NEPAL: “Kỳ quan thứ hai của thế giới Phật giáo” tại Kathmandu của đất nước huyền bí (kỳ 3)

27 Tháng Năm, 2012 | Nepal
Sạp bán đầu heo ở khu phố Thamel. Hình: NHA

Kể chuyện đường xa của Nguyễn Hồng Anh

***

Kathmandu là thủ đô của một nước cổ kính hàng đầu thế giới.  Nơi đây người ta vẫn thấy bàng bạc không khí cuộc sống của một cộng đồng  của những thế kỷ trước.

Cách ăn mặc và sinh hoạt của người dân, đường sá chật hẹp gồ ghề đất bụi, nhà cửa thô sơ, phố xá cũ kỹ lôi thôi, những lâu đài san sát trong các durbar square (place of palaces) và nhất là núi rừng hùng vĩ  trùng trùng điệp điệp  khẳng định đất nước này c òn lâu mới tiếp nhận  lối sống của thế kỷ 21.

Và cũng vì vậy mà nước Nepal nói chung và Kathmandu nói riêng lôi cuốn du khách thập phương.

Một đêm ngủ ngon qua chuyến hành trình dài một ngày từ Melbourne, và sau bữa ăn sáng lạ miệng và đầy bụng, chúng tôi mang theo những bình nước suối của khách sạn để bảo đảm sẽ không ăn và cả không uống bất cứ thứ gì bên ngoài hầu tránh bị tiêu chảy.

 

Ba ngày với một người lái taxi

Ra khỏi khách sạn là gặp ngay những anh đạp xe kéo ba bánh lại mời, nhưng chúng tôi xua tay. Xe taxi sà vào cũng lắc đầu bởi đường tới khu phố Thamel không xa. Có cái bản đồ và cái miệng thì đi đâu cũng tới.

Cổng vào bảo tháp Boudhanath: một nữ tín đồ (góc phải) đã kính cẩn chấp tay từ lối vào. Mặc áo vàng ở giữa là người soát vé. Hình: NHA

Đường từ khách sạn Shanker tới khu phố du lịch Thamel của người tây phương chẳng khác nào con lộ của một thị trấn nhỏ của Miền Nam trước năm 1975.  Mà đấy là sát hoàng cung, nơi các vị vua triều đại Shah sinh sống cho đến cuối thập kỷ vừa qua. Ở vài đoạn, hai bên đất đá ngổn ngang, bụi bặm thốc lên một khi có xe chạy qua.  Thỉnh thoảng còn những vũng nước còn đọng lại do cơn mưa đêm qua, phải đi dạt ra ngoài đường dành cho xe để tránh.

Đến gần khu Thamel thì không khí nhộn nhịp hơn bởi xe cộ và người đi lại như mắc cửi. Những chiếc xe van đầy người sà vào lề đường cho khách bám lên. Chúng tôi nhập vào một ngả ba đầu tiên vào trong khu phố vì thấy con đường nhỏ này có dãy phố cao ba bốn tầng. Ngay đầu đường là những cái đầu heo để trên kệ gỗ ruồi bám không người trông chừng khiến nhà tôi càng nhất quyết sẽ không ăn uống ở các tiệm hai bên đường.

Chúng tôi thả bộ quanh những con đường của khu phố nổi tiếng nhất Kathmandu để xem và đổi tiền ở các cửa tiệm nhỏ vì giá ở những nơi này luôn cao hơn ở các định chế tài chánh hay trong khách sạn.

Nhiều đường hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe nhỏ nhưng thỉnh thoảng những chiếc xe hơi chen lấn với những người đi bộ. Nhưng bạn cứ “vô tư”  nghe tiếng còi vì không phải bạn đang bị  chửi rủa mà chỉ là dấu hiệu  nhắc nhở nhau tránh đường như ở Việt Nam vậy.

Các người đạp xe kéo ba bánh sẽ chận bạn mời lên xe đi một vòng ngoạn  cảnh khu phố Thamel. Khi nhà tôi thấy những ông lớn tuổi phải è lưng đạp hoặc có lúc nhảy xuống ghì tay vào ghi-đông và đẩy yên xe để những ông bà tây to con hoặc những cặp tình nhân người Á Châu thì cảm thấy tội nghiệp cho họ để từ chối lời mời. Tôi nói không đi mới thật là tội nghiệp cho họ vì họ sẽ không có tiền mà sống.

Báo chí tây phương nói hiện nay nhiều người Nepal chỉ kiếm trung bình 1.25 đô la một ngày. Rất nhiều người thất nghiệp vì khủng hoảng chính trị vẫn kéo dài cho đến nay bởi Quốc hội Lập hiến vẫn chưa đồng ý về một bản hiến pháp 6 năm sau khi vua của họ thoái vị.

Vì đường nhỏ mà đông người, nên người bộ hành không thể tránh chạm mặt nhau. Một ông đang kéo cây đàn gỗ nho nhỏ ngừng tay đưa cây đàn hỏi tôi có mua không, vì đây là đàn cổ truyền của người Nepal. Kinh nghiệm du lịch của chúng tôi là không trả giá dù chỉ hỏi cho biết mà thôi. Tôi từ chối, ông hỏi tôi là từ đâu đến, có phải Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan hay Trung Hoa không? Vậy thì từ đâu? Tôi nói Việt Nam.  Ông lẩm bẩm hai chữ Việt Nam mấy lần, rồi lặp lại với những người chung quanh nhưng phát âm sai chứng tỏ dân trong khu phố Thamel không quen với khách du lịch người Việt.

Sau khi nhận tiền ở một tiệm đổi tiền, tôi hỏi  ông chủ giá taxi từ đây lên bảo tháp Boudhanath bao nhiêu.  Ông nói khoảng 300 Rupee (khoảng $3.5 Úc kim). Vừa bước xuống đường gặp ngay một anh taxi trẻ sà đến hỏi, cũng là lúc chúng tôi không còn muốn đi bộ ngắm khu phố chật chội và chẳng có gì hấp dẫn. Tôi hỏi và anh cho giá 500 Rupee. Tôi trả một nửa giá và nói đấy là giá người ta vừa nói với tôi. Anh ta hỏi ai nói như thế, nhưng tôi không muốn chỉ ông chủ tiệm đang ngồi bên trong.

Khách hành hương hôm đó chỉ được phép đi chung quanh bảo tháp ở bệ (tầng) thứ nhất. Hình: NHA

Anh ta nói 400, tôi trả 300 và anh đồng ý. Ngồi trên xe anh, hỏi chúng tôi từ đâu đến.  Tôi lại nói hai chữ “Việt Nam!” trống không vì không muốn giải thích dài giòng, anh ta hiểu sao mặc kệ. Rồi tôi đùa với nhà tôi rằng mình nói là người Việt Nam để hy vọng khỏi bị người địa phương chém hay gạt nếu họ nghĩ mình sống ở những nước tây phương giàu có.

Anh taxi này nói tiếng Anh rất lưu loát và dễ nghe. Sau này anh cho chúng tôi biết anh từng sống ở Dubai (Tiểu vương quốc Á Rập) hai năm nhưng bên đấy làm việc quá cực nhọc nên anh trở về nước. Anh hỏi tôi ngoài  bảo tháp còn muốn đi đâu nữa không. Tôi bảo còn muốn đi Chùa Khỉ (Swayambhunath), công trường cung điện Durbar Square, nhưng cứ chở chúng tôi lên đó trước.  Chúng tôi sẽ kêu taxi khi trở về khu Thamel hay đi các nơi khác sau.

Anh taxi đề nghị bao chúng tôi lên bảo tháp và hai nơi kia rồi đưa về phố Thamel hay khách sạn với giá 2,000 Rupee (khoảng $24 đô la). Tôi hội ý với nhà tôi vì thấy giá cũng phải chăng nhưng nói với anh ta rằng anh phải chấp nhận đợi chúng tôi vì mỗi nơi chúng tôi sẽ đi xem tối thiểu hai tiếng đồng hồ. Anh bảo không sao.

Tôi làm  bộ trả giá, nói rằng chúng tôi là người Việt Nam không giàu nên không thể đi với giá đó được nhưng anh ta cười bảo rằng tiền xăng ở Nepal rất đắt đỏ, không thể thấp hơn được.  Nhưng trong khi đi đường, nói chuyện thấy có cảm tình với anh ta, thế là trong 3 ngày ở Nepal anh trở thành một người taxi duy nhất, người hướng dẫn du lịch của chúng tôi với cả giá được đưa ra trước cho mỗi chuyến đi hay một ngày đi. Chúng tôi cho anh tiền tip và ngày cuối cùng khi chia tay ở phi trường, chúng tôi còn tặng anh đô la Úc “để làm kỷ niệm” khi anh xin thêm với lời dặn dò qua Ấn hãy thận trọng vì ở Ấn Độ dễ bị gạt hơn ở Nepal.

 

Kỳ quan Boudhanath của Phật giáo

Tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà bà sử gia Bettany Hughes xếp bảo tháp Boudhanath là kỳ quan thứ hai trong cuốn phim tài liệu “Bảy kỳ quan Phật giáo thế giới”(*) của đài BBC do bà và một vài đồng nghiệp thực hiện. Và sự bình chọn các “kỳ quan” này có được chấp nhận rộng rãi ở khắp thế giới hay không? Nhưng mời bạn cùng chúng tôi bước vào một trong những nơi linh thiêng nhất của Phật giáo ở nước Nepal.

Xe taxi đậu gần sát cổng vào bảo tháp. Lúc này khoảng 10 giờ.  Dù còn vài ngày là lễ  Phật Đản (6.5.2012) nhưng  khách thập phương và người hành hương chưa đông. Có lẽ còn sớm? Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là mấy con bò ngơ ngác lười biếng băng qua đường và bác cảnh sát tà tà chỉ đường trong khi xe cộ và bộ hành mạnh ai nấy giành đường, nhưng lại nhường bước cho các con bò, những con vật được coi là những vị thần, không ai dám đụng chạm (chớ nói gì tới ăn thịt).

Ở bệ thứ nhất của bảo tháp đối diện tu viện mà tác giả nói trong bài: các phụ nữ Ấn Độ mặc y phục người Nepal. Hình: NHA

Cho đến năm 2006 khi phong trào dân chủ nổi lên buộc vua Gyanendra thoái vị và sau đó quốc hội tu chính để Nepal trở thành một nước thế tục,  Ấn giáo là quốc giáo của nước này.  Ngày nay dù chính phủ đang được điều hành bởi một thủ tướng thuộc đảng cộng sản khuynh hướng Mao-ít, Ấn giáo vẫn được người dân coi là tôn giáo chính. Và đó là di sản mà các vương triều Ấn giáo để lại cho đất nước này.

Một cuộc kiểm tra dân số cách đây khoảng 10 năm cho biết có 80.6% người Nepal theo Ấn giáo, 10.7% theo Phật giáo, 4.4% Hồi giáo, còn lại là những tôn giáo khác trong đó Thiên Chúa giáo chiếm khoảng 0.5%.

So với 30 năm về trước, Ấn giáo (lúc đó 89.4%) giảm và Phật giáo (7.5%) tăng. Nhưng thật ra khó có sự  phân biệt giữa hai tôn giáo bởi người Nepal thường thờ phụng cả đạo Phật lẫn đạo Ấn. Họ là người có lòng khoan dung về tôn giáo, không những kính trọng tôn giáo mình mà còn tôn thờ đạo người khác.

Lễ nghi Phật giáo ở Nepal khác Phật giáo ở Nhật, Việt Nam. Chẳng hạn, ở trước cửa vào đền, họ nằm dài xuống đất dùng hai tay mang dép xoải rộng ra (như trong thế bơi ếch ngược) hoặc vái (tượng) Phật bằng cách quỳ rồi nằm úp mặt đảnh lễ, duổi tay thẳng về phía trước thay vì chỉ chấp tay vái như người Phật tử Việt hay Hoa.

Bảng giá đề vé vào cổng 50 Rupee đối với người bản xứ và 150 Rupee cho người ngoại quốc.

Boudhanath, nằm trên con đường giao thông của thương buôn Tây Tạng sang Nepal, là một trong những bảo tháp lớn nhất thế giới, lớn nhất  Nepal và cả tiểu lục địa Ấn Độ. Tuy nguồn gốc xây dựng tòa tháp này không rõ bởi vì có người cho rằng do vua Nepal xây có kẻ lại nói bởi vua Tây Tạng, nhưng họ thống nhất ở một điểm bảo tháp khởi đầu được xây vào khoảng thế kỷ thứ 5 hay 6, được trùng tu hay xây lại nhiều lần và hoàn tất lần cuối vào khoảng thế kỷ thứ 14. Người ta nói rằng bảo tháp này là nơi có xá lợi của Đức Phật Thích Ca. Cũng có nguồn tin khác nói nơi đây là mồ chôn vua Amshuvarma của Nepal sống vào đầu thế kỷ thứ 7.

Boudhanath là một kiến trúc hình cầu màu trắng đường kính dài 100 mét, tháp cao 36 mét với các mô hình tròn và vuông đan xen nhau và mỗi phần của tháp có những ý nghĩa khác nhau.

Theo những người thuyết minh trong  cuốn phim tài liệu của BBC thì kiến trúc sư của bảo tháp đã tạo nên  một tác phẩm nói lên trí huệ của Đức Phật. Thú vị ở điểm là biểu tượng của bảo tháp bao gồm các yếu tố của đất, nước, lửa, gió và không gian và có nhiều hình dạng để diễn tả chúng qua những hình thức thẩm mỹ cao, lấy ý niệm tâm thức giác ngộ của Đức Phật mà cho rằng thế gian  là môi trường lý tưởng cho con  người để giải phóng khỏi sự khổ đau.

Khách hành hương đi dọc bờ tường của bảo tháp theo chiều kim đồng hồ, sờ vào các luân xa. Hình: NHA

Khách hành hương đi chung quanh sân gạch  bảo tháp theo chiều kinh đồng hồ. Họ sờ tay vào những bánh luân xa có khắc câu thần chú đặt giữa bức tường  bọc quanh bảo tháp và trên bờ  tường có 108 hình tượng hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm. Có bậc cấp lên bệ 3 tầng rất lớn của bảo tháp, mỗi bệ nhỏ dần khi lên cao và tượng trưng cho Đất, là nơi khách hành hương đi vòng quanh bảo tháp để ngắm núi non, cầu nguyện hay trầm mình trong tiếng kinh kệ chung quanh. Hôm chúng tôi thăm viếng, khách hành hương không được lên bệ thứ hai và thứ ba.

Tiếp đến là chân đế  hình tròn đỡ quả cầu của bảo tháp tượng trưng cho Nước. Lên cao nữa là trụ tháp hình vuông bốn bề là đôi mắt  trông bốn phương nhìn xuyên suốt khách hành hương, bên  dưới  có ký hiệu giống như cái mũi của Phật nhưng đó là số 1  tiếng Nepali biểu tượng cho sự hợp nhất của Phật giáo và một cách để đạt tới sự giác ngộ qua lời dạy của ngài.

Tại sao Phật không có mũi? Theo bà Hughes, cũng có lý do bởi người ta cho rằng Đức Phật nói “không bao giờ muốn nghe mình được tôn thờ”.

Lên cao nữa là kim tự tháp với 13 bậc tượng trưng cho sự tu tập để tiến đến  giải thoát. Hình tam giác của kim tự tháp tượng trưng cho Lửa.

Và trên đỉnh tháp là một cái lọng mạ vàng tượng trưng cho Gió, và cuối cùng là chóp mạ vàng tượng trưng cho Không gian, thượng tầng khí quyển.

Quanh tháp cờ Phật giáo  màu sắc rực rỡ và dây cầu nguyện với những câu chú tung bay trong gió.

Chúng tôi gặp những nhà sư và ni cô người tây phương đi quanh bệ bảo tháp, khổ hạnh trong những chiếc áo cà sa màu nâu thẫm bên cạnh những tu sĩ mà tôi nghĩ là người Nepal và Tây Tạng. Lại thấy một nhóm phụ nữ đang cầm những bộ áo màu sặc sở lấy  ở đâu đó, loay hoay bận xiêm y vào giữa trời nắng chói chang, tôi đến xin chụp hình nhưng ông trưởng nhóm cho tôi biết đây là những người Ấn Độ có cái vỏ người Nepal. Té ra họ là du khách ngoại quốc như chúng tôi.

Kể từ năm 1959, người Tây Tạng sang tị nạn ở Kathmandu và họ đã chọn khu vực quanh bảo tháp để lập các tu viện, mở các cửa tiệm bán đồ lưu niệm  (sinh hoạt như một Quảng trường Thánh Phê-rô nhỏ) nên có thể nói ở nơi đây mặc dù là đất nước của Nepal nhưng đượm màu sắc  và văn hóa Tây Tạng.

Các cửa tiệm bán đồ lưu niệm xen lẫn các tu viện, đền chùa quanh bảo tháp. Hình: NHA

Đối diện với cổng chính và nằm phía bên kia bảo tháp có một tu viện hai tầng của người Tây Tạng. Tu viện nằm trong khuôn viên bảo tháp. Tầng dưới có một chiếc xa luân thật lớn choáng cả một căn phòng nơi khách hành hương đi vòng quanh xoay bánh xe và làm dấu cầu nguyện. Tường và cầu thang lên lầu có nhiều hoa văn và phù điêu, hình ảnh các chư phật và bồ tát.

Đứng trên ban-công của lầu hai có thể thấy bảo tháp rõ ràng hơn, có tầm nhìn ra phố và núi chung quanh. Đây là nơi nhiều du khách tây phương cầm máy ảnh để ghi lại những nét đẹp nhất của ngọn tháp được xem là  một “kỳ quan của Phật giáo thế giới”.  Chúng tôi đã tận mắt thấy và tôi đã chụp được những bức ảnh quý hiếm dành cho trường thiên ký sự đường xa của mình.

Tôi thấy có vài khách hành hương ngồi bên trong một căn phòng đàm đạo với một nhà sư. Không khí nơi đây yên ắng. Bạn có thể ngồi trầm tư để suy nghĩ về cuộc đời, vũ trụ nhân sinh, triết lý của đạo Phật hay chỉ là nghỉ ngơi dưới bóng mát của ngôi đền để tiếp tục một chuyến thăm viếng khác tại một đất nước được gọi là huyền bí. (còn tiếp)

Nguyễn Hồng Anh, TVTS 2012

(*) Video “Bảy kỳ quan Phật giáo thế giới”: Trên mạng lưới toàn cầu hiện có ấn bản tiếng Anh phụ đề Việt ngữ và một phiên bản có thuyết minh bằng tiếng Việt. Bạn đọc có thể vào website của TiVi Tuần-san tìm bài viết “10 ngày ở Nepal và Ấn Độ” trong mục News – general và bấm vào ghi chú ở phần cuối của bài. Hoặc ghé trang http://www.youtube.com/watch?v=5xwVRSh_XEA&feature=youtu.be