Rome: ngắm lần thứ hai (bài 3)

23 Tháng Ba, 2011 | Ý
Hình quảng trường Piazza Venezia chụp từ đài tưởng niệm Vittoriano. Hình: TVTS

Trong chuyến du lịch Ý vào năm 2003, chúng tôi chỉ thăm viếng Rome và những di tích lịch sử và thắng cảnh của thành phố này như Vương cung Thánh đường và Quảng trường Thánh Phê-rô, đấu trường Colosseum, quảng trường Roman Forum, Palatine Hill, Capitolini Hill. Như  vậy là xem không nhiều lắm đối với một nơi có hàng chục di tích đáng xem.

Ngày đó, chúng tôi đến thăm các di tích lịch sử bằng xe điện ngầm nên chẳng thấy được gì nhiều.  Chỉ một buổi trước ngày rời Rome, vì muốn thấy thành phố này nó ra làm sao, chúng tôi leo đại lên một tuyến xe bus ngồi trong nửa tiếng ngắm cảnh rồi đến một trạm nào đó nhảy xuống, qua bên kia đường đón xe bus chạy ngược để bảo đảm trở về không bị lạc đường.

Lối “cỡi ngựa xem hoa” bằng xe bus công cộng kiểu này đã chẳng cho tôi biết được gì nhiều về thủ đô Ý ngoài những con đường chật chội, hai bên là những tòa nhà cổ và những apartment chẳng mới gì dành cho cư dân, xe chạy như muốn đụng vào nhau và cảnh các tài xế lái rất ẩu tả. Đi kiểu hấp tấp, không có người hướng dẫn như  chúng tôi chỉ thỏa mãn con mắt chứ không giúp gì cho kiến thức bởi những dinh thự, kiến trúc mà mình vừa thấy chỉ là những tòa nhà chứ chẳng biết đấy là cái chi chi.

Tới Rome lần thứ hai này, tôi có nhiều kinh nghiệm hơn nhờ  xem kỹ bản đồ và tìm hiểu các tuyến đường xe bus. Nhờ tới Vatican hai lần, chọn vài cái mốc đáng chú ý để định hướng và đi bộ khá nhiều nên Rome dần dần trở thành một nơi quen thuộc với chúng tôi, muốn đi tới đâu cũng được, vấn đề là thời gian sẽ cho phép xem được bao nhiêu mà thôi.

Chẳng hạn, đi từ ga xe lửa trung ương Termini (gần Quảng trường Repubblica và khách sạn Repubblica của chúng tôi) đến Quảng trường Thánh Phê-rô (tức đi từ đông sang tây) cũng đã mất từ 25 đến 40 phút, tùy xe bus chạy ban đêm hay ban ngày.

Chúng tôi ở Rome 4  đêm 5 ngày mà ngày Chủ Nhật 17 tháng 10 là ngày dành để dự lễ phong thánh Mẹ May MacKillop, là lý do để có chuyến du lịch Nam Âu lần này. Đến Rome trong ngày đầu chúng tôi theo đoàn biểu tình chống kỳ thị di dân để vừa xem một cảnh biểu tình ở nước Ý và đồng thời để quan sát đường đi và phố xá. Đám biểu tình có vẻ thích thú vì có thêm hai người gia nhập bọn họ vì chúng tôi đi hàng đầu để quan sát cho rõ. Địa điểm sau cùng mà họ dừng chân là trước Quảng trường Esquilino đối diện với Vương cung Thánh đường Thánh Maria Maggiore.

Sau “khúc nhạc dạo đầu” chẳng giống ai của những du khách như chúng tôi, chúng tôi đã nắm vững khu vực quanh quảng trường Repubblica và hướng đi tới trung tâm thành phố.

Để bạn đọc có thể có ý niệm sơ sơ về Rome, xin bạn nhớ cho rằng ga xe lửa trung ương Termini ở tây, thành Vatican phía đông bên kia sông Tiber, tiếng Ý gọi là Fiume Tevere. Mốc ở phía bắc có thể là Piazza del Popolo và mốc phía nam là đồi Palatino và đấu trường  Colosseum quen thuộc trên báo chí tranh ảnh.

Trụ sở quốc hội Ý nằm ở giữa trung tâm thành phố, có tên Palazzo Montecitorio cách đền Pantheon vài khu phố.

Muốn đi một vòng cho biết Rome, người ta có thể theo đoàn hành hương do Harvest Pilgrimages của Úc tổ chức trong dịp lễ phong thánh. Nhưng nếu chỉ ghi danh và tới Rome nhận vé vào cửa, thì sẽ được tặng cho một của sách bỏ túi dày 64 trang có tên Rome của Mary MacKillop, giúp tự hành hương đên những nơi quan trọng mà mẹ đã đi qua, kể từ khi mẹ đặt chân tới Rome vào năm 1873 để xin phép Đức Giáo hoàng Pi-ô IX phê chuẩn Hiến chương thành lập Dòng Thánh Giu-se của mẹ.

Tòa nhà Vittoriano được gọi là chiếc bánh cưới hay bàn máy đánh chữ. Hình: TVTS

Như trong nhật ký của Mẹ, ga xe Termini là nơi mẹ đặt chân đầu tiên tới Rome bằng xe lửa sau chuyến hải hành 6 tuần lễ trên biển. Người ta đặt ra  4 tuyến đường để hành trương trong đó có tuyến đường số 1 đi 8 chặng phát xuất từ chặng số 1 ở StazioneTermini  và chặng số 2 là khách sạn Anglo-Americano cách khách sạn Repubblica của chúng tôi chừng hai khu phố.

 

Chúng tôi đã không thăm Rome bằng hình thức hành hương dù tên nằm trong danh sách người Úc dự lễ phong thánh mà ngắm thành phố này bằng hình thức ngồi trên xe bus hai tầng (open tour), lên mui xe để quan sát thành phố và nhờ đó mà biết tổng quát nơi mình sẽ đi qua.

Tại Rome có nhiều hãng xe du lịch chở khách chạy vòng vòng quanh thắng cảnh gọi là panoramic tour. Chúng tôi ra đường, thấy chuyến xe nào trước thì nhảy lên trước. Bạn có thể mua vé đi tour ở khách sạn hay các sạp bán báo và vé xe công công, hay ngay trên xe.  Ngoài ra bạn sẽ gặp những người bán dạo vé tour ở mọi nơi, những người này có nước da ngăm ngăm mà tôi nghĩ là di dân từ Trung Á hay Trung Đông.

Chúng tôi mua vé của hãng Ciao Roma, giá 20 Euro đi cả ngày, chạy từ 8.45AM đến 7.45PM, lên xuống ở bất cứ  15 hay 18 trạm nào mình muốn, tùy theo tuyến đường. Những trạm này là những di tích lịch sử hay những tòa nhà thuộc loại landmark (mốc) của thành phố. Ngồi trên mui xe, bạn có thể thấy một vài di tích đáng xem như  đấu trường Colloseum, quảng trường Forum Romano, Thành Vatican, quảng trường Piazza Repubblica, quảng trường  Piazza Venezia v.v…

 

Vittotiano: Mộ Chiến sĩ Vô danh

Sau khi đã định được phương  hướng, mời bạn cùng chúng tôi đi thăm đài chiến sĩ trận vong có tên bằng tiếng Ý Monumento Nationale a Victtorio Emanuele II (National Monument of Victor Emanuel II) hay Altare della Patria (Đền thờ Tổ quốc) hay gọi vắn tắt Il Vittoriano. Đấy là đài kỷ niệm Victor Emanuel Đệ nhị  (1820-1878), ông vua được coi là vị cha già dân tộc, người khai sinh ra nước Ý thống nhất hiện nay.

Mở cửa từ 9.30AM đến 7.30PM, các ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy từ 9.30AM đến 11.30PM. Xem đài tưởng niệm miễn phí.  Vào bảo tàng viện trong đài cũng miễn phí (nhưng thấy có thùng dâng cúng để bảo trì), nhưng xem phòng triển lãm tranh, phải mua vé.

Từ quảng trường Repubblica đến đài kỷ niệm Vittoriano mất chừng 20 phút đi bộ. Bạn cũng có thể dùng xe bus tuyến đường số 40 hay 64 chạy tới Thành Vatican (tức quảng trường Thánh Phê-rô) và khi đi ngang một tòa nhà màu trắng hình bán nguyệt trước mặt có một quảng trường thật lớn, hãy nhảy xuống.

Vittoriano  được người Ý trân trọng như  đài tử sĩ Shrine of Remembrance của người Úc ở thành phố Melbourne, bởi sau khi dùng làm nơi tưởng nhớ vị cha già dân tộc Ý, đấy cũng là nơi làm Mộ Chiến sĩ Vô danh.

Được xây từ cuối thế kỷ 19, nhưng mải đến năm 1911 mới hoàn tất. Công trình này bị xem là quá lộng lẫy, phô trương và quá lớn, chiếm một khu đất rộng giữa Piazza Venezia và Capitoline Hill. Tòa nhà rộng 135m, cao 70m và nếu tính luôn cả cánh của nữ thần Victoria và 4 con ngựa hai bên chóp, đài cao tới 81m. Vì hầu như Vittoriano nằm giữa thành phố nên muốn chiêm ngưỡng toàn bộ thành phố với góc nhìn 360 độ, không có gì hay hơn là hãy mua vé lên trên nóc của tòa nhà này để xem, gọi là Rome From The Sky, giá 7 Euro; thiếu niên từ 10 đến 18 và người trên 65 tuổi nửa giá, trẻ con dưới 10 tuổi miễn phí.

Trên sân thượng ở cánh trái là tượng đồng nữ thần Victoria cỡi xe tứ mã, xa xa bên trái là Điện Thánh Phê-rô, trước mặt là đền Pantheon, tối cao pháp viện Corte Cassazione. Hình: TVTS

Tòa nhà được xây hoàn toàn bằng đá cẩm thạch màu trắng, các cột trụ theo kiểu corinthian, khắp mặt các tường là những hình nổi khắc tượng thần thánh rất công phu và nghệ thuật. Nhìn từ mặt tiền, tòa nhà cao ngất với những bậc cấp đi lên ở giữa và sau đó tỏa ra hai bên. Trước mặt và lưng chừng giữa tòa nhà là bức tượng đồng không lồ vua Emanuel II cỡi ngựa, nặng 50 tấn. Hai bên nóc của đài là hai tượng đồng của nữ thần Victoria cỡi xe tứ mã. Tôi không hiểu vào thời đó làm sao họ có thể đem những bức tượng đồng đó đặt trên những nơi cao như vậy.

 

Vittoriano được xây dựng để tưởng nhớ vị vua đầu tiên của nước Ý, dnah hiệu King of Italy mà vua Emanuel II giữ cho đến chết. Tuy nhiên ngày nay đây là nơi mà du khách ngoại quốc cũng như người địa phương thường tới ngắm, chụp hình  mỗi khi có dịp tạt ngang qua, bởi hình ảnh hai người lính gác bên Ngôi mộ Chiến sĩ Vô danh. Họ bồng súng trong tư thế chào, đứng như hai bức tượng đá, gặp lúc trời mưa, chúng tôi thấy các nhân viên an ninh mang áo mưa phủ lên vai họ.

Việc xây mộ và ngọn lửa vĩnh cữu dưới bệ tượng vua Emanuel II là do sáng kiến của Tướng Giulio Douhet. Bà Maria Bergamas có một đứa con duy nhất chế trong Đệ I Thế chiến và xác con bà không bao giờ tìm ra. Năm 1921, bà được phép chọn một trong 12 xác binh sĩ không tên tuổi đem về Rome làm lễ quốc táng và chôn tại đài Vittoriano và vì thế nơi đây là biểu tượng lòng ái quốc của người Ý.

Chúng tôi vào bên trong xem Bảo tàng viện Quân sự nói về lịch sử chiến tranh của nước Ý cận đại với hình ảnh và những vật dụng của binh sĩ, tướng lãnh cũng như các loại võ khí của quân đội Ý từ gươm giáo của những tướng lãnh đến những súng ống thô sơ của quân đội Ý qua những cuộc chiến cách đây hơn một trăm năm.

Chúng tôi tham quan bảo tàng viện gặp lúc một đài truyền hình đang phỏng vấn một quân nhân trên cầu vai mang ba sao mà tôi nghĩ là một ông tướng bởi dáng dấp và tác phong của ông. Tôi không dám đoan chắc bởi trong hai lần đi xem biểu tình tôi gặp nhiều người lính hay cảnh sát Ý trên cầu vai có nhiều ngôi sao giống như thời mới thấy bộ đội Việt Cộng vào trong Nam, anh nào cầu vai cũng có sao nên chẳng hiểu cấp bậc của họ. Thú thật đến bây giờ tôi cũng không nắm vững cấp bậc của quân đội cộng sản Việt Nam khi nhìn cầu vai của họ!

Mời bạn tiếp tục cùng chúng tôi đi vòng quanh Vittoriano. Ra bên sau tòa nhà, tôi thấy có đông người đứng dưới một thang máy khung bằng kính. Nhìn thấy máy đưa người lên xuống thì biết đây là nơi để du khách thăm viếng. Xin tờ giấy giới thiệu thấy đề “Rome from the Sky, from the terrace of the quadrigas” – Rome từ trên bầu trời, từ những con tứ mã màu đen.

Trong khi chờ đợi đến phiên lên thang máy, nhìn một số người nam có, nữ có đang nối đuôi nhau trước một tòa nhà cổ kính đối diện thay máy. Thấy mặt mày người nào cũng trịnh trọng, trông có vẻ nôn nóng lại nghe tiếng chuông nên tôi nghĩ rằng đây có thể là một nơi linh thiêng như đền hay nhà thờ nên tôi đến gần một phụ nữ hỏi để tiện dịp vào xem luôn.

Đố bạn đấy là gì? Bà ta nói họ đang đợi vào… cầu tiêu!  Kể cho vợ, chúng tôi không thể không cười một trận.

Hai binh sĩ bồng súng chào đứng bên Mộ Chiến sĩ Vô danh. Hình: TVTS

Pantheon: lăng các danh nhân

Lên trên “nóc nhà” của thành phố, chúng tôi nhận diện được một số di tích mà chúng tôi biết, gần như đấu trường Collosseum, Pantheon lăng các danh nhân; xa như  Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô của Thành Vatican. Nếu bạn không biết những tháp, mái tòa nhà cổ kính chung quanh bạn, hãy xem những bảng vẽ và ghi chú nằm ở bốn góc của sân thượng tứ mã này.  Đứng ở cao độ này, bạn sẽ chiêm ngưỡng một trong những thành phố xưa nhất và vĩ đại nhất của nhân loại.

Từ đây, mời bạn cùng chúng tôi đi bộ về hướng đông bắc để tới  đền Pantheon. Tuy không xa, nhưng vì không quen đường lại gặp trời mưa nên cũng mất cả hơn nửa tiếng để từ khu vực đền kỷ niệm của vua Emanel để tới lăng của các danh nhân Ý.

Ở các nước tây phương như Pháp, Hy lạp đều có đền Pantheon, nhưng có lẽ Pantheon ở Rome là nổi tiếng bởi đây là một công trình cổ đại còn duy trình đến ngày nay, thu hút du khách đến thưởng ngoạn. Vào xem miễn phí.

Pantheon theo nguyên ngữ hy lạp pantheios là đền bách thần, thờ tất cả các thần (pan = tất cả; theions= thần) được xây vào năm 27 trước Công nguyên và được xây lại vào năm 125 sau CN khi tòa nhà nguyên thủy bị cháy.

Vòm của tòa nhà hình bán nguyệt cao 43.3 mét là một công trình kiến trúc độc đáo và quan trọng bậc nhất của người La Mã, với mái vòm bằng đá lớn nhất được xây từ trước đến đến thế kỷ thứ 13 khi bị mái vòm của nhà thờ Santa Maria del Fiore ở thành phố Florence tước mất ngôi vị đệ nhất này.

 

Ánh sáng chiếu qua một lỗ hổng hình tròn 9 mét và nước mưa rơi xuống sàn nhà sẽ được chảy qua một hệ thống cống rãnh.  Đây là nơi có ánh sáng tự nhiên duy nhất, đủ sáng để tạo sự huyền bí cho  ngôi đền.

Kiến trúc ở Pantheon khá đơn giản với những cột kiểu Corinthian và những bàn thờ hay mộ quanh tường và sàn của ngôi đền hình tròn.

Năm 608, Hoàng đế Foca của đế quốc Byzantine tặng  Pantheon cho Giáo hoàng Bonifaz VIII  trở thành vương cung thánh đường của các Thánh Tử đạo (Basilica Santa Maria ad Martyres).

Pantheon hiện là nơi chôn các thánh tử đạo, vài danh nhân của nước Ý như danh họa Raphael, kiến trúc sư Baldassare, vua Umberto I. Tôi thấy có mồ của vua Victoria Emanuel II với giòng chữ “Padre della Patria” (người cha của đất nước) dưới hình con chim phượng hoàng, vài bàn thờ  và bên cạnh một bàn thờ một ban thánh ca đang tập hát. Khách vào xem được yêu cầu giữ thinh lặng khi đang có thánh lễ.

Chúng tôi thấy có cuốn sổ để trên bục cạnh một bàn thờ có một phụ nữ đứng canh, có chữ ký của nhiều người ghi tên và nơi ở của họ, và trong hai trang trước mặt tôi thấy có những người ở Mỹ, Gia Nã Đại, Pháp, Bồ  Đào Nha, Ba Tây, Ấn Độ v.v… Vợ chồng chúng tôi ghi tên vào hai trang giấy đề ngày 16.10.2010 và tôi chụp một bức hình để kỷ niệm, sau đó mới thấy ngoài hai tên chúng tôi ra còn có 3 người Úc khác trong đó có tên một người là Bishop Issam John Darwish – Sydney. Tôi nghĩ đấy có lẽ là Giám mục Darwish của Giáo hội Melkite Catholic ở Sydney, một giáo hội xuất phát từ Chính thống giáo Hy Lạp nhưng nay hiệp thông với Giáo hội Công giáo La Mã.

Tượng đồng vua Emanuel II nặng đến 50 tấn. Hình: TVTS

Nhìn bên ngoài Pantheon trông tầm thường, chẳng có gì là đồ sộ và hấp dẫn như hàng chụp di tích khác ở Rome, nhưng bên  trong kiến trúc và họa tiết đều là những tác phẩm tuyệt vời, mang tính lịch sử bởi vậy đến Rome, bạn nên nhớ đến thăm Pnatheon một lần cho biết (còn tiếp).

Nguyễn Hồng-Anh

TVTS 1304 – 23.3.2011