Tân Đảo có gì lạ? Ăn uống, giải trí thăm Xóm Cầu Muối ở Nouméa (kỳ 3)

18 Tháng Tư, 2007 | Tân Đảo - New Caledonia
Giải trí: Tác giả bút ký đang tập đi ván buồm. Hình: NHA

Với những bạn đọc ở Melbourne ít có dịp đi ngoại quốc mà phải quá cảnh phi trường Brisbane hay Sydney, người viết xin kể vài kinh nghiệm để khỏi lúng túng hay hốt hoảng vì không biết nhà đón khách đường bay quốc tế (international terminal) nằm ở nơi mô. Phi trường Tullamarine ở Melbourne quá rộng nên các nhà đón khách nội địa (domestic terminal) và quốc tế đều nằm cùng một chỗ, bước vài bước là tới, rất tiện lợi.  Nhà đón khách quốc tế nằm ở giữa, nhà đón khách nội địa của Qantas nằm bên phải và của Virgin Blue nằm bên trái.

Nhưng đến Brisbane, bạn phải đi từ trạm nội địa tới trạm quốc tế bằng xe lửa, dù không xa bao nhiêu. Nếu bạn mua vé Qantas đi Nouméa thì đã có bao việc chuyên chở rồi, chỉ trình vé đi máy bay thì nhân viên quầy bán vé đi xe lửa sẽ đưa cho bạn  cái vé, bằng không thì phải trả tiền vé từ trạm nội địa qua quốc tế là $4 đô la. Thủ tục di trú và quan thuế để ra ngoại quốc chỉ bắt đầu ở trạm quốc tế tại Brisbane.

Trước đây, tôi thường đi nghỉ mát ở Gold Coast nên cứ yên trí giờ Melbourne và Brisbane giống nhau, không ngờ lại khác, khiến chạy sốt vó vì sợ trễ máy bay do nhìn các đồng hồ treo tường!

Từ Nouméa trở về Úc bạn (có thể) sẽ xuống trạm (hay gọi là nhà khách- terminal)  quốc tế ở Sydney. Tại đây bạn phải làm thủ tục di trú và quan thuế khi trở lại Úc, nên khá mất thì giờ. Ngày trở về, tôi trách thầm hãng máy bay chỉ dành một tiếng rưỡi đồng hồ để đổi máy bay thì làm sao kịp để về Melbourne vì xếp hàng làm thủ tục di trú và quan thuế mất khá nhiều thì giờ, cả tiếng đồng hồ. Tôi vẫn ghĩ rằng các hãng máy bay luôn tính toán kỹ để hành khách quá cảnh có đủ thì giờ để di chuyển và làm thủ tục, nhưng khi nhìn đồng hồ đeo tay thấy chỉ còn nửa tiếng nữa là máy bay sẽ cất cánh, nên lại vội vàng vừa đi vừa chạy để kịp đón xe bus đi tới nhà khách nội địa đáp máy bay về Melbourne. Thật ra, hãng máy bay đã dành khoảng 2 tiếng rưỡi để hành khách thong thả đổi máy bay, nhưng vì giờ giấc địa phương khác nhau hoặc vừa mới đổi giờ như vào cuối tháng  3 vừa qua, nhưng tôi không biết nên cứ quýnh quáng lên.

Đó là một kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc khi đổi máy bay ở Brisbane và Sydney.

 

Đi đứng

Bước lên máy bay Aircalin của Tân Đảo, bạn sẽ gặp những phi công và tiếp viên có màu da khác với người Úc gốc Hồng Mao. Họ là những người Pháp hay người Tân Đảo có nước da như người Đông Timor mà bạn thường thấy ở Melbourne. Và dĩ nhiên họ nói tiếng Pháp;  tiếng Anh là ngôn ngữ phụ của họ.

Phi trường quốc tế Tontouta nằm sâu giữa rừng, phía bắc cách thủ đô Nouméa khoảng 50 cây số. Phi trường đã nhỏ lại trông càng vắng vẻ hơn bởi tôi đến đó vào khoảng 12 giờ đêm. Tôi có cảm tưởng không lớn hơn phi trrường Denpasar ở đảo Bali bao nhiêu. Nhìn qua có vẻ giống như phi trường Phú Bài ở Huế thời tôi còn là sinh viên  đi học xa trở về thăm nhà đầu thập niên 1970.  Thời đó, máy bay phản lực Boeing 707 của Air Vietnam không thể đáp xuống Phú Bài được, mà chỉ đáp ở phi trường Đà Nẵng hoặc Nha Trang. Phi truờng tỉnh lẻ của Huế chỉ đủ sức đón máy bay lớn nhất là DC-6 với 4 động cơ chong chóng.

Tôi chẳng thấy taxi ở phi trường Tontouta. Chỉ có một chiếc xe bus và 2 chiếc mini-bus đón khách. Đa số du khách đã book với khách sạn nên có danh sách sẵn để lên xe về chỗ trọ. Tuy nhiên tôi cũng có thể mua vé tại chỗ nhờ còn rất nhiều chỗ trống.  Vé mỗi người là 6000 Pacific Franc, tức đồng Phật lăng của Pháp ở vùng Thái Bình Dương (Tân Đảo là lãnh thổ của Pháp, nhưng không dùng đồng Euro như ở Âu Châu).  Không như ở Bangkok, Bali, Bắc Kinh, Hồng Kông và Singapore bạn có thể trả tiền Úc  thay vì tiền địa phương, ở Nouméa bạn phải giao dịch bằng đồng Franc. Bạn có thể đổi ngay tại phi trường hay ở các ngân hàng, khách sạn, sòng bài Casino. Một úc kim đổi khoảng 64 đến 67 Franc, nên chi phí đi từ phi trường về khách sạn khoảng 45 đô Úc.

Khách sạn Le Surf  (tên cũ Novotel Surf Nouméa) mà tôi trú ngụ nằm ở phía nam, cách trung tâm thành phố Noumea khoảng 4-5 cây số. Đây là khu vực có nhiều khách sạn nhất vì nằm ở ven biển. Trên đoạn đường nối tiếp nhau mang các tên De Gaulle chạy từ phố ra bờ biển nối với các đường Garnier, Laroque dọc bờ biển dài khoảng 5 cây số mà tôi có dịp đi bộ, có rất nhiều khách sạn từ loại 2 sao như  Hotel Beaurivage (tên cũ Ibis)  ở Baie des Citrons giá phòng giường đôi khoảng 125 úc kim/đêm; khách sạn 3 sao Le Surf  ở khu Rocher à la Voile với giá 165 đô; khách sạn 4 sao Nouvata Park Hotel ở khu  Anse Vata giá khoảng 300 đô; và khách sạn 5 sao sang trọng nhất Nouméa là Le Meridien ở trong khu Val Plaisance cũng gần đó.

 

Kiếm chỗ trọ

Bạn có thể lên internet để thăm dò và book khách sạn. Tôi có thẻ hội viên Accor Advantage Plus (mỗi năm đóng khoảng $250)  nên tìm hai khách sạn Novotel Surf Nouméa và Ibis là những khách sạn nằm trong hệ thống Accor để được hưởng giá đặc biệt của hội viên, nhưng cả hai khách sạn này nay đã đổi tên và không còn nằm trong hệ thống khách sạn quốc tế  Accor nữa. Tuy nhiên giá của Le Surf (tức Novotel Surf Nouméa, là tên vẫn còn nằm trên một số giấy tờ và bản đồ du lịch của Nouméa) cũng dễ chịu.  $155 cho phòng đôi nhìn ra vườn và $165/đêm nhìn ra biển. Khách sạn 3 sao Le Surf  có đến 238 phòng nằm ở khu vực có tên Rocher à la Voile (núi đá nơi người ta chơi lướt buồm), theo tôi, cũng khá tốt nhờ vị trí nằm riêng biệt trên mỏm đất nhô ra biển nên cảnh vật đẹp, nhất là hàng dừa cao đủ loại bao bọc khách sạn. Tuy là khách sạn hợp với túi tiền du khách trung bình, nhưng phương tiện rất đầy đủ: một hồ bơi lớn được bao bọc bởi các tầng lầu khách sạn và một nhà hàng nấu ăn theo kiểu Pháp.  Trong thời gian tôi ngụ, người ta phục vụ theo lối buffet, ăn bao nhiêu cũng được– đối với các bữa ăn sáng, ăn trưa cũng như ăn tối.  Cạnh nhà hàng này còn có bar rượu khá lớn thường có nhạc sĩ chơi dương cầm và hát vào các tối và trưa Chủ Nhật. Ngồi ở nhà hàng có thể nghe nhạc sống hoặc qua bar rượu uống bia nhìn nhạc sĩ chơi đàn và hát.  Mà không uống rượu ngồi nghe ké nhạc sống cũng không chết ông tây nào, vì tôi thấy có  những ông tây bà đầm ngồi ghế salông trong bar nghe nhạc, tiếp viên tới hỏi họ có uống gì không mà họ lắc đầu cũng chẳng sao. Lý do: bar rượu nằm trên lối đi phía sau của khách sạn cạnh hồ bơi nên người ra vào khách sạn có thể đứng nghe một lúc mà không cảm thấy áy náy. Nhưng đấy cũng có thể là cách phục vụ khách hàng của khách sạn Le Surf.

Người nhạc sĩ dương cầm này khoảng trên 50 tuổi  có nickname là Bibi. Với cây đại dương cầm (grand piano) và hệ thống điện tử, nhiều lúc ông mở máy để chơi như  một ban nhạc. Bibi  là người bản xứ nói rành tiếng Anh. Khi biết tôi là người Việt và luôn vỗ tay mỗi khi ông hát xong, ông thường nói thêm bằng tiếng Việt “cám ơn”. Tôi không ngạc nhiên, bởi người Việt sinh sống ở Nouméa từ lâu lắm rồi.  Ông cho biết mới tới chơi đàn cho khách sạn Le Surf khoảng 5 tháng và trước đây thường chơi đàn ở Hồng Kông, Mã Lai, Singapore. Hát tiếng Anh đã hay, Bibi hát tiếng Pháp còn hay hơn bởi đó là ngôn ngữ mẹ  của ông. Mỗi đêm, dù ăn ở đâu, tôi cũng trở về bar rượu nhâm nhi nghe Bibi đánh đàn và hát. Tôi có dịp yêu cầu Bibi hát những bản nhạc quen thuộc của thập niên 60,70  như  Et Maintenant, La Mer, Aline, Il est Parti  v.v… và ngược lại Bibi giới thiệu những bản nhạc Pháp của thập niên 50, 60… mà tôi không biết. Có những lúc khách ngồi nghe đứng dậy dìu nhau theo tiếng nhạc hoặc xin hát. Có lần Bibi hỏi tôi có muốn hát không, tôi giả bộ nói mình không biết hát.  Mà hình như tôi đã không hát cả 20 năm nay rồi, e rằng không còn thuộc lời bất cứ một bài nào nữa.

Cạnh hồ bơi và nhà hàng có một khoảng sân rộng để trình diễn văn nghệ. Tôi được xem chùa một buổi văn nghệ nhìn từ trên ban công phòng ngủ vào tối Thứ Bảy do người dân bản xứ thuộc sắc dân Polynesian trình diễn qua các màn hát, vũ và múa lửa. Coi cũng xôm tụ lắm. Le Surf là một khách sạn loại cũ nhưng rất thơ mộng về đêm. Ban ngày trông cũng “không tệ”. Tôi chỉ không hài lòng một việc mà thôi vì phải đứng tắm trong bồn.

Ngoài ra, còn khách sạn này còn có một một nhà hàng kiểu Nhật nằm ở hướng cạnh sòng Casino của khách sạn, một sòng bài lớn mở cửa suốt ngày đêm.  Tôi không hảo món ăn Nhật nên chưa vào, nhưng nói chung, kiểu ăn Nhật hay Pháp đều cũng có giá ngang ngửa nhau, từ 2500F đến 4000F cho một đĩa (khoảng $38 đến $62 úc kim).

Nói đến món ăn Nhật, tôi nhớ lại là trước khách sạn Le Surf luôn có 4 lá cờ tung bay: cờ tam tài của Pháp, cờ Nhật, cờ Úc và cờ Tân Tây Lan. Lý do, theo tôi nghĩ, vì phần lớn du khách ở  Nouméa đến từ 3 quốc gia này nên họ treo cờ để làm hài lòng du khách. Thật vậy, tôi thấy hơn một nửa du khách ở Nouméa là người Nhật. Gặp tôi, dù khi tôi nói chuyện với du khách Pháp hay người Tân Đảo địa phương và  thỉnh thoảng có nói chút  ít tiếng Pháp  qua những câu chuyện trời trăng mưa gió thông thường, họ luôn coi tôi là du khách từ Nhật chứ không bao giờ nghĩ là người Tàu, chứ đừng nói gì là người từ Việt Nam, một dân tộc có liên hệ lịch sử và văn hóa với người Pháp.

Tôi ghi ra số điện thoại khách sạn Le Surf (hay Novotel Surf Nouméa)  để bạn đọc có thể dùng khi cần: 0011 687 28 66 88. Giờ ở Nouméa giống với giờ ở Melbourne. Các nhân viên khách sạn thường nói được tiếng Anh. Ở các tiệm ngoài phố (Central Business District), phần lớn chủ cửa tiệm nói được ít tiếng Anh. Còn muốn chắc ăn, thấy người nào có khuôn mặt giống người Việt cứ xổ tiếng ta là sẽ được đáp trả bằng giọng bắc rặt. Tôi chưa gặp người nào ở Tân Đảo nói giọng Huế hay giọng Nam.

Khách sạn Le Surf nhìn từ ban công lầu 5. Phía trước là bãi biển Anse Vala nơi có khu buôn bán và ăn uống. Cuối eo biển có khách sạn 5 sao le Meridien nằm trên mỏm núi. Hình: TVTS

 

Ăn uống

Lại nói về cái ăn là cái rất cần thiết và là cái thú trong cuộc sống. Chắc chắn đi chơi bạn sẽ ăn nhiều hơn khi ở nhà hay khi đi làm việc.

Ở khách sạn Le Surf, tiền ăn sáng (loại all you can it) nếu cả đồ lạnh lẫn đồ nóng là 2400F (khoảng $37 đô) cho mỗi người. Ngày đầu vừa đến, cô chiêu đãi bản xứ nói tiếng Anh nghe không rõ, tôi gật đầu và sau đó mới biết là mình đã đồng ý ăn theo lối ăn sáng của Mỹ, có nghĩa có khoảng hai tá món ăn để trên kệ, muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Ở Úc hầu như tôi không bao giờ ăn sáng, thế mà ngày đầu tiên ngồi ăn kiểu đó trong hai tiếng đồng hồ để chuẩn bị “ra tỉnh” (người Việt ở Tân Đảo nói ra phố là “ra tỉnh” như ở Úc ta nói “lên xi-tì” vậy), tôi đã ăn cho đáng đồng tiền bát gạo đến độ tối vẫn chưa thấy đói, dù đi bộ trong ngày khá nhiều.

Cho đến nay, tôi không hiểu tại sao ở khách sạn Le Surf người ta ăn nhiều như thế? Ăn đến 3 bữa (Petit déjeuner, Déjeuner và Diner) trong một ngày và chỉ có lối ăn buffet, thế nhưng lúc nào cũng đông người.  Ngoài du khách tây phương, tôi thấy người địa phương (mũi to da ngăm, tóc quăn và thường là to con) đến khách sạn Le Surf ăn khá nhiều. Tôi chưa ăn trưa ở khách sạn, nhưng có dùng hai bữa tối mà giá buffet  cho đồ ăn nóng, lạnh và tráng miệng hoa quả là 4000F cho một người.  Tôi thường uống nhiều hơn ăn nên chỉ chọn thức ăn nóng giá 2600F (khoảng 40 đô). Với những món đồ nóng trong đêm như thịt bò, thịt cừu, cá hay sò, bạn ăn mệt nghỉ, ngồi từ 7 giờ tối đến 10 giờ đêm. Tôi thắc mắc là nếu một người chỉ chọn một thức nóng/lạnh hay tráng miệng mà cứ tới các dãy bàn lấy thêm những món khác thì làm sao tiếp viên kiểm soát được? Hay là người Tân Đảo quá thật thà, tự trọng? Ở xứ này có nhiều tội phạm không? Tôi sẽ có dịp trình bày sau.

Cũng tại khách sạn này, cuối tuần như Thứ Bảy, có một bữa ăn tối buffet nhưng có đồ biển đắt tiền như tôm hùm và cua. Thực khách không được chọn mà phải trả tiền ăn bao nguyên bữa buffet đó với giá 6000F (khoảng $92 đô) cho một đầu người, đấy là chưa kể bia (một ly bia ngoại 800F = 12 đô) và rượu (một ly rượu vang xoàng (house wine)  là 700F = 11 đô).

Bạn đã thấy ăn uống ở Tân Đảo đắt đỏ chưa? Thế mà thiên hạ, kể cả người bản xứ ăn uống suốt ngày (trong khách sạn và ngoài bờ biển) mà phần lớn là những người tuổi xồn xồn và tuổi về hưu.  Tiền đâu mà họ tha hồ ăn vậy? Theo sự tìm hiểu của tôi, mức sống  ở Tân Đảo cao (như Pháp vậy) bởi vì họ làm ra nhiều tiền (tiền phật lăng) và được trả lương cao. Nhưng bởi đời sống đắt đỏ nên cũng huề. Cũng như người ở Pháp, người ở Tân Đảo mà đi du lịch  Úc hay các nước Á Châu thì sẽ tha hồ tiêu “như ông hoàng”, dù rằng trở về nhà họ cũng phải lao động vất vả và trông chẳng giống ông hoàng bà chúa chút nào.

Tôi thường dùng cơm tối  ở nhà hàng Fun Beach Restaurant Grill  bên kia đường đối diện khách sạn Le Surf. Nhà hàng này có món ăn Pizza mà nhiều du khách thích nhưng trong đó không có tôi. Tôi thích nhà hàng này qua món thịt bò bi-tét. Đúng là người tây (hình như có người gốc Ý hay Tây Ban Nha, vì nét mặt cũng như  nhạc Tây Ban Nha mà thường mở) nên bảo đảm là món thịt bò nướng phải hết sẩy. Ngoài ra,   các món thịt vịt (tây mà), cá sống cũng không đến nỗi tệ đối với những người thích nhậu. Một cặp vợ chồng dùng một đĩa và thêm thức uống tốn chừng 6,000F đến 7000F, tức khoảng 100 úc kim. Bia địa phương Number One giá 500F, nhưng bia Heineken hay Foster lại tới 800F. Cũng nên biết, như ở Pháp lon bia/chai bia chỉ có dung tích 330ml, nhỏ hơn ở Úc.

 

Tắm biển

Tắm biển hoặc trượt ván buồm. Hình: NHA

Từ khách sạn Le Surf tới khách sạn Nouvata Park Hotel dài chừng một cây số. Đây cũng là một khu vực nghỉ mát nhộn nhịp không thua gì khu bãi biển Baie des Citrons, nơi gần phố hơn. Có văn phòng du lịch, bến cho tàu giải trí, bãi biển để tắm, khu trượt ván buồm (windsurf), tàu canô đưa khách tới đảo nhỏ Ile au Canards cách bờ chừng một cây số và nhất là khu buôn bán và ăn uống cạnh khách sạn Nouvata.

Ngày Chủ Nhật, bãi biển đầy người, nhưng ngày thường rất vắng. Bất cứ chỗ nào cũng có thể tắm được. Nước biển ấm khiến những người Úc tôi gặp đã không tiếc lời khen ngợi khi họ biết tôi đến từ Melbourne.

Tại đây có chỗ cho thuê trượt ván buồm bởi vậy mới có tên Rocher à la Voile (núi đá chơi buồm). Lần đầu tiên tôi thuê ván buồm để tập, giá 1 giờ gần $20 đô. Người huấn luyện chỉ nói sơ sơ cách trèo lên ván, kéo buồm,  giữ buồm, nghiêng hướng buồm và chuyển vị trí hai chân xoay quanh cột buồm để chạy ngược lại, xong là ông ta biến mất tăm. Sau vài lần té  lên rớt xuống, tôi đã có thể dong buồm chạy tà tà, và cảm thấy thích thú với trò chơi thể thao này. Những người chơi giỏi cho ván buồm chạy xa bờ và lướt với tốc lực nhanh bằng những chiếc canô đưa người ra đảo Ile au Canards. Buổi chiều cuối tuần, nhìn  những người lướt  ván buồn thành thạo, chuyên nghiệp chạy như mắc cửi ngoài biển Rocher à la Voile, tôi có cảm tưởng đấy là đám chuồn chuồn đang lượn trên mặt hồ nước gợn sóng. Chỉ chơi thử windsurf một lần mà đã thích, không biết chừng nào có dịp tập và chơi cho thành thạo môn giải trí vui và rẻ tiền này?

Trên bãi biển  có một dãy ki-ốt  và quán bán thức ăn bình dân, giá một phần gà và khoai tây chiên khoảng 800F, một lon nước ngọt  300F, có nghĩa bạn mất khoảng 15 đô cho một bữa ăn trưa. Nếu bạn ăn một tô phở Việt Nam ở quán Bambino của bà Dung cũng ở trong khu này, bạn sẽ trả 800F.  Một tô phở ở bãi biển Thái bình dương giá khoảng 12 đô chưa bằng một tô phở ở kinh đô ánh sáng Paris (phở ở Quận 13 cũng tạm được), nhưng tôi không dám thử bởi vì nghe vài người Việt ở Tân Đảo đã từng qua Úc ăn, nói rằng phở Nouméa không giống phở Việt Nam.  Thật ra, phở ở Úc cũng đâu giống phở Sàigòn, nhưng vấn đề là có ngon, hợp khẩu vị của mình không. Một cái Hot Dog khoảng 400F, tức hơn 6 đô. Ông người Phi Luật Tân mà ngày đầu tôi gặp nói ở  Nouméa chỉ có 2  tiệm McDonald trong đó có một cái ngay tại trung tâm thành phố. Tiệm ở phố giờ cao điểm rất đông người. Một hôm tôi phải đợi hơn 30 phút để mua được cái Large Big Mc Meal với giá 800F, tức khoảng $12.30  đô (tại Úc chỉ $6.45).

 

Từ “ra tỉnh” đến “Bãi Bắn”

Khu phố ở “Bãi Bắn”. Hình: NHA

Vừa đặt chân đến Nouméa, chỉ qua một đêm ngủ ngắn ngủi vài tiếng đồng hồ, tôi đã phải thức dậy vì ánh sáng của một ngày nắng biển. Ở Úc, tôi có thói thích ngủ nướng và dậy trễ bao nhiêu cũng được. 7, 8  giờ sáng là chuyện thường. 10 giờ không là chuyện hiếm. Thế mà mỗi khi đi chơi, du lịch, khoảng 6 giờ sáng đã phải dậy vì không ngủ được. Hóa ra đi nghỉ mát mà lại ít nghỉ ngơi, cứ phải dậy mà đi. Chắc là do méo mó nghề nghiệp: nghề nhà báo thích đi đó đây kể chuyện. Trưa đầu tiên trên thành phố Nouméa của Tân Đảo, tôi đã “ra tỉnh” –cách nói của người Việt địa phương—và tôi đã gặp được người Việt định cư ở đây trong một quán ăn của người Việt giữa phố lạ. Người chủ là người Bắc, tôi nghĩ thế vì nghe họ nói giọng Bắc. Lại thấy một bà phụ bếp người bản xứ thuộc sắc dân Polynesian nói tiếng Việt, tôi nghĩ mình đã gặp đúng chỗ để kiếm thông tin. Nhưng tôi vẫn phải dè đặt vì biết rằng đa số người Việt ở Tân Đảo ngày xưa thân Bắc Việt và ngày nay cũng có lẽ thế.

Thấy hai người đàn ông trung niên đang ngồi uống bia, tôi hỏi quán này có bán bia không thì hai ông trung niên người Việt này nói ở đây muốn uống bia, phải ăn một món gì đó, chứ họ không bán bia như trong các nhà hàng hay quán rượu. Đây là một tiệm ăn bình dân, chủ yếu bán đồ mang đi. Tôi trả lời vậy thì uống nước ngọt cũng được, bởi tôi vừa ăn sáng ở khách sạn, còn quá no.

Người đàn ông lớn tuổi nhất hỏi tôi từ đâu đến và khi nghe từ Úc sang nghỉ mát, không có bà con hay người quen biết ở Nouméa thì ông lấy làm lạ tại sao lại không chọn  xứ khác hoặc “đi Việt” (cách nói của người ở đây khi muốn nói đi Việt nam, có thể để tránh nói đi về miền Bắc hay miền Nam). Tôi nói tôi vừa muốn nghỉ mát vừa tìm hiểu người Việt ở Nouméa để viết bài phóng sự (nhưng tôi không nói cho báo nào). Ông lớn tuổi tự giới thiệu ông và người bạn là “dân ngụy” sang định cư Nouméa sau này. Ông là hạ sĩ quan trước kia làm việc ở nhà đoan (quan thuế) và người bạn là cựu thủy quân lục chiến. Hai người đều gốc  Bắc Kỳ nhưng sống ở Sài Gòn. Ông lớn tuổi giới thiệu tên là Vị, người bạn là Huấn. Ông Vị nói ở đây (Tân Đảo) đa số là dân “Bắc Kỳ của Cụ Hồ” nên tôi phải cẩn thận, rằng dân Miền Nam mới qua sau này không chơi với dân Bắc Kỳ đi từ Miền Bắc. Tôi nghĩ ông Vị nói có thể đúng một phần nhưng chính là để vui đùa, vì ông nói thật lớn và vừa nói vừa cười. Bà chủ quán –tôi không biết thuộc “người miền nào, khuynh hướng gì”– cũng cười theo, khiến không khí thoải mái cho một khách phương xa như tôi.

Ông Vị đứng dậy tới quầy yêu cầu bà chủ quán lấy cho tôi một chai bia lạnh để uống mà không cần có thức ăn trên bàn (điều này làm tôi nhớ cách đây hơn 20 năm khi ra ăn ở nhà hàng Vào Đời trên đường Victoria, đã uống lén bia vì lỡ mang theo do không biết luật cấm mang rượu bia vào uống ở nhà hàng không có phép bán/uống rượu. Thời đó có những ông ghiền  phải rót bia vào bình trà để ngồi uống như uống trà).

Gặp không khí cởi mở của những Việt kiều ở đây và cũng có thể do bia vào, tôi  nói chuyện liên hồi và chịu khó bông đùa, huyên thuyên không thua gì ông Vị khiến ông ta nổi hứng mời tôi về tiệm của ông cho biết sự tình, đời sống của người Việt Nam ở Tân Đảo sau khi trả tiền nước cho đồng hương vừa mới gặp. Tôi và nhà tôi lên xe,  ông Huấn lái cả đám về nhà ông Vị, một tiệm tạp hóa có tên Chez Vincent (tức là tiệm của ông Vị). Ông Vị nói ông chọn tên Vincent cho người địa phương dễ gọi, nhưng phần đầu chữ Vincent là tên của ông.  Ấn tượng đập vào mắt tôi  là một khu bình dân, hơi vắng xe cộ nhưng lại có quá nhiều người da đen tóc quăn qua lại, trời nắng chang chang nhưng phần lớn thanh niên mang áo ấm, áo chắn gió kéo mũ nỉ phủ kín đầu.

Tôi thấy khung cảnh và người ngợm mà hơi dợn người. Ông Vị nói đây là loại khu Cầu Muối và hỏi tôi có biết Cầu Muối ở Sài Gòn không. Ông nói ông là người mà dân anh chị địa phương ở đây nể mặt. Nhà ông có trang bị nào dao, nào súng, sẵn sàng chơi những đứa nào lộn xộn, phá phách, trộm cắp. Ông khoe ông đã từng “bắn”  cho “tụi đen” ở đây chạy có cờ bởi “mình là người lính từng chiến đấu mà anh” đâu có sợ gì ba chuyện lẻ tẻ, những thằng phá rối. Tôi không biết ông Vị do bia vào hay muốn nổ với khách đường xa hay không mà coi chuyện gươm giáo súng đạn như là chuyện đùa.

Trước cổng nhà thờ Công Giáo VN ở Nouméa. Hình TVTS

Nhưng quan sát,  tôi thấy tiệm Chez Vincent  ngoài cửa sắt còn lưới sắt phủ kín tường. Ông Vị nói phải như vậy mới sống được ở khu vực này, một Xóm Cầu Muối xứng với cái tên Vallée du Tir.  Tôi nói “Van-lê” thì tôi biết rồi, là thung lũng, nhưng chữ  “Tia” viết ra sao, xin ông đánh vần cho để còn nhớ. Ông Vị nói “Tia” là Tê-i-e-rờ đấy. Tir là bắn.  Vallée du Tir là Trường Bắn, Bãi Bắn đấy!

Cách  tiệm ông Vị  chừng vài trăm thước có ngôi thánh đường Christ Roi (Kitô Vua),  nơi hình thành Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Nouvelle Calédonie hơn nửa thế kỷ nay. Tôi nghĩ đấy là “cái nôi” của người Việt ở Tân Đảo.

Qua Mỹ, phải đến Quận  Cam; tới Pháp phải đi Quận 13; đến Úc phải đi Cabramatta…  thì đi Tân Đảo phải ghé tới  khu Vallée du Tir,  để xem cho biết sự tình. Mời bạn đọc đón xem vào tuần tới.

Nguyễn Hồng Anh – TVTS 18.4.2007