Một ngày ở Venice (bài 6)

14 Tháng Tư, 2011 | Ý
Chỉ có ở Venice: Du khách sắp hàng đi trên cầu ván từ Tháp Đồng hồ tới Nhà thờ và Dinh Tổng trấn. St Mark Basilica có 5 cửa, trên vòm cửa chính có tranh khảm cảnh an táng Thánh Mác-cô, và trên tầng một là bản sao bộ tứ mã bằng đồng. Hình: TVTS

Chúng tôi chưa bao giờ đi du lịch ở ngoại quốc theo đoàn. Đến nơi, hầu như chẳng mấy khi mua vé đi tour nên được ngủ thoải mái không cần đồng hồ hay điện thoại báo thức để dậy đi cho kịp chuyến xe. Nhưng qua đêm đầu tiên ở Venice, chúng tôi đã thức giấc sớm bởi sự ồn ào của sinh hoạt bến tàu, không phải của con kênh lớn Grand Canal trước mặt khách sạn mà do tiếng máy nổ và người nói chuyện, kêu nhau ơi ới bên con kênh nhỏ nằm ngay dưới phòng ngủ của chúng tôi.

Cũng nhờ vậy mà sau khi dùng bữa ăn sáng đã được bao trong chi phí phòng ngủ, chúng tôi rời khách sạn lúc 9 giờ rưỡi, có nghĩa sẽ được một ngày du ngoạn thăm thú thật dài và cũng là ngày chót vì qua ngày hôm sau chúng tôi đã phải lên đường đi Lisbone, thủ đô của Bồ Đào Nha.

 

Công trường Thánh Mác-cô

Mỗi thành phố có một công trường nổi tiếng mà người du lịch tới nơi sẽ không bỏ qua: Place de la Concorde ở Paris, Trafalgar Square ở Luân Đôn, Times Square ở Nữu Ước, St Peter Square ở Rome, Thiên An Môn ở Bắc Kinh v.v… Đến Venice, nếu chưa tới Piazza San Marco quen thuộc với tên tiếng Anh St Mark’s Square, là… chưa tới Venice.

Khi xin khách sạn bản đồ thành phố để đi thăm thú thành phố kênh đào Venice, tôi thấy Piazza San Marco (Quảng trường Thánh Mác-cô) là cái tên nổi bật nhất của một phức hợp nằm ở cuối khu phố San Marco. Tôi tin chắc nhà thờ thánh Mác-cô nổi tiếng nằm trong khu vực này nên hỏi cô nhân viên tiếp tân của khách sạn phương tiện di chuyển tới đó. Cô cho biết có hai cách: đi tàu đò hoặc đi bộ nhưng đi bộ chỉ mất khoảng 35 phút.

Nhìn bản đồ thấy chiều dài khoảng hai ba cây số, tôi nói với vợ có thể chúng tôi sẽ mất cả tiếng mới tới nơi vì không biết đường, nhưng lại là một dịp để quan sát và ngắm cảnh, nhất là đi ngang Rialto nơi được coi là trung tâm thương mại của thành phố.

Chúng tôi không biết đã đi qua mấy cây cầu, băng qua bao nhiêu ngõ hẻm, tránh đụng người ngược xuôi trong những con đường chật chội như ở làng quê nhưng cuối cùng đã tới nơi mình muốn bởi giòng người đứng trước một ngôi thánh đường có hai con sư tử trước sân, biểu tượng của thánh Mác-cô (St Mark, San Marco), một trong bốn vị thánh sử viết Phúc âm.

Mặt tiền Dinh Tổng trấn (Palazzo Ducale) đối diện với bến tàu. Hình: TVTS

Nhưng đây chỉ là cánh phải của ngôi thánh đường và từ con hẻm sang khuôn viên của thánh đường, du khách phải đi qua một cây cầu dã chiến bằng những tấm ván dài đặt trên những dàn sắt cứng cáp, nếu không muốn lội nước cao đến gần đầu gối.  Và từ  đây người ta sắp hàng để đi trên “cây cầu” ván dài hàng trăm mét chạy tới cửa chính của Vương cung Thánh đường hay ra Quảng trường San Marco, Tháp chuông Campanile di San Marco, Palazzo Ducale. Cầu ván rộng đủ để hai người đi ngược chiều cẩn thận tránh nhau.

Trước hết, mời bạn cùng chúng tôi đi tham quan ngôi thánh đường nổi tiếng nhất ở thành phố Venice, tên chính thức bằng tiếng Ý là Basilica Cattedrale Patriarcale di San Marco hay gọi ngắn gọn là St Mark’s Basilica, Vương cung Thánh đường Thánh Mác-cô.

Mác-cô Thánh sử không thuộc trong nhóm 12 vị tông đồ của Chúa Giê-su. Tương truyền Thánh Mác-cô là một trong 70 người theo Chúa Giê-su nhưng là đệ tử ruột của Thánh Phê-rô, vị giáo hoàng đầu tiên.  Khoảng 10 năm sau khi Chúa bị treo trên thập tự, Mác-cô  được Phê-rô sai đi truyền giáo ở Ai Cập,  là giám mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria  và chết vì đạo vào ngày 25 tháng 4 năm 68 sau CN. Mác-cô được xem là người đưa Ki-tô giáo sang Phi Châu và người theo đạo Chính thống Coptic xem họ là những người thừa kế của Thánh Mác-cô.

St Mark’s Basilica đầu tiên được xây tạm bên trong Dinh Tổng trấn (Doge’s Palace hay bằng tiếng Ý, Palazzo Ducale) vào năm 828 khi các thương nhân Venice được cho rằng đã đánh cắp hài cốt của thánh Mác-cô đem về để cất giữ ở đây. Năm 832,  nhà thờ đã được xây vào đúng vị trí hiện nay, nghĩa là cạnh Dinh Tổng trấn.  Nhà thờ sau đó bị cháy và được xây lại và được dâng hiến vào năm 1094 và giữ hình dáng căn bản từ đó đến nay. Như vậy St Mark’s Basilica là một trong những vương cung thánh đường xưa nhất của Giáo hội Công giáo.

Bởi Cộng hòa Venice chịu thần phục Đế quốc Byzantine nên kiến trúc của St Mark’s Basilica chịu ảnh hưởng kiến trúc Byzantine, hình dáng giống các nhà thờ ở thành Constantinople, mặt bằng là hình chữ thập Hy Lạp với mái vòm nhưng đến thế kỷ thứ 14 chịu ảnh hưởng kiến trúc Gothic sau những lần nhà thờ được mở rộng thêm.

Nhà thờ này là nguyện đường riêng của quan tổng trấn (doge) cho đến năm 1807 khi Venice bị Đế quốc Áo chiếm đóng và kể từ đó nhà thờ trở thành nơi vị Tổng giám mục Venice cư ngụ.

Mời bạn cùng chúng tôi vào xem. Giờ này nước thủy triều chưa xuống nên vẫn phải sắp hàng đi trên cầu ván. Vào St Mark’s Basilica miễn phí, nhưng không được mang theo ba-lô hay xách tay lớn. Nếu có, bạn sẽ được yêu cầu trở lại con hẻm bên hông nhà thờ để gởi hành lý.

Nhà thờ dài 76.50 mét, rộng 62.50m, có 5 vòm, cao 43m. Mặt tiền nhà thờ có 2 tầng với năm cổng vào ra, Du khách vào bằng cổng chính.

Ngay trên mái vòm cửa chính của thánh đường là một bức tranh khảm cảnh an táng Thánh Marco. Như hầu hết các đại giáo đường cổ kính ở Âu Châu, nội thất của St Mark’s Basilica được trang trí bằng những tranh khảm (mosaic) rất công phu, đầy màu sắc rực rỡ.  Vì phần lớn tranh khảm có nền mạ vàng nên nhà thờ Thánh Mác-cô còn được gọi là Nhà thờ Vàng. Bạn thử tưởng tượng các tranh khảm được trình bày chi chít trên một diện tích hơn 4,200 mét vuông mô tả những đề tài về Cựu ước ở tiền sảnh và Tân ước ở bên trong.

5 mái vòm của nhà thờ bên cạnh Dinh Tổng trấn hình chữ U nằm trên bờ biển chạy dọc về thị trấn Lido (ở cuối hình), mất khoảng 30 phút bằng tàu đò. Hình chụp từ Tháp Chuông Campanile. Hình: TVTS

Nhà thờ có rất nhiều cột, nghe nói trên 2,600 cột lớn nhỏ trong đó có trên 500 cột bằng đá cẩm thạch và đá quý khác.  Nghe nói có những cột được mang về sau những cuộc chinh chiến, cướp bóc từ những kẻ bại trận.

Xem phần dưới của nhà thờ miễn phí nhưng lên tầng trên để xem bảo tàng viện St Mark (Museo Marciano)  thì phải trả tiền, vé 4 Euro. Trong bảo tàng viện có rất nhiều tranh khảm xưa nhưng đáng kể là bộ tứ mã (Greek Horses) được xem là bộ tứ mã duy nhất còn tồn tại từ thời cổ đại. Theo nhiều tài liệu, bộ tứ mã này có nguồn gốc khác nhau: từ thành Troy, thời Hoàng đế Nero trị vì La Mã, Hoàng đế Constantine đem về dựng ở thành Constantinople, rồi Tổng trấn Enrico Dandolo đã chiếm đoạt trong cuộc Thập tự chiến lần thứ tư mang từ Constantinople về Venice, nhưng sau đó bị Nã Phá Luân chiếm đoạt  đem về Paris năm 1797, và cuối cùng sau khi Pháp thua trận, bộ tứ mã được trả về Venice năm 1815.

Sau một thời gian tu sửa, bộ tứ mã được cất giữ trên tầng một của thánh đường. Bộ tứ mã mà du khách thấy dựng trên ban công ngay trước cổng chính chỉ là phó bản, được đúc lại sau này.

Chúng tôi đã xem nhiều tranh khảm ở nhiều đại thánh đường cổ xưa, nhưng phải công nhận đồ khảm ở St Mark’s Basilica không những nhiều về số lượng mà còn về kích thước nữa, phủ kín trần, tường và sàn. Có những khảm với những hoa văn làm từ những mảnh đá, kính nho nhỏ bằng lóng tay, rất công phu, tinh xảo, xem không chán mắt.

Ra lan-can xem bộ tứ mã, du khách sẽ nhìn được toàn quảng trường Piazza San Marco và Piazzetta (quảng trường nhỏ) nối góc với quảng trường lớn (Piazza San Marco) và  chạy dài ra ngoài phá (tức bờ biển). Toàn bộ Quảng trường Thánh Mác-cô là một trong những quảng trường duy nhất trên thế giới nằm cách biệt với đường lộ nên tiếng nói của con người lấn át tiếng xe cộ.

Ở Venice chỉ có 3 quảng trường được gọi bằng từ piazza (square) trong đó có Piazzale Roma (bến xe bus trung ương) còn tất cả những quảng trường, công trường khác đều gọi bằng từ campi (fields).

Mời bạn cùng chúng tôi đi xem Piazza San Marco nằm trong phức hợp mang tên Thánh Mác-cô.  Nhưng vì đi ra bằng một trong những cửa mặt tiền khác, bạn có thể phải lội nước biển vì sàn nhà thờ ngập nước quá mắt cá. Nước trong, không thấy cá mà chỉ là những hoa văn màu sắc của những tranh khảm. Cảnh tượng này chỉ có thể thấy ở thành phố Venice mà thôi!

Quảng trường Thánh Mác-cô mà nghe nói được Hoàng đế Nã Phá Luân gọi là drawing-room of Europe (phòng khách, đại sảnh lễ hội của Âu Châu) dài 175m, rộng 82m nằm đối diện với mặt tiền của nhà thờ, là nơi tổ chức các nghi thức của hội đồng thành phố cũng như lễ hội hóa trang. Cũng như nhà thờ, quảng trường đã trải qua nhiều đợt xây cất, tu bổ theo thời gian. Sáng hôm nay, cả hai quảng trường trong phức hợp này đều bị ngập nước, gần đến trưa nước mới rút nên có những du khách dùng cầu ván (như chúng tôi), kẻ khác lội giữa công trường. Cũng chỉ ở Venice mới có cảnh này!

Cầu Ponte della Liberta nối đảo Venice với đất liền. Hình: TVTS

Quảng trường lớn hình giống chữ U, bên phải và gần mặt tiền nhà thờ là tòa nhà có tên  Torre dell’Orologio (Tháp Đồng hồ) xây vào đầu thế kỷ thứ 16, là một loại đồng hồ thiên văn mô tả chu kỳ mặt trăng, mặt trời và hoàng đạo, ở giữa tháp ngày nay có những số chỉ giờ và phút, trên đỉnh có hai tượng đồng lớn đánh vào chuông mỗi đầu giờ.

Các dãy nhà trệt chung quanh quảng trường hiện là các cửa tiệm và nhà hàng. Sau khi thủy triều xuống, các nhà hàng hai bên cánh phải và trái mang bàn ghế ra để khách ăn uống ngoài trời, mỗi cánh đều có một ban nhạc sống chơi ở hành lang với đủ kèn trống, đàn piano, violon. Những bản nhạc bán cổ điển vang lên giữa không khí nửa bãi biển nửa nội thành cổ kính, lại cũng là một nét khác biệt của thành phố Venice!

Bên cánh trái và gần nhà thờ là Campanile di San Marco (Bell Tower of St Mark), đáy rộng 12m mỗi bề, cao 98.6m. Tháp chuông được xây vào thế kỷ thứ 12, trùng tu thế kỷ thứ 16, bị  sập năm 1902  và  xây dựng tu bổ lần chót vào năm 1912 và tồn tại đến ngày nay.

Muốn lên tháp chuông này, phải mua vé 8 Euro một người, nhưng rất đáng xem bởi vì từ đây bạn có thể thấy toàn bộ thành phố Venice với tầm nhìn 360 độ. Bạn có thể đoán hướng phi trường Marco Polo, thấy những hòn đảo xa xa, toàn bộ phá nước mặn Venetian Lagoon và dĩ nhiên trông rất rõ 6 khu phố trên đảo và cây cầu Ponte della Liberta nối hòn đảo với lục địa. Chúng tôi chụp được những bức ảnh chiếc tàu du khách Vision of the Seas chở hàng ngàn người chạy dọc phá trông đẹp như cảnh tàu du khách quốc tế tới hải cảng Sydney.

Sau cùng mời các bạn cùng chúng tôi đi dọc quảng trường nhỏ Piazzetta đối diện với cánh trái của nhà thờ đi ra hướng nước biển, hai bên là hai toà nhà cổ. Tòa nhà hai tầng ở bên phải không biết tên gì, nhưng tòa nhà bên phải là Palazzo Ducale (Dinh Tổng trấn), là trụ sở của chính phủ thời Cộng hòa Venice. Mặt tiền Dinh Tổng trấn nhìn ra nước biển, có nhiều người sắp hàng vào xem, nhưng chúng tôi cảm thấy đi xem kiến trúc và nghệ thuật của Venice như vậy tạm đủ nên ra bờ biển ngắm tàu bè sông nước trước khi trở về khách sạn  chuẩn bị cho một chuyến đi bằng tàu đò để xem Venice rộng và đẹp như thế nào.

Sau 5  tiếng đi thăm phức hợp San Marco, chúng tôi trở về khách sạn lúc 2.30pm. Còn nhiều nơi để xem, nhưng chúng tôi đã mất 5 tiếng để ngắm một khu di tích nổi tiếng bậc nhất của thành phố Venice. Sau khi nghỉ ngơi một tiếng, chúng tôi ra bến tàu ở góc trái khách sạn mua vé tàu đò với giá 16 Euro để đi bất cứ nơi nào trong thành phố trong vòng 12 tiếng đồng hồ, dĩ nhiên bạn có thể mua vé đi những đoạn ngắn và rẻ hơn.

 

Ngắm sông nước và ăn uống

Chúng tôi đã đi dọc con kênh lớn Grand Canal vài lần nhưng chỉ một vài đoạn, bây giờ được đi suốt từ đầu kênh đến cuối kênh, trạm chót là bến San Marco, đối diện với Dinh Tổng trấn.

Một chiếc tàu cảnh sát Venice chạy qua một công sở trên kênh lớn Grand Canal. Hình: TVTS

Mặc sức chụp hình cảnh nhà cửa hai bên kênh, các loại cầu lớn nhỏ, ngắm những công sở, trung tâm thương mại ở dọc sông và thấy sự hoạt động của các công chức, cảnh sát của thành phố này trên những chiếc ca-nô nước sơn bóng loáng. Nếu bạn là người sợ nước, Venice không phải là nơi thích hợp để bạn thăm thú hay tới làm việc, vì phương tiện di chuyển công cộng duy nhất là tàu bè.

Như đã nói trong số báo trước, Venice có 6 khu phố (sestieri) gồm San Marco (nơi có quảng trường Thánh Mác-cô), San Polo, Santa Croce (nơi chúng tôi cư ngụ), Dorsoduro, Cannaregio và Castello. 6 khu phố này nằm dính vào nhau và nếu có cách nhau thì chỉ bằng những con kênh mà thôi. Nhưng thành phố Venice còn những hòn đảo khác nằm rải rác trong Phá Venetian mà khi đi người ta có cảm tưởng như đi biển.

Chúng tôi nhìn bản đồ các tuyến đường chằng chịt như xe metro và chọn tuyến đường xa nhất để đi, đó là thị trấn Lido, đi bằng tuyến đường số 2.  Đợi tàu chừng 30 phút và mất 30 phút để tới nơi bởi tàu ngừng ở nhiều trạm, và cũng nhờ vậy mà được dịp “cỡi tàu xem hoa” thắng cảnh thiên nhiên và nhân tạo của Phá Venetian.

Thị trấn Lido có vẻ đẹp của một thành phố mới và hiện đại hơn 6 khu phố ở trung tâm Venice, nhưng đượm một chút nông thôn, yên tĩnh. Chúng tôi đi bộ ngắm cảnh và người, nhưng lại bị méo mó nghề nghiệp nên ghé mắt xem quảng cáo trước cửa một văn phòng địa ốc, thấy (dĩ nhiên bằng tiếng Ý và đoán mò bởi hiểu chữ được chữ mất): apartment 230 mét vuông hiện đại tuyệt đẹp có terrace, quầy rượu, garage, nằm ngay trung tâm phố, 1.2 triệu Euro, có thể thương lượng.

Bạn muốn xem căn nhà rẻ hơn? Một vila cũng với chừng đó diện tích và nội dung, giá 850,000 Euro, mà tỉ giá lúc đó 1 Úc kim ăn khoảng 70 đến 78  xu Euro. Nhà ở Âu Châu rất đắt, dù đó là chốn xa xôi hẻo lánh như Lido.

Ở đây chừng 30 phút, chúng tôi đón tàu trở lại San Marco, nhưng chạy chừng hai trạm, thấy Tháp chuông Thánh Mác-cô trên nền trời không xa lắm, chúng tôi nhảy xuống đi bộ xem phố xá ven biển bởi. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi biết thêm rằng không phải chỉ có kênh lớn Grand Canal chạy ra biển. Đi từ trạm Giardini, chúng tôi gặp chiếc thuyền buồm khá lớn mang tên Amerigo Vespucci dài 101m, rộng 15.6m trọng tải 4,100 tấn đóng xong năm 1931 đang neo bến cho dân chúng lên xem miễn phí. Người xem hình như chỉ là người địa phương bởi chỉ có một bảng quảng cáo ghi lịch sử chiếc thuyền bằng tiếng Ý. Chúng tôi đã xem nhiều thuyền buồm mang tính cách lịch sử hơn nên đã không sắp hàng mà tiếp tục đi dọc bờ biển, một con đường rộng rãi, lót đá.

Gặp một ông bán tranh, chúng tôi mua một bức tranh sơn dầu vẽ cảnh kênh đào Venice để làm kỷ niệm.  Tranh đều đề giá,  từ vài chục đến hơn 100 Euro. Bức chúng tôi thích đề 120 Euro, kỳ kèo bớt được 10 Euro mà thôi. Ông bán tranh nói tất cả tranh do bà vợ tên Tic Ljiljanna vẽ.

Chúng tôi đến bến San Marco đón tàu về bến xe Piazzale Rome gần khách sạn Canal Hotel của chúng tôi. Tàu không chạy đường cũ mà theo hướng khác, có nghĩa chạy bọc quanh hòn đảo Venice. Lại được thấy cảnh vật khác, hùng vĩ trên sóng nước nhưng không kém phần lãng mạng trong cảnh hoàng hôn khi những tia nắng của buổi chiều lịm dần trên sóng biển mênh mông, chuyển từ màu vàng sang màu tím, và cuối cùng là màu đen khi tất cả những ngọn đèn điện được bật lên.

Những chiếc du thuyền lớn, tàu vận tải chở xe cộ qua lại trên biển. Nhìn đâu cũng chỉ thấy ánh đèn.

Lần này, tàu cập bến những trạm nằm ở các hòn đảo nhỏ và người trên tàu thưa dần làm chúng tôi cũng hơi chột dạ, không biết có chạy về trạm Piazzale Rome không bởi trời tối chẳng còn phân biệt được ngoại cảnh. Chỉ khi tàu chạy qua cây cầu Ponte della Liberta nối đất liền và đảo Venice thì  tôi mới cảm thấy yên tâm, không sợ lạc đường và  còn đủ giờ thưởng thức một bữa ăn tối cuối cùng trên thành phố sông nước này.

Toàn bộ phức hợp Piazza San Marco nhìn trên tàu đò chạy quanh đảo Venice. Hình: TVTS

Chúng tôi lên bờ, đi qua khách sạn, hướng tới khu trung tâm thành phố ở San Polo và San Marco đã quen thuộc.

Đêm hôm trước, cũng ở khu vực này chúng tôi đã thưởng thức hai đĩa thịt gà và bò với nước uống, tổng cộng 28 Euro, là số tiền phải chăng cho những người du lịch nhiều và tiết kiệm như chúng tôi. Nhưng thịt bò ở đây không ngon bằng ở Rome dù giá mắc mỏ hơn.

Hôm nay chúng tôi muốn đổi qua món đồ biển. Thấy trên nhiều menu của một số nhà hàng một đĩa cá đến 18 Euro, chúng tôi đi tìm những nhà hàng rẻ hơn bởi nghĩ rằng nhà hàng trông sang trọng nằm sát kênh lớn thì đắt đỏ.

Trên con đường hẹp và nhộn nhịp về đêm, hai bên là phố xá, những người chiêu đãi ra tận đường chào đón khách, như mọi thành phố du lịch khác.

Thấy chúng tôi đứng xem menu, một anh chiêu đãi trẻ hỏi chúng tôi có phải là người Nhật hay Tàu không, rồi giới thiệu những món ăn chỉ 8 Euro, gồm nào là spaghetti, french fries, cá sardines v.v… Anh ta nói huyên thuyên bất tận, thuyết phục rằng cá mòi nướng,  cá  gì gì đó hấp, giá chỉ 8 Euro, không thuế, không típ… Chao ơi, sao mà hời và thoải mái thế! Anh ta chỉ vào cái menu, và tôi thấy con số 8 Euro. Nhà tôi cho rằng có lẽ vì tiệm này trông bình dân hơn các tiệm khác.

Anh này rất miệng mồm, giới thiệu tôi ly bia lớn. Tôi đồng ý. Giữa bữa ăn, tôi nói với nhà tôi cá mòi nướng ngon tuyệt. Đi mệt, lại uống ly bia cối quá đã, uống cành bụng mà vẫn không hết. Nhà tôi cũng hơi thắc mắc tại sao lại rẻ đến như vậy, chỉ 8 Euro một đĩa. Chắc mình trúng số được ăn một nơi rẻ nhất thế giới.

Đến khi người bồi bàn khác đưa cái bill đề 74 Euro, tôi nghĩ họ ghi lộn nên yêu cầu gọi anh tiếp viên hồi nãy để hỏi. Bây giờ anh ta nói rất rõ ràng, và dù ly bia cối đã cạn, tôi vẫn hiểu rõ ràng tiếng Anh của anh ta, hiểu từng chữ.

Anh ta nói rằng 8 Euro là giá 100 gram, mà con cá nướng của tôi tới 400 gram, con cá hấp của nhà tôi nặng 300 gram. Rồi anh ta bỏ đi một mạch để chúng tôi chưng hửng.  Nhìn giá ly bia: 13 Euro! Nhà tôi nói tính tiền kiểu này ăn mất ngon, nhưng tôi đùa dẫu sao mình cũng đã ăn một bữa ăn ngon, chỉ tội cái dư âm, hậu bữa ăn không còn hương vị, hứng thú bởi xui xẻo gặp cái anh tiếp viên nhà hàng thầy chạy giới thiệu kiểu gạt khách hàng.

Tránh bữa ăn một đĩa cá 18 Euro lại gặp đĩa cá 32 Euro! Chưa hết, vì bữa ăn làm chúng tôi hết tiền Euro, nên ra cửa tiệm ngay bên cạnh nhà hàng này, chúng tôi đổi ít tiền để sáng mai còn dùng khi lên đường sang nước Bồ Đào Nha.

Hối suất đề 1.503 (tức 1 Úc kim ăn khoảng 0.66 xu), thấy cũng tạm được, nhưng khi đổi, tiệm này tính huê hồng tới 29.7%, lại cộng thêm thuế chính phủ 4 Euro  nên đổi 150 Úc kim chỉ được khoảng 66.50  Euro, cũng chưa đủ tiền để trả cho một bữa ăn ở Venice.

Thấy nhà tôi không vui vì bị cả nhà hàng lẫn nhà đổi tiền chặt đẹp, tôi nói nước Ý nổi tiếng đắt đỏ và người địa phương cũng nổi tiếng vắt sữa du khách, mà mình không cẩn thận, hỏi cho kỹ càng,  thì phải chịu thôi, bởi đâu có phải là lần đầu chúng tôi đến Ý.

Chủ sạp đang cuộn bức tranh sơn dầu đã bán cho khách hàng. Hình: TVTS

Nếu bạn muốn tiết kiệm, có những quán take away cạnh các nhà hàng, cũng ngon ra gì: Một miếng pizza từ 1.5 đến 2.5 Euro; chai coca-cola 1.5 Euro; cây kem nhỏ 90 xu. Nhưng du lịch mà không tiêu hoang một chút thì cũng mất vui, phải không bạn?

 

Nguyễn Hồng-Anh

TVTS số 1307 – 13.4.2011