Du lịch Áo: Văn hóa cà phê bên dòng sông xanh (kỳ 2)

14 Tháng Mười Một, 2015 | Áo
Biểu tình chống Mỹ ủng hộ Tổng thống Ai Cập el-Sisi cạnh Nhà thờ Chính tòa St. Stephen. Hình: NHA

Đến Vienna, kinh đô âm nhạc thế giới, du khách sẽ khó bỏ qua những buổi hòa nhạc ở  Musikverein (Golden Hall), Konzerthaus (Concert Hall) và trình diễn opera ở Staatsoper (State Opera House). Ít nhất cũng phải thưởng thức một lần cho biết, bởi chưa đến một trong ba hí viện vừa nói, bạn chưa thật sự tới Vienna.

Nhưng Vienna cũng còn nổi danh là thành phố của kiến trúc nữa, là một danh hiệu mà du khách ưu ái dành cho thành phố cổ kính xinh đẹp này. Khách sạn  Das Tigra chúng tôi trú ngụ nằm trên con đường nhỏ yên tĩnh Tiefer Graben nhưng thuộc khu vực trung tâm của thành phố, đi bộ vài ba phút là tới Nhà thờ Chính tòa St. Stephen, là nơi có rất đông du khách đến thăm viếng hàng ngày và mọi lúc. Có thể nói St. Stephen là trung tâm thành phố, là nơi người ta hẹn nhau, và cũng là nơi hay có những cuộc biểu tình như chúng tôi đã thấy trong một ngày Chủ Nhật ở Vienna. Biểu tình của người Trung Đông chống Mỹ ủng hộ Tổng thống Ai Cập Fattah el-Sisi  ở quảng trường St. Stephen Cathedral và biểu tình của người đồng tính trước State Opera House.

Từ nhà thờ Stephen, bạn có thể đi bộ tới State Opera House như chúng tôi đã tình cờ đi, bởi chỉ xa chừng 1 cây số.  Và từ State Opera House, nếu có thì giờ bạn cũng có thể đi  bộ tới hí viện Musikverein bởi xa không tới 1 cây số.  Ngày đầu tới Vienna, khi đặt khách sạn mua vé đi nghe Vienna Mozart Orchestra, tiếp viên nói chúng tôi có thể đi bộ nhưng chân ướt chân ráo, làm sao mò đường đi cho kịp giờ? Chúng tôi đi taxi từ khách sạn tới nhà hát chỉ tốn 8 Euro, có nghĩa là rất gần.

Đêm đầu tiên khi xem văn nghệ xong, chúng tôi trở về khách sạn và sau đó thả bộ ra Kartner StraBe (tiếng Anh: Carinthian Street) là con đường mua sắm nổi tiếng nhất Vienna để ăn tối trong những kiosk, nhà hàng lều vải giữa con đường dành cho người đi bộ (shopping mall).

Sáng hôm sau cũng đi bộ ra con đường phố này, tôi nhận ra mình rất thích thú với khung cảnh êm đềm,  thanh lịch, sang trọng cổ kính của thủ đô Áo. Có lẽ không có thành phố nào đi bộ ngắm cảnh đẹp hơn Vienna. Tại sao? Bởi vì trung tâm (CBD/ downtown) củaVienna nằm gọn bên tả ngạn Kênh đào Danube (Donaukanal), phía tây nam Sông Danube (Donau).

Người biểu tình cầm cờ chờ gia nhập nhóm biểu tình đồng tính đang thuyết trình ở trước hí viện State Opera House bên kia đường. Hình: NHA

Nhìn bản đồ CDB (central business disctrict) của Vienna được khoanh tròn bởi đường vành đai vòng cung, tôi ước chứng bề ngang  khoảng 2.2 cây số, bề dọc chừng 1.8 cây số,  có nghĩa bạn có thể đi bộ ngắm cảnh khu phố này với nhiều lâu đài, nhà thờ, viện bảo tàng, viện nghệ thuật nổi tiếng của Vienna, nếu bạn không muốn sử dụng hệ thống xe điện ngầm, xe tram và xe bus.

Thành phố Vienna cổ kính sang trọng bởi vì nó có một bề dày lịch sử rất phong phú mặc dầu bây giờ Áo chỉ còn là một nước nhỏ, trung lập từ thời chiến tranh lạnh.

 

Từ đế quốc đến cộng hòa

Nhưng trước đó Áo là một đế quốc.  Áo và Đức có liên hệ với nhau từ thời Charlemagne Đại đế (Karl der Grosse: 768-814) nên không lạ gì người Áo nói tiếng Đức. Quan hệ này gắn liền trong 8 thế kỷ rưỡi dưới thời Đế quốc La Mã Thần Thánh (962-1806), đến thế kỷ 16 còn được gọi là Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức.  Đế quốc này không còn tồn tại khi Hoàng đế Franz II của dòng họ Habsburg từ bỏ đế hiệu cũ để lập nên đế hiệu mới, trở thành hoàng đế đầu tiên của Đế quốc Áo năm 1806; rồi  sau đó cùng với vua Hung Gia Lợi thành lập Đế quốc Áo-Hung (1867-1918)  trong khi đó Wilhelm Đại đế của nước Phổ thành lập Đế quốc Đức (1871-1918) cũng còn gọi là Đế quốc Đức-Phổ.

Từ thời trung cổ các đế quốc ở Âu Châu có liên hệ mật thiết với các vị giáo hoàng La Mã. Nhưng trong khi đạo Công giáo chiếm khoảng 30% dân số  Đế quốc Đức-Phổ, Đế quốc Áo-Hung phần lớn theo đạo Công giáo và ngày nay, Công giáo là đạo chính ở Áo.

Cả hai Đế quốc Áo-Hung và Đế quốc Đức-Phổ đều bị tan rã sau thế chiến thứ nhất.

Nước Áo ngày nay là một nước cộng hòa liên bang, dân chủ nghị  viện, gồm 9 tiểu bang. Tổng thống do dân trực tiếp bầu, tổng thống bổ nhiệm thủ tướng.

Tàu bẻ lái và đã vào Kênh Danube, cổng bật đèn đỏ (hình lớn) và đóng lại, sau đó đóng luôn cổng trước mũi tàu (hình nhỏ), chờ nước trong hộc hạ xuống cho bằng nước trong kênh, sẽ mở cho tàu “tuột” xuống Danube Canal. Hình: NHA

Áo rộng khoảng 83 ngàn cây số vuông, không có biển vì bị bao vây với các nước Đức, Tiệp, Slovakia, Hung, Slovenia và Ý. Con đường thủy duy nhất  tiếp cận  biển là sông Danube đổ ra Biển Đen, nhưng phải đi qua nhiều quốc gia khác.

Dân số Áo khoảng 8 triệu người, Vienna là thành phố lớn nhất với khoảng 1.8 triệu dân, đa số theo đạo Công giáo. Ngoài tiếng Đức là ngôn ngữ  chính, có vài nơi nói tiếng Hung, Croatia, Slovenia.

Năm 2015,  Mercer Quality of Living Survey đã bầu Vienna là thành phố đáng sống nhất trong số 221 thành phố được cơ quan này nghiên cứu và thăm dò. Còn cơ quan Economist Intelligence  thì liệt Vienna vào hàng thứ hai (sau Melbourne) trong danh sách The world’s most liveable cities trong danh sách năm 2015.

 

Du lịch trên sông Danube

Tên con sông này bằng tiếng Đức/Áo là Donau. Sau một buổi sáng đi thăm Nhà thờ Chính tòa St. Stephen  và một số nhà thờ khác gần khách sạn, chúng tôi đi ngắm khu shopping của Vienna. Và đến chiều đi tour trong 3 tiếng rưỡi chuyến du ngoạn có tên Panorama Tour with boat ride, lệ phí 44 Euro mỗi người. Tôi chọn tour này bởi nếu đến Vienna mà không đi trên sông Danube ngắm cảnh là một thiếu sót. Ngoài ra, người ta sẽ đưa bạn lên trên đồi cao để nhìn thành phố  thay vì phải mua vé lên Danube Tower (cao 252m), tốn tiền đi taxi và vé lên tháp.

Các tour phần lớn đều không làm tôi hài lòng, là chuyện bình thường. Chúng tôi phải ngồi trên xe bus đợi đón các khách khác, rồi xe chạy khoảng 2 tiếng đồng hồ qua nhiều khu phố, thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử để thoáng thấy cảnh vật khi xe chạy ngang và nghe tour guide giải thích bằng tiếng Đức, Anh, Tây ban Nha và Ý. Bạn có thể cho rằng họ đã thuộc bài vì hàng ngày họ chỉ nói lui tới những câu chuyện đó, nhưng phải công nhận ông tour guide này giỏi về ngôn ngữ bởi ông phát âm tiếng Anh và Tây Ban Nha, Ý khá chuẩn (người giỏi tiếng Tây Ban Nha và Ý nói tiếng Anh sẽ khó nghe và ngược lại).

Xe đưa chúng tôi vào những con đường nhỏ xa thành phố, chỉ chạy được một chiếc, xe muốn đụng nhà cửa hai bên, và tôi thấy trong vài căn nhà nhỏ có gắn tên của Albert Einstein và Ludwig Beethoven, được tour guide giới thiệu là nơi những thiên tài toán học và âm nhạc đã từng sống.

Một kinh nghiệm lý thú: nước trong hộc đã xuống thấp gần 2 mét (xem vết mực nước cũ để lại trên tường) trong khi tàu chờ vào trong Kênh Danube phía trước mặt tác giả bút ký. Hình: NHA

Du khách được đưa lên đồi Cobenzl, một đồi trồng nho. Ở đây có một nhà hàng khá xinh, nhưng chúng tôi chỉ được ở đây 20 phút do đó chỉ đi ngắm cảnh vườn nho và thành phố Vienna dưới chân đồi chứ không có thì giờ thưởng thức cà phê hay ly bia của Áo trên đồi cao.

Xuống đồi, chúng tôi nhập đoàn cùng nhiều xe đi tour khác lên chiếc tàu 2 tầng để du ngoạn trên sông.

Sông Danube dài 2,860 cây số là con sông  lớn thứ nhì ở Âu Châu sau sông Volga ở Nga và dài nhất ở khu vực Liên Âu, chảy qua 10 quốc gia;  khởi đầu từ Đức qua Áo (Vienna), Slovakia (Bratislava), Hung Gia Lợi (Budapest),  Croatia, Serbia (Belgrade), Lỗ Ma Ni, Bảo Gia Lợi, Moldava và Ukraine trước khi đổ ra Biển Đen. Vì thế, có những chuyến du ngoạn bằng tàu nhiều ngày trên sông Danube từ nước này sang nước khác mà người nào có thì giờ có thể tận hưởng.

Chúng tôi chỉ được hưởng 15 phút ngồi tàu chạy trên sông Danube. Thấy được cảnh người cởi trần pinic hai bên bờ sông, hay cảnh gia đình xuống tắm ở ven bờ sông như ở Việt Nam, chứ không thấy “những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui” như Phạm Duy tưởng tượng.

Sông ở thành Vienna khá rộng, nước xanh và hai bên bờ là một màu xanh của cây cối, ít nhà cửa cao ốc, núi đồi cuối chân trời. Vienna nổi tiếng là thành phố của cây xanh, như chúng tôi đã thấy trên đường lên đồi nho Cobenzl.

Trên sóng nước để lại đằng sau do con tàu chạy bằng máy, tôi lại nhớ đến chuyện sáng tác nhạc của Johann Strauss II và việc viết lời Việt của Phạm Duy, một người đòi chết ở đấy  (Ôi giấc mơ qua/ Mộng đời phiêu lãng giang hồ. Sống trong lòng người đẹp Tô Châu/ hay là chết bên bờ sông Danube– Bên Cầu Biên Giới) và sau đó viết lời ca thơ mộng như  Giòng  Sông Xanh mà thật sự chẳng thấy “bờ Danube” hay “Giòng Sông Xanh” là cái chi chi (Phạm Duy chỉ thấy Danube xanh 40 năm sau).

Sau đó tàu đi vào con kênh có tên Danube Canal  dài 17 cây số, nguyên là một nhánh của Sông Danube và chảy gần như song song với sông này nhưng ngày nay đã được điều chỉnh thành một kênh nước từ năm 1598 để làm cho con kênh này tránh bị ngập lụt.

Để vào kênh này, tàu đậu trước cổng/cửa  chắn sau đó một cổng chắn khác đóng lại phía sau chiếc tàu. Bây giờ chiếc tàu đang ở trong một hộc nước, đợi khoảng 30 phút để nước được từ từ ra, mực nước xuống thấp hơn một hai mét,  rồi người ta mở cổng chắn trước mặt tàu và chiếc tàu từ từ vào kênh. Đây là kinh nghiệm lý thú mà tôi được chứng kiến, giống như nghe kể chuyện tàu chiến Mỹ vào kênh đào Suez ở Ai Cập để từ Biển Địa Trung Hải đi tắt sang Biển Đỏ.

Nước ở Kênh Danube đục ngầu hay xanh lục giống như  những hồ nước ứ đọng, khác hẳn với màu xanh biển mát mắt của Sông Danube. Có 15 chiếc cầu cho xe hơi và 5 chiếc cầu cho xe lửa bắc qua Kênh Danube. Hai bên bờ của Kênh Danube là nhà cửa, và phố xá, quán ăn, hồ bơi, bờ hóng mát, sinh hoạt giống dọc sông Seine của Pháp nhưng trông ấm cúng gần gũi hơn, vì con Kênh Danube nhỏ hơn Sông Seine.

Một quán cà phê (trái) trên đường phố đi bộ ở Vienna. Hình: NHA

Tàu cập bến, chúng tôi được cho biết chỉ cách khách sạn chừng vài trăm mét, có thể tự túc đi bộ về. Khác với lần bị tour guide ở thành phố Prague (Tiệp) “đem con bỏ chợ” phải lội bộ cả năm sáu cây số và bị lạc đường, chúng tôi vừa đi ngắm phố Vienna, quan sát các quán ăn dọc hai bên đường để tìm chỗ thích hợp, nhưng cuối cùng chúng tôi lại ăn tối trên con đường vui nhộn Kartner StraBe gần nhà thờ chánh tòa St Stephen mà chúng tôi ăn tối đầu tiên. Lý do:  Ngồi giữa đường được ngắm cảnh và thiên hạ đi qua lại hai bên lều/quán ăn và uống một ly bia Kaiser, Ottakringer  hay  Gosser của Áo sau những chuyến đi bộ giữa trời nóng thì quá đã.

 

Thành phố văn hóa cà phê

Nói đến ăn, phải nói đến uống. Uống cà phê là một nét văn hóa ẩm thực đặc biệt không những chỉ của người Việt Nam, người Pháp mà còn là của người Áo nữa.

Ngày qua Úc, có một điều mà lúc đó (chứ không phải lúc này) làm tôi tiếc nuối là cái không khí uống cà phê ở Sài Gòn—trước và cả sau năm 1975.

Trước đó  uống cà phê ở những quán nhạc, gọi một ly cà phê phin ngồi muốn mòn ghế của quán, để nghe nhạc tây nhạc ta, để kéo những điếu thuốc lá vào phổi,  để ngắm cô/bà chủ quán hay cô thu ngân xinh đẹp, để nói chuyện trên trời dưới đất… Và sau năm 1975, ngồi uống những cốc cà phê nhỏ như tách trà gọi là “xây chừng” ở trên đường phố, vỉa hè hay trong những bãi đất trống.  Uống cà phê vợt kiểu sản xuất đại trà, kêu những điếu thuốc dù chỉ là Vàm Cỏ  hay thuốc không nhãn hiệu để giết thời giờ, để nghe đồn chuyện “phục quốc” trở về, tin các nhóm “phản động” nổi dậy hay tìm đường vượt biên…

Nếu muốn có cái không khí cà phê đó, tôi nghĩ phải xin định cư ở Pháp. Nhưng cái số mệnh đã đưa tôi đến xứ Úc phúc địa này mà 34 năm trước tìm mòn mắt chẳng thấy quán cà phê trên lề đường có người Việt, để “rửa mắt” (ngày nay đã có rồi).

Trong chuyến du lịch Âu Châu vừa qua, tôi đã bắt gặp cái văn hóa cà phê Sài Gòn ở Vienna.

Bữa ăn sáng đầu tiên ở khách sạn Das Tigra (bao gồm trong tiền phòng) cho chúng tôi một cảm giác lạ khi tiếp viên mang đến bàn một bình bằng bạc đựng cà phê dù chúng tôi không gọi. Họ làm vậy với mọi người khách. Đường và sữa đầy đủ. Thỉnh thoảng họ mang đến bình cà phê khác nếu thấy bình cũ đã lưng chừng hay hết. Ở những khách sạn khác,  khách phải tự lấy cà phê ở trong máy làm cà phê.

Rồi những ngày sau, hàng ngày trên con đường từ khách sạn đến Nhà thờ Chính tòa St Stephen trong không gian gần nửa cây số, tôi thấy có nhiều nhà hàng sang trọng thiên hạ ngồi đầy từ bên trong ra bên ngoài đường phố mà chẳng thấy họ dùng gì ngoài  uống cà phê, ăn bánh ngọt. Họ ngồi giờ này qua giờ khác, khiến tôi không hiểu nhà hàng làm sao kiếm lời nếu khách uống một ly cà phê mà ngồi giờ này sang  giờ nọ, giống như  ở Việt Nam ngày xưa vậy.

Nhưng đó chưa phải là quán cà phê chính hiệu của Thành Viên.

Sau này tôi mới biết  uống cà phê ở Vienna là một loại hình văn hóa, có lịch sử hàng trăm năm, và năm 2009 đã được cơ quan UNESCO của Liên hiệp quốc công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể” của thế giới.

Quán ăn lều vải giữa đường phố Vienna về đêm, một nét văn hóa ẩm thực Thành Viên. Hình: NHA

Cà phê Wiener Kaffeehauser là những ngôi nhà kiến trúc cổ điển, là nơi để người ta tìm đến ngồi nhâm nhi cà phê, ăn bánh ngọt, đọc báo chùa, chuyện trò, bàn chuyện văn học nghệ thuật, chính trị, nói chuyện tào lao hay chỉ ngồi để giết thì giờ.

Tôi cũng nhớ là khi lên mạng để đặt khách sạn, tôi tìm chỗ trọ gần trung tâm  Vienna và thấy trên bản đồ có chữ  Cafe Central. Bây giờ mới biết đó là “tiệm” cà phê được mở năm 1876 và là nơi tụ họp, gặp mặt của giới trí thức gồm những người nổi tiếng đã lui tới nơi đây như Leo Trotsky, Adolf Loos, Vladimir Lenin, Sigmund Freud… Nhà văn Peter Altenberg là nhà văn độc nhất trên thế giới khai địa chỉ chính thức của ông ở một quán cà phê, đó là Cafe Central ở Vienna.

Cafe Central là một tòa nhà cổ kính đồ sộ trông như cung điện, trần bằng cẩm thạch nhưng được gọi là Kaffeehauser (ngôi nhà cà phê). Các quán cà phê cũng được người Vienna gọi một cách thân mật là “phòng khách công cộng”. Những ngôi nhà cà phê khác trong khu vực quanh nhà thờ Stephen là Cafe Ladtmann, Kaffee Alt Wien, Cafe  Digla, Kleines Cafe, Cafe Sacher Wien, Cafe Schwarzenberg, Cafe Museum…

Ăn sáng ở Vienna: thực đơn và quán cũng mang tên tác giả Dòng Sông Xanh, Johann Strauss. Hình: NHA

Các ngôi nhà cà phê có từ hai thế kỷ trước đã tạo được một thứ văn hóa gọi là văn hóa cà phê vì nơi đây đã sinh sản ra nhiều tài năng văn học nghệ thuật. Người ta ví von rằng thành phố Vienna mà không có các ngôi nhà cà phê thì cũng giống như  nhà hát mà không có dàn nhạc giao hưởng. Bạn đến Vienna mà chưa tới kaffeehauser để uống một ly cà phê như kaffee melange thì cũng như chưa tới Vienna vậy.

* * *

Đó là những điều mới lạ tôi được biết thêm về nước Áo, ngoài nước Áo đã sinh ra ông tài tử vai u thịt bắp nổi tiếng Arnold Schwarzenegger sau này trở thành cựu thống đốc California,  hay đã sản xuất  con quỷ loạn luân Josef Fritzl (bị bắt năm 2008) đã  nhốt đứa con gái ruột dưới hầm nhà trong 24 năm trời và hiếp dâm đến 3000 lần với kết quả người con gái sinh cho ông bố  7 đứa con và một đứa chết vì sẩy thai.

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 14.11.2015