NEPAL: Bhaktapur- hoàng cung thơ mộng nhất Kathmandu (kỳ 6)

17 Tháng Sáu, 2012 | Nepal
Sân của Bhaktapur Durbar Square rộng rãi nhờ… những trận động đất phá hủy một số di tích của hoàng cung. Cổng trắng cuối hình là lối vào. Hình N.H.A.

Kể chuyện đường xa của Nguyễn Hồng Anh

***

Bhaktapur là thành phố chị em của Kathmandu cách thủ đô này chừng 12 đến 13 cây số và cùng với Lapitur (quen gọi Patan) làm nên thành phố bộ ba (tri-city) của thung lũng Kathmandu nơi phần lớn sắc dân Newar sinh sống từ  cả ngàn năm trước.

 

Thành phố của những Người mộ đạo

Bhaktapur theo tiếng Phạn và tiếng Nepali có nghĩa là Thành phố của Người mộ đạo (City of Devotees) , nằm trên tuyến đường buôn bán thời xưa của các thương gia Tây Tạng và Ấn Độ. Thành phố nhỏ nhất trong thung lũng Kathmandu có vết tích lịch sử từ thế kỷ thứ 7, từng là thủ đô của vương quốc Malla trong nhiều thế kỷ cho đến hậu bán thế kỷ thứ 15.

Cả một thành phố cổ hàng trăm năm tồn tại, được bảo trì  và được cơ quan  UNESCO của Liên hiệp quốc liệt vào danh sách di sản văn hóa thế giới, là điểm đến của du khách để khám phá và chiêm ngưỡng những kiệt tác kiến trúc, chạm trổ của đền đài, chùa chiền, dinh thự, hồ cảnh, những cánh cửa sổ đẹp lộng lẫy, các bức tượng đồng, đồ gốm, đồ dệt và phong tục tập quán của người bản xứ.

Bảo tàng viện Mỹ thuật Quốc gia. Hình phải: các nhân công khuân gỗ trùng tu di tích đi qua trước cổng mạ vàng The Golden Gate. Hình N.H.A.

Bhaktapur tuy là thành phố nhỏ nhất trong thung lũng nhưng với tôi đây là thành phố có kiến trúc hài hòa nhất trong khung cảnh thơ mộng nhất của Kathmandu.

Xe tới bãi đậu  gần cái hồ xây hình chữ nhật khá lớn nước màu xanh rêu vì nước không lưu thông (giống hai cái hồ trước Cung An Định ở Huế nơi bà Từ Cung mẹ vua Bảo Đại sống). Qua một dãy phố nhà vài tầng ven hồ, mời bạn cùng chúng tôi dừng trước cái cổng lớn mái vòm màu trắng nơi có trạm bán vé với bảng ghi “Welcome to Bhaktapur”  trong đó người thuộc khối SAARC (tức Ấn, Pakistan, Bangladesh, Srilanka, Bhutan, Maldives và A Phú Hãn) và người Trung Quốc trả 100 Napali Rupee còn người ngoài nhóm các quốc gia SAARC phải trả 1,100 Rupee hay $15 Mỹ kim. Hội đồng thành phố Bhaktapur xin “quý khách” vui lòng hợp tác “để chúng ta bảo vệ di sản chung của chúng ta”. Đây là giá vào cổng đắt nhất trong các khu di tích và thờ phượng ở thủ đô Kathmandu.

Nội thành của hoàng cung Bhaktapur ngày nay được đan xen với nhà cửa của dân chúng, các tiệm buôn, nhà hàng, nhà trọ nên không khí rất sinh động, tuy nhiên các di tích vẫn hội tụ ở những khu vực riêng. Người ta nói có khoảng 170 đền đài lớn nhỏ tại Bhaktapur. Sau khi qua cổng màu trắng bạn bắt đầu thấy đền đài, cũng với những những kiểu chùa (pagoda), bảo tháp (stupa) và đền (shikhara) ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo Tây Tạng và đền Ấn giáo.

Du khách trước Cung điện Fifty-Five Windows (sau hai bảo tháp) và đền Fasidega màu trắng tại Bhaktapur. Hình N.H.A.

Cái sân rộng trước mặt bạn chính là  Bhaktapur Durbar Square, một phần quần thể hoàng cung.

Durbar Square ở đây lớn và rộng rãi hơn ở Kathmandu và đền đài không kề nhau trông chật chội như ở Lapitur (Putan). Ngày xưa ở đây có nhiều đền đài nhưng những trận động đất năm 1934 đã tàn phá một số, để lại những khoảng trống trong hoàng cung. Nhưng theo tôi, chính vì vậy mà cảnh quang ở đây đẹp hơn vì tầm nhìn không bị choáng bởi đền đài san sát như các nơi khác.

Bên tay trái bạn là National Art Museum, cửa vào có hai tượng sư tử cao đến trần tầng một. Cạnh bên là The Golden Gate, một cổng mạ vàng đúc theo một khuôn mẫu được cho là phong phú và đẹp nhất thế giới, được xây vào năm 1754 dưới thời vua Ranajit Malla. Hai bên cổng đúc tượng nổi các vị thần và các quỷ dữ, những hình nửa người nửa súc vật mà người ngoại đạo như tôi không hiểu là gì nhưng nhà sử học, khảo cổ và phê bình người Anh Percy Brown (1872-1955) cho rằng “Cổng Vàng này là tác phẩm hầu như đẹp nhất trong vương quốc Nepal”.

Cổng này dẫn vào sân phía trong của cung điện có tên Fifty-five Windows Palace được xây vào năm 1427 bởi vua Yaksha Malla, là nơi nhiều vị vua cư ngụ. Cung điện bằng gạch này được xen lẫn với 55 cánh cửa sổ bằng gỗ chạm khắc một cách tỉ mỉ và khéo léo bởi những nghệ nhân hàng đầu của vương quốc và vì thế Cung điện 55 Cửa sổ được coi là một kiệt tác trong quần thể Bhaktapur Durbar Square.

Cạnh đó  còn có tượng vua Bhupatindra Maila dựng trên cột trụ nhìn vào cung điện, rồi nào là kiến trúc hình bát giác gọi là Chyasimandap, đền Pashupati,  đền Batsala với cái chuông lớn gọi là “chuông chó sủa” bởi mỗi lần chuông đánh lên thì chó trong cả khu vực này sủa và tru.

Ngôi chùa Nyatapola 5 mái cao 30 mét trong Taumadhi Square ở Bhaktapur. Hình: N.H.A.

Và gần đấy có đền Fasidega màu trắng xây trên đế hình vuông 6 bậc và hai bên các tầng cấp đi lên là những cặp tượng hình voi, sư tử và bò. Đền này dâng hiến cho Shiva, là vị thần được xem là cao nhất trong Ấn giáo. Đứng trên bậc thứ 6 của đền Fasidega, bạn có thể quan sát được thành phố và cư dân cũng như một số mái của đền đài và dãy núi bọc chung quanh.

 

Hoàng cung nhiều quảng trường

Không có người dẫn đường và chẳng còn kiên nhẫn nhìn bản đồ giữa trời nắng, chúng tôi cứ lần bước, gặp gì xem đó. Kìa lại có một quảng trường rộng chung quanh có nhiều đền đài, được gọi là Taumadhi Square, là một trong 4 quảng trường của Bhaktapur (hai nơi còn lại là Duttatraya Square và Pottery Square).

Sinh hoạt giữa khoảng sân trống (những trận động đất đã làm sập một số đền đài) này rất tấp nập, từ bán đồ kỷ niệm, tiểu công nghệ đến thức ăn, nước uống, đồ dùng hàng ngày.  Tuy nhiên, nhìn đám ruồi bu những miếng thịt vất bừa bãi ở vài góc đường làm cho chúng tôi hỏi nhau không biết tình trạng vệ sinh như thế có gây bệnh cho du khách không và bởi thế, thấy có một ngôi nhà hai tầng (như lầu vọng cảnh của các vua chúa Việt, Tàu) nằm ở góc sân nay trở thành một nhà hàng đầy ắp khách tây phương, chúng tôi không dám bước vào.

Tác giả đang quan sát một cánh cửa sổ chạm trổ tinh vi của chùa Nyatapola. Hình N.H.A.

Những chiếc xe cải tạo từ máy cày chở hàng hóa chạy giữa sân làm tôi liên tưởng thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa khoảng năm 1976  tại miền nam Việt Nam bởi các phương tiện giao thông tiên tiến của chế độ cũ đã nhường chỗ cho một thời đại xuống dốc mà người ta cho là trở ngược về thời đại đồ đá!  Có khác chăng ở đây y phục của người dân màu mè sặc sỡ, vui mắt; nét mặt người Nepal vô tư, không có gì phải lo bởi ngàn năm trước và sau đều như một, tự tại như đền đài chùa chiền của Bhaktapur.

Cũng như ở Kathmandu Durbar Square, nơi này là chốn mua bán đông người nên đã có vài thanh niên luấn quấn đi theo chúng tôi đề nghị làm tour guide. Nếu không thích, bạn hãy từ chối bởi những người ăn không ngồi rồi như thế kiến thức bao nhiêu và vốn liếng Anh ngữ cỡ nào để làm bạn hài lòng và thoải mái khi đưa bạn đi tham quan?

Thấy một ngôi đền nhiều mái rất cao, chúng tôi bước lên để nghỉ chân và hóng mát. Sau đó được biết đấy là Nyatapola, một ngôi chùa 5 tầng với 5 mái tạo thành hình kim tự tháp, cao 30 mét, là một trong những ngôi đền xây kiểu chùa cao nhất ở thung lũng Kathmandu  với cấu trúc đồ sộ và nghệ thuật chạm trổ tinh vi.

Bệ của đền gồm năm bậc và cũng như những ngôi đền khác tầng cấp đi lên có những cặp tượng hầu hai bên, bắt đầu bằng hai võ sĩ, sau đó là hai con voi, hai sư tử, hai con sư tử đầu chim ưng và hai nữ thần.

Ngồi dưới mái chùa ở bậc đế cao nhất giữa nắng trưa và hưởng những làn gió mát của rừng núi tôi cảm thấy thú vị chẳng thua gì những du khách ngồi ở quán giải khát tầng hai đối diện.  Bên kia một góc đường hiện lên mái nhà 3 tầng là đền Bhairab Nath, một kiến trúc mang tính nghệ thuật cao được một người yêu nghệ thuật như vua Bhupatindra Malla thực hiện.

Một chủ tiệm bán tranh tươi cười sau khi đã bán bức tranh này cho chúng tôi. Hình N.H.A.

Đứng ở đây, nếu bạn không muốn nhìn núi non, có thể quan sát sinh hoạt của người dân chung quanh, những căn nhà trọ bình dân hai ba tầng dành cho du khách, những  căn nhà cao đến bốn tầng có một phụ nữ bận sa-ri đang khom lưng ra lan can mái ngói phơi áo quần.

Những ngôi nhà gạch đỏ, mái ngói khá cũ kỹ xen lẫn với cung đình, đền đài làm cho thành phố cổ ngàn năm này như trở lại với thời hoàng kim của nó mà du khách được chính mắt trông thấy. Chúng tôi đi một vòng quanh quảng trường liếc qua các cửa hàng bán đồ lưu niệm, mua hai bức tranh sơn dầu và sơn nước của một họa sĩ được cho là nổi tiếng ở Nepal để ghi lại kỷ niệm về cổ thành Bhaktapur và dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Lúc này chúng tôi thấy đã đến giờ trở  ra cổng như đã hẹn với anh taxi, nhưng thay vì đi ngược để khỏi lạc đường, chúng tôi quẹo phải đi vòng lại, tin rằng mình đang đi song song với con đường mình vừa đi  vào. Chúng tôi thấy một sân rộng đầy những bình lọ đồ gốm, có tên là Pottery Square.  Con đường dài trải kín gạch đỏ là dấu chỉ văn minh của kinh thành xưa còn được bảo trì. Tuy nhiên những căn nhà lầu từ hai đến ba tầng ở hai bên đường cho thấy số tuổi ít nhất cũng trên một thế kỷ và với kiến trúc cổ điển đông tây lẫn lộn, gạch ngói không được tu bổ, áo quần phơi bừa bãi trên ban công và cửa sổ chứng tỏ đời sống của người tại cố đô còn khó khăn và chậm tiến so với thế giới hiện đại ngày nay. Một số căn nhà là cửa tiệm bán đồ gốm, vải vóc, phần lớn ra vẻ nhà ở. Thỉnh thoảng gặp những người khuân vác dùng cái trán của họ để chịu sức nặng của đồ vật mang sau lưng. Đấy là một hình ảnh sinh động khác về xứ Nepal huyền bí.

Quảng trường Taumadhi Square chụp từ chùa Nyatapola. Bên trái là đền Bhairab Nath, bên phải là nhà hàng hai tầng, trước mặt và chung quanh là các cửa tiệm bán đồ lưu niệm. Hình N.H.A.

Lần ra bên ngoài, chúng tôi tưởng mình đi lạc đường nhưng khi gặp lại cái hồ Siddha Pokhari thì biết mình đã đi đúng đường chỉ khác vào một cổng, ra một cổng khác.

Chúng tôi trở lại cổng màu trắng nơi hẹn với Sampurna Shrestha, anh taxi thường đưa đón chúng tôi. (còn tiếp)

Nguyễn Hồng Anh TVTS 2012

Một con đường lát gạch trong nội thành Bhaktapur với những tòa nhà bằng gạch rất cũ kỹ. Hình N.H.A.