Du lịch Đức: Wiesbaden thành phố nổi tiếng không ngờ của Đức (kỳ 1)

03 Tháng Chín, 2015 | Đức
Vừa tới Wiesbaden, vợ chồng Cường & Thúy (giữa) dẫn chúng tôi dạo ở trung tâm phố xem quang cảnh và những kiến trúc nổi bật nhất của thủ phủ Tiểu bang Hessen. Hình: NHA

Trong chuyến đi Âu Châu này, mỗi nước chúng tôi ở khoảng 4 ngày, riêng nước Đức đến 7 ngày vì so với Hòa Lan, Tiệp và Áo, tôi biết (tên) nhiều thành phố nước này và chút đỉnh lịch sử chính trị nước này bởi vai trò của nước này trong thế kỷ thứ 20.

Vì vậy ngoài Berlin là thủ đô hiện tại của Cộng hòa Liên bang  Đức (thống nhất) và trước  kia là nơi đóng quân của Đồng minh và là thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) mà chúng tôi sẽ ở lâu nhất, chúng tôi muốn thăm một thành phố được coi là trung tâm tài chánh của Đức: Franfurt nằm ở miền trung nước này. Nhưng khi một người em gái của bạn thân vợ tôi định cư ở thành phố Wiesbaden, cách Frankfurt 38 km, biết chúng tôi đến thì nhất quyết nói chúng tôi hãy đến ở nhà họ vì đã hơn 30 năm chưa gặp lại, và nếu muốn đi thăm Frankfurt thị họ sẽ lái xe chở đi.

 

Từ Amsterdam đi Wiesbaden

Hai ngày trước khi rời Hòa Lan, chúng tôi mua vé ở trạm xe lửa trung ương Amsterdam Centraal nằm gần khách sạn. Xe lửa càng chạy nhanh và vé hạng cao thì giá cả sẽ đắt hơn. Như bạn đọc có thể đã biết, ở Âu Châu có nhiều loại xe cao tốc TGV (Très  Grande Vitesse) gọi theo kiểu Pháp  hay đầu đạn (bullet head) gọi theo kiểu Nhật.  Nếu bạn đi Pháp thì sẽ đi xe Thalys (xe lửa Amster dam đi Paris bị khủng bố hụt tháng trước), còn nếu đi Đức thì dùng xe ICE (InterCity Express).

Vé hạng nhất 287 Euros (thời giá lúc đó khoảng 462 Úc kim) cho hai người. Đường Amsterdam-Wiesbaden dài khoảng 425 km, phải đổi xe ở trạm Frankfurt, nhưng vì ICE là xe lửa loại cao tốc nên  thời gian đi chỉ mất khoảng 4 tiếng rưỡi.

Kurhaus (spa house) với bảng hiệu ở mặt tiền Aquis Mattiacis và Casino, là sòng bài và trung tâm trình diễn nhạc, triển lãm với sân cỏ xanh rì (nơi thỉnh thoảng tổ chức nhạc ngoài trời) và hàng cột được xem là dài nhất Âu châu. Hình: NHA

Mua vé một thời gian trước, có thể rẻ và chọn được giờ khởi hành mình muốn, nhưng du lịch thì có gì mà vội, mỗi ngày có nhiều chuyến tàu nên chúng tôi cứ tà tà mua trước một hai ngày cũng được.

Chuyến xe cao tốc ICE chạy trung bình 160 km/ giờ và có lúc chạy đến 300 km/ giờ. Ngồi hạng nhất trong toa chỉ có 8 người nên thoải mái, ngắm cảnh hai  bên đường, đọc sách báo hay đến toa nhà hàng kiếm đồ nhâm nhi.

Chúng tôi đến ga Frankfurt thì được thông báo là chuyến xe lửa đi Wiesbaden bị trục trặc, phải đợi tới một tiếng đồng hồ do đó  vợ chồng Nguyễn Nam Cường và Vũ Thị Thúy nói đợi họ lái xe Wiesbaden lên Frankfurt đón, chỉ mất khoảng 20 đến 25 phút mà thôi.

Trong thời gian chờ đợi ở thềm ga, tôi thấy một chuyến xe từ Đông Berlin dừng lại, trên xe có một gia đình người Việt khoảng năm sáu người chuyển nhiều kiện hàng to tướng xuống. Họ nói giọng Bắc sau năm 1975. Tôi nghĩ họ là những công nhân lao động ngày xưa (cũng có thể ngày nay) đang mang những mặt hàng về quê nhà. Cùng là người Việt, nhưng người tị nạn và người lao động xuất cảng có tác phong hơi khác nhau, nhìn là nhận ra được.

Từ Frankfurt đi Weisbaden mất khoảng 25 phút lái xe. Nghe nói khác với những nước ở Âu Châu, ở Đức lái xe hầu như không bị giới hạn tốc độ nên đi lại rất nhanh, trừ khi bị kẹt xe.

Nhận xét đầu tiên: nhiều người đi xe Mercedes với ghế da hay BMW, như bạn của chúng tôi. Taxi cũng chạy xe hiệu của Đức  nên chẳng còn thấy phân biệt ngôi thứ xe hơi như  ở Úc.

Bạn chúng tôi ở apartment trong trung tâm phố, cạnh ga xe lửa trung ương và tòa đô chánh. Thấy chúng tôi không có vẻ gì mệt mỏi với chuyến đi xa, hai vợ chồng người bạn dẫn chúng tôi đi bộ xem tiệm của họ và thành phố cho biết Weisbaden là cái chi chi.

Vợ chồng tác giả và Thúy (phải), chủ nhân tiệm nail ở phố Wiesbaden. Hình: NHA

Nước Đức thống nhất rộng 357,168 km2 (diện tích lớn hơn Việt Nam khoảng 25,000 km2  và nhỏ hơn nước Pháp rất nhiều). Sau  Thế chiến Thứ hai bị chia đôi nhưng đã thống nhất vào năm 1989 sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Sát nhập Đông Đức vào Tây Đức, nước này vẫn giữ tên cũ của Tây Đức là Cộng hòa Liên bang Đức. Thủ tướng (chancellor) hiện nay là bà Angela Merkel, một người sinh đẻ ở Đông Đức, sống dưới chế độ cộng sản nhưng trở thành nữ  thủ tướng đầu tiên của Đức, đã là thủ tướng 10 năm và nếu thắng cử trong cuộc bầu cử tháng 9 này, sẽ là thủ tướng Âu Châu lâu nhất, qua mặt cả bà Margaret Thatcher của Anh.

Với dân số khoảng 81 triệu người, Đức hiện là nước có nền kinh tế lớn nhất Âu Châu và là nước lãnh đạo khối Liên Âu, là nước nhận nhiều di dân nhất và hiện đang đối phó với làn sóng 800,000 người tầm trú tràn đến trong năm nay.

 

Thành phố suối nước nóng của một thời

Đức có 16 tiểu  bang. Franfurt tuy là thành phố lớn nhưng không phải là thủ phủ (thủ đô) của tiểu bang Hessen mà là Wiesbaden.

Cường nói thành phố Wiesbaden là một thành phố cổ còn giữ được các công trình xây cất ngày xưa nhờ ít bị bom đạn tàn phá trong Đệ nhị Thế chiến. Thật vậy, như người ta nói thì Mỹ đã không dội bom Wiesbaden vì dự trù sẽ biến thành phố  này trở thành tổng hành dinh của Không quân Hoa Kỳ thời hậu chiến. Không quân Hoa Kỳ và Âu Châu đóng ở đây từ năm 1953 đến 1973 là đầu tàu cuộc không vận vĩ đại cho dân chúng Tây Bá Linh khi Đông Đức đóng cửa biên giới.  Hiện Wiesbaden là tổng hành dinh của Lục quân Mỹ tại Âu châu. Dân số thành phố khoảng 270,000 người và thêm 19,000 công dân Mỹ mà phần lớn là quân nhân.

Nhà hàng thịt bò bíp-tếch Maredo với những bàn ăn ngoài trời đối diện với tòa thị chính Neues Rathaus nằm sát bên cạnh là nhà thờ hoàn toàn bằng gạch nâu Marktkirche. Hình: NHA

Cường nói quân đội Mỹ  đóng ở bên ngoài thành phố nên tôi đã không thấy bóng dáng chàng GI nào cả.

Cường và  Thúy dẫn chúng tôi đi dạo trên con đường chính của thành phố Wiesbaden, thăm những kiến trúc chung quanh như nhà thờ, tòa thị chính, nhà tắm v.v…

Neues Rathaus, tiếng Đức có nghĩa là New Townhall được xây xong vào cuối thế kỷ 19 với kiến trúc kiểu Tân Phục hưng, nằm sát bên cạnh là Marktkirche tiếng Đức có nghĩa là Market Church, một ngôi thánh đường Tin lành màu gạch sậm kiểu gothic tuyệt đẹp được xây cũng vào cuối thế kỷ 19, hoàn toàn bằng gạch mà thôi. Với cái tháp chính cao 98m, đây là tòa kiến trúc cao nhất của thành phố Wiesbaden. Như đối với nhiều nhà thờ ở Đức, đặc biệt là của các giáo phái Thiên Chúa giáo như nhà thờ Tin lành này (Protestant), nhà thờ ít dùng vào nghi lễ tôn giáo mà trở thành nơi tổ chức những buổi hòa nhạc, của những danh thủ đàn đại phong cầm (Đức là nôi của nhạc cổ điển mà).

Stadtschloss nghĩa là City Palace, cùng nằm gần tòa thị chánh, là trụ sở quốc hội, của chính phủ tiểu bang Hessen, đứng đầu là vị thủ hiến.

Tòa thị chính và trụ sở quốc hội vừa nói là nơi mà Đạt Lai Lạt Ma được các ông thị trưởng thành phố Wiesbaden và thủ hiến tiểu bang Hessen đón tiếp trong ngày 14.7.2015, là ngày chúng tôi có mặt ở đây. Ông thị trưởng và thủ hiến nói  vị Phật Sống đã đến thăm hai thành phố lớn nhất và đẹp nhất của tiểu bang.

Vợ chồng người bạn dẫn chúng tôi tạt qua cửa tiệm đồng hồ xem cái đồng hồ cuckoo-clock được công nhận vào thập niên  1950  là lớn nhất thế giới, nhưng lúc này con chim chưa ra hót cúc-cu vì chưa đến giờ.

Cuối cùng là tòa nhà vĩ đại tráng lệ mà hai người bạn dẫn chúng tôi đi xem, mặt tiền ghi hai chữ La Tinh  Aquis Mattiacis  có nghĩa là nước của người Mattiaci, một bộ lạc người Đức  định cư tại đây ngày xưa.

Aquis Mattiacis  được xây lại vào đầu thế kỷ 20 với một kiến trúc bán cổ điển được đặt tên là Kurhaus, tiếng Đức có nghĩa là spa house. Hoàng đế Đức Wilhelm II cho xây lại lâu đài này, trong ngày khai trương đã nói đây là một tòa nhà tắm (spa building) lớn nhất thế giới. Thật vậy với hàng cột trước hội trường dài 129 mét,  hội trường này có dãy cột dài nhất Âu châu.

Những người bạn mới yêu văn nghệ ở Wiesbaden. Hình: NHA

Wiesbadan từ lâu nổi tiếng là spa town,  đã được người La Mã khám phá là nơi có nhiều suối nước nóng. Wiesbaden nổi tiếng ở Âu Châu là spa town nơi có nhiều suối nước nóng đã được người La Mã khám phá trước Công nguyên. Có lúc Wiesbaden nói họ có đến 26 suối nước nóng, nhưng bây giờ không biết còn bao nhiêu?  Xưa kia, ở đây có nhiều nhà tắm nước khoáng kurhaus (tiếng Đức) có nghĩa spa house và nghề này trở thành một dịch vụ thịnh hành cho  đến thời cận đại, thu hút du khách Âu Châu đến để tắm như một hình thức trị bệnh hay bảo vệ sức khỏe. Năm 1900 thành phố lúc đó chỉ có 86,000 dân nhưng mỗi năm thu hút 126,000 du khách. Thời đó thành phố Wiesbaden có nhiều triệu phú sống hơn bất cứ thành phố nào khác của Đức. Những du khách nổi tiếng tới đây  tắm suối nước nóng gồm Von  Goethe, Fryodor Dostoevsky, Richard Wagner, Johannes Brahms.

 

Ngoài ra, thành phố này cũng nổi tiếng là nơi của cờ bạc.  Nhà tắm Kurhaus bây giờ không còn là nơi để tắm mà trở thành nơi tổ chức hội nghị,  lễ hội quốc tế, với hai hội trường lộng lẫy (nhà hát thành phố) có trên ngàn ghế để trình diễn âm nhạc  cổ điển hay hiện đại, triển lãm nghệ thuật, hội chợ rượu, và nhất là một khu vực chơi casino cho dân sang trọng– khu vực chơi bằng máy gọi là casino nhỏ ăn mặc sao cũng được chứ khu casino lớn khách vào phải mặc áo vét mang cà-vạt, như anh Cường kể.  Nghe nói Fyodor Dostoyevsky đã lấy cảm hứng để viết cuốn truyện The Gambler (Con bạc).

Chúng tôi  không có thì giờ để đi xem nhà tắm spa house của thành phố này hay vào bên trong coi người ta thử thời vận  nhưng được vợ chồng Thúy – Cường dẫn đi ăn phở của một nhà hàng người Việt, khang trang sạch sẽ. Và sau đó đi thăm một tiệm nail của Thúy, một nghề mà cô đã làm hơn 10 năm nay đủ để cho gia đình sống thoải mái  trong khi chồng làm việc cho hãng máy bay Lufthana ở phi trường Frankfurt.

Hai vợ chồng thuê một căn flat có 3 phòng ngủ rộng rãi. Apartment ở Âu châu cao nhất thường khoảng 5 tầng và một căn như vậy giá  khoảng 400,000 Euros. Hỏi tại sao không mua nhà, hai vợ chồng nói thuê khỏi phải lo đủ thứ tiền khác mệt trí. Con cái mua nhà thì phải ở hơi xa phố (tôi thấy nhỏ thôi, ở Âu châu là vậy) trong khi Thúy thuê apartment đi bộ tới tiệm nail chỉ vài trăm mét, rất tiện.

 

Dòng nhạc NHA giao duyên với “nhạc sến”

Anh Nàm (trái) hát “nhạc sến” với cả tâm hồn. Hình: NHA

Đến tối, hai vợ chồng mời hai cặp vợ chồng anh Nâu và anh Nàm đến ăn cơm với chúng tôi. Vợ chồng anh Nâu đã về hưu; vợ chồng anh Nàm người thì có quán ăn (nhỏ) người thì làm tóc. Mọi người có con cái đã lớn, nên cuộc sống dễ chịu.

 

Nàm (tức Nam) là tên gọi nhưng trên giấy tờ Thanh Long. Anh Nàm người gốc Hoa nhưng tên Nam và hát rất hay, nhưng anh chỉ hát nhạc sến và thích nhạc sến, theo lời  anh nói. Anh dùng các chữ “nhạc sến” hết sức tự nhiên và có vẻ hãnh diện nữa. Thế là bữa cơm trở thành một buổi văn nghệ bỏ túi như ở Hòa Lan mấy hôm trước, chỉ tiếc là không có đàn guitar  nên chúng tôi “hát chay”.

Tôi hát bốn năm ca khúc như  các bài “Như người Việt Nam”, “Thiền sư xuống núi” và “Chuyện của tôi” do tôi sáng tác và tặng những người bạn mới các CD của tôi để làm kỷ niệm. Anh Nàm cũng đáp lại bằng chừng đó bài nhưng vì loại nhạc này tôi ít nghe và không hát nên không nhớ tên các ca khúc mà anh Nàm hát. Giọng của anh Nàm nghe rất ngọt, giống như giọng của ca sĩ Chế Linh hay Tuấn Vũ.

Đức là nước nổi tiếng thế giới về bia, người thường dùng những ly bia rất lớn. Hình: NHA

Xin được mở ngoặc: Nói về “nhạc sến”, người ta đã bàn luận tranh cãi quá nhiều, nhưng nhân sự  “giao duyên” với đồng hương có máu văn nghệ gốc Hoa, xin góp vài ý kiến, tưởng cũng không thừa.

Tây họ có rất nhiều từ để nói về các loại nhạc, Việt Nam chúng ta hình như ngoài mấy từ “nhạc tiền chiến, nhạc trẻ” chỉ có hai nhóm chữ thông dụng nhất và cũng chính xác nhất để nói về âm nhạc dành cho hai giới: “nhạc sến” và “nhạc sang” cho giới bình dân và trí thức. Cách gọi này có vẻ mỉa mai, khinh thường và tự cao. Nhưng hình như nó đã quen và khó thay đổi.Ra hải ngoại, các MC như nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn muốn lấy lòng khán thính giả, ông gọi loại nhạc bị coi là “nhạc sến” là “nhạc quê hương” và hiện nay nhiều MC, ca sĩ và nhà báo cũng gọi như thế.

 

Gọi như thế không bị mếch lòng nhưng tôi  nghĩ không chỉnh.

Thế nào là nhạc quê hương? Dĩ nhiên nhạc nào mà viết về tình tự quê hương, đất nước, thậm chí cảnh nông thôn cũng là nhạc quê hương. Như bài “Hương Xưa” của Cung Tiến là nhạc quê hương vì “…Người ơi đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò…”.  Nói về quê hương nhưng là loại  nhạc sang, cực kỳ sang, từ lời cho đến giai điệu.

Cho nên, tôi góp ý không nên gọi “nhạc sến” mà có thể gọi loại nhạc này là

“nhạc bình dân”. Nghe cũng tạm được nhưng   vẫn còn phân biệt giai cấp. Gọi “nhạc phổ thông”  có vẻ thích hợp vì được quảng đại quần chúng thích, sử dụng. Nhạc phổ thông vì điệu bolero dễ hát, vì  lời đơn giản, tình ý cũng mộc mạc dù chàng và nàng là người thôn quê hay thành thị, trình độ tiểu học hay đại học.

Còn đối với “nhạc sang” thì sao?  Nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn Từ Linh gọi  “nhạc tiền chiến” là đúng.  Như gọi thế nào đây với loại nhạc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng… để phân biệt với nhạc của Duy Khánh, Trúc Phương, Nhật Ngân, Trịnh Lâm Ngân?

Tôi còn nhớ sau năm 1975  chúng tôi hay  có những buổi họp mặt với bạn bè để hát hò.  Đinh Quang Anh Thái có tài làm cho không khí vui với lối nói chuyện của anh đã nói với các bà đang có chồng cải tạo rằng, đi ngoài đường gặp mấy anh hành khất hát “Nếu xuân này con không về chắc mẹ buồn lắm” thấy hay không thể nào tả nổi. Ý anh muốn nói nhạc sến nhưng trong hoàn cảnh đó mà hát lên thì thấy nó buồn da diết đến chừng nào, và như vậy là nhạc hay, nhạc có giá trị.

Tóm lại, trong nghệ thuật, hay dở sang sến tùy… đối tượng. Mỗi người mỗi sở thích.

* * *

Xe lửa là phương tiện di chuyển phổ thông giữa các nước Âu châu. Tác giả trước xe ICE đi từ Hòa Lan sang Đức. Hình: NHA

Qua  buổi văn nghệ giao lưu giữa hai dòng nhạc của tôi và của anh Nàm trước những chai bia Beck’s vỏ màu xanh lục của nước Đức, chúng tôi thấy gần nhau, không phân biệt nhạc sang nhạc sến, dù anh Nàm vẫn quen miệng nói anh thích và chỉ hát nhạc sến. Các bà ngồi nghe cũng thích thú.

Tối hôm sau, anh Nàm và vợ là chị Diệu Anh mời vợ chồng chúng tôi  và Thúy-Cường đi ăn nhà hàng Maredo với món beefsteak nổi tiếng của nhà hàng này. Thế là nhờ có khiếu hát hò mà tôi được lộc ăn, làm tôi nhớ hồi ở trại tị nạn Singapore, có tiền mặt cao ủy phát,  tôi hút thuốc cà phê nên không còn tiền ăn cơm, được các cô nghe nhạc ái mộ,  thỉnh thoảng mời ăn nên đỡ đói. Có tài mọn cũng giúp ích trong cuộc sống (tôi thích câu nói Jack of all, Master of none mà ông thầy Khoa trưởng Chính Trị Kinh Doanh Phó Bá Long thường tán hưu tán vượn với sinh viên năm Nhập Môn (năm thứ nhất) để bảo sinh viên phải đi sâu vào một ngành nghề, chứ cái gì cũng biết mà không có cái gì đến nơi đến chốn thì khó… kiếm việc. Nhưng hình như biết nhiều thứ thì cuộc đời thêm vui, phải không các bạn?

Đồng hồ cúc-cu một thời được coi là lớn nhất thế giới. Hình: NHA

Đi bộ trở về gần tới chung cư của hai người bạn sau một hồi dạo phố Wiebanden. Hình: NHA

Ở Wiesbaden nghe nói có khoảng 400 người Việt tị nạn và 200 người Việt đến từ các nước Đông Âu, có tổ chức cộng đồng người Việt hoạt động tương đối khá mạnh như  Hội Người Việt Tị Nạm Cộng Sản, nhưng trong hai ngày ở đây, tôi đã không có cơ hội tiếp xúc với người Việt nào ngoài mấy người bạn của vợ chồng Thúy và Cường.

Mục đích chính trong chương trình là thăm thành phố Frankfurt. Nhưng không ngờ Wiesbaden là thành phố có cái tên tôi nghe chưa quen, lại nổi tiếng ở Đức, thế giới và  đẹp một cách êm đềm.

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 3.9.2015