Du lịch Đức: Đi tour không cần tour guide (kỳ 5)

03 Tháng Mười, 2015 | Đức
Nhà thờ chính tòa Berlin Dom và tháp truyền hình ở phía sau. Hình: NHA

Tuyến đường màu vàng và tím của xe hop on hop offf chạy vòng vòng BEX Sightseeing dừng tổng cộng ở 30 trạm. Bạn có thể nhảy xuống ở trạm số 8 của tuyến vàng rồi lên xe trạm số 1 màu tím để vào xem thế giới của Đông Berlin cũ.

Nhưng để tiện sổ sách viết lách, sau khi tuần qua đã đi tới trạm 9, chúng ta đi tiếp nhé. Kìa trạm 10, mời nhảy xuống. Bạn  đã thấy Berliner Dom (Berlin Cathedral).

Đây là nhà thờ chánh tòa Berlin của Tin Lành (Evangelical), tòa nhà mà bạn thấy trước mặt hiện nay, được xây xong năm 1905, nằm trong khu Đảo Bảo tàng viện (Museum Island).

Đứng trên tháp truyền hình Berlin Tower chúng tôi có thể thấy mái vòm màu xanh của nhà thờ, nhìn bên ngoài thấy sự cổ kính nhờ nước xi măng xám cũ, trông lạnh lẽo. Tuy thánh đường được gọi là Dom (Nhà thờ Chánh tòa) nhưng ở Đức, những nhà thờ có tên gọi Dom không phải là nơi vị Tổng Giám mục trụ trì.

Tới bên trong Berliner Dom thì  du khách không được vào xem vì đang hành lễ, và muốn đi tour xem nhà thờ, phải mua vé, và đợi. Cho nên,  chúng tôi đi bộ ra bờ sông Spree, gặp bảo tàng viện Altes Museum gần  nhà thờ Berlin Dom, là một trong nhóm năm bảo tàng viện nằm kề nhau trên hòn đảo giữa sông Spree.

Cấu trúc của đảo bảo tàng này hơi lạ với du khách đi bộ nên thay vì sẽ lần lượt đi qua các bảo tàng trong đảo, chúng tôi lại băng qua một cái cầu đi dọc bờ sông ngắm cảnh, để cuối cùng lại tới một cái cầu để vào bảo tàng đầu tiên (hay chót) trên đảo, có tên Bode Museum.  Vì nằm ở chóp mõm đảo nên cảnh vật bên ngoài của bảo tàng Bode Museum trông rất đẹp.

Museum Island: những bảo tàng viện (bên phải) nằm trên Đảo Bảo tàng với Bode Museum nằm cuối cùng. Hình NHA

Đứng bên ngoài xem kiến trúc của bảo tàng nổi tiếng nhất trong nhóm bảo tàng, chúng tôi tiếp tục đi ngắm… Từ đây tôi bắt đầu lạc hướng. Thấy một chiếc xe của hãng BEX chạy ngang, chẳng cần biết mô tê gì, chúng tôi cứ nhảy lên,  chỉ biết khi chạy  thấy các tòa nhà của trường đại học, thư viện. Dĩ nhiên là trông đẹp mắt.

Xe đến một trạm thấy quá quen thuộc, thì ra đây là trạm 13.  Kìa!  Cổng Brandenburger Tor biểu tượng của nước Đức mà tôi đã đi bộ tới xem trong ngày đầu tiên đến Berlin. Thế là chúng tôi bỏ mất hai trạm, không nhảy xuống, không biết tên và không biết ở đó có gì.

Gần Cổng Brandenburger có Reichstag, tòa nhà quốc hội, nguyên là nơi họp của nghị viện thời Đế quốc Đức cuối thế kỷ 19 cho đến năm 1933 khi bị hỏa hoạn tàn phá nặng nề.  Reichstag có nghĩa là cái binh-đinh của quốc hội đế quốc (Imperial Diet Building). Tòa nhà không được sử dụng từ thời Đức Quốc xã và dưới thời Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức).

Sau khi thống nhất, tòa nhà được chính phủ Đức cho xây lại, dưới sự trông nom của kiến trúc sư Norman Foster. Ngày nay Reichstag  trở thành trụ sở của Quốc hội Liên bang (Bundestag = federal Diet) với vẻ đẹp huy hoàng và cổ kính;   tiền diện của binh-đinh  hầu như giống với tòa nhà cũ.

Như đã nói trong bài tuần trước, nước Đức đã cho trùng tu hay  xây dựng lại hầu như tất cả các di tích lịch sử bị thiên tai hay chiến tranh tàn phá, vì vậy lịch sử văn hóa của họ được kéo dài với thời gian trong khi ở Việt Nam nhà nước chỉ lo xây lăng “Bác” cho thật to, tốn tiền giữ xác chết, khắp nơi đua nhau xây tượng đài của “Người” hay xây các tượng đài mẹ anh hùng liệt  sĩ  rất tào lao khiến nhiều người phải lắc đầu vì sự phí phạm một cách ngu xuẩn đó.

Reichstag: tòa nhà quốc hội uy nghi trước quảng trường Platz der Republik đầy cỏ xanh và bụi cây kiểng. Hình: NHA

Xin bỏ qua chuyện bực mình vừa nói, chúng ta hãy tiếp tục ngắm cảnh: Trước mặt quốc hội là một bãi cỏ xanh rất  rộng có tên Platz der Republik (Quảng trường Cộng hòa) cạnh công viên Tiergarten. Sân cỏ này rộng 36,900 mét vuông, hai bên được trồng cây và những bụi cây cảnh tỉa rất đẹp.

Thời gian chúng tôi đi ngang qua quốc hội, thấy có hàng rào bọc tứ phía, có thể đang thời kỳ tu bổ. Tòa nhà quốc hội nằm ven sông Spree càng làm tăng vẻ đẹp uy nghi của cơ quan đầu não của một nền dân chủ hàng đầu thế giới. Bạn có thể ngồi trên xe bus ngắm ba mặt của tòa nhà quốc hội mà không cần phải đi bộ vòng quanh để xem. Những tòa nhà cổ kính như thế đứng xa trông sẽ đẹp, huyền bí  hơn, nhất là trong cảnh hoàng hôn.

Mời bạn đi tiếp tới trạm 14 là  Hauptbahnof, ga xe lửa trung ương nơi chúng tôi đi từ thành phố Frankfurt tới. Đây là một trạm xe lửa rất xưa của Berlin và trong thời chiến tranh lạnh, nằm trong phần đất của Đông Berlin.

Năm 1987 nhà cầm quyền cộng sản Đông Đức cho đại tu bổ để kỷ niệm sinh nhật thứ 750 của thành phố. Sau khi Đức được thống nhất, cùng với tuyến đông tây, người ta xây thêm tuyến nam bắc, cho nên trạm xe lửa có tên ga trung ương (hauptbahnhof) ngày nay trông rất to và hiện đại. Khi chúng tôi đến đây, các công tác mở rộng nhà ga vẫn còn tiếp tục.

Xin bạn chờ một chút, chúng tôi ghé vào nhà ga để mua vé đi thành phố Prague của Tiệp trong vài ngày tới. Từ Berlin đi Prague không có loại xe lửa cao tốc như ICE (InterCity Express), chỉ có loại xe thường EC (EuroCity), vé hạng nhất 140 Euros cho 2 người, có khả năng chạy tối đa 200 cây số giờ nhưng trong chuyến đi của chúng tôi, chỉ chạy khoảng 100 cây số mà thôi, đi mất 4 tiếng 45 phút.

Vé tuyến đường Berlin-Prague  bằng một nửa  giá Amsterdam- Weisbaden và Frankfurt- Berlain. Quá rẻ, nhưng chúng tôi phải trả cái giá mà tôi sẽ kể sau.

Kurfurstendam: con đường thời trang của miền tây Berlin khi các cửa tiệm đã đóng cửa và phố lên đèn với những mặt hàng trưng bày trong tủ kính nằm giữa lề đường dành cho bộ hành mà không sợ bị… trộm. Hình: NHA

Xe tiếp tục lộ trình màu vàng  tới trạm 15, Victoria  Column (Siegessaule) đài chiến thắng nằm trên StraBe des 17 Juni (Đại lộ 17 tháng Sáu) mà tôi đã kể với bạn khi chúng tôi bi bộ hơn một tiếng trên con đường rất lớn và đẹp này khi vừa đặt chân tới thành phố Berlin.

Cũng dọc trên đại lộ này có chợ trời Flohmarkt (trạm 16) nhưng chúng tôi đã không nhảy xuống xem vì không có nhu cầu.

Tới trạm 17, xe chạy vòng vòng phía sau một tòa nhà tuyệt đẹp bị che khuất một phần bởi những căn lều vải màu trắng có cùng một kích thước và cùng một kiểu với những hàng chữ quảng cáo cho ngày hội Duckstein German Brewery & Restaurant Festival.

Với tháp vòm màu xanh lục và những căn phòng lầu trên mà chúng tôi có thể thấy và chụp từ trên xe bus, đây là Schloss Charlottenburg, một hoàng cung lớn nhất ở thành phố Berlin. Lâu đài này xây năm 1699 làm nơi nghỉ mát cho Sophie Charlotte, vợ của Lãnh Chúa Friederch III.

Đi thêm một đoạn nữa, bạn sẽ đi qua khu chợ bán đồ cổ Antiquitatenmeile (Antiques Street) nằm trên đường Kantstr. Tại trạm 18 này, chúng tôi ngồi trên xe chụp hình cảnh người mua bán đứng hay ngồi bệt  giữa các con đường hẻm giống như bất cứ một chợ trời bình dân nào khác.

Ngày hội bia của hãng Duckstein tại lâu đài Chloss Charlottenburg. Hình: NHA

Và bạn sắp trở lại trạm số 1, trên con đường thời trang rất sang  trọng có cây xanh mát mẻ Kurfurstendam gần khách sạn Hollywood Media của chúng tôi. Phố đã lên đèn, các cửa hiệu áo quần, dày dép, túi xách với hàng chục hay cả trăm nhãn hiệu nổi tiếng thế giới đã đóng cửa. Nhưng trước các cửa tiệm, vẫn có những tủ kính trưng bày các sản phẩm của họ xây ngay trên lề đường để cho du khách như chúng tôi ngắm, đẹp không thua gì những tiệm nữ trang rực sáng dưới ánh đèn điện. Bởi vậy tôi mới nói con đường Kurfurstendam là con đường đẹp và nhộn nhịp, hấp dẫn hàng đầu ở Berlin. Phía bên trái khách sạn của chúng tôi là nơi mua sắm yên tĩnh về đêm, phía bên phải khách sạn là dãy phố ăn uống lúc nào cũng tấp nập người, lại còn được dịp ngắm những ngôi sao truyền hình như đạo diễn hài kịch Jochen Busse mà tôi kể trong số báo cách đây hai tuần.

Chúng ta đã kết thúc một vòng đi xe nhảy lên nhảy xuống của tuyến đường màu vàng, phần lớn chạy trong khu vực Tây Berlin cũ.

Tuần tới: Tuyến đường miền đông Bá Linh và  Chợ Đồng Xuân  của công nhân lao động từ miền bắc Việt Nam  có gì lạ?

Nguyễn Hồng Anh