Du lịch Tiệp: Một ngày đi bộ trong tiểu Ba-lê của Tiệp (kỳ 2)

24 Tháng Mười, 2015 | Tiệp
Nhà thờ Đức Bà Tyn và bên trái là Stone Bell House và National Gallery. Hình: NHA

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng Anh

***

Ở thành phố Amsterdam, có những tour đi bộ trong thành phố với giá hai ba chục Euro như  xem khu Do Thái, viện bảo tàng, nghệ thuật hay khu đèn đỏ nhưng chúng tôi tự đi một mình. Ở thành phố Berlin cũng vậy. Nhưng tại Praha chúng tôi quyết định mua vé đi tour, dù là tour đi bộ trong thành phố. Lý do? Cho đỡ mất thì giờ tìm tòi, nhất là khi nhìn bản đồ thấy chữ Tiệp có các dấu sắc trên các chữ cái rất khó đọc và khó nhớ hơn tiếng Hòa Lan và tiếng Đức (nên tôi rất thông cảm cho người ngoại quốc phải đọc một thứ tiếng có đến 5 dấu như tiếng Việt Nam).

 

Xứ của duy tâm và duy vật

Gần khách sạn Rokoko có quảng cáo dán tường The Ultimate Tour ghi  “Prague đi bộ, đi tàu, xe tram, ăn trưa, nước giải khát và một người hướng dẫn tuyệt vời”, bắt đầu từ 10 giờ rưỡi sáng, kéo dài trong 6 tiếng đồng hồ, giá 1500 koruna/ người (khoảng $88 Úc kim).  Tôi chọn tour này vì nơi bán vé và điểm hẹn là tượng đài Quảng trường Thánh Wenceslas, gần nơi tôi trọ.

Đồng hồ thiên văn ở Old Town Hall (hình trái). Hình: NHA

Công tước Wenceslas là thánh bổn mạng của người Bohemia(tức người Tiệp ngày nay).  Tượng Wenceslas cỡi ngựa được dựng gần mặt tiền tòa nhà National Museum nhìn xuống một quảng trường hình chữ nhật xuôi thoai thoải dài 750 mét. Đây là một trong những quảng trường chính và nổi tiếng của thành phố Praha, nơi tổ chức lễ hội, diễn hành, biểu tình, cũng là nơi tour guide, một phụ nữ hướng dẫn du lịch còn trẻ, tròn trịa nói tiếng Anh lưu loát đợi chúng tôi.

Dưới chân tượng Wenceslas, tôi thấy có tấm bia cẩm thạch có cắm hoa in hình và tên tuổi của hai sinh viên tự thiêu phản đối Liên Xô xâm lăng Tiệp năm 1968. Trong khi chờ đợi mọi người tới đầy đủ, vợ chồng chúng tôi và vài du khách đến xem tấm bia nhưng tour guide không buồn giải thích họ là ai. Chỉ đến khi tôi hỏi tôn giáo chính của Tiệp có phải là Công giáo không  thì cô trả lời như  cái máy, thao thao bất tuyệt, rằng nước này không có tôn giáo. Tôn giáo của Tiệp là túc cầu.  Chỉ nhìn nét mặt và nghe cách nói của cô, tôi đoán cô phải là cựu thiếu nhi tiền phong quàng khăn quàng đỏ gì đó. Tôi không thấy bị dị ứng, trái lại thích thú để biết thêm người Tiệp ngày nay như thế nào qua người hướng dẫn du lịch vì tôi nghĩ tour guide là một mặt của một đất nước.

Đứng trước tượng Thánh Wenceslas nhìn vào tòa nhà đồ sộ cổ kính trước mặt, tôi hỏi bảo tàng viện quốc gia có gì để xem không, hướng dẫn viên nói bên trong không có gì để coi vì đang còn tu bổ, tu bổ từ lâu và chưa biết bao giờ xong.

Cô tour guide  cho biết viện bảo tàng xây cuối thế kỷ 19, đến năm 1945 bị hư hại bởi một trái bom (hên quá, một trái mà thôi) nhưng may mắn tất cả cổ vật không hề gì do đã di chuyển đi chỗ khác. Năm 1968 mặt tiền bị đạn của khối Varsaw bắn lỗ chỗ và đã được sửa chữa nhưng việc tu bổ vẫn tiếp tục, hẹn năm 2000 sẽ xong, sẽ là nơi sưu tập cổ vật với số lượng lớn nhất nước nhưng rồi 2010 cũng chẳng xong, nay đã tới năm 2015 và bảo tàng viện nói vẫn còn đóng cửa cho đến năm 2017.  Nhưng theo cô, chắc gì đến năm 2020 sẽ xong.

Tưởng cũng nên biết Tiệp là nước ít bị bom đạn trong Thế chiến Thứ hai nên nhà cửa đền đài cả ngàn năm hầu như còn nguyên vẹn. Ngay cả biến cố Mùa Xuân Prague 1968, thủ đô cũng chẳng bị hư hại gì vì người  Tiệp hầu như không chống cự đội quân xâm lăng  do Liên Xô lãnh đạo. Một bộ đội phục viên gốc Miền Bắc sống lâu năm ở Praha nói với tôi  sở dĩ thủ đô và nước Tiệp còn giữ được nét đẹp cổ kính của họ nhờ là tính nhát của họ, chịu đầu hàng sớm trước địch quân.

Chuyến đi tour này chủ yếu là đi bộ, rất thích hợp với sở thích của tôi. 25 du khách chúng tôi đi theo cô hướng dẫn nói không biết mệt dù người cô trông nặng nề (cô phải thừa nhận với nhà tôi là cô mập khi nói về việc đi bộ dưới cái nóng 32 độ C).

Thời cộng sản, ngồi trước tượng đài nhà tư tưởng và cải cách tôn giáo Jan Hus sát National Gallery cũng là cách bày tỏ sự chống đối Liên Xô. Hình: NHA

Thăm thắng cảnh bằng đôi chân

Nơi chúng tôi đang đứng   thuộc khu New Town, chúng tôi đi dọc Quảng trường Wenceslas để tới khu Old Town. Trên lộ trình, có nhiều thứ được xem, có thứ bị thấy nhưng chúng tôi chỉ kê ra những thắng cảnh di tích được xem là không thể thiếu trong chuyến “tham quan” thủ đô của Tiệp.

Tyn Church còn được gọi là Church of Our Lady before Tyn (tôi dùng tiếng Anh cho đỡ rắc rối và dễ nhớ). Đây là thờ Công giáo xây từ thế kỷ 14 kiểu gothic có hai tháp cao 80 mét.

Bạn đang ở  trong Old Town Square, quảng trường chính  và là trái tim của thủ đô, nơi đây có tòa đô sảnh cũ và nổi  tiếng nhất là đồng hồ thiên văn Astronomical xây từ đầu thế kỷ 15 và phải mất 80 năm mới xây xong. Đồng hồ nằm bên cánh trái của tòa thị chính cũ (Old Town Hall). Trong vòng 12 tiếng từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, mỗi tiếng một lần, 12 bức tượng thánh tông đồ mở cửa ra chào du khách đang tụ tập bên dưới để xem thắng cảnh độc đáo này của thủ đô Tiệp. Người ta chen lấn nhau để xem và chụp hình mỗi khi đến giờ đồng hồ đổ. Đây là đồng hồ thiên văn xưa thứ ba trên thế giới và đồng hồ xưa nhất còn hoạt động.

Cũng trong khu Old Town Square, có Stone Bell House là tòa nhà xây từ thế kỷ thứ 13 và nơi được cho là Charles IV, Hoàng đế La mã Thần thánh và là vua của Bohemia (tức Tiệp) sinh ra, nay là một phần của National Gallery. Và đối diện với Stone Bell House là Jan Hus Memorial, đài tưởng niệm Jan Hus thật lớn với dòng chữ khắc trên bệ “Chớ từ chối ai sự thật”.  Jan Hus (1369-1415) là một nhà tư tưởng và cải cách của Prague (Praha), chỉ trích sự thối nát trong giáo hội Công giáo thời đó, chủ trương thánh lễ nên làm bằng tiếng bản xứ hơn là tiếng La Tinh. Ông bị coi là một kẻ tà đạo và đã  bị giáo hội kết án tử  hình bằng trói vào cột đốt cháy. Các đồ đệ của Hus gây ra cuộc chiến có tên Hussite Wars hay Bohemian Wars khiến thánh nữ anh hùng Pháp Joan of Arc (19 tuổi) ra tối hậu thư dọa đánh nếu không trở về và quy phục giáo hội Công giáo truyền thống, nhưng may cho người Hussite, Joan of Arc bị thua trận bởi quân Anh và sau đó cô bị xử tử đốt trên giàn lửa và sau này được Vatican phong thánh.

Mấy thế kỷ sau những người cải cách tôn giáo như Martin Luther, John Calvin theo gót Jan Hus  để thành lập những tôn giáo mới gọi là Tin lành.

Tượng đài vĩ đại được xây năm 1915 kỷ niệm 500 năm ngày Jan Hus bị xử tử (còn được gọi là tử đạo bởi người Thiên chúa giáo theo giáo thuyết của Hus, tức Hussite). Đây cũng là nơi mà những người yêu nước chống độc tài dưới mọi thời tới đó ngồi, như dưới thời cộng sản để bày tỏ sự chống ngoại xâm (tức Liên Xô).

Đứng nơi quảng trường Old Town này, bạn như thấy lịch sử của nước Tiệp được chiếu lại, một lịch sử dính liền với những tranh giành quyền hành của thời trung cổ với chiến tranh liên miên giữa các triều đại Âu Châu mà Bohemia (tức Tiệp ngày nay) đóng một vai trò quan trọng.

 

Một dòng sông và một cây cầu

Charles Bridge nhìn dưới sông Vltava. Hình: NHA

Một tiếng rưỡi sau khi khởi hành, chúng tôi đi bộ tới bờ sông và đi thuyền khoảng 30 phút ngắm cảnh trên sông Vltava, được mời một ly bia. Hành trình xuất phát từ một hai cây cầu mà tôi không biết tên đến gần chân cầu nổi tiếng nhất của thành phố là Charles Bridge.  Chúng tôi được giải thích những kiến trúc, lâu đài nằm dọc bờ sông và nhất là được thấy Cầu Charles từ dưới sông trước khi sẽ lên đó đi bộ, một điều mà bất cứ du khách nào khi đến thành phố Prague đều làm, nếu không thì coi như chưa tới Prague. Tiệp không có biển nên cây cầu và sông là biểu tượng của họ  và họ đã làm cho thành phố Prague dọc hai bên sông đẹp như bức tranh.

Trở lại bờ, chúng tôi đi xem một khu Do Thái (Jewish Ghetto) còn được gọi là Josefov. Đây là một khu phố nhỏ rất lâu đời của người Do Thái ở Prague, có dãy chợ búa, nghĩa địa nho nhỏ nghe nói chôn chồng lên nhau nên bây giờ trở thành một ngọn đồi nho nhỏ, có nguyện đường nhưng đã không có ai trong nhóm vào xem như những thánh đường Công giáo mà chúng tôi gặp trên đường đi, vì vào đó phải giữ một vài tập tục của Do Thái giáo. Đi giữa thành phố Prague mà bạn tưởng như đi trong các lâu đài có nhiều thành quách, và đó là một nét đặc biệt khi du lịch và dạo phố ở Prague.

Và cuối cùng, chúng tôi phải đến chỗ quan trọng nhất: nơi ăn. Đây là một nhà hàng được quảng cáo là nổi tiếng và có từ thế kỷ thứ 17. Chúng tôi được ăn 3 món với nước uống. Cô hướng dẫn viên nói bữa ăn này thông thường là… (tôi quên mất số tiền  Tiệp, hình như khoảng $20 Úc kim), nếu quý vị thấy không ngon thì cho 10%, ngon thì 20% và tuyệt vời thì cho 30%. Đây là phong tục của Tiệp.  Khiếp!

Tôi nhớ lời cô bạn dặn trước khi đi coi chừng bị tính tiền típ kinh khủng trong hóa đơn. Phẩm chất?  Bình thường thôi. Hay là vì chúng  tôi đi bộ dưới nắng và ăn hơi trễ nên không thấy ngon?  Phục dịch? Không được hoàn hảo. Dĩ nhiên chúng tôi chỉ để lại chút típ tượng trưng, trên mức dở và dưới mức ngon, dù cảm thấy không đáng cho típ. Vừa thoát khỏi chế độ “xếp hàng cả ngày” được 25 năm mà sao đòi típ cao thế!

Chúng tôi tiếp tục lên đường đi tới Cầu Charles nơi tôi đã tìm hiểu trước khi tới Tiệp và đã dự trù sẽ tự túc đi bộ từ khách sạn Rokoko tới đó. Nhưng bây giờ sau mấy tiếng đồng hồ đi tour với nhóm trên 20 chục người, chúng tôi đã đặt chân lên chiếc cầu nổi tiếng này.

Cầu Charles được xây vào năm 1357 dưới thời vua Charles IV, thời đại hoàng kim của xứ Bohemia. Cầu này thay thế cây cầu xây mấy trăm năm trước bị hư hại do lụt lội và là cây cầu duy nhất thời đó bắc  qua sông Vltava, là nhịp cầu nối sự giao thương giữa Đông và Tây Âu. Tên cũ của cầu là Stone Bridge hay Prague Bridge và chỉ được gọi là Charles Bridge từ năm 1870.

Đường lên Charles Bridge qua cổng tháp đôi, được chào đón bằng những bức tượng hai bên thành cầu. Hình: NHA

Cầu dài 621 mét, rộng 10 mét được chống đỡ bởi 16  vòm/nhịp và 3 tháp cầu, tồn tại hơn 6 thế kỷ rưỡi là một di tích vô giá và một biểu tượng uy nghi và lãng mạn của thành phố cổ Prague. Trên hai thành cầu có 30 bức tượng các thánh và biểu tượng tôn giáo được xây cách đây khoảng 3 thế kỷ nhưng những tượng mà bạn thấy trên cầu là những bản sao bởi các tượng nguyên thủy đã được cất vào bảo tàng viện. Tuy nhiên, du khách và dân địa phương vẫn truyền miệng nhau truyền thuyết rằng ai chạm tay vào bức tượng xin điều gì thì ước nguyện sẽ được thực hiện hoặc có ngày sẽ trở lại Prague.

Nhà tôi  mua vé toa hạng nhất bị kẹt cứng vào “toa hạng đứng” trong ba tiếng không di chuyển được nên khi đó (tức quá) thề sẽ không bao giờ trở lại xứ Tiệp hay Prague. Tôi không kể cho nhà tôi nghe chuyện mê tín dễ thương đó nên nhà tôi cứ sờ vào các bức tượng mỗi khi chụp hình.

Tôi vẫn chưa bị mê hoặc bởi thành phố này để mong một ngày trở lại nhưng muốn được đi nhiều hơn nữa ở một thành phố mà thú vị nhất là đi bộ, một nơi mà có lẽ chúng tôi đã đi cả hai chục cây số trong ngày hôm đó trong những khu phố trên hai bờ sông Vltava.

Đi trên cầu, bạn sẽ gặp đủ mọi loại nghệ sĩ đường phố, du khách, những người buôn bán đồ lưu niệm và những  chàng mặc y phục thủy thủ bán vé du lịch trên sông. Bạn cũng sẽ gặp những cặp tình nhân trẻ, tình nhân già ôm nhau chụp hình hay đứng ngắm cảnh tuyệt đẹp của con sông và thành phố và lâu đài ở trên chiếc cầu người Việt lao động xuất cảng hay du khách từ Miền Bắc không ngớt lời ca ngợi gọi Charles Bridge là “Cầu Tình”.

Chúng tôi được cô hướng dẫn cho 25 phút đi trên Charles Bridge  và hẹn gặp nhau bên kia cầu thuộc khu Lesser Quartier,  cũng là một khu phố cổ ở trên đồi có cái tháp cao 378 mét xây năm 1893 làm bằng thép  giống như tháp Eiffel nhưng cao hơn tháp của Pháp.

Tới đây có hai cặp rời bỏ hàng ngũ đi tour (sau này tôi nghĩ may cho họ hay có thể họ đi xem khu bên kia sông rồi).

 

Prague Castle, một thuở huy hoàng

Từ đây chúng tôi được phát cho cái vé đi chiếc xe  tram cổ xưa lên trên đồi cao của khu Hradcany nơi có tòa lâu đài gọi là Prague Castle.

Toàn bộ Prague Castle nhìn từ xa, đằng sau Charles Bridge, được sách kỷ lục ghi nhận phức hợp lâu đài lớn nhất thế giới. Hình: NHA

Đây là địa điểm cuối cùng mà chúng tôi sẽ được xem và sau đó mạnh ai nấy tự trở về khách sạn của mình bằng xe tram,  xe lửa hay bằng xe chân như lời tour guide nói. Nghe vậy tôi không khỏi ngạc nhiên bởi đọc trong tờ hướng dẫn ghi “Đi xem một vòng thắng cảnh quyến rũ của Lâu đài Prague thì chấm dứt chuyến du ngoạn tuyệt với của chúng ta”, điều đó chẳng có nghĩa là du khách phải tự túc tìm đường về nhà mình. Tôi nghĩ họ phải dắt chúng tôi đi bộ về chỗ cũ dù quá xa hay cùng lắm lên xe lửa đi với nhau dù phải tự trả tiền vé mới đúng là đi tour. Cô hướng dẫn nói chỉ việc xuống dốc quẹo… quẹo… tới ga mua vé… hay đi bộ về cũng được (khoảng sáu, bảy cây số). Đúng là “đem con bỏ chợ”!

Nhưng nghĩ đến việc được đi ngắm cảnh lâu đài được Sách Kỷ Lục Guiness cho là một phức hợp nối liền nhau lớn nhất thế giới thì cũng không bõ công, chuyện trở về nhà bằng phương tiện gì, sẽ tính sau.

Phức hợp của lâu đài này được cho là xây từ thế kỷ thứ 9, trên miếng đất rộng 70,000 mét vuông. Từ bờ sông, cầu, trên tàu chúng tôi đã thấy tòa lâu đài này nằm dài  trên đồi cao nhưng phải vào bên trong xem mới thấy sự vĩ đại của nó;  từ những cung điện, những tòa nhà mang tính cách tôn giáo như nguyện đường xây theo kiểu Roman  thế kỷ thứ 10 cho đến kiểu Gothic thế kỷ 14 và những tu bổ thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa Tiệp Khắc (1918-1938);  và từ cuộc Các Mạng Nhung  tiếp tục có những sự sửa sang liên tục và nay là nơi cư trú của các Tổng thống Cộng hòa Tiệp.

Vào cửa lâu đài, bạn sẽ thấy có hai anh lính gác cổng bồng súng mặc quân phục và đội mũ màu xanh lơ (bluish) đứng nghiêm như pho tượng, cũng rềnh rang biểu diễn đổi phiên gác  chẳng thua gì lính hoàng gia Anh gác cung điện. Tiệp hậu cộng sản đấy, còn nuối tiếc thời Đế quốc La mã Thần thánh hay vương quốc Bohemia (đồ thủy tinh Bohemia của Tiệp nổi tiếng thế giới). Mà đóng vai vương giả cũng đúng bởi vì lâu đài này là nơi mà các vua chúa Bohemia và các hoàng đế của Holy Roman Empire ngự trị.

Trừ Dinh Tổng thống, các nơi khác như Nhà thờ Chính tòa, Vương cung Thánh đường, viện bảo tàng, vườn hoa phần lớn đều mở cổng cho công chúng xem.

Lính gác cổng vào Lâu đài Prague nơi Tổng thống Tiệp cư ngụ. Hình: NHA

Có một số di tích và huyền thoại hay câu chuyện truyền miệng của các vua chúa và tăng lữ qua các thời kỳ đã được cô hướng dẫn du lịch kể vanh vách như đọc bài thuộc lòng cho nhóm du khách chúng tôi nghe (tour guide mà) nhưng phần lớn những chuyện liên quan đến tôn giáo và tăng lữ, cách nói của cô ra vẻ châm biếm. Tôi chẳng nghe cô châm biếm người và chế độ cộng sản.

Trong  lời chia tay sau một chuyến đi bộ thật lâu, cô đã không nói  gì đến chuyện tiền típ như đã oang oang nhắc nhở chúng tôi  trong nhà hàng. Đứng vòng tròn và chờ cô bắt tay từ biệt, tôi chỉ thấy một cặp vợ chồng người Úc cầm sẵn tờ giấy 200 koruna (gần $12 Úc kim). Tôi cũng móc ra tờ 200, vì nghĩ cô cũng đáng thưởng, đi bộ dưới trời nóng, phải nói nhiều, nhất là khi cô hỏi có ai muốn đi toilet không và thấy người nào muốn đi, cô đưa cho đồng bạc cắc 10 Koruna và bảo xài xong xin cho lại tiền thối, nên tôi thấy cần rộng rãi với cô dù cô là cựu thiếu nhi tiền phong khăn đỏ hay còn nuối tiếc chế độ xã hội chủ nghĩa.

Khi cô đến gần vợ chồng người Úc, có lẽ thấy không ai cho tiền nên người đàn ông Úc cất tờ 200 và lấy ra tờ 100. Nhà tôi bảo tôi có thấy không, người ta đã hạ xuống rồi đó, nhưng tôi nói đã muốn cho thì cứ cho.

Tôi thích du lịch Nhật bởi không phải bị cho tiền típ lỉnh kỉnh và đôi khi gây bực mình. Ăn xong, bạn để lại tiền típ trên đĩa, họ sẽ cúi đầu kính cẩn đưa lại cho bạn. Quan niệm của tôi là chủ nhân phải trả đúng tiền công cho nhân viên, bill tính tiền khách hàng ghi đầy đủ để chỉ việc móc ví trả tiền, đi taxi tính tiền cây số cao lên một chút đủ cho người tài xế sống, mới gọi là công bằng đúng nghĩa, chứ tập tục cho tiền típ (boa) thì có vẻ quan cách, thực dân và phân biệt giai cấp quá.

Xin mở ngoặc để nói về một kinh nghiệm du lịch: Vẫn biết rằng nhập gia tùy tục và có những luật bất thành văn mình phải theo như việc trả tiền típ ở Mỹ nhưng tôi thấy “luật” này ra vẻ cũng tùy tiện lắm.

Sân trong của Lâu đài Prague. Hình: NHA

Năm 2008, trong chuyến du lịch ở Montreal, Canada,  gia đình tôi đi ăn ở nhiều nhà hàng Việt Nam, có lúc cho típ, có lúc để lại tiền thối, có lúc trả đúng cái  “bill”  hình dạng giống như receipt ở tiệm chạp phô hay “biêu” bằng miệng.

Nhưng có một lần ăn ở một tiệm phở có tên (…), trả tiền xong chúng tôi chừa lại tiền lẻ và đi ra cửa, một nhân viên chạy theo chúng tôi tận cửa và nói chúng tôi chưa trả tiền típ. Tôi trở lại và nói có để lại tiền. Một bà (không biết là chủ hay tiếp viên) mặt hầm hầm chỉ vào cái đĩa có tiền cắc, nói chúng tôi trả chưa đủ. Tôi hỏi bao nhiêu, bà nói 10%. Thế là tôi đưa tờ bạc bằng giấy để họ thối lại! Những người trong tiệm biết chúng tôi là “đồng hương” từ Úc sang vì các tiếp viên có nói chuyện với gia đình chúng tôi.

Trong khi đó qua chuyến du lịch Hòa Lan vừa rồi, sau khi ăn đĩa thịt beefsteak trong một tiệm Á Căn Đình ở khu đèn đỏ Amsterdam, cảm thấy ngon, tôi đưa tiền và bảo bà chủ quán khỏi phải thối nên khi ra về bà chủ đưa vợ chồng chúng tôi ra tận cửa với lời cám ơn nồng ấm. Thật là rắc rối!

* * *

Sau khi đứng trên đồi cao ngắm cảnh thành phố Prague và con sông Vltava cho đáng công đi bộ, chúng tôi xuống đồi trở về bằng cây cầu khác cạnh Charles Bridge vì  nó gần đồi hơn. Chúng tôi không dám mua vé xe lửa sợ đi lộn đường vì chưa nghiên cứu trước.

Nhưng giữa đường tôi đánh rơi cái bản đồ và không tìm  được chỗ nào để mua, nên cứ lần mò đi bừa, cuối cùng tới được tòa thị chính cũ (nơi có đồng hồ thiên văn), tức là còn chưa tới nửa đường, nhưng chúng tôi  không làm sao tới được quảng trường Wenceslas nơi có khách sạn Rokoko.

Chúng tôi hỏi người đi đường và nhân viên quán ăn dọc đường; người thì không nói được tiếng Anh, kẻ chỉ rất mơ hồ, nên đi cả tiếng dù nhìn nhìn bản chỉ đường thấy mũi tên chỉ tới National Museum gần ga xe lửa  trung ương nhưng lại tới National Theatre cạnh bờ sông.

Cuối cùng thấy một bảng quảng cáo có tên Phở Việt dựng trên vỉa  hè, có mũi tên chỉ vào bên trong một trung tâm mua bán.  Kêu ly nước hỏi chuyện cô chủ quán, nhờ chỉ đường, bước ra vài chục mét là đụng ngay đầu đường (cũng có thể là cuối đường) Wenceslas Square.

Một thánh đường vĩ đại trong lâu đài dành cho vua chúa thời xa xưa. Hình: NHA

Một chuyến đi xem thắng cảnh  dài 6 tiếng trong đó hơn 5 tiếng đi bộ và hơn một tiếng tự túc đi về chỗ cũ vẫn chưa làm chúng tôi mệt. Tắm rửa xong, chúng tôi đi bộ trở lại tiệm Phở Việt vì đã hai tuần chưa ăn phở và cũng để hỏi thăm tình hình người Việt ở Prague và đường đến Chợ Sapa.

Thành phố Prague về đêm rất thơ mộng, ấm cúng, gần gũi, dễ đi lại và có nhiều quán ăn giữa Quảng trường Wenceslas và phố xá hai bên. Vui như ngày hội.

Đọc xong bài này của tôi, bạn đọc có thể không cần tốn gần $90 Úc kim (1,500 koruna) để đi một chuyến The Ultimate Tour đi bộ 6 tiếng. Bạn chỉ cần tấm bản đồ khách sạn cung cấp và hưởng một ngày vui, đi bộ từ sáng đến tối,  để thấy Prague đẹp như thế nào.

Melbourne 24.10.2015