Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: Trên Khải Hoàn Môn và đỉnh gió hú Eiffel (kỳ 4)

13 Tháng Tám, 2003 | Pháp
Cầu gỗ nơi dân Paris hóng mát ăn uống. Nhà Thờ Đức Bà nằm ở cù lao phía sau

Nguyễn Hồng-Anh

***

Trước khi đi Pháp tôi nói với người bạn chủ nhà rằng chuyến đi ngoại quốc này chắc phải vui, hấp dẫn lắm vì nước Pháp nổi tiếng đẹp về mọi phương diện. Người bạn nói đúng. Nhưng theo anh, bởi vì có những người (Việt ở Mỹ) chưa bao giờ đi Pháp hoặc đi tới không đúng chỗ, cư ngụ không đúng nơi, mới chê bai nước Pháp sao chật chội, dơ dáy, nhà cửa lụp sụp, thậm chí còn xài cả cầu tiêu ngồi chồm hổm.

Không phải chỉ một mình anh bạn chủ nhà tôi ở trọ 18 đêm mà khi đến quận 13 ở Paris thăm cô bạn học cùng lớp ngày xưa nay là chủ tiệm sách, cô bạn hỏi tôi thấy nước Pháp thế nào, và khi nghe tôi trả lời rằng nước Pháp rất đẹp, có quá nhiều chỗ để tham quan, nhưng…  nhà cửa có vẻ hơi chật một chút, thì một bà đứng bên cạnh đáp ngay “Đắc- co! Mấy người ở bên Mỹ qua đây chơi cứ khoe nhà họ bên Mỹ rộng thênh thang, nhiều phòng, còn bên Pháp thì bé tí. Ủy, ủy! Thì họ qua đây làm gì. Đã có chỗ để ở mà còn chê bai!”

Phê phán vội thì chẳng khác nào mấy ông thầy bói mù mô tả hình dáng một con voi. Nhưng do méo mó nghề nghiệp, tôi sẽ có vài nhận định sau những ngày lang thang phố xá Paris, gặp một số người Việt, thăm nhà cửa của họ và hỏi han về đời sống của họ.

Mê ngay từ phút đầu

Từ Rome qua Pháp, chúng tôi đi máy bay Lufthansa của Đức ghé Munich, đổi máy bay rồi mới bay đến Paris, mỗi chuyến bay kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Trong chuyến đi Âu Châu, tôi đi Lufthansa cả thảy 3 lần và có gặp trường hợp, có thể là cá biệt. Có một ông cụ người Ý không muốn uống nước cô-ca mà chỉ xin nước cam nên đã bị cô tiếp viên xẵng giọng vì cô không muốn mất công đi lấy thức uống chỉ cho một người khách. Cuối cùng cô cũng vùng vằng đi lấy cho khách.

Riêng tôi, khi được hỏi ăn gì – mì thịt hay mì bơ – tôi cứ ớ ra không hiểu, bởi vì đã quen ăn uống trên các máy bay có tuyến đường dài, nên hy vọng họ sẽ nói lên vài món cho mình lựa chọn. Khi cầm ổ bánh mì bọc giấy to tiếp viên trao tay như người ta bán mì ổ ngoài phố, tôi mới nói với nhà tôi sao lối ăn uống trên máy bay này  giống mình đi pic-nic với các hội đoàn quá. Mà e không được như thế nữa. Vừa so sánh vừa cười, nuốt không vào nhưng đói thì cũng sạch.

Tôi nói với nhà tôi tuyến đường ngắn, người ta chẳng quan tâm chuyện ăn uống. Một số hãng máy bay còn dẹp các vụ ăn uống lếch thếch để bán vé hạ. Nói gì thì nói, tôi vẫn thích sự phục vụ trên máy bay, làm thời gian ngắn lại và bớt căng thẳng. Nhất là Singapore Airlines, thứ đến Cathay (Hồng Kong), Thai, Quantas…

Chúng tôi đến Paris vào buổi trưa. Anh bạn Bùi Sỹ Thành ra tận sân bay Charles De Gaulle đón chúng tôi. Anh còn đem theo hai người con rể, một Việt và một Pháp, để giúp chúng tôi chở hành lý về nhà anh, ở vùng Champigny, gần sông Marne. Qua buổi hội ngộ, chúng tôi gặp lại vợ con anh, những cô con gái thời chúng tôi vượt biên mới có bảy, tám tuổi nay đã có chồng con, tốt nghiệp đại học và đã có công ăn việc làm. Nhờ con cái được bảo lãnh qua Pháp khi đã lên trung học nên hầu hết đều nói được tiếng Việt, hướng dẫn chúng tôi một cách thoải mái.

Vì đến Paris nhằm ngày Chủ Nhật, nhà tôi cứ lo lắng hỏi có nhà thờ quanh vùng không. Anh bạn chúng tôi người lương, nhưng bảo đảm với tôi khỏi lo, vì đi đâu cũng thấy nhà thờ. Nhưng nhà thờ thì có, mà lễ thì không. Tới hai nhà thờ trong vùng mới biết rằng chỉ có một lễ buổi sáng. Cô gái con người bạn nói với tôi  chiều nay lên Paris đi bát phố, lang thang xem người xem cảnh ngoài bờ sông Seine và luôn tiện ghé Nhà Thờ Đức Bà, có lễ thì xem luôn. Nhà tôi yên chí.

Dĩ nhiên là chúng tôi đi lên Paris bằng phương tiện công cộng, vì tiện lợi nhất và rẻ nhất. Đón xe bus lên ga Champigny, chúng tôi đi xe lửa (RER) lên ga Chatelet Les Halles, đổi metro đi thêm hai trạm nữa là tới ga Saint-Michel, tức khu Nhà Thờ Đức Bà.

Đấy là vào khoảng 7 giờ chiều, mặt trời còn trên cao và rất nóng, chúng tôi vào dự lễ. Lễ đồng tế có ca đoàn lớn hát trên cung thánh. Giáo dân đứng đầy hai phần ba ngôi thánh đường trong đó có rất nhiều người có thể là những du khách tình cờ ghé tạt như chúng tôi. Cũng có những du khách đi vòng vòng hai bên hông trong nhà thờ ngắm cảnh, tượng, bàn thờ riêng rẽ  tương tự trong Điện Thánh Phê-rô bên La Mã.

Lễ xong, chúng tôi đi một vòng bên trong thánh đường, rồi ra bên ngoài để có thể nhìn được toàn thể ngôi thánh đường nổi tiếng trên thế giới, còn xưa và cổ kính hơn cả Đền Thờ Thánh Phê-rô ở Vatican, vì một bên xây vào năm 1163 trong khi bên kia chỉ bắt đầu xây vào năm 1506.

Chúng tôi qua bên kia sông Seine, khu Quartier Latin để nhìn sang Nhà Thờ Đức Bà thì mới thấy rõ là ngôi thánh đường này nằm trên một hòn đảo, đúng hơn là giữa một cù lao lớn có nhiều cơ sở và công trình kiến trúc khác.

Quarter Latin – hay khu La-tinh – là một địa danh quen thuộc đối với những sinh viên Việt Nam du học tại Pháp. Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Việt Nam có dịp sống hay thăm thú Paris thường kể về cuộc sống ở đấy và so sánh với Sài Gòn (trước năm 1975), cho rằng có nhiều điểm giống nhau. Nhộn nhịp, đông đúc, ồn ào, chen lấn, thoải mái, đủ mặt hàng kỷ niệm, bán đủ thức ăn, món ăn của nhiều quốc gia. Quán cà phê, quán bia tràn ra ngoài đường, khách vừa uống nước vừa đọc truyện, những tên sách mới xuất bản giấy còn bóng láng, thẳng nếp, hay rửa mắt bằng cách ngắm người qua lại. Những ban nhạc bỏ túi trình diễn, những anh làm xiệc tự phát, những học sĩ vẽ tranh phong cảnh bất cần đời hay những họa sĩ vẽ chân dung mời người qua đường dừng lại. Tấp nập trên phố, trên các cây cầu bắc qua sông, qua cù lao, trên đường ven sông và dọc dưới bờ sông. Rộn nhịp suốt ngày, đến đêm khuya. Tôi nghĩ Sài Gòn của thập niên 1960 và đầu 1970 cũng không vui nhộn bằng.

Tôi có nhân xét Paris là thành phố của những cây cầu. Nhưng vui và lạ nhất là cây cầu Pont des Arts (có thể là Pont Carrousel vì tôi không thể nhớ hết), một cây cầu lớn bằng gỗ, nối liền Quartier Latin với bảo tàng viện Mesee du Louvre, nơi thiên hạ buổi chiều ra ngồi đọc sách, đem thức ăn đồ uống  ngồi hóng gió như đi pic-nic. Nhậu hả? Cứ tự nhiên. Tôi chưa thấy có loại cầu cảnh nào như vậy ở Melbourne.

Trước đây tôi cứ nghĩ Khu La-tinh là khu dành cho người tứ phương, di dân, giới bình dân sống, vì từ La-tinh làm tôi liên tưởng tới người Châu Mỹ La-tinh hoặc những giống dân miền tây nam Âu Châu, hay bất cứ một thứ linh tinh, mớ tạp lục nào.

Trước cổng Khải Hoàn Môn

Tôi hỏi anh bạn đã sống ở Pháp tại sao lại có cái tên Khu La-tinh thì anh cũng chẳng rõ, chỉ đồ đoán do khu này có nhiều trường đại học, nhiều học xá, là chỗ lui tới, sinh sống của các sinh viên, mà ngày xưa sinh viên hầu như phải học tiếng La-tinh, ngôn ngữ của giới uyên thâm, bác học, nên mới gọi đấy là Quartier Latin, tức khu vực dân trí thức, một thứ làng đại học.

Đi quanh quẩn những con đường nhỏ, xem thiên hạ sinh hoạt, coi những tiệm ăn mời mọc khách, với lối chơi rất tây của một số tiệm, như mỗi lần có khách bước vào cửa là họ ném vỡ những chiếc đĩa bằng sứ ngay trước cửa tiệm, trông ngổn ngang vướng mắt nhưng rất độc đáo thú vị.

Ngày đầu tiên tôi đến nước Pháp với một buổi lễ trong Nhà Thờ Đức Bà và một chuyến đi lang thang dọc sông Seine, bát phố Quartier Latin, vừa đi vừa ăn vặt.

Phương tiện di chuyển

Trước khi qua Pháp, tôi đã nghĩ những nơi tôi sẽ đi thăm thú. Anh bạn chủ nhà Bùi Sỹ Thành của tôi còn cẩn thận hơn, cho biết đã chuẩn bị chương trình, những nơi tôi sẽ đi, nhất là với nghề quay video nghiệp dư của anh, anh sẽ đi theo gia đình chúng tôi và quay cho một cuốn phim video để làm kỷ niệm. Anh nói có nhiều người Việt ở Mỹ qua Pháp chơi, không có người hướng dẫn, nên chẳng biết đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà hay đi ra phố Tàu hoặc bờ sông Seine là hết. Tôi nói với anh bạn tôi có rất nhiều kinh nghiệm đi du lịch và thưởng ngoạn cảnh. Có bạn bè dẫn đường là tuyệt, có hướng dẫn viên du lịch cũng tốt, nhưng không có cũng chẳng sao, bởi vì tôi biết xoay xở, biết trước mình muốn xem thứ gì.

Tôi để cho anh hướng dẫn tôi trong một vài ngày đầu, vì tôi cần làm quen với đường đi nước bước trong thành phố bằng ba loại giao thông: xe bus, xe lửa và metro.

Anh bạn mua tặng cho gia đình chúng tôi 5 cái vé đi xe một tuần lễ với giá 115 Euro (tiền Euro cao gấp đôi tiền Úc). Vé này cho phép đi từ zone 1 đến zone 3 (20 quận nội thành) và zone 4 (quận ngoại thành, như Champigny nơi chúng tôi ở trọ). Như vậy, mỗi người mỗi ngày chỉ tốn khoảng 3.30 Euro. Muốn mua vé rẻ như thế, phải mua nguyên một tuần (mua một tháng còn rẻ hơn) và phải mua từ ngày Thứ Hai đầu tuần.

Những tuần lễ sau, do đi chơi ở những vùng xa nên chúng tôi đã không mua vé từng tuần lễ, và vì vậy, phải mua vé hàng ngày, rất là đắt.  Mua vé từng chuyến, từng đoạn, lại còn đắt hơn nữa. Vé một ngày cho một người là 8.5 Euro. Hóa ra, thà mua vé nguyên một tuần lễ mà chỉ đi vài ba ngày vẫn còn lợi hơn phải mua vé từng ngày, vì khi đó, thay vì 115 Euro, tiền vé bảy ngày sẽ là 297.50 Euro. Đó là một kinh nghiệm mà chính anh bạn chủ nhà của tôi cũng công nhận là đáng để ý.

Thật thế, nếu bạn không tính trước, để rồi một gia đình mà mỗi ngày phải tốn trên 80 Úc kim cho việc di chuyển bằng phương tiện công cộng thôi, thì cũng quả tốn kém cho một chuyến đi chơi xa, bởi còn bao nhiêu chi phí bất ngờ khác đang còn chờ đợi.

Trên nguyên tắc, các gia đình có con cái khi mua vé đi xe sẽ được chước giảm, không cần phải trình giấy tờ và cũng chẳng cần phân biệt là người Pháp hay người nước ngoài. Tuy nhiên, những người bán vé ở mỗi quầy ga áp dụng một chính sách riêng. Có những cô thâu ngân thấy chúng tôi đi một đoàn, đoán là gia đình du khách, tự động bảo là mua vé gia đình cho rẻ hơn. Ôi, ga-lăng như tây, dễ thương như đầm! Nhưng cũng có những quầy khác khi anh bạn tôi hỏi tại sao lại không bớt, thì được nghe một cái giọng xẵng và nhát gừng: “Tại sao à? Tại thế thôi!”. Chớ quy cho họ là kỳ thị.

Pháp có lẽ là nước có hệ thống metro tối tân, rộng lớn nhất ở Tây Phương. Vì vậy, đi metro ở Pháp tiện lợi và dễ dàng. Trên bất cứ tuyến nào, góc nào, hễ nhảy xuống là có thể đáp ngay chuyến khác trong nháy mắt. Bạn phải tới sống trong một thành phố có 11 triệu dân mà đa số đều dùng phương tiện công cộng mới thấy mạng lưới giao thông công cộng ở Pháp hữu hiệu thế nào. Đường hầm này chồng lên đường hầm kia, hàng chục thước sâu dưới lòng đất. Người Pháp hẳn phải hãnh diện trong việc tiên phong sử dụng đường xe lửa ngầm trong lòng thành phố.

Cũng vì người người nhà nhà đều dùng phương tiện công cộng nên chính phủ Pháp, theo anh bạn tôi nói, mỗi năm lỗ không biết bao nhiêu mà kể, chỉ vì khuynh hướng xã hội của họ. Tôi thấy chính phủ lỗ phần lớn do nạn đi xe không trả tiền. Mỗi buổi chiều trên đường về,  tôi thấy không biết bao nhiêu thanh niên nhảy đánh đu qua khỏi cửa kiểm soát, khỏi cần đút vé và chờ cửa mở. Đó là nói ở những trạm xe lửa, xe metro, còn đi xe bus thì khỏi, cứ việc lên xe ngồi. Trong 18 ngày ở Paris, đi cả ngày lẫn đêm, tôi chưa từng thấy một vụ kiểm soát, hỏi vé nào cả.

Trước khi qua Paris, tôi nghĩ sẽ có nhiều dịp đi taxi. Nhưng khi thì đi phương tiện công cộng, khi được anh bạn chủ nhà nghỉ hưu chở, nên chỉ có đi taxi một lần duy nhất. Một cuốc đường xa chạy chừng  một tiếng mất trên 60 Euro. Chẳng rẻ chút nào phải không bạn, dù ở Paris tôi thấy phần lớn xe taxi là loại xe Mercedes?

Khải Hoàn Môn

Qua một đêm ở Kinh Đô Ánh Sáng, ngày hôm sau, anh bạn chủ nhà dắt chúng tôi lên Paris xem khải hoàn môn, tiếng Pháp là Arc de Triomphe. Chúng tôi mất khoảng một tiếng để từ ngoại ô lên Khải Hoàn Môn, nằm giữa biên giới ba quận 8, quận 16 và quận 17. Khi nghe tôi hỏi phố chính Paris nằm ở quận nào, người con rể của anh bạn chủ nhà cho rằng chỗ nào cũng có thể gọi là trung tâm phố, tùy mục tiêu mình chọn, chẳng hạn Nhà Thờ Đức Bà nằm ở quận 4, Tháp Eiffel nằm ở quận 7, Hoàng Cung Palais Royal nằm ở quận 1. Ở Sài Gòn, trung tâm phố nằm ở quận 1 nơi có quốc hội, tòa đô chánh và Nhà Thờ Đức Bà.

Sau này, tôi mới biết chính quận 4 mới là trung tâm của thành phố. Nơi đây có tòa thị chính Hotel de Ville (Town Hall) với sân tiền đình rộng (một loại City square) mà đêm vọng Quốc Khánh Pháp, thiên hạ kéo nhau tới ăn uống, nhảy múa tưng bừng suốt đêm. Bên tay trái của Tòa Thị Chính Paris và nằm giữa Sông Seine là Nhà Thờ Đức Bà, nơi đặt mốc cho Cây Số Không.

Bây giờ thì bạn đã biết đâu là phố chính, đâu là xi-tì của Paris. Tùy đối tượng và mục tiêu.

Như đã nói ở trên, Khải Hoàn Môn nằm ngay giữa biên giới 3 quận nội thành Paris và là cái trục của nhiều con đường. Nếu tôi đếm không lầm thì có đến 13 con đường chạy tới và bọc quanh bùng binh Ngã Mười Ba này. Muốn tới giữa bùng binh để đứng sát Khải Hoàn Môn, bạn phải dùng đường hầm mà băng qua.

Đứng dưới coi thì không sao, nhưng muốn leo lên tháp thì phải mua vé. Người lớn 7 Euro, trẻ con và học sinh 4.5 Euro. Số người đứng sắp hàng mua vé hôm đó không nhiều, có thể đấy không phải là di tích lịch sử quyến rũ?

Năm 1806, Hoàng đế Napoleon ra sắc lệnh cho xây Arc de Triomphe và giao cho kiến trúc sư Jean-Francois Chalgrin phụ trách để vinh danh quân đội đế quốc Pháp. Những cuộc chiến vĩ đại của Pháp từ thời Napoleon đến thời các Cộng Hòa được khắc vào tường với danh tánh  của 558 vị tướng. Một ngọn lửa bất diệt được đốt bên cạnh ngôi mộ Chiến Sĩ Vô Danh nằm giữa vòm cung (khác với các khải hoàn môn La Mã có 3 cửa với cửa giữa lớn và hai cửa nhỏ hai bên), khải hoàn môn Pháp chỉ có một cửa vòm cung ở giữa. Hai bên cánh tả và hữu có hai cánh cửa nhỏ hơn. Khải Hoàn Môn cao 50 mét và có chiều rộng 40 mét.

Tầng 2 tháp Eiffel: hậu cảnh là La Dafense, khu cao ốc duy nhất ở Paris

Kiến trúc này nằm trên một trục đường thẳng, kéo dài từ cung điện Palais du Louvre chạy qua công trường Concorde, đại lộ Champs Elysees và thẳng tới khu La Defense. Mỗi dịp có lễ quốc khánh, quân đội Pháp đi diễn hành trên con đường dài khoảng 4 cây số này, từ khu La Defense đi ngược về Khải Hoàn Môn đến khán đài chính ở Công Trường Concorde nơi có cột hình ngọn tháp nổi tiếng cao 23 mét, nặng 230 tấn mang từ Ai Cập qua. Đây cũng là nơi mà ngày xưa Vua Louis thứ 16 bị chặt đầu sau Cách Mạng Pháp. Tổng thống Pháp thường được chở bằng xe nhà binh mui trần có đoàn kỵ binh hộ tống tới khán đài Palace de la Concorde để dự lễ duyệt binh, nơi đó đã có thủ tướng và bộ trưởng Quốc Phòng đang đứng đón. Người Pháp rất trọng nghi lễ.

Hình như chỉ có thời gian bị Đức Quốc Xã chiếm đóng trong Đệ II Thế Chiến mới không có cảnh duyệt binh Cắc-to-du-dieu. Chuyện duyệt binh trên đại lộ Champs Elysees, một đại lộ rất đẹp  với cây xanh thắp nến hai hàng là đề tài để người Mỹ đem ra chế diễu mỗi khi hai nước có chuyện cơm không lành canh không ngọt, như bạn đọc có thể đã nghe qua vụ chiến tranh Vùng Vịnh vừa rồi.

Avenue Champs-Elysees dài chừng một cây số, mỗi chiều có khoảng 5 tuyến (lane). Hai bên là hai vệ đường có cây lớn. Bên trong còn có đường nhỏ cho xe chạy hay người đi bộ, rồi mới đến một hàng cây nhỏ trước khi bước lên vỉa hè vào các quán xá, cửa tiệm. Có thể nói tương tự đường St. Kilda Road ở Melbourne, nơi diễn hành ngày ANZAC DAY. Mặt đường không trải nhựa hay tráng xi-măng mà lót đá cục được cắt đẽo vuông vức nên khi đoàn kỵ binh chạy qua, tiếng vó khua ngân vang lâu hơn.

Cũng nên biết chính vua Louis thứ 14 (Le Roi Soleil – The Sun King – Vua Mặt Trời), vị vua lớn của nước Pháp, đã ban hành một sắc lệnh riêng để xây con đường mang tên Champs-Elysees vào năm 1694. Ngày nay, vua chúa, quốc trưởng mỗi khi thăm nước Pháp đều sẽ đi qua con đường này. Các du khách – như chúng tôi – cũng sẽ thả bộ trên con đường với trên 600 binh-đinh sắp hàng ngay ngắn, trật tự, có quy hoạch, hòa hợp với cái thành phố cổ, chỉ có những căn nhà cao từ bảy, tám tầng trở xuống.

Anh bạn chủ nhà của tôi khen ngợi người Pháp tài tình trong việc kiến thiết và xây dựng thành phố Paris. Nhà cửa phố xá trông đều đặn, giống nhau như do một bàn tay của một kiến trúc sư vẽ và được xây trong cùng một thời gian. Các nhà thiết kế đô thị của Pháp ngày xưa đã có một cái nhìn tổng thể, vượt thời gian, để con cháu của họ sau này không phải cứ ráp nối, đập phá, xây lại, làm cho thành phố trở thành một thứ đầu gà đít vịt, mất mỹ quan. Tôi thích nghệ thuật xây cất của người Ý và đồng thời rất ngưỡng mộ kiến trúc của người Pháp (bởi vậy người Việt mới có câu ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật).

Chúng tôi leo lên nóc Khải Hoàn Môn bằng các bậc cấp. Chẳng mảy may mệt. Vì cả thành phố Paris – ngoại trừ khu La Defense ở phía tây bắc có nhiều cao ốc – nhà cửa đều thấp nên đứng trên nóc Khải Hoàn Môn có thể ngắm được toàn cảnh thành phố: một màu trắng xóa của các binh-đinh trộn lẫn màu xanh của cây cối, các công viên. Một ấn tượng mạnh đối với tôi khi được ngắm toàn cảnh Paris ở độ cao 50 mét. Nhưng tôi muốn ngắm Paris ở một tầm nhìn cao hơn, trên 300 mét! Và vì thế qua ngày hôm sau, chúng tôi đi tham quan Tour Eiffel (*).

Chưa đến Eiffel là chưa đi Paris!

Qua Pháp là tôi được ông Đào Văn An liên lạc và mời đến nhà, bởi vì trước đây ông An từng là cộng tác viên của Tivi Tuần San tại Pháp và có những bài viết và cuộc sống ở Pháp cũng như chính ông đích thân đi phỏng vấn một bệnh nhân người Pháp bại liệt được lành bệnh sau khi đi viếng Đức Mẹ Lộ Đức, vất nạng và sống cuộc sống bình thường. Ông An hỏi bác sĩ người Pháp liên hệ, thì bác sĩ chỉ nói đấy là một sự việc khoa học không thể giải thích được. Ông Đào Văn An không phải là người Công Giáo nhưng lại viết kinh nghiệm hành hương Lộ Đức.

Tôi biết ông Đào Văn An qua sự giới thiệu của anh bạn Bùi Sỹ Thành. Ngày xưa, ông An du học kỹ sư ở Hòa Lan, về nước làm cho công ty xăng Shell và nay nghỉ hưu ở Paris. Ông An nói với tôi bây giờ đã 75 tuổi, sức khỏe cũng hơi yếu nên không còn viết lách nhưng vẫn theo dõi các sinh hoạt của người Việt ở Úc nhờ đọc báo Tivi Tuần San hàng tuần. Ông An nói với tôi nếu qua Paris mà không đi Tháp Eiffel  thì coi như chưa đi Pháp, cũng như qua Luân Đôn mà chưa đến xem lính ở điện Westminster đổi gác thì chưa phải đi Anh.

Tôi nói với anh bạn chủ nhà, hễ tôi đã đi xem tháp Eiffel thì tôi phải trèo lên tận chỗ cao nhất của tháp, chứ không đứng ở dưới mà ngước lên xem. Anh bạn tôi nói cứ thong thả, bởi vì ngại nhất là cái màn phải xếp hàng.

Khác với Rome nắng cháy da thịt, hai ngày đầu đến Paris, trời chuyển lạnh, thỉnh thoảng có cơn mưa nhẹ. Chúng tôi thủ sẵn áo ấm đủ để chịu đựng gió lạnh hoặc mưa bất ngờ. Tháp Eiffel thuộc khu vực quận 7, cạnh bờ sông Seine, đối diện với cầu Pont d’Iéna. Từ chỗ chúng tôi (hay quận 13), dùng metro nhảy xuống ga Trocadero, nhưng phải băng qua sông mới tới gần chân cầu tháp Eiffel. Cũng có thể nhảy xuống ga Bir-Hakeim hay trạm Champ de Mars – Tour Eiffel là đến gần tháp ngay.

Tôi đã xem nhiều hình về tháp Eiffel. Có hình những người bạn chụp dưới chân tháp, nhưng vẫn là hình. Nhưng bây giờ Eiffel đang nằm trước mắt tôi, một khối sắt màu đen luôn được thế giới nhắc đến mỗi khi nói về chiều cao, phê bình mỹ học, giá trị lâu dài.

Bốn chân trụ của tháp là bốn địa điểm bán vé tham quan. Tôi thấy có hai trạm bán vé đang mở cửa có người sắp hàng đã khá dài. Chúng tôi nhập hàng và chấp nhận chờ. Ở đâu cũng vậy, cảnh nào cũng thế, muốn đi là phải chờ. Hên thì nửa tiếng, xui thì không chừng cả giờ. Tôi không biết đã mất bao lâu nhưng trời gió lạnh lại thêm mới đến Paris nên chẳng cảm thấy phiền hà trong việc đợi mua vé.

Có 3 loại vé đi lên tháp. Vé đi xem lầu 1 cao 57 mét, nơi có nhà hàng tổ chức cho khách vừa ăn vừa ngắm cảnh (Dinner at the Altitude 95). Vé đi tham quan lầu 2 cao 155 mét và vé đi lầu 3 cao 300 mét. Vé đi tầng 3 là 10.20 Euro cho một người.

Muốn đi lên tầng 1, phải bước 360 bậc; lên tầng 2, phải bước thêm 380 bậc; và muốn lên tầng 3 phải bước thêm 1062 bậc thang. Tôi nghĩ chẳng có du khách nào bước nổi tới 1,800 tầng cấp mà không nghỉ ngơi. Vì vậy, đã có thang máy giúp du khách thoát được cái khó vượt qua đó. Một chuyến thang máy có thể chở cả hai ba chục người một lúc, chạy khá nhanh, đủ để cho những người có bệnh sợ cao phải toát mồ hôi vì thấy được khung cảnh bên ngoài do cái tháp chỉ là những thanh sắt.

Anh bạn chủ nhà tuy đã ở Pháp 23 năm, và đã rất nhiều lần đưa bà con, bạn bè tới chiêm ngưỡng Tháp Eiffel nhưng anh thì chưa bao giờ lên. Anh phải công nhận rằng có lên trên tháp mới thấy thành phố Paris đẹp đến mức nào. Anh nói tôi rất may mắn vì có đủ thời gian, hoàn cảnh và nhất là có sức khỏe để thưởng thức thú du lịch, chứ đôi khi lớn tuổi rồi, chẳng còn bao nhiêu hứng thú.

Trên “đỉnh gió hú”: tầng 3 tháp Eiffel

Người mua vé tầng 1 sẽ bị yêu cầu phải ra khỏi thang máy khi tới tầng 1, nhưng lên tầng 2 thì mọi người phải ra để đổi thang máy khác. Tôi không thể tưởng tượng khu tầng 2 này rộng như thế. Có cả khu bán thức ăn takeaway, các gian hàng bán đồ lưu niệm, những mô hình giới thiệu cách thiết kế, xây dựng và tu sửa Tháp Eiffel qua thời gian. Hàng trăm người đi lui tới, mua sắm, quan sát, chụp hình.

Trên tầng 2 có hai bậc: bậc một được bọc bằng lưới sắt vì chu vi sát với khu tháp. Chụp hình ở chỗ này sẽ bị vướng vì hậu cảnh là những ô vuông bằng thép. Muốn có hậu cảnh thoáng, bạn nên bước lên bậc hai của tầng lầu 2, mặc sức chụp hình thoải mái ở mọi góc độ, vì dù khách có té cũng chỉ rơi xuống sàn lầu 2, cao chừng hai ba mét mà thôi.

Từ bậc 2 của tầng 2, người ta lại sắp hàng thành hai khu vực để đón 2 chuyến xe chót lên thượng tầng không gian, lơ lửng ở mốc 300 mét trên bầu trời Paris.

Nhìn ở dưới đất thấy tầng 3 này như cái chuồng chim bồ câu, nhưng lên trên mới thấy rộng. Hôm đó trời âm u, lạnh và gió. Bên trong lầu ấm và cảm thấy đỡ sợ, nhưng con cái rủ chúng tôi ra bên ngoài, đi quanh hành lang vuông góc của ngọn tháp. Nhưng bạn chớ lo, vì chung quanh đã có lưới sắt bọc. Cùng lắm bạn chỉ bị gió hất tới khung thành bằng lưới.

Có những lúc tôi phải đi theo kiểu ngồi khum khum xuống sàn để tránh những cơn gió thốc. Đừng nói những người trung niên như chúng tôi, các thanh niên phải ôm nhau, bám vào các cột trụ mỗi khi gió quật. Tôi thấy đứa con trai nói chuyện với một phụ nữ tây phương, hỏi ai mà quen nơi chốn lạ này, thì con nói đấy là cô giáo ở trường Đại học Melbourne. Du khách Úc và Việt qua Pháp không hẹn mà gặp nhau trên đỉnh gió hú Eiffel!

Trời xấu hóa ra đẹp đối với những du khách thích ngắm cảnh vật biến đổi. Tôi mê man theo dõi từng cơn gió giựt, nhìn đám mây lớn chuyển màu, từ đen sang trắng, vần vũ ở cuối chân trời, Paris khi ẩn khi hiện, sông Seine lúc mờ lúc ảo. Tiếng gió rít ngang tai, vài giọt nước của một cơn mưa cụt ngủn quất vào mặt tôi. Bầu trời trong sáng trở lại. Cảm giác lâng lâng trong cái chuồng sắt ở cao độ 300 mét không còn thấy đường chân trời làm tôi hứng chí nói với vợ con: mình đã thật sự đi Paris!

Mà Paris – thành phố có thể gọi là đẹp nhất thế giới – đâu phải chỉ có thế. Còn nhiều nữa, rất nhiều…

(*) Tháp Eiffel do Kiến trúc sư Gustave Eiffel xây năm 1887. Thời đó, chính phủ Đệ Tam Cộng Hòa nhân tổ chức Hội Chợ Quốc Tế – World Fair – muốn có một công trình kiến trúc kiểu không tiền khoáng hậu nên cho đấu thầu xây cất. Kế hoạch xây cái tháp cao 300 mét của Gustave Eiffel được chọn. Thời đó, Eiffel là một kiến trúc cao nhất thế giới. Phải mất 700 họa đồ để vẽ những phần khác nhau của tháp, tốn đến 2.5 triệu cái đinh tán và mỗi tháng cái tháp chỉ được ráp cao thêm 15 mét. Tháp nặng 10,000 tấn nhưng áp suất đè nặng lên mặt đất chỉ tương đương với một người ngồi trên cái ghế (4kg/cm2). Ngoài lý do ảnh hưởng đến môi sinh, tháp Eiffel còn bị những nhân vật nổi tiếng thời đó cho là thiếu thẩm mỹ như nhà văn Guy de Maupassant. Tháp khánh thành vào ngày 30.3.1889. Chính phủ Pháp chỉ cho phép giữ cái tháp sau Hội Chợ thêm 20 năm, tức phải bóc dỡ vào năm 1909. Nhưng rồi Eiffel vẫn tồn tại và là biểu tượng của nước Pháp. Qua các cuộc chiến, tháp Eiffel còn đóng vai trò kiểm thính, phát hiện và bắt được điệp viên Mata-Hari. Đến năm 1954, xây thêm các ăn-ten truyền hình, làm cho cái tháp cao tới 320.75 mét. Mỗi năm có khoảng 5 triệu du khách trèo lên tháp Eiffel.

TVTS số 907 – 13.8.2003