Thành phố kênh đào Venice (bài 5)

07 Tháng Tư, 2011 | Ý
Grand Canal: sinh hoạt trên con kênh lớn nhất của Venice. Khách sạn Canal Hotel chúng tôi trọ là tòa nhà nhiều tầng màu vàng (góc phải) nằm bên kia chiếc cầu bắc ngang một con kênh nhỏ. Hình: TVTS

Năm 2003 khi biết chúng tôi vừa du lịch Âu Châu trở về trong chuyến đi kéo dài khoảng 3 tuần lễ và nghe tôi nói có đi Ý, một người bạn hỏi tôi có đi Venice không bởi “nghe nói đẹp lắm vì thành phố vì nằm trên nước”, tôi trả lời ở Rome có 3 ngày mà Venice thì hơi xa nên lúc đó muốn book vé đi tour cũng không kịp.

Thật sự tôi cũng không biết còn có dịp trở lại Ý không bởi ngoài Rome, Venice tôi còn muốn đi thăm một số địa danh mà tôi có nghe hay biết trên sách báo như thành phố Turin, Milan, Genoa,  Palerno, Bologna, Florence, Naples hoặc đảo Sicily nơi đẻ ra mafia.

Hay hòn đảo nghỉ mát Capri  mà hồi còn trẻ tôi đã nghe qua bản nhạc “Capri c’est fini” do Hervé Vilard soạn và hát (năm 1966 và nổi tiếng từ đó) để xem thành phố mối tình đầu “la ville de mon premier amour” mà ca nhạc sĩ Pháp nghĩ rằng “je ne crois pas que j’y retournerai un jour” nó đẹp như thế nào để ông tiếc nuối là sẽ không được trở lại đó.

Ngay trong chuyến đi Rome lần thứ hai này tôi cũng muốn thăm Pompeii, một thành phố cổ của La Mã bị một núi lửa tàn phá và chôn vùi hoàn toàn bởi trận động đất năm 79 sau Công nguyên và chỉ tình cờ được phát hiện vào năm 1599, nơi mà nghe nói mỗi năm có đến 2.6 triệu du khách thăm viếng.

Pompeii chỉ cách Rome khoảng 3 giờ xe hơi nên có thể đi tour về trong ngày nhưng chúng tôi đã không đi được vì còn dành thì giờ để một ngày đi lấy vé vào cửa và một ngày dự lễ phong thánh Mẹ Mary MacKillop.

Chưa hết, còn tháp nghiêng Pisa nổi tiếng nữa chứ? Nhưng lại cách Rome trên 350 cây số và mất khoảng 4 giờ lái xe.

Muốn đi tắm biển Rome cách trung tâm phố chừng 40 phút bằng xe lửa cũng không thực hiện được bởi ngay tại Rome có nhiều di tích chúng tôi chưa tới xem hay coi chưa đã.

Nhưng hai ngày đêm ở Venice đã làm cho tôi cảm thấy đáng đồng tiền bát gạo bởi được nhìn sướng mắt, đã trí  vì không thể nào tưởng tượng cách đây hơn ngàn năm người ta đã xây dựng một thành phố trên sông nước như thế.

 

Venetian Republic

Venice được gọi bằng tiếng Ý là Venezia, thủ phủ (capital) của vùng/tỉnh (region) Veneto, nằm về phía bắc nước Ý bao gồm những hòn đảo trong vùng biển Adriatic (nước Ý có 20 regions). Phá nước mặn trải dọc bờ biển giữa các cửa sông Po ở phía nam và cửa sông Piave ở phía bắc, dân số khoảng 270,000 người. Tuy là thành phố nhỏ so với một số thành phố lớn mà chúng tôi vừa kể ở trên, Venice nổi tiếng nhờ ngành du lịch.

Venice được gọi là La Serenissima (tiếng Ý có nghĩa rất yên tĩnh) khi còn là một nước cộng hòa.

Những danh hiệu khác bằng tiếng Anh dành cho Venice: Queen of the Adriatic, City of Water, City of Masks (tôi thấy có nhiều cửa tiệm, kiosk bán mặt nạ cho ngày hội), City of Bridges, The Floating City và cuối cùng là City of Canals mà tôi dùng làm tựa cho bài viết này.

Buổi sáng Venice: tác giả vừa đến thành phố này, dừng ở một cây cầu để tìm đường tới khách sạn. Hình: TVTS

Ký giả nổi tiếng của Ý, ông Luigi Barzini trong một bài trên báo The New York Times cho rằng “Venice là thành phố đẹp nhất do con người tạo ra chẳng còn là điều nghi ngờ” trong khi Times Online thận trọng hơn, mô tả Venice là một trong những thành phố lãng mạn nhất Âu Châu.

Truyền thuyết nói người dân Venitian xuất xứ từ những người chạy trốn khỏi thành Troy sau chiến tranh hoặc là những người tị nạn chạy khỏi những thành phố của người La Mã gần đó. Tuy nhiên sự hiện diện của dân ở đảo này chỉ được ghi nhận từ thế kỷ thứ 6 và 7 sau CN. Họ xây nhà cửa trên nước, vùng đầm lầy và đặt nền móng cho sự thành hình của một thành phố trên sông nước ngày nay.

Những người định cư ban đầu sống tập trung ở khu Rivo Alto, sau này gọi là Rialto, một cái mốc của Venice và nay cũng là tên của một cao ốc nổi tiếng ở Melbourne (Rialto Tower) do ông Bruno Grollo xây và làm chủ (cha của ông Bruno Grollo là di dân Ý từ thành phố Treviso thuộc vùng Veneto).

Tại Venice, Ponte di Rialto là cây cầu đẹp nhất được xây vào năm 1591. Nghe nói có nhiều kiến trúc sư danh tiếng được mời vẽ kiểu trong đó có Michangelo nhưng cuối cùng danh dự này được dành cho Anthony da Ponte (mà tên họ cũng có nghĩa là cầu).

Cầu Rialto dài 48 mét có ba lối đi, lối giữa có mái che và đường hành lang hai bên cầu để khách ngắm cảnh. Rialto Bridge là một trong 4 cây cầu nổi tiếng bắc qua kênh lớn Grand Canal của Venice.

* * *

Sau khi trở thành một cộng hòa, Venitian Republic  chịu thần phục Đế quốc Byzantine (La Mã Phương Đông). Khi  đã trở thành một trung tâm thương mãi, một cường quốc hàng hải quan trọng từ thời Trung Cổ cho đến thời Phục hưng, Venice giao dịch với cả Byzantine lẫn thế giới Hồi giáo. Có một thời sự cạnh tranh thương mại lên cao với Cộng hòa Genoa khiến Venice lâm chiến và thắng Genoa trong trận Chioggia năm 1380.

Nhưng rồi Venice cũng xuống dốc khi thành Constantinople rơi vào tay Đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1453.

Cũng đáng nói Cộng hòa Venice từng là hậu cần cho những cuộc chiến của Thập tự quân và trận chiến Lepanto  (1571) của Liên minh Thần thánh (Holy League) do Giáo Hoàng Pius V vận động, liên minh với Tây Ban Nha, Cộng hòa Venice, Cộng hòa Genoa v.v… đã đánh bại quân của Đế quốc Ottoman, ngăn cản quân Hồi giáo dùng Địa Trung Hải làm đường tiến quân qua Ý và xâm chiếm các nước Nam Âu.

Cộng hòa Venice bị Hoàng đế Nã Phá Luân của Pháp chiếm năm 1797 rồi bị Áo cai trị khi Pháp thua trận tại Austerlitz năm 1805. Vào thập niên 1860 Venice trở thành một phần đất của Vương quốc Ý (Kingdom of Italy) và tiếp tục là một thành phố của Cộng hòa Ý ngày nay.

Venice là tên một thành phố bao gồm 118  hòn đảo, 150 con kênh và 409 cây cầu chia làm 6 khu phố hay quận (tiếng Ý gọi là sestieri) gồm San Marco, San Polo, Dorsoduro,  Santa Croce, Cannaregio và Castello. Bên cạnh đó, còn có một số hòn đảo ở xa. Các khu phố được phân chia bởi những con kênh lớn hay kênh nhỏ và trong mỗi khu phố lại chằng chịt bởi những con kênh, lạch trông như những thửa ruộng, nếu bạn nhìn bản đồ hay từ trên máy bay.

Venice còn là vùng đất của nghệ thuật và nổi tiếng về nhạc kịch và giao hưởng. Đây cũng là nơi sinh đẻ của Antonio Vivaldi (1678-1741), người có biệt danh il Preto Rosso (The Red Priest) vì ông linh mục này (chỉ làm lễ vài lần trong đời ông) có mái tóc nâu đỏ. Vivaldo là nhà soạn nhạc nổi danh với concerto dành cho violin có tên The Four Seasons mà hầu như mọi người đều biết hay đã nghe qua.

 

Tìm khách sạn trên sông nước

Xem thành phố Venice trên bản đồ của google, ban đầu chúng tôi dự tính thuê khách sạn ở  những hòn đảo xa đất liền để có dịp tắm biển, nhưng thấy sự đi lại bằng tàu bè là vấn đề, sẽ chiếm thì giờ nên chúng tôi chọn thuê khách sạn Canal and  Walter Hotel loại 3 sao, địa chỉ: Santa Croce, 555; điện thoại 04 152 38480, phòng hai người 105.60 Euro một đêm.

Buổi sáng Venice: tác giả vừa đến thành phố này, dừng ở một cây cầu để tìm đường tới khách sạn. Hình: TVTS

Khách sạn Canal and Walter  Hotel mặt tiền đối diện với Grand Canal, sau lưng có một con đường đi bộ hẹp cạnh con kênh nhỏ nhưng cũng đủ cho loại ca-nô trung bình chạy được, nên mỗi sáng tôi phải thức giấc sớm vì nghe tiếng người oang oang (tiếng Ý mà) và máy tàu chạy.

Trong 6 sestieri, sestiere (số ít) Santa Croce là khu phố nằm giữa phá nước mặn được bao bọc bởi 5 sestieri kia và có con kênh lớn Grand Canal chạy lượn quanh như con rắn từ đông bắc xuống tây nam, vì vậy từ nơi đây đi đâu trong thành phố Venice cũng gần.

Tôi chọn khu Santa Croce vì thấy nó nằm gần trạm xe bus, xe lửa liên tỉnh. Lại nữa,  nơi đây có trường đại học thì chắc hẳn phải là trung tâm của thành phố.

Lên google, thấy Venice có hai phi trường, chúng tôi chọn bay từ Rome tới phi trường gần khách sạn nhất là phi trường Marco Polo (vé một chiều $128.60 Úc kim một người).

Sáng Thứ Hai, chúng tôi ra phi trường Fiumicino khá sớm. Tới thành phố Rome chúng tôi đi xe lửa (mất 28 Euro cho hai người) nhưng ra phi trường chúng tôi phải nhờ khách sạn gọi xe hơi (60 Euro) để bảo đảm kịp chuyến bay lúc 8.30am.  Bác tài lái chiếc mercedes chạy như bay nên chỉ mất khoảng 20 phút là tới nơi.

Như đã thưa với bạn đọc, cửa ra vào phi trường quốc tế ở Rome rất thoải mái, chẳng bị hỏi han gì ngoài trình cái thẻ thông hành. Nhưng đi cổng phi trường nội địa, hành lý chúng tôi nặng 27kg nên nhân viên nói phải bị phạt 55 Euro bởi quy định chỉ cho phép mỗi vali nặng tối đa 23kg. Tôi nói với cô nhân viên kiểm soát rằng chúng tôi nhập hai vali (mẹ và con) vào một để kéo đi cho tiện chứ nếu phạt thì xin chờ 5 phút, tôi sẽ lấy cái vali nhỏ nằm bên trong để chia áo quần và đồ dùng ra, bởi 55 Euro đâu có ít.

Trên vé đề bay 1 tiếng nhưng thực tế chỉ mất 40 phút tới nơi. Bây giờ chúng tôi được nhìn rõ thành phố kênh đào nằm trên phá Venetian Lagoon khi máy bay từ từ đáp xuống phi trường Marco Polo.

Trước đây chúng tôi có dự tính sẽ chọn đi từ phi trường về khách sạn bằng tàu vì nghe nói tuy đi mất cả tiếng đồng hồ nhưng sẽ được dịp nhìn biển, sông nước và kênh đào ngay khi mới tới nơi và như thế sẽ có ấn tượng mạnh về một thành phố mình sắp ở lại.

Tuy nhiên, khi ra khỏi phi trường, nhìn các bảng chỉ dẫn, hỏi thăm những người trong phi trường chẳng ai giúp được gì vì phần lớn họ không nói tiếng Anh. Hỏi những người đi cùng chuyến nói được tiếng Anh thì họ cũng chỉ là du khách như chúng tôi, tới Venice lần đầu.

Tìm được trạm xe bus trong phi trường, chúng tôi chạy đua với thời gian, leo lên xe ngay. Giá vé 3 Euro một người, chạy mất 20 phút qua khỏi cây cầu dài bắt qua biển có tên Ponte della Liberta là tới Piazzale Roma, tên bến xe trung ương của thành phố Venice.

Nhìn bản đồ sơ sài in từ internet, tôi thấy khách sạn chỉ cách bến xe chừng 500 mét, tưởng dễ nhưng khi xuống xe thì hết sức bỡ ngỡ. Chúng tôi đi tới hướng có nước vì khách sạn nằm giữa hai con kênh. Tôi bảo nhà tôi đứng đợi tôi đi hỏi đường trước để khỏi phải kéo vali lên xuống cầu, bởi đây là City of Bridges.  Một người đàn ông chỉ cho tôi hướng đi, thế là chúng tôi kéo về hướng đó.

Qua một cây cầu, lại được chỉ qua một cây cầu khác, có nhiều bậc cấp. Mỗi người kéo một vali khoảng 15kg nhưng cũng thấy uể, nhất là nhà tôi. Lên đã khó mà những tiếng kêu bộp bộp khi vali rơi xuống tầng cấp càng làm cho mình mệt thêm.

Leo cầu và cầu sao cho đi đúng đường! Bây giờ muốn thuê taxi cũng không được, vì ở đây người ta chỉ di chuyển bằng tàu lớn, tàu nhỏ và thuyền gỗ gondola.  May mà trời mùa thu hôm nay trong sáng, không nắng. Tôi nói nhà tôi cứ từ từ, hỏi thêm vài lần sẽ tìm ra; trước hết hãy dưỡng sức, đứng trên cầu ngắm tàu bè qua lại trên các con kênh, tấp nập  hơn bến Ninh Kiều ở Cần Thơ hay sông Cái Sắn quê hương của vợ tôi mà có một bài hát mở đầu bằng… Ai về miền Cái Sắn xinh tươi, Ai về đồng lúa mới, Ai về nhà má tôi…).

Chen chúc: Ca-nô của chính quyền địa phương qua mặt một chiếc gondola chở du khách. Hình: TVTS

Và kìa, đã thấy tên một tòa nhà cổ và cũ có hai chữ  Canal Hotel (trên internet ghi là Canal and Walter Hotel) nằm cạnh con kênh nhỏ. Nhưng cửa đóng vì là mặt sau. Lại phải kéo vali lên cầu đi vòng tới phía trước. Như vậy mặt tiền của Canal Hotel nằm ngay trước con kênh khá rộng được bắc ngang bởi một cây cầu tân thời và có lẽ lớn nhất trong thành phố này. Bên kia kênh Grand Canal là một tòa nhà lớn, người tới lui tấp nập, sau này tôi tới xem mới biết đó là trạm xe bus trung ương, đi các thành phố lớn ở nước Ý.  Từ Rome đi Venice bằng xe lửa, phải đổi một trạm xe và mất khoảng 6 tiếng đồng hồ.

Chúng tôi đến khách sạn lúc 11am,  nhưng 1pm  mới check-in nên gởi vali tại khách sạn và đi bộ một vòng cho biết.

Canal Hotel tuy ở gần các phương tiện giao thông như xe lửa, xe bus và bến tàu đò đi khắp nơi trong các khu phố của Venice và những hòn đảo nhỏ kế cận, nhưng hơi xa phố xá.  Đi bộ chừng năm mười phút mới tới trung tâm thương mại.

Xem phong cảnh, nhìn người qua lại, chúng tôi tìm thứ gì đơn giản lót bụng. Năm 2003  gia đình chúng tôi ăn một bữa ăn tối bằng pizza trong một tiệm ăn loại trung bình tại Rome nhưng mọi người điều cho là không ngon bằng pizza ở Úc và dĩ nhiên đắt. Lần này, thấy một tiệm chuyên về pizza, trình bày đủ thứ để chọn, có cái bánh đường kính cả nửa mét. Chúng tôi mua pizza magherita, một miếng bánh mỏng và lớn, giá 4 Euro. Đợi làm khá lâu, nhưng ngon và vì vậy sau này mua thêm một lần khi đến bữa ăn vã.

Chúng tôi trở về khách sạn để check-in, ngủ một giấc hơn một tiếng trước khi trở lại con đường cũ, lần mò đường xá nhưng không dám đi quá xa vì sợ trời tối sẽ khó tìm đường trở về khách sạn.

Ở đây không có taxi, người ta chỉ đi bộ.  Cảnh sát, chính quyền thành phố và một số tư nhân dùng ca-nô để di chuyển trong khi dân chúng đi lại bằng tàu đò, gọi là vaporetto (waterbus).

Dùng thuyền gỗ hay tàu đò thì phải tìm đến bến nhưng hỏi đường ở đây rất khó bởi phần đông là du khách. Cư dân không tha thiết chỉ đường, mà nếu họ có lòng tốt thì cũng chẳng giúp gì cho bạn bởi đường đi ở đây như mê hồn trận.

Bạn hãy thử tưởng tượng một trung tâm thành phố như Melbourne City với với hàng trăm con đường nhỏ rộng chừng vài mét để người đi qua lại không đụng nhau, hai bên là những tòa nhà (terrace) hai ba tầng che kín tầm nhìn, đi một đoạn mười hay vài chục mét lại gặp một con đường khác chắn ngang, dù có bảng ghi tên đường, có mũi tên chỉ hướng nhưng đối với những người mới tới Venice vài tiếng đồng hồ hay thậm chí một ngày, cũng khó mà đi được.

Tôi gặp  một cặp vợ chồng trẻ người Mã Lai, hỏi họ lối nào tới Vương cung Thánh đường San Marco (một di tích nổi tiếng nhất ở Venice mà tôi sẽ kể trong kỳ tới), anh ta đưa ra cái bản đồ và nói anh cũng đang tìm đường. Hỏi thêm một hai người khác, bị trả lời bằng cái lắc đầu nên tôi quyết định chuyến này phải tự mò mẫm.

Gần nhà sát ngõ: con kênh khá hẹp sau Canal Hotel đối diện với phòng ngủ chúng tôi đang đưa rước du khách. Hình: TVTS

Như đã nói, đường sá trong thành phố trông như những thửa ruộng được phân chia bởi 150 con kênh mà bên cạnh mỗi kênh là một con đường đi bộ nằm cạnh khu phố hay nhà ở. Với những căn nhà mà tường sau xây sát nước,  bạn có thể thấy dấu thủy triều lên xuống để lại trên vách, những rong rêu và rác. Có trên 400 cây cầu bắc ngang qua các con kênh xây kiểu vòng cung để tàu bè có thể qua lại. Venice độc đáo ở chỗ đó. Trước đây nhìn hình trên sách báo, tôi thắc mắc làm sao họ xây được (nền, vách) nhà ngay trên nước và ăn ở như thế nào. Hôm nay chính mắt thấy nước tràn vào trong sàn của nhiều căn nhà khi thủy triều lên, có nghĩa cư dân không thể ở tầng trệt của căn nhà đó.

Thành phố Kênh đào – City of Canals- là như thế.

Chúng tôi đến Venice vào giữa tháng 10 khí hậu tương đối dễ chịu vì là mùa thu, thỉnh thoảng cũng mặc áo chắn gió vào buổi sáng và tối vì hơi lạnh.

Ngày đầu tiên chúng tôi chỉ đi tới ranh giới khu San Polo mà thôi, ngắm các tiệm buôn hai bên đường, đồ thời trang, lưu niệm, thưởng thức những món ăn địa phương bán ở các sạp giữa đường như trái marroni (hạt dẽ) được nướng cháy thơm phức giữa trời se lạnh; 100 gram 2 Euro. Ăn uống tẩn mẩn kiểu này xem ra vui, làm nhớ lại tuổi học trò.

“Venice by night”: Đôi du khách ngắm cảnh trên chiếc cầu một đêm trăng tròn. Hình: TVTS

Thành phố biển giờ đây đã lên đèn, chúng tôi đứng trên cầu của thành phố có biệt danh  City of Bridges ngắm trăng chiếu thẳng xuống con đường nằm sâu giữa hai dãy nhà lầu.  Trăng tròn huyền ảo như vì sao dẫn đường cho chúng tôi trở về khách sạn sau một buổi chiều và buổi tối lang thang ở một thành phố trữ tình được xem là đẹp nhất hành tinh do con người xây dựng trên sông nước và biển.

Dưới chân cầu, mái chèo khua nước vọng lại như tiếng nói thì thầm của ai đó. Một chiếc gondola chở một đôi tình nhân nhẹ nhàng rẽ nước giữa không khí tĩnh mạc của La Serenissima, thành phố của Cộng hòa Venice ngày xưa. Họ có thể là một đôi uyên ương mới cưới đang hưởng tuần trăng mật hay là một cặp vợ chồng hấp hôn chọn một khung cảnh tình tứ nhất để làm sống lại kỷ niệm một thời. (còn tiếp)

 

Nguyễn Hồng-Anh