Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: Điện Versailles và bãi biển Normandy (kỳ 12)

06 Tháng Mười, 2003 | Pháp
Kênh đào dài thăm thẳm với hai hàng cây tém hai bên. Hình TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Trong thời gian ở Pháp, có một di tích lịch sử mà tôi muốn xem cho thật nhiều và ngồi lại thật lâu, nhưng đã không được hoàn toàn như ý, đó là việc đi xem cung điện Versailles – Château de Versailles. Lý do: nằm hơi xa thành phố Paris và cung điện quá lớn để có thể xem hết trong một ngày.

Hôm đó lại là thời gian nóng kỷ lục ở Âu Châu, di chuyển trong Versailles, dù có lúc bằng xe của khuôn viên lâu đài (les petit trains du parc de Vesrailles), cũng chẳng phải là một sự thoải mái cho người lớn cũng như trẻ con. Bạn hãy tưởng tượng trời nắng và nhiệt độ khoảng 33 hay 34 độ mà đi bộ thì chẳng còn thú vị gì.

 

Tác phẩm của ông Vua Mặt Trời

Nếu bạn không có người quen và cũng chẳng muốn tốn thì giờ tìm tòi lôi thôi, cứ việc mua vé đi tour một ngày của công ty Cityrama, giá 74 Euro cho mỗi người, khởi hành từ 9.45am và trở về lúc 5.45pm. Ăn uống tự túc.

Tuy nhiên bạn cũng có thể đi xe bus số 171 hay xe lửa loại RER chạy tới tận khu Versailles (Versailles-Rive Gauche), từ ga vào cổng lâu đài khoảng nửa đến một cây số. Còn nếu được bạn bè hay thân nhân chở đi thì chỉ tốn tiền vé vào cửa.

Vé đi tham quan trọn ngày cho một người lớn là 20 Euro, bao gồm xem State Apartment (Château- nhà của vua và hoàng hậu cùng các đại sảnh tiếp tân, các phòng làm việc), và các Petit Trianon và Grand Trianon (những lâu đài nghỉ mát vui chơi bên cạnh lâu đài chính thức ở và làm việc State Apartment) và Hameau de la Reine (xóm nghỉ mát của Hoàng hậu).

Vì lâu đài Versailles quá rộng lớn, có những người chọn mua vé đi tham quan một số khu mà thôi. Như vé xem State Apartment với giá 7.5 Euro; nếu đi xem thêm Chambre du Roi (chỗ ở của vua) trả thêm vé 4 Euro; đi xem các Trianon 5 Euro và vé đi xe lửa nhỏ chạy một số đoạn đường trong công viên lâu đài từ nơi này đến nơi kia với giá 5.4 Euro, vì đi bộ sẽ mỏi chân và tốn thì giờ.

Điện Versailles do Vua Mặt Trời Louis 14 xây ở ngoại ô Paris, ngày xưa rộng 8,000 hếc-ta nay chỉ còn 800 hếc-ta. Hình: TVTS

Tôi nghe nói Versailles cách Paris khoảng vài chục cây số. Chúng tôi đi bằng xe hơi từ Champigny đến Versailles mất khoảng 1 tiếng đồng hồ vì kẹt đường. Xưa kia, vùng này chỉ là một vùng rừng núi không có người ở. Vua Louis 13 xây một biệt thự nghỉ mát tại đấy để đi săn thú. Nhưng khi vua cha mất, Louis 14 nghĩ đến việc dời cung, bởi vì ông nghi ngại giới trưởng giả cũng như dân Paris, sợ sự chống đối và nổi loạn của họ nên tốt hơn hết là dời cung điện thật xa. Không còn địa điểm nào đẹp và tiện lợi hơn là Versailles.

Từ năm 1661, trong vòng hơn 20 năm, Louis đã cho xây những cung điện nguy nga và vườn tược mênh mông ở trong một khu đất rộng đến khoảng 8,000 hếc-ta, tương đương với diện tích của thành phố Paris ngày nay. Ông dùng nhiều kiến trúc sư danh tiếng thời đó, kể cả người đã xây dựng lâu đài Vaux le Vicomte. Tốn kém không thể tả được đã làm cho dân chúng nghèo đi.

Người ta nói rằng đã có đến 4 thế hệ các nhà điêu khắc làm việc để xây dựng nên một lâu đài huy hoàng cho ông Vua Mặt Trời. Có khoảng 400 bức tượng bằng cẩm thạch và đồng thanh đã được tạo thành để dựng trong cung, dọc các hành lang.

Một con kênh đào thật lớn và dài hình thập tự giá nằm ngay sau cung điện chính (State Apartment) chạy vào sâu trong rừng cây, băng qua các công viên, được chăm sóc cẩn thận với nhiều hồ nhỏ, bể nước kiểu hòn non bộ với tất cả khoảng 1,400 vòi phun nước.

Năm 1682, vua Louis 14 dọn về ở hẳn tại đây mặc dù công trường vẫn còn 36,000 thợ làm việc và 6,000 con ngựa dùng để chuyên chở vật liệu tiếp tục các công trình xây cất còn dang dở.

Nếu đi tham quan với các công ty tổ chức đi tour, họ sẽ cho bạn xem cung điện chính trước (State Apartment), đến chiều họ mới đưa bạn xem hai khu nghỉ mát của vua là Grand Trianon và Petit Trianon, sau đó là xóm nghỉ mát của hoàng hậu (Hameau de la Reine – Marie Antoinette’s Hamlet).

Chúng tôi đi xem State Apartment trước. Sắp hàng mua vé và đi một vòng từ dưới lên lầu trên. Vì có quá nhiều tranh nên tôi có cảm tưởng điện Versailles lại là một viện nghệ thuật trưng bày tranh ảnh.

Ở đây có hai căn phòng gây ấn tượng cho tôi là khu nhà thờ để vua xem lễ hàng ngày (chỉ đứng ngoài nhìn vào) và phòng tiếp tân có tên gọi là Hall of Mirrors. Đây là căn phòng dài 73 mét và rộng 11 mét với trần nhà cao tới 13 mét. Trên mặt trần là những bức tranh do họa sĩ Charles le Brun thực hiện, kể lại những biến cố trong đời vua Louis 14 từ khi ông lên cầm quyền vào năm 1661.

Hàng chục chùm đèn trang trí (chandelier) thật lớn treo giữa phòng và những bức tượng, ghế sơn son thếp vàng làm cho đại sảnh của cung điện trở nên cực kỳ lộng lẫy, uy nghi. Ở khu này, chúng tôi được coi Queen’s Apartment là nơi sinh sống của các hoàng hậu và hoàng thái tử.

Đài tưởng niệm Đồng Minh ở Dieppe, nơi hàng ngàn binh sĩ Gia Nã Đại đã bỏ mình khi đổ bộ ở bãi biển Normandy. Hình TVTS

Vì không mua vé bao cả ngày, chúng tôi ra mua vé đi xe lửa chạy trong khuôn viên lâu đài để xem cảnh vật, vì vẫn chưa có một ý niệm gì về cái cung điện này. Thấy xe ngừng ở trạm đầu tiên, chúng tôi vào mua vé và mới biết đó là khu Petit Trianon.

Khu này các ông vua dùng để nghỉ ngơi khi muốn xa quần thần và công việc triều chính ở bên đại điện State Apartment. Từ đó chúng tôi đi bộ qua xóm nghỉ mát dành riêng cho hoàng hậu Marie Antoinette mà vua Louis 16 xây sau nầy, để bà hoàng hậu được ở tách biệt với triều đình và cả nhà vua nữa.

Tuy gọi là khu xóm (hamlet – hameau) nhưng nhà cửa cũng xây theo kiểu biệt thự hai tầng với vườn cây và hồ nước để hoàng hậu sống trong yên tĩnh như đang ở vùng quê xa xôi vậy (từ sân chính của đại điện vào các khu nghỉ mát Trianon mất khoảng nửa tiếng đi bộ).

Chúng tôi tiếp tục đón xe petit train đi tới khu Grand Trianon, lại cũng để xem các phòng ốc của một lâu đài nghỉ ngơi của vua. Xem tranh, tượng và nghệ thuật trang trí nội thất của những nghệ nhân nổi tiếng của Pháp.

Chúng tôi lên xe lửa nhỏ (hình thù giống xe lửa nhưng không chạy trên đường rầy) để tới một chỗ khác một cách ngẫu nhiên. Xe ngừng ở đầu con kênh đào, nơi có các trò chơi chèo thuyền. Từ đây tôi thấy đại điện (State Apartment) nằm ở xa, cách một hồ nước (hồ nước Apollo), một thảm cỏ và một cái sân lớn. Như trong giấy chỉ dẫn thì từ đầu kênh vào đại điện, phải mất đến 15 phút đi bộ (phải hơn một cây số).

Sau khoảng thời gian nghỉ ngơi ở đầu con kênh đào hình chữ thập mà nghe nói đi bộ theo chiều dọc kênh cũng mất đến 45 phút, chúng tôi lên xe lửa nhỏ petit train trở về chánh điện State Apartment. Lúc đó còn khoảng một tiếng là đến giờ đóng cửa, chúng tôi vội mua vé đi xem King’s Apartment (Chambre du Roi) với giá 4 Euro cho mỗi người.

Cảnh tượng đầu tiên khi bước lên lầu để vào xem chỗ ở của vua là cả cái cầu thang rộng lớn đều làm bằng cẩm thạch. Nhìn đâu cũng thấy toàn cẩm thạch. Những cái lò sưởi bằng cẩm thạch trong các phòng rộng và cao đến độ một người như tôi có thể bước vào bên trong lò không bị đụng đầu.

Lần này thì tôi có mang theo máy cassette giải thích cung cấp miễn phí nên hiểu được lai lịch của từng căn phòng. Đến phòng ngủ của vua Louis 14, tôi được nghe máy giải thích rằng căn phòng của ông có cửa sổ trông thẳng ra bức tượng ông cỡi ngựa dựng ở giữa sân trước và lại là hướng mặt trời mọc, để trùng với danh hiệu Vua Mặt Trời (Roi du Soleil) của ông.

Trong mấy chục năm cai trị nước Pháp, vua Louis 14 chỉ sống quanh quẩn trong cung điện Versailles, vậy mà trở thành một trong những vị vua vĩ đại nhất của Pháp.

 

Một ngày Normandy

Khi qua Pháp, tôi muốn đi Normandy là do những kỷ niệm về cuốn phim Le Jour Le Plus Long (nguyên bản tiếng Anh là The Longest Day) mà tôi coi hồi đầu thập niên 1960 cũng như bản nhạc của cuốn phim mà tôi thuộc và thường hát trong những lúc hứng chí ở một vài hộp đêm ở Sài Gòn hay trong các dịp đám cưới cho thiên hạ nhảy đầm với điệu Pasodoble vui và dễ nhảy như đi chợ.

Hồi ức văn nghệ và sự thích tìm hiểu lịch sử đã thúc đẩy tôi phải tìm cách đi Normandy.

Quảng cáo của công ty đi tour ghi mục Landing Beaches of Normandy với giá là 139 Euro (bao ăn trưa) cho mỗi người và phải đi từ 7 giờ sáng và đến 9 giờ tối mới về.

Nơi đến là thành phố Caen và những bãi biển như Gold, Juono và Sword là nơi lính Mỹ và Anh đã đổ bộ trong cái ngày D Day nổi tiếng 6.6.1944 để giải phóng nước Pháp và sau đó tiến chiếm nước Đức để chấm dứt Đệ II Thế Chiến. Ngoài ra còn được hướng dẫn đi xem các bảo tàng viện chiến tranh và Nghĩa trang Người Mỹ ở trong vùng.

Tôi hỏi ý kiến anh bạn chủ nhà thì được anh đề nghị nên đi tự túc bằng cách ra ga mua vé xe lửa và tốt hơn hết là đi bãi biển Dieppe cũng là nơi quân đồng minh đổ bộ nhưng đồng minh ở đấy là lính Gia Nã Đại. Anh bạn nói đi Dieppe dễ hơn vì bến ga xe lửa sát bờ biển, có thể đi bộ tới và nhất là có bãi biển đẹp, toàn bằng đá cuội.

Từ Paris đi Dieppe đường dài khoảng 170 cây số.  Vé đi 22.80 Euro, chạy mất một tiếng rưỡi. Vé về 17.10 Euro mất 2 tiếng. Tổng cộng tốn chưa tới 40 Euro cho mỗi người.

Cả đi và về đều phải thay đổi xe lửa giữa đường tại thành phố Rouen. Bạn sẽ có 8 đến 13 phút để đổi xe, nhưng cũng kịp nếu hỏi hay nhìn các bảng hiệu.

Vách núi và biển ở Dieppe: bãi biển không có cát mà chỉ toàn đá cuội

Vì đi lại mất quá nhiều thì giờ, nên chúng tôi chỉ còn mua vé để ngồi ngắm biển và tham quan khu vực đồng minh đổ bộ trong khoảng 4 tiếng đồng hồ.

Đi Dieppe thì phải đi từ ga Saint Lazare nằm ở quận 8 Paris. Tôi mua ngay một tạp chí định kỳ nằm trên sạp báo tại ga bằng tiếng Pháp có tên “Pays de Normandie” với chủ đề “Normandie từ đất liền đến nước với 30 địa điểm để phát hiện các bãi biển, sông ngòi, hồ lạch” nhưng chẳng thấy có chỗ nào nói về thành phố Caen hay Dieppe là nơi mà quân đồng minh đổ bộ.

Vì thế, khi đến ga Dieppe, tôi phải mua ngay bản đồ thành phố và nhờ thế mà biết được những nơi cần đến.

Tôi không đi xem nghĩa trang nơi có trên một ngàn lính Gia Nã Đại bỏ mạng trong cuộc đổ bộ ngày D-Day tại thành phố này. Cũng không đi coi các di tích lịch sử của thành phố vì thì giờ quá ít ỏi. Nhìn bản đồ, thấy từ ga ra bãi biển chừng một hai cây số, nhưng tôi thuê taxi để đi cho nhanh và tránh nắng. Chỉ mất 5 Euro.

Vì nói với tài xế là tôi muốn tới nơi có dấu vết của lính đồng minh đổ bộ, bác tài cho đậu trước đài tưởng niệm nằm ngay trên bãi biển chính của thành phố. Chụp vài bức hình lưu niệm trước trụ ghi công ơn của lính Gia Nã Đại và kháng chiến Pháp theo chân đồng minh bỏ mình trên bãi biển trong cuộc đổ bộ, chúng tôi tới các kiosk bên cạnh mua thức ăn. Thức ăn ở đây tương đối không đắt đỏ dù là trung tâm du lịch. Bịch chip lớn (khoai chiên giống KFC) 3.20 Euro; chai bia nhỏ 3 Euro.

Như hướng dẫn trong bản đồ ghi thì Dieppe là thành phố nằm trên biển Manche (English Channel), gần với nước Anh nên du khách ngoài người địa phương, đa số là người Anh. Tôi chẳng thấy du khách Á Châu trong thành phố này. Dieppe được coi là một trong những hải cảng an toàn nhất và sâu nhất trong biển English Channel (Dieppe theo thổ ngữ Norman ngày xưa là sâu).

Gần bãi biển có Casino, sân golf và hồ bơi cùng chỗ giải trí ngoài trời cho trẻ con. Nét độc đáo của bãi biển Dieppe là từ nước lên đất liền ở trên bờ toàn là đá cuội, với những hòn đá từ nhỏ như hòn bi đến những cục lớn bằng nửa nắm tay. Không thấy có cát. Đi chân không xuống nước đôi khi cảm thấy đau dù đá không nhọn.

Người tắm biển cứ nằm trên bãi đá cuội tắm nắng sau khi lội ra khỏi nước. Nhà tôi thấy bãi biển toàn là đá cuội mới hỏi tôi có phải người ta chở đá trải lên không. Đây là lần đầu tiên tôi thấy bãi biển không là cát, cát trắng hay vàng hoặc đất bùn vì thế không trả lời vội. Con gái tôi liền giải thích bãi biển đá cuội là một trong những cấu trúc địa hình ở một số bãi biển.

Nghe con giải thích và nhìn chẳng thấy có bãi cát nào trên bãi biển, chúng tôi bèn đi một vòng dọc bờ biển dài chừng vài cây số, tới mỏm núi đá cao thì ngồi dưới bóng mát của núi đá ngắm biển và cho con cái vọc những viên đá cuội mà chúng tôi chưa bao giờ thấy với một số lượng như thế.

Nước biển sạch. Bãi biển cũng sạch. Người tắm biển không nhiều. Chúng tôi tiếc là đã không mang theo đồ tắm. Cũng tiếc rẻ là không được ngồi lâu, dù chỉ ngồi trên những hòn đá cuội và chơi những trò chơi với đá cùng con cái như hồi còn nhỏ. Mấy tiếng đồng hồ trên bãi biển Dieppe qua thật nhanh.

Từ trái: tác giả bút ký Nguyễn Hồng Anh, anh bạn Bùi Sỹ Thành và Luật sư Trần Thanh Hiệp. Hình: TVTS

Chúng tôi phải về lại Paris để kịp buổi hẹn ăn tối ở quận 13 với gia đình con cái của anh bạn chủ nhà Bùi Sỹ Thành và luật sư Trần Thanh Hiệp.  Ngày hôm sau, 7 giờ sáng phải có mặt tại trung tâm Paris để đi chơi chuyến chót qua Bỉ quốc, rồi sáng hôm sau trở về Úc. Đi chơi mà như đuổi bắt thời gian, nhưng vẫn thấy thú.

TVTS số 915 – 8.10.2003