm ăn phải lấy tiền công là chuyện bình thường, nhưng nếu không rõ ràng và có cảm giác bị gạt thì rất khó chịu. Tôi không muốn quơ đũa cả nắm, nhưng đổi tiền ở các tiệm ngoài phố khó tránh khỏi cảnh làm ăn chụp giựt.

Cũng nhờ kinh nghiệm đó, qua Pháp tôi không còn phải gặp cái cảnh trả huê hồng, dịch vụ, tiền thuế như ở Ý, dù đó là tiệm của người Pháp hay người Hoa. Họ đề bảng và nói miệng hối suất bao nhiêu là mình nhận đủ bấy nhiêu (cũng xin nhắc lại, nên đổi tiền ở các phi trường và nếu tiện, xài thẻ tín dụng có lợi hơn).

Về đến khách sạn, uống nước, thấy trời vẫn còn sáng, tôi nói với vợ con là cái vé xe còn hiệu lực đến khuya, tại sao không nhảy lên xe bus trước mắt khách sạn, đi hết đầu này tới đầu kia, ngang dọc để ngắm thành phố vì gần cả hai ngày qua, cứ phải dùng xe metro, đi dưới hầm, chỉ thấy mặt đường mỗi khi ra khỏi trạm.

Thế là chúng tôi được dịp ngồi xe bus, ngắm nhiều con đường trong nội thành Rome, những con đường chật hẹp bao bọc với những dãy phố cổ ba bốn tầng hai bên, xe cộ chạy sát nhau, lách qua lách lại như muốn đụng nhau, chẳng khác nào đường xá ở Hồng Kông. Cũng khá thú vị với lối “đi tour” không có người hướng dẫn này.

Đến 10 giờ đêm thì không còn ánh mặt trời, chúng tôi trở về khách sạn, ghé qua một nhà hàng bên cạnh mua ít đồ ăn về khách sạn nhắm với bia, nước ngọt đã mua ở siêu thị hồi chiều. Thức ăn ở tiệm dẫu mang về nhà cũng đắt. Chẳng hạn một cái pizza loại nhỏ mỏng dính giá 8. Nhưng bia mua tại siêu thị (loại  330cc) chỉ có 45 xu Euro  trong khi ở tiệm này bán 1 ly đến 3 Euro. Kinh nghiệm mà tôi muốn nói với các bạn dự tính đi Ý hay Pháp, ngoại trừ những lúc đói khát bất ngờ không tiên liệu trước, nếu có thì giờ, nên mua đồ ở siêu thị, từ bánh, trái cây, thức ăn đến nước uống: tiết kiệm khá nhiều.

Thế là chúng tôi được ở Rome 2 đêm và 2 ngày, kể cả thời gian đi và đến phi trường. Tôi rời Rome mà còn tiếc rẻ, bởi vì chỉ tại thành phố Rome mà thôi, còn cả chục nơi chốn nên đi tham quan, đó là chưa nói đến danh lam thắng cảnh ở các thành phố khác của một nước Ý có phong cảnh đẹp (vì hơn nửa nước là một bán đảo) một lịch sử lâu dài và phong phú: Nào Naples, nào Florence, nào Venice, nào Assisi, nào Pisa với tháp nghiêng Leaning Tower v.,v… (nhưng không cần đi đảo Sicily, nơi nổi danh xuất phát mafia).

Nhưng niềm luyến tiếc đó chóng qua vì Kinh đô Ánh sáng (City of light) đang chờ chúng tôi với 18 đêm còn lại của một chuyến “Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày”. Mời bạn đọc theo dõi, giữ tài liệu chuyến bút ký đường xa này để tham khảo nếu có dịp đi Pháp, Ý, Bỉ và Anh./.

TVTS số 906 – 6.8.2003