Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: Pyrenees: nơi nghỉ mát, cắm trại và trượt tuyết (kỳ 8)

08 Tháng Chín, 2003 | Pháp
Pont Napoleon do Nã Phá Luân Đệ tam xây Hình TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Việt Nam là một nước ở vùng nhiệt đới với một nửa nước mỗi năm có hai mùa rõ rệt: mưa và nắng. Nhưng trong văn chương cổ điển không thiếu những cảnh nói về tuyết, đôi khi hơi nhiều. Tôi nghĩ tuyết trong thơ Việt Nam có lẽ là tuyết bên Tàu, do bị ảnh hưởng văn chương Hán tộc hay qua những kinh nghiệm đi sứ. Việt Nam có 3 vùng nghỉ mát nổi tiếng ở cao nguyên, với khí hậu ôn đới, như Đà Lạt ở cao nguyên Lâm Viên, Bạch Mã ở dãy Trường Sơn (Thừa Thiên) và Sa Pa ở dãy Hoàng Liên Sơn.

Hai nơi như Bạch Mã và nhất là Đà Lạt, như kinh nghiệm của cá nhân tôi, khi lạnh nhất về đêm vào mùa đông cũng chỉ từ 4 đến 0 độ là tối đa, chỉ có thể làm cho sương đông đá chứ chưa thấy tuyết rơi, đừng nói chi tuyết phủ trắng trên mặt đất. Nghe nói ở thị trấn Sa Pa – nơi nghỉ mát nổi tiếng ở miền Bắc, cao 1,560 mét so với mặt biển – vào mùa đông, có năm có tuyết rơi. Rơi nhiều hay lác đác vài cộng, tôi không rõ.

Bởi vậy, cá nhân tôi ngày xưa khi qua định cư ở Úc cũng tiếc nuối là biết bao giờ mới có thể qua Mỹ hay Pháp để được thấy cảnh tuyết rơi như người ta tô vẽ trong thơ và nhạc. Thấy cho biết với đời, cho biết tuyết là cái chi chi, có giống mấy cục đá xay trong các ly chè không?

Nhưng ngay khi qua Úc, tôi đã được người bạn Úc chở lên núi Mt Buller, có thuê đồ nghề trượt tuyết mang theo. Người bạn là tay trượt tuyết nhà nghề, thường qua Âu Châu để trượt tuyết, nên trở thành người dạy tôi học trượt tuyết. Chỉ khoảng mười lăm phút là tôi có thể đứng vững trên hai ván trượt, chống gậy sắt chạy băng băng cả trăm mét như các ông tây bà đầm. Những cú té ê càng chỉ là kinh nghiệm đi đứng và thắng cho hợp cách mà thôi. Thế là không những được thấy tuyết, mà còn được trượt tuyết.

Đó là chuyện của hơn hai mươi năm về trước. Ngày nay, nếu có đi núi tuyết thì chỉ còn đứng nhìn con cái nô đùa vọc tuyết hoặc chỉ ước mong được những dịp nghỉ holiday ngồi bên lò sưởi đốt củi nhìn tuyết rơi ngoài khung cửa kính.

 

Nắng hè trên núi tuyết

Qua Pháp, nếu bạn đi núi Pyrénées trong mùa đông thì dứt khoát người ta nghĩ bạn là tay trượt tuyết. Đi mùa hè là để nghỉ mát đúng nghĩa nhất. Bạn cũng có thể ngắm tuyết phủ trên các đỉnh núi hay lưng núi giữa mùa hè. Pyrénées là thế đó, nhưng với tôi, tôi chỉ biết dãy núi này khi được học những câu triết lý vụn của mấy ông Pháp-lăng-sa như “Sự thật bên này dãy núi Pyrénées không phải là sự thật của phía bên kia”.

Bên này là Pháp, bên kia là Tây Ban Nha. Hai ông đều là “Tây” nhưng lại khác nhau, bởi vì bị ngăn bởi dãy núi cao và dài 435 cây số. Khác nhau là phải.

Đã đến Lourdes (Lộ Đức), thế nào cũng nên qua Tây Ban Nha thăm cho biết dân tình của một đất nước từng là một đế quốc lớn, chiếm được cả một nửa Mỹ Châu (Châu Mỹ La Tinh), một quốc gia đóng góp nhiều vào mỹ thuật, văn chương và kiến trúc trong thời Phục Hưng ở Âu Châu. Nhưng muốn qua thăm một thị trấn của Tây Ban Nha gần biên giới, cần phải “búc” vé trước tại khách sạn và phải khởi hành từ sáng, và vừa đi vừa về phải mất gần cả ngày.

Chúng tôi chỉ được ngủ hai đêm ở Lourdes. Đi chơi về khuya, ngủ dậy là đã thấy gần 9 giờ sáng. Chỉ còn chọn ghi danh đi tour những chuyến gần, đi trong nửa ngày, khoảng 5 tiếng đồng hồ trở lại. Có rất nhiều chuyến đi tour trên núi Pyrénées trong ngày. Các thắng cảnh với tôi đều giống nhau, vì thật sự mình chưa bao giờ nghe tên. Tôi chọn chuyến đi chơi Cirque de Gavarnie, một thung lũng tròn trong dãy núi Pyrénées: Cách Lourdes 54 cây số, ở độ cao 1,375 mét. Giá vé tour bằng xe bus: $13.30 Euro cho mỗi người (tính luôn thuế TVA, tức thuế trị giá gia tăng, tương tự thuế GST ở Úc).

Người tài xế kiêm thuyết minh viên hôm đó chỉ nói tiếng Pháp mà thôi. Ông có được cái tài hay nói đùa, chọc cười nên tôi yên tâm, vì chỉ sợ ông buồn ngủ khi lái xe trên con đường đèo mà mỗi lần ông chạy chậm  cho hành khách dòm xuống các con suối hay khe sâu thăm thẳm thì tay tôi bắt đầu ướt vì bệnh sợ độ cao.

Khách sạn bên bờ suối. Hình TVTS

Hôm đó là dịp có trận đua xe đạp quốc tế Tour De France. Tôi thấy các bảng hiệu quảng cáo trên đèo nhưng không gặp đúng lúc có trận đua. Trong vòng hơn một tiếng lái xe, người tài xế giới thiệu về lịch sử và con người ở trong vùng, những đền đài thị trấn mà xe chạy ngang qua. Những khu cấm trại lưng chừng đèo. Đến cầu Pont Napoleon, ông dừng xe và cho du khách xuống ngắm cây cầu đá rất cao bắc ngang giữa hai vách núi do vua Nã Phá Luân Đệ Tam xây vào năm 1860. Cầu nằm ở độ cao 700 mét. Bên cạnh đó có khắc bảng “tổ quốc ghi ơn”những anh hùng Pháp đã không chị đầu hàng Đức Quốc Xá, qua bên kia dãy Pyrénées “tử thủ” để sau đó theo đồng minh về giải phóng nước Pháp.

Hôm đó, chưa có những vụ cháy rừng nhưng trời cũng bắt đầu nóng, báo hiệu cho một trận nóng kinh hoàng nhất ở Âu Châu trong mấy trăm năm qua. Nhưng càng lên cao, không khí càng mát mẻ dù nắng chói chang. Thấy núi phủ những mảng màu trắng, nhất là trên đỉnh, tôi hỏi ông tài xế đấy có phải là những cụm mây không thì chưa đợi ông trả lời, các bà người Pháp đã nhanh chóng nói đấy là tuyết. Đây là lần đầu tiên tôi thấy tuyết giữa mùa hè, bởi vì chỉ nghe thấy tuyết bao phủ quanh năm trên ngọn Everest ở Hy Mã Lạp Sơn, trên ngọn Phú Sĩ ở Nhật hay trên ngọn núi lửa Kilimanjaro cao 5,895 mét ở Tanzania bên Phi Châu, nổi tiếng qua bản nhạc Les Neiges du Kilimanjaro qua giọng hát của ca sĩ Pháp Christophe trong thập niên 1960 và 1970.

Đến thị trấn Gavarnie, xe dừng và cho du khách được tự do đi chơi ăn uống trong vòng hai tiếng đồng hồ trước khi lên xe trở về. Cái lối đi tour là như thế: phải đúng giờ giấc, lỡ xe cũng mệt mà trễ cũng có thể bị người khác than phiền.

Ngay ở bên xe có nhiều quán xá, các tiệm bán đồ lưu niệm, các nhà trọ, khách sạn đủ loại. Từ đây nhìn lên núi, nơi có tuyết phủ, tôi nghĩ cũng cách xe khoảng ba, bốn cây số. Chúng tôi dự tính đi bộ tới hướng chân núi xem phong cảnh thì các con đã nhìn thấy bên kia đường một chuồng đầy ngựa, với giá 20 Euro đi trong 2 tiếng đồng hồ. Thế là các con được một màn cỡi ngựa dạo núi. Ngựa ở đây rất dạn, đi ngoài đường như chó, nhiều con không có chủ trông nom. Trong khi các con đi ngựa hướng về các chân núi, chúng tôi tà tà đi bộ theo sau, dọc con suối khá lớn chạy về hướng chân núi.

Trên đường đi, có rất nhiều du khách, nhưng càng xa bến xe, số người đi dạo bộ càng ít. Tôi lại ước mơ nếu được nghỉ mát ngay trên núi này trong vài ngày thì sẽ thú vị biết bao. Tôi không biết con suối này dài bao nhiêu, chỉ biết bề ngang rộng khoảng mười mét, thỉnh thoảng có những chiếc cầu đá bắc ngang. Đến gần núi thì khách bộ hành chỉ dùng được một đường mòn men theo con suối. Chúng tôi không lấy làm lạ khi thả chân trong suối thấy nước lạnh như băng, bởi vì trên núi vẫn còn tuyết phủ. Dọc theo suối có một vài khách sạn kiến trúc kiểu xưa và kiểu miền núi. Có một nhà hàng nằm mé suối với bao lơn trồi ra bên ngoài, khách vừa thưởng thức một ky kem Pháp vừa nhìn nước suối trắng tràn qua những ghềnh đá sâu bên dưới.

Đèo núi Pyrénées với hai giờ xe chạy và  hai giờ lội bộ ven suối không những làm người lớn chúng tôi thích mà con cái cũng vui không kém. Chúng tôi còn biết rằng có cả chục địa điểm ngắm cảnh ở dãy núi này và có 9 địa điểm trượt tuyết nằm trong bán kính 50 cây số từ Lourdes. Chỉ mất khoảng 25 Úc kim cho mỗi người, tôi đã biết được một phần “sự thật ở bên này dãy Pyrénées”, theo nghĩa đen.

Khi nghe tôi đi du lịch Âu Châu, nhà báo Nguyễn Tú có nói với tôi đi Pháp, Ý, Anh như thế là đúng lắm, nhưng nếu có dịp đi lại nên đi Áo và Hy Lạp. Tôi rất muốn được đến thành phố Vienna cổ kính để một lần được nghe dàn nhạc giao hưởng ở đây trình diễn, được ngắm dòng sông Danube mà chỉ biết qua tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh, để được xem kinh đô đẻ ra những thiên tài âm nhạc. Tôi cũng muốn đến viếng thành Athens của những câu chuyện thần thoại, nơi sinh ra những triết gia vĩ đại, khai sáng cho nền văn minh Âu Châu.

Nhưng tôi cũng muốn một lần được qua thăm xứ đấu bò rừng, xứ của nhạc tây ban cầm, của những dòng nhạc bằng ngôn ngữ mà tôi rất thích nghe và thích hát trong thời sinh viên. Và nhất là muốn tìm hiểu tại sao người Pháp có cái thành ngữ rất “kỳ thị” với người láng giềng như Batir des Châteaux en Espagne, nghĩa đen là xây lâu đài ở Tây Ban Nha nhưng nghĩa bóng là xây lâu đài trên bãi cát, tức đưa ra một dự tính không thể thực hiện được?

Trở lại Lourdes, chúng tôi còn cả buổi chiều nên lại tiếp tục tới Vương Cung Thánh Đường Lộ Đức để tham quan và ngắm thật kỹ cả 5 ngôi nhà thờ nằm trong trung tâm hành hương này như đã trình bày trong số báo tuần trước. Chúng tôi vào xem nhà thờ dưới hầm (The Underground Bisilica) hay còn có tên khác là Vương Cung Thánh Đường Piô X. Có vẻ lúc nào trong ngôi thánh đường có sức chứa 27,000 người này cũng có lễ. Lúc đó đang có lễ đồng tế. Tôi thấy có một người đàn ông mặc quốc phục Việt Nam màu xanh dương, đầu đội mũ quan với cánh chuồn, cúi đầu dâng lễ trước bàn thờ theo nhịp chiêng mõ mỗi khi đoàn đồng tế làm nghi thức truyền phép bánh thánh.

Chúng tôi đến xem Hang Đá, sếp hàng để vào sờ những thành vách của hang động mà trải qua một thế kỷ rưỡi, đã có cả tỉ bàn tay sờ vào làm cho những tảng đá vốn đã đen vì khói của đèn cầy cháy ngày cháy đêm, thêm bóng láng với sự cọ xát của con người.

Tôi thấy có những thanh niên người Âu Châu ăn mặc theo kiểu du khách ba-lô, quần sọt quỳ giữa sân hướng về phía Hang Đá. Tôi nói với nhà tôi giữa thế kỷ này mà còn những người trẻ mộ đạo như thế cũng là chuyện lạ, hiếm hoi. Có thể tôi có cái nhìn chủ quan chăng? Lại một buổi chiều lang thang quanh khuôn viên Lộ Đức để ngắm cảnh núi đồi, cây cỏ, sông nước. Giữa rừng khách thập phương, tôi chẳng còn biết mình là người hành hương hay là khách du lịch.

Chateau Fort de Lourdes

Pháo đài Lourdes

Khi đến Pháp, du khách có thể hoa mắt và bị rối bù với từ ngữ château của người Pháp. Ở đâu cũng nghe danh từ château. Nào là Château de Versailles (điện Versailles), Château du Louvre (bây giờ gọi là Bảo tàng viện Louvre), nào là château de la Loire (những cung điện trên dòng sông Loire), château du village (dinh thự trong làng); rồi nào là Château-Chalon AC, Château-Grillet AC v,v… tức là tên của những nhà làm rượu. Cái gì cũng có thể bắt đầu bằng chữ château mà từ tiếng anh tương đương là castle, và tiếng Việt có thể dịch là lâu đài, điện, hay pháo đài, tùy mục đích của dinh thự hay lâu đài đó.

Đến Lộ Đức, bạn có thể tham quan một château khá cổ xưa của nước Pháp, đó là château Fort de Lourdes. Khi nói đến château thì người ta hình dung đó là một tòa nhà thật to, một lâu đài có tường dày, có hào lũy bao quanh, ở trên có xây các tháp cao. Nhưng nếu ở trên đó có xây thêm những pháo đài với mục đích tự vệ, chống người bên ngoài tràn vào thành thì khi đó lâu đài này trở thành một château fort và ta có thể dịch là pháo đài, tiếng Anh gọi là fortified castle.

Lai lịch của château Fort de Lourdes bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 13. Pháo đài này được xây trên chóp ngọn đồi cao nằm giữa thung lũng Lourdes. Ngày nay, nó nằm trong khu di tích của nữ thánh Bernadette, giữa phố và khu hành hương. Nếu bạn ngụ trong các khách sạn thành phố, khi tới khu hành hương, thế nào cũng đi qua khu vực có pháo đài và sẽ thấy một tòa lâu đài hùng vĩ với cái tháp sừng sững trên bầu trời xanh, phất phới ngọn cờ tam tài.

Vé vào cửa cho mỗi người là 5 Euro. Lại lưu ý: các di tích lịch sử đều mở cửa đúng giờ hành chánh, trong đó có 2 giờ nghỉ trưa theo kiểu tây. Với chúng tôi, phải mất khoảng 2 tiếng đồng hồ để từ ngoài cổng đi bộ lên pháo đài, đi lướt qua các gian phòng trong pháo đài và liếc sơ các gian phòng trưng bày đồ mỹ thuật và tiểu công nghệ của người vùng Pyrénées.

Người Tàu nổi tiếng với Vạn Lý Trường Thành. Tôi đã nghe và đã đi xem một đoạn của Vạn Lý Trường Thành. Vĩ đại vì nó cao, to và nhất là dài. Nhưng nói về kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc, tôi nghĩ người Tàu không thể nào đối lại với người Âu Châu. Kiến trúc các pháo đài ở Âu Châu thời Trung Cổ quả là kiệt tác về phòng thủ và đồn trú, định cư. Xây những công sự  phòng thủ và cho quan quân cùng dân sống trong một tập hợp đồn lũy, dinh thự trên vách núi cheo leo như ở Lourdes không phải là chuyện dễ. Đến khoảng thế kỷ 16 và 17, kiến trúc pháo đài (château fort) không còn thích hợp trong quân sự như thời của các lãnh chúa, nên người ta chú trọng đến việc xây các lâu đài (château) với mục đích để ở, nhất là cho các vị vua, các người trong hoàng gia.

Một phần thành phố Lourdes nhìn từ Chateau Fort. Hình xoan ở giữa là nhà thờ dưới đất và cuối hậu cảnh là nhà thờ Lộ Đức. Hình: TVTS

Lên trên sân thượng hay tháp của pháo đài Lourdes, du khách sẽ có cái nhìn bao quát thành phố, thung lũng và những ngọn núi bao bọc chung quanh, nhất là thấy được con suối lớn Gave de Pau chạy qua trước mặt cổng nhà thờ Lộ Đức. Ngày xưa, Château Fort một căn cứ chiến lược quan trọng, chống những cuộc xâm lăng từ phía Nam. Đến thế kỷ thứ 17, pháo đài này trở thành nơi giam giữ các tù nhân của các nhà vua Louis. Ngày nay, nó trở thành Viện bảo tàng Pyrénées.

Chúng tôi tham quan Château Fort vào sáng thứ ba của chuyến đi Lourdes, đến trưa trở lại khách sạn trả chìa khóa và chuẩn bị ra ga để trở lại Paris. Lần này chỉ đi một chuyến xe siêu tốc TGV duy nhất, mất khoảng 5 tiếng rưỡi.

Có những lúc tôi thấy xe lửa chạy qua con sông Garonne, một con sông lớn ở tây nam nước Pháp, xuất phát từ dãy núi Pyrénées thuộc nước Tây Ban Nha, chạy qua thành phố Toulouse đến Bordeaux và rồi đổ ra biển Đại Tây Dương.

Nói đến Bordeaux lại nhớ rượu. Tôi từng nói với anh bạn chủ nhà thế nào tôi cũng phải “hành hương đất rượu” khi qua Pháp bởi vì Bordeaux là “đất thánh” của  loại rượu vang đỏ của Pháp. Úc có Grange ở Barossa Valley thì ở Bordeaux có Hermitage. Tôi có dự tính là sẽ dành một ngày để đi thăm các vườn nho, các nơi làm rượu của Pháp để sau này có dịp ngồi bàn rượu tán dốc với bạn bè. Nhưng anh bạn chủ nhà nói chớ có lo xa, vùng Champagne đất thánh của rượu Sâm-banh ở cách Paris chỉ sáu, bảy chục cây số, nên anh sẽ lái xe đưa đi, lúc nào cũng được.

Nhưng vì Pháp có quá nhiều nơi hấp dẫn hơn, và Chapagne nghe nổ thì vui tai, nhưng tôi lại không hảo vị ngọt và chua của sâm-banh dù là sâm-banh thứ chiến như Dom Pérignon hay Veuve Clicquot nên cuối cùng tôi đã không yêu cầu anh bạn chở đi viếng linh địa Champagne. Qua Pháp lần này, tôi đã bỏ dịp hành hương xứ rượu. Nhưng tôi vẫn còn mong có dịp khác./.

TVTS số 911 – 10.9.2003