20 năm kể chuyện đường xa: Một vòng Nam Âu- Italy, Portugal, Spain (bài 1)

09 Tháng Ba, 2011 | Ý

Quảng trường Republica Plaza: cảnh sát và người biểu tình chống kỳ thị di dân. Hình: TVTS

Chúng tôi lại có thêm một chuyến du lịch “kể chuyện đường xa” sớm hơn dự tính sau hai tháng rưỡi làm một vòng các nước ở vùng biển Địa Trung Hải. Lý do: để được nhập vào giòng người Úc trong chuyến hành hương lịch sử—tham dự lễ phong thánh của Mẹ Mary MacKillop vào ngày 17 tháng 10 vừa qua.

Đây là lần thứ hai chúng tôi trở lại Rome sau chuyến đi vào năm 2003. Lại được dịp tham quan một số di tích và thắng cảnh khác, nhưng hơi khác thường đối với một du khách là quan sát hai cuộc biểu tình lớn ở công trường Republica Plaza. Một cuộc biểu tình của di dân mà phần lớn là người ở tiểu lục địa Ấn Độ và Trung Á và một ít Phi Châu.  Họ tập trung ca hát suốt ngày ở công trường này sau đó tuần hành tới một công trường khác dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Vì mới đặt chân tới Rome, chúng tôi đi theo họ để làm quen với đường sá ở khu phố này.

Hai ngày sau, cũng tại công trường Repubica Plaza này, một cuộc biểu tình rất lớn của công nhân làm tắc nghẽn giao thông và cắt đứt hoạt động của một số tuyến đường xe bus trong khu vực bởi hàng ngàn người tham dự trong đó đảng Cộng sản Ý là tổ chức đầu não.  Chỉ 4 ngày ở Rome mà chúng tôi đã chứng kiến hai cuộc biểu tình.

Sau đó chúng tôi tới Venice, thành phố độc đáo nhất trên thế giới nằm giữa biển và hệ thống kênh đào, nơi người ta chỉ di chuyển bằng phương tiện duy nhất là thuyền máy và đò chèo, dù đó là các viên chức chính quyền, cư dân hay du khách. Nghe không bằng mắt thấy, nhìn nước thủy triều lên làm ngập sân của Vương cung Thánh đường Thánh Marco khiến hàng ngàn du khách phải xếp hàng đi trên cầu bắc và sau đó khi nước xuống mọi người tản mác trên các sân rộng chẳng thua gì Công trường Thánh Phê Rô ở Rome.

Rồi bay sang nước Bồ Đào Nha để thấy được cảnh thanh bình ở đất nước hiếu khách, nơi du khách tới phi trường quốc tế Lisbon chỉ việc đến quầy lấy hành lý rồi bước ra phi cảng như ta đáp máy bay từ Melbourne lên Sydney, chẳng phải điền  mẫu đơn khai báo, qua cửa di trú hay hải quan gì ráo trọi. Từng là một nước tiên phong mở đường hàng hải sang Ấn và chiếm thuộc địa ở Tân Thế Giới, ngày nay Bồ Đào Nha là nước trung bình nhưng có cuộc sống thoải mái.

Bạn cứ tưởng tượng người dân ở Lisbon và Fatima sáng uống rượu bia, trưa uống rượu bia, tối uống bia rượu dù không có mồi hay chỉ uống rượu và ăn bánh ngọt.

Biểu tình của công nhân và Đảng Cộng sản Ý tại Republica Plaza. Hình: TVTS

Tôi còn nhớ mấy lần ăn uống ở Fatima, một thị trấn xa thủ đô một giờ rưỡi xe hơi mà một chai bia trong cửa tiệm có người phục vụ chỉ 1.1 Euro trong khi chai nước suối 1.2 Euro và dĩ nhiên khỏi phải trả tiền tip. Dễ chịu quá chừng.

Dĩ nhiên là không thể bỏ cơ hội mua vé xe bus tốc hành tới thăm Thánh địa Fatima nơi mà vào ngày 13 tháng 10 trước đó người ta kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần cuối vào năm 1917.

Và cuối cùng, chúng tôi bay sang Madrid, thủ đô của Tây Ban Nha, một cựu đế quốc đã từng chiếm cả Nam và Trung Mỹ nơi mà ngày nay hầu hết các quốc gia từ Mễ Tây Cơ trở xuống đều nói tiếng của nước họ ngoại trừ nước Ba Tây (nói tiếng Bồ Đào Nha).

Vài ngày trước khi lên đường đi du lịch, chúng tôi có để ý đến tin Mỹ cảnh cáo công dân họ sang Âu Châu và chính Thủ tướng Julia Gillard cũng khuyên người Úc không nên đến đó và nếu có du lịch thì hãy tránh xa chỗ đông người. Madrid là nơi đã từng có vụ khủng bố trên tuyến đường xe lửa vào năm 2004 làm khoảng 200 người thiệt mạng.

Nhưng đã đến một thành phố có 5.5 triệu rưỡi dân mà không ra những công trường, nơi tụ họp đông người, những phố xá đầy khách chen chúc mua sắm như ở New York thì có lẽ không nên đi. Nhớ tới lời cảnh cáo của bà Gillard nhưng thấy ở những nơi đông người lại có quá nhiều cảnh sát đi bộ, cỡi ngựa, ngồi trên xe chận các nút đường, cũng yên tâm, nghĩ rằng con người sống chết có số nên cứ “vô tư” mà hưởng cái thú du lịch.

Dĩ nhiên ở một đất nước có một bề dày lịch sử không thua gì các nước Âu Châu khác như Pháp, Anh, Ý, Hy Lạp… chúng tôi không thể không đi xem các viện bảo tàng, đại thánh đường. Và không bỏ qua những cái mà người Tây Ba Nha gọi là Espana tipica (đặc tính Tây Ban Nha) như  đấu bò rừng, nhạc flamenco.

Cũng như vài nơi khác với 4 ngày đêm du lịch, chúng tôi lại tình cờ chứng kiến một cảnh biểu tình tại Plaza Mayor (công trường Mayor), tuy chỉ có chừng chục mạng hò hét, nhưng lại hàng chục an ninh bảo vệ yếu nhân khi thị trưởng thành phố Madrid tiếp thị trưởng thành phố Mexico (của Mễ Tây Cơ) với đội kèn đồng, hàng chục cảnh sát thành phố và một đội kỵ mã làm hàng quân danh dự tiếp đón khách.

Các thị trưởng Mexico và Madrid duyệt đội binh danh dự trong khi người biểu tình khua trống thổi kèn chống đối. Hình: TVTS

Du lịch không những chỉ là tham quan các di tích thắng cảnh, với chúng tôi, còn là dịp quan sát con người và cuộc sống của người địa phương, để biết và so sánh với đời sống ở đất nước (Úc) được xem là phúc địa của chúng ta.

14 ngày đêm trôi qua một cách nhanh chóng ở ba nước Nam Âu (xin xem thêm hình ảnh ở trang 150).

Nhưng trên đường trở về Úc, từ phi trường Madrid đến phi trường Doha của nước Qatar, chúng tôi được báo là máy bay đáp trễ nên phải ở lại thành phố này đúng 24 tiếng đồng hồ. Hãng máy bay Qatar sẽ bao khách sạn (4 sao), ăn ba bữa và xe cộ ra vào phi trường.

Bị kéo dài thêm một ngày ngoài ý muốn, ban đầu chúng tôi hơi bực mình dù trước đó có ý định một ngày nào đó sẽ ghé thăm các thành phố tiêu biểu của bán đảo Á Rập như Dubai của nước United Arab Emirates hay Doha của nước Qatar. Nhưng không ngờ, hơn nửa ngày đi ngắm phố và mua sắm ở Doha, chúng tôi ước gì được trễ lâu thêm nữa.

Thế là một chuyến du lịch 15 ngày đi đây đó với 3 ngày ngồi phi cơ nhìn mây trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa. Tôi chép miệng với nhà tôi: liệu còn bao nhiêu chuyến đi (du lịch) còn lại trong đời để tiếp nối mục Kể Chuyện Đường Xa của 20 năm? (Lần đầu tác giả du lịch viết bút ký trên báo TVTS vào năm 1990 ở Thái Lan).

Nguyễn Hồng Anh, tháng 10 năm 2010