Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: Từ nhà thờ Thánh Tâm đến quận 13 (kỳ 5)

18 Tháng Tám, 2003 | Pháp
Trên các bậc cấp lên nhà thờ Sacre-Coeur

Nguyễn Hồng-Anh

***

Xin bạn đoán thử, đoạn đường từ nhà thờ Sacre-Coeur (nhà thờ Thánh Tâm) đến quận 13 phải mất bao lâu? Thưa, 4 ngày!

Nhà thờ Thánh Tâm nằm phía bắc thành phố Paris, thuộc quận 18. Từ Đoạn đường từ đấy tới khu có người Việt và Hoa dài chỉ có 6 cây số rưỡi đường chim bay và đi metro mất tối đa 45 phút. Sở dĩ đi lâu như thế vì xe metro chạy ngoằn nghèo dưới hầm và phải ngừng đến mấy chục trạm cho khách lên xuống.

Nhưng cái lâu đó chưa bằng cứ đi thăm một địa điểm, chúng tôi phải bỏ ra nguyên một ngày để xem cho đã con mắt, cho bõ chuyến bay dài cả vạn dặm mà đôi lúc không tránh khỏi nghĩ vẩn vơ về một vụ không tặc nào đó. Bởi vì kẻ may mắn trúng số độc đắc thì ít mà người thiếu may mắn chết thảm trong những tai nạn, khủng bố thì hơi nhiều.

Tôi lên chương trình cho cả tuần lễ trước, với 4 ngày sau đó sẽ ở Paris và cuối tuần sẽ đi Lộ Đức, một thành phố phía nam cách Paris khoảng 900 cây số, gần biên giới nước Tây Ban Nha.

Một ngày thăm nhà thờ Thánh Tâm, một ngày đi chơi trên sông Seine và gặp các nhân sĩ người Việt, một ngày thăm Bảo tàng viện Louvre và một ngày rong chơi quận 13 nơi tập trung khu thương mại của người Việt và Hoa.

Với những di tích thắng cảnh ở các quận nội thành, các trung tâm tổ chức đi tour thường gộp một, hai, ba nơi để đi trong một chuyến. Đi tour vừa tốn tiền vừa không có thời giờ ngắm cho thỏa. Bị hối thúc, cằn nhằn, nhìn nhau với ánh mắt khó chịu nếu có người đi đâu đó trễ, là chuyện không thể tránh được. Người rành du lịch sẽ chỉ đi tour nếu không biết đường sá hay không có bạn bè địa phương hướng dẫn (bởi vì tự tìm đường cũng có thể mất cả ngày).

Tại Paris, có trung tâm du lịch tour nổi tiếng là Cityrama, nằm trong quận 1, gần Viện bảo tàng Louvre. Muốn đi tour, phải tự túc tới văn phòng Cityrama, từ đây sẽ được xe bus chở đi. Tôi đã dùng dịch vụ của Cityrama hai lần, khi đi Anh và khi đi Bỉ, không phải vì sợ không biết đường qua các nước đó, mà chỉ vì mua vé xe lửa bên ngoài đắt hơn so với mua vé của công ty này (sẽ có dịp giải thích sau).

Mất 43 Euro hay chỉ 3.3 Euro mà thôi?

Đi tour xem nhà thờ Thánh Tâm mà trong danh mục của Cityrama có tên là “Montmartre and the Flea Market – Khu Montmartre và chợ trời”, vé mỗi người là 43 Euro (khoảng 80 Úc kim), với thời gian đi đứng ngắm nghía kéo dài khoảng 4 tiếng rưỡi đồng hồ. Chúng tôi đi tự túc, chỉ tốn cái vé xe công cộng 3.3 Euro (nhờ mua nguyên một tuần vào ngày Thứ Hai), và có thể ngắm cả ngày cho đã. Nói đúng ra, không tốn một xu, vì đằng nào trong ngày cũng phải tốn vé đi xe công cộng.

Nhà thờ Thánh Tâm nằm trên đỉnh của ngọn đồi Montmartre, cách sông Seine và nhà thờ Đức Bà chừng 3 cây số rưỡi đường chim bay. Một mình chơ vơ ở phía bắc Paris, nhà thờ nhìn bao phủ cả thành phố. Đứng ở những vị trí cao trong thành phố hoặc trên sân thượng của những trung tâm thương mại gần sông Seine có thể thấy nhà thờ Thánh Tâm rõ mồn một, trông chẳng khác nào một Điện Thánh Phê-rô ở Pháp, vì mái tròn, kiến trúc kiểu Romanesque.

Vương Cung Thánh Đường Thánh Tâm – Basilica of Sacre-Coeur (1) – có được là do lời cầu xin của một vị nữ tu khiêm tốn tên Marguerite-Marie. Chuyện kể rằng, vào thế kỷ thứ 17, Chị Marguerite-Marie (có thể gọi dì phước hay , phiên âm từ tiếng Pháp soeur, đọc là xơ) đã được Chúa hiện ra bảo chị “hãy kêu gọi nước Pháp xây một ngôi thánh đường riêng để dâng hiến cho trái tim Chúa”, nhưng phải mất hai trăm năm sau, lời kêu gọi của chị nữ tu này mới được thực hiện.

Với sự vận động của các giáo dân, được sự hỗ trợ của Tổng giám mục Guilbert của địa phận Paris và được Giáo Hoàng Pius 9 chấp thuận, dự án xây nhà thờ đã được Quốc hội Pháp thông qua. Chính Thống tướng Mac Mahon, lúc đó là tổng thống của Cộng hòa Pháp, đã chủ lễ đặt viên đá đầu tiên vào năm 1875. Với chi phí xây cất lên tới trên 40 triệu quan thời đó, nhà thờ được khánh thành vào năm 1919 mới hoàn toàn dâng hiến (ngôn ngữ nhà đạo) cho Trái Tim Chúa.

Từ sân Sacre-Coeur nhìn xuống trung tâm Paris

Nước Pháp ngày xưa thường được gọi là “Trưởng Nữ của Giáo Hội” nên chuyện nước này có nhiều nhà thờ lớn, đẹp là chuyện dễ hiểu. Tôi chưa đi xem nhà thờ Chính Tòa (Cathedral) Chartres (2) hay nhà thờ tu viện Mont Saint-Michel, nhưng có nhận xét là đã đến Paris thì nên đi xem nhà thờ Thánh Tâm, vì vừa đẹp, độc đáo lại nằm sát trung tâm thành phố.

Rộng 35 mét, dài 85 mét và cao 83.33 mét, nhà thờ này được xây bằng loại đá ở Chateau Landon mà mỗi khi có mưa, đá toát ra một màu trắng như vôi, làm cho cả ngôi thánh đường có một bộ áo trắng tinh tuyền, nổi bật trên ngọn đồi cao. Trên trán tường ở mặt tiền hình tam giác là tượng Chúa với hình trái tim ở ngực. Bên dưới và trên cổng vòm mỗi hai bên là hình hai người cỡi ngựa: đó là nữ Thánh Joan of Arc và Thánh Louis.

Trong vương cung thánh đường và trên nóc cung thánh là một bức tranh khổng lồ rộng đến 475 mét vuông làm bằng đồ khảm (mosaic, một lối trang trí phổ thông ở các cung điện vua chúa và nhà thờ ở Âu Châu từ thời Phục Hưng cho đến cuối thế kỷ 19) với hình Chúa Giê-su Thánh Tâm được tôn sùng bởi các đại diện của Giáo hội và của nước Pháp (thời đó thần quyền vẫn còn ảnh hưởng mạnh trên thế quyền).

Từ Van Gogh, Tạ Tỵ, đến ông họa sĩ vô danh

Nhưng ngoài nhà thờ Thánh Tâm, đồi Montmartre nổi danh khắp năm châu vì khung cảnh rất văn nghệ của nó, nếu tôi nhớ không lầm thì các nhạc sĩ như Phạm Duy hay họa sĩ Tạ Tỵ đã từng nói đến khu Montmartre trong hồi ký của họ. Đây cũng là nơi mà các danh họa như Delacroix, Gericault, Renoir, Cezanne, Manet, Van Gogh v.v… đã từng đặt chân đến và đưa cảnh vật của Montmartre vào trong các tác phẩm của họ.

Người Pháp có câu nói ví von như đã được giới thiệu trong các mục quảng cáo bằng tiếng Anh như sau: No-one knows Paris if he has not climbed “la butte” – Ai chưa trèo lên đồi Montmartre thì chưa có thể gọi là đã biết Paris”.

Phía trái nhà thờ chẳng có một nét sinh hoạt tôn giáo gì, ngoài một số tiệm bán đồ kỷ niệm có hình ảnh của vương cung thánh đường. Đây là nơi mà cô con gái của anh bạn tôi giới thiệu “cô chú muốn mua gì thì cứ mua ở đây, vì là nơi bán đồ rẻ nhất”.

Thật vậy, đi đổi tiền để uống nước và mua đồ kỷ niệm, tiệm của người Pháp tính 53 xu Euro một Úc kim, không huê hồng, không dịch vụ, không thuế má gì cả. Ghi trên bảng giá bao nhiêu, trả đủ bấy nhiêu (tiệm Tàu ở quận 13 cũng có giá tương tự). Bản tính tự nhiên của con người làm tôi thấy có cảm tình với vùng đất mình mới tới.

Chúng tôi đi mua ít đồ kỷ niệm, ăn kem và bánh ngọt tây (giá từ 4.50 Euro đến 7.50 Euro) tại khu vực quán cà phê, quán ăn, quán nhạc sống nhộn nhịp, bàn ghế trải ra ngoài đường có mái che. Nhưng thích nhất là ngắm tranh của vô số họa sĩ đủ mọi quốc tịch, kể cả một số người nói tiếng Việt giọng miền Bắc 75. Có một điều hầu như chắc chắn là nếu bạn từ khu nhà thờ ra khu chợ trời, thế nào cũng bị các ông bà họa sĩ vẽ chân dung mời, và mời mọc một cách dai dẳng nếu bạn không tìm cách bỏ đi ngay.

Cô con gái nhỏ nhất của chúng tôi bị mời và tỏ ý thích thì cuối cùng không thoát được. Ông họa sĩ nói bình thường 50 Euro nhưng đặc biệt hôm nay chỉ lấy 30 Euro và bảo đảm bức tranh có chất lượng. Tôi ít tin những loại “đặc biệt” như thế nhưng muốn con có chút kỷ niệm nên đồng ý nhưng trả giá, hạ xuống còn 20 Euro. Thế là ông họ sĩ dùng bút chì và trong vòng 20 phút vẽ xong chân dung con gái tôi. Tôi nghĩ chỉ giống đến 80% mà thôi. Ông họ sĩ lớn tuổi này ký tên ông và nói hãy giữ kỹ vì mai kia biết đâu bức tranh có tên của ông sẽ có giá cả triệu bạc. Tôi cầu mong cho ông là Van Gogh tái thế! Trong khi chúng tôi đợi ông họa sĩ kia vẽ cho con gái tôi, các ông bà họa sĩ khác cứ tới mời mọc không ngơi, kể cả mời tôi. Tôi nghĩ 20 phút mà kiếm được khoảng 40 Úc kim cũng chưa hẳn mang lại lợi tức cao cho họ, vì họ còn tốn nhiều thời giờ và nước bọt khi mời khách. Ai thật sự biết được một ngày họ vẽ bao nhiêu tấm, kiếm được bao nhiêu?

Ước gì sau này ông họ sĩ nổi tiếng

Ngoài các họa sĩ vẽ chân dung, tranh sơn dầu còn có những tay vẽ hí họa. Con gái tôi lại muốn một bức tranh hí họa. Hỏi giá được trả lời 40 Euro. Tôi trả giá một nửa là ông họa sĩ chịu liền. Nhưng khi thấy ông này lả lướt vài nét chừng mười phút là có ngay bức tranh, tôi nói với con nếu mình trả chỉ còn 15 Euro chắc họ cũng chịu. Tôi đi du lịch nhiều nơi, có cái thú thích mua đồ kỷ niệm và trả giá mặc dầu biết có lúc mình trả hớ. Nhưng không sao, đi chơi mà không mua sắm và trả giá thì mất đi một phần của cái thú đi du lịch.

Các nhà khoa bảng Việt trên đất Pháp

Nói chung, nước Pháp và sau này Mỹ, là những nơi đào tạo các nhân tài, những nhà bác học, các bậc khoa bảng, những trí thức nổi tiếng ở Việt Nam. Thời Pháp và cho đến cuối thập niên 1950, nghe ai du học ở Pháp về là thấy oai lắm. Mà oai thôi chưa đủ, những người du học Pháp về nước thường được giữ những chức vụ then chốt trong công quyền cũng như lãnh vực tư hay giáo dục. Từ khi Mỹ giúp chính quyền Ngô Đình Diệm cho đến khi họ kéo quân ồ ạt vào Việt Nam đầu thập niên 1960 những người du học ở Mỹ về chiếm ưu thế hơn.

Tới Paris được 5 ngày, anh bạn chủ nhà Bùi Sỹ Thành tổ chức cho tôi được gặp một số người, đến Pháp du học từ thập niên 40, ở lại hay về nước, hoặc định cư sau năm 1975 cùng những người đi tị nạn sau này, kể cả những người học cùng trường với tôi tại Đà Lạt, trên lớp hoặc dưới lớp.

Dù anh bạn tôi mời vào ngày giữa tuần cũng có khoảng mười người đã đến nhà hàng Jardin d’Asie mà tôi nhớ như sau:

Vợ chồng ông bà Đặng Quốc Cơ, cả hai là dược sĩ có dược phòng ở Việt Nam trước kia và nay cũng tiếp tục mở dược phòng ở Pháp. Hai ông bà có tặng 10,000 Euro cho ủy ban vận động tổ chức xây tượng kỷ niệm vượt biển tại Paris.

Ông Đặng Vũ Nhuế, kỹ sư du học bằng tàu thủy năm 1948, viết một số sách khảo cứu bằng tiếng Việt và cũng viết một cuốn sách bằng tiếng Pháp với một tác giả nổi tiếng ở Pháp, hiện hưu trí và là chủ tịch Hội làng Hành Thiện, một hội có xuất bản tạp chí định kỳ.

Ông Đặng Vũ Biền, tiến sĩ Vật Lý và Dược, nguyên khoa trưởng Đại học Dược khoa Sài Gòn, trở lại Pháp sau năm 1975 và dạy học tại Paris; Hoàng Vũ San, du học năm 1950; kỹ sư cao học viễn thông ở lại Pháp từ dạo đó nhưng thích nói chuyện thi nhạc Việt Nam và thuộc rất nhiều thơ.

Vũ Quang Kính, tiến sĩ Vật lý, giám đốc Trung tâm Quốc gia Nghiên Cứu Khoa học Pháp; Nguyễn Hoàng Nghị, tiến sĩ Hóa học, nghiên cứu Viện năng lượng Nguyên tử Pháp; Vũ Ngọc Quỳ, tiến sĩ y khoa; Đào Văn An, cử nhân kinh tế bên Hòa Lan (xin đính chính: không phải kỹ sư như đã nói ở số trước); Thụy Khuê, nhà biên khảo cộng tác với đài phát thanh Pháp RFI; Đặng Vũ Quảng và Lê Tất Luyện (chồng bà Thụy Khuê) là những người tốt nghiệp kỹ sư ở đại học nổi tiếng Ecole Centrale.

Có một số người anh bạn tôi mời nhưng vì bận việc hay đi nghỉ hè nên không trả lời hoặc đi lạc đường như ông Nguyễn Gia Kiểng của nhóm Thông Luận; cựu ngoại trưởng Vương Văn Bắc, Luật sư Trần Thanh Hiệp, nguyên là những giáo sư ở trường Luật Sài Gòn và Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt; nhà văn Trần Thị Diệu Tâm, cựu sinh viên CTKD lớp trên tôi.

Riêng luật sư Trần Thanh Hiệp một ngày trước khi tôi trở lại Úc, đã đến ăn cơm chung với gia đình chúng tôi và gia đình anh Bùi Sỹ Thành, cũng tại nhà hàng Jardin d’Asie, một nhà hàng của người Hoa nói được tiếng Việt, mới mở nằm ở ngã tư đường Rue Baudricourt và Avue D’Ivry, thuộc loại Buffet à Volonte, tức All you Can Eat.

Trăm năm xưa đến nay, chợ trời văn nghệ Montmartre van the

Tôi kể cho quý vị này nghe đời sống ở Úc, rằng Úc đúng là một đất nước may mắn, sống thoải mái và có những người Việt giữ những chức vụ quan trọng trong công quyền, có người có chân trong quốc hội tiểu bang. Các vị cũng công nhận chuyện đó không xảy ra tại nước Pháp, một nước có liên hệ với Việt Nam cả thế kỷ rưỡi. Phần lớn các nhà khoa bảng Việt Nam ở Pháp chỉ giữ những chức vụ khá cao trong các cơ quan nghiên cứu khoa học hay trong các tổ chức giáo dục.

Nửa đùa nửa thật

Tôi “khoe” với các vị người ta thường cho rằng giống dân Ăng-lô xắc-xông ưa kỳ thị nhưng một người nổi tiếng bảo thủ như Thủ tường John Howard mới đây có tuyên bố rằng ai biết được ngày nào đó sẽ có một thủ tướng Úc gốc Việt Nam. Con đường dẫn một người gốc Việt tới The Lodge (Dinh Thủ Tướng) còn xa vời vợi, nhưng điều đó cho thấy di dân dù là sắc dân có hình dáng quá khác biệt với cộng đồng chính mạch vẫn có cơ hội ngày nào đó làm dân biểu, nghị sĩ và tổng trưởng liên bang. Tôi cho rằng chừng một thế hệ nữa mà thôi.

Nhiều vị trong đó có cả Luật sư Trần Thanh Hiệp, cũng chưa bao giờ qua Úc, vẫn chỉ mới “văn kì thanh” như nghe nói Úc là nước có môi trường sinh sống sạch nhất thế giới. Tôi nói với các vị có dịp nên đi qua miệt dưới một chuyến để xem, khác xa với Bắc Mỹ.

Tới đây, tôi nhớ lại chuyện tôi đã “khoe” với bà chủ tiệm sách cùng lớp ngày xưa khi bà bạn nói ở bên Pháp này khó mua nhà mua cửa lắm, thì tôi trả lời ngay rằng “ Ở Úc, nếu không có hai căn nhà trở lên thì chưa phải là người Việt tị nạn!” Cô bạn và mấy người đứng bên cạnh trố mắt nhìn tôi. Tôi lại nhấn mạnh mấy chữ “người Việt tị nạn” và “hai căn nhà trở lên”. Họ không biết tôi nói chơi hay nói thật. Tôi bồi thêm: “Thất nghiệp cũng mua được nhà đấy!” Họ ngạc nhiên (tôi không biết thật hay giả vờ) nói sao Úc sướng thế, tôi trả lời rằng vì người ta thường nói Úc là đất nước may mắn mà. Tôi không dám “khoe” có những người thất nghiệp mà cũng mua được hai căn nhà.

Nếu mai rày người Việt bên Pháp ùn ùn qua định cư ở Úc thì có thể là mấy bà đã tin tôi nói thật!

“… Mai anh về giữa bến sông Seine…”

Sau bữa cơm trưa với các nhân sĩ người Việt ở Paris, vợ chồng chúng tôi trở về nhà và chuẩn bị cho một chuyến đi khác với các con cái. Cô con gái của người bạn xin nghỉ việc vài ngày, đến nhà ba má chờ cô chú. Cô cháu đề nghị nên dùng buổi chiều hôm đó để đi du ngoạn trên sông Seine mặc dầu ba mẹ cô đã lên chương trình và dự tính nên đi tàu trên sông Seine ban đêm cho đẹp.

Vé đi tàu trên sông Seine mà người Việt ở Pháp gọi là Bateaux Mouche (Mouche đây không phải là con ruồi mà là tên địa phương đóng những chiếc tàu đó): người lớn 8 Euro, trẻ con từ 4-12 tuổi 3 Euro, 4 tuổi trở xuống gratuit, tức miễn phí. Thật ra ngoài Bateaux Mouche  còn nhiều loại tàu tên khác như Vedettes de Paris.

Bắt đầu đi từ bến tàu gần cầu Pont d’Iena và tháp Eiffel. Tàu chạy trong khoảng một tiếng đồng hồ, qua khỏi đảo Ile de la Cite’ nơi có nhà thờ Đức Bà và đảo Saint Louis, dọc qua phía bên nhánh kia để trở về, chui qua cả thảy 23 cây cầu. Như đã nói trong số báo trước, Paris là thành phố của những cây cầu, và là những cầu đẹp, là ý tưởng và là một trong những công trình do Napoleon thực hiện.

Đi trên đoạn sông dài khoảng 6 cây số này, bạn sẽ chiêm ngưỡng một số đền đài di tích, nhưng chỉ thấy mặt tiền hay hậu cảnh của các kiến trúc đó như Tòa Quốc Hội, Viện bảo tàng Orsay, nhà thờ Đức Bà, Tòa thị sảnh Hotel de ville, La Conciergerie, Viện bảo tàng Louvre, cột tháp công trường Concorde, viện mỹ thuật Petit Palais.

Trên tàu ngoạn cảnh sông đã có thuyết minh viên giải thích bằng tiếng Pháp và Anh. Chúng tôi được cô cháu con người bạn giải thích bằng tiếng Việt. Tôi khen với nhà tôi “cô bé (thật ra chẳng còn bé chút nào vì đã có hai con và còn muốn cao hơn cả tôi) giỏi tiếng Việt ghê”.

Nhà thờ Đức Bà trên cù lao giữa hai nhánh sông Seine

Có hai cây cầu trên sông làm tôi chú ý là cây cầu Pont-Neuf nằm ngay đầu mõm đảo Ile de la Cite’. Neuf mà chẳng mới chút nào vì đã được xây từ năm 1578 và nổi tiếng từ xưa là nơi lui tới của dân tứ xứ, từ các ông thầy lang băm cho đến những thợ làm chìa khóa, những kẻ bán sách dạo. Cạnh cây cầu có kiến trúc tên là La Conciergerie, nguyên nghĩa là tòa án. Lâu đài này được xây từ cuối thế kỷ 13, được vua chúa dùng nhưng từ thế kỷ 16 trở đi trở thành nhà tù. Thời Cách Mạng Pháp, đã có trên 4,000 tù nhân bị giam giữ ở đây để chờ lên máy chém, trong đó có tù nhân nổi tiếng nhất là Hoàng Hậu Marie-Antoinette. Đi ngang qua lâu đài Conciergerie, bạn sẽ thấy có những tháp tròn và vuông. Trên tháp vuông này có cái đồng hồ xưa nhất Paris có tên “Tour de l’Horloge”, dựng lên từ năm 1370.

Một cây cầu khác do người nước ngoài gợi ý xây là cây cầu Pont Alexandre Đệ Tam, để ghi nhớ tình hữu nghị Nga-Pháp. Nga hoàng Nicolas Đệ Nhị (con của Alexandre III) và Tổng thống Pháp Felix Faure đặt viên đá khởi công xây cất vào năm 1896. Cầu rộng 40 mét được đỡ bằng một vòm cung duy nhất. Mỗi thành cầu được gắn 14 chúc đèn có 3 ngọn, giữa cầu có huy hiệu Paris và quốc huy Nga được hầu bởi một hàng nữ thần đi lên và đi xuống dòng suối. Cuối cầu, mỗi bên có hai cột trụ vuông và trên chóp trụ có tượng người và ngựa. Tất cả đều là màu vàng… Đi qua cầu Pont Alexandre III người ta có cảm tưởng như đang đứng đâu đó trước Điện Cẩm Linh bên Nga. Nhà tôi tưởng rằng tất cả hình cây đèn và người ngựa trên cầu là bằng vàng thật, vì vàng lóe cả mắt. Thật ra, chỉ bằng đồng mạ vàng. Một nét văn hóa Nga trên sông Seine làm cho thành phố Paris đã quý phái còn thêm nét cổ kính.

Ngày hôm sau, chúng tôi đến xem Musee du Louvre, một viện bảo tàng lớn nhất thế giới, xem bức tranh thật, nổi tiếng nhất thế giới của danh họa Leonard de Vinci sà sau đó là một ngày tham quan khu thương mại của người Việt và Hoa ở quận 13. Hẹn bạn đọc tuần tới.

La Conciergerie nơi Hoàng Hậu Marie-Antoinette bị giam trước khi lên đoạn đầu đài


  • Basilica: các tự điển Việt dịch là nhà thờ lớn, đại giáo đường. Tôi nghĩ có thể dịch là điện, hay đền thờ hay đúng danh từ nhà đạo là vương cung thánh đường. Danh từ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là thuộc về Hoàng gia, vua chúa. Thời La Mã cổ đại, basilica là một tòa nhà hình chữ nhật dùng làm pháp đình hay nơi hội họp, ở sát Forum. Ngày nay, Giáo hội La Mã dùng từ basilica (tiếng Pháp basilique) để chỉ danh hiệu mà một vị giáo hoàng ban cho một vị thánh đường. Chẳng hạn, nhà thờ Lộ Đức ở Pháp có đến 4 vị giáo hoàng khác nhau phong cho. Nhà thờ Sacre-Coeur ở Pháp cũng có danh hiệu đó. Hình như nhà thờ La Vang ở Quảng Trị đã được nâng lên hàng vương cung thánh đường nên mới được gọi là Vương Cung Thánh Đường La Vang. Giáo hoàng là một quốc trưởng, tương đương với một vị vua nên dĩ nhiên nhà thờ Thánh Phê-rô ở Vatican là một basilica. Tôi nghĩ gọi cho đầy đủ và đúng là Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê –rô.
  • Cathedral: các tự điển Việt Nam quen thuộc cũng dịch là nhà thờ lớn, đại giáo đường. Đúng ra phải dùng cụm từ nhà thờ chính tòa. Nhà thờ chính tòa là nhà thờ chính của một địa phận hay tổng địa phận. Đó cũng là nơi có văn phòng, tòa của một vị giám mục hay tổng giám mục. Chẳng hạn ở Melbourne có Nhà Thờ Chính Tòa St Patrick ở vùng East Melbourne, sát phố.

TVTS số 908 – 20.8.2003