“Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi…”(bài 4)

10 Tháng Năm, 2011 | Bồ Đào Nha
Chiều… “làng Fatima xa xôi”: Toàn cảnh Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Fatima, bên trái là Nguyện đường Đức Mẹ Hiện Ra (Chapel of Apparitions). Đôi thanh niên nam nữ này (góc trái) đã đi bằng đầu gối được nửa đường, đang nghỉ dưỡng sức trước khi tiếp tục chuyến hành hương của họ. Hình TVTS

Bút ký Nguyễn Hồng-Anh

***

Fatima hay Đức Mẹ Fatima là tên rất quen thuộc. Đức Mẹ Fatima đã từng thánh du Việt Nam một lần vào khoảng thập niên 1960. Có 2 bức tượng Đức Mẹ Fatima được tạc giống hệt nhau và giống như hình ảnh mà 3 trẻ chăn cừu mô tả. Một bức tượng để tại Nguyện đường Hiện ra (Chapel of Apparitions) và bức kia được thánh du khắp thế giới để mang niềm hy vọng cho hàng triệu người có lòng tin.

Người Công giáo Việt Nam đã tỏ sự ngưỡng mộ và lòng sùng kính khi tượng Mẹ được rước từ Sài Gòn ra Huế, đi hầu hết mọi miền của đất nước (VNCH).

Tôi còn nhớ những cuộc rước kiệu và đọc kinh cầu nguyện thời đó. Không khí rất linh thiêng, nhất là về đêm. Mấy ai dám mơ qua tận Fatima ở Bồ Đào Nha để chiêm ngưỡng tượng Mẹ hay nơi Mẹ đã hiện ra với ba đứa trẻ? Đó là thời niên thiếu của tôi.

 

Đất nước của cây sồi

Nói đến Đức Mẹ Fatima thì hầu như người Công giáo Việt Nam nào cũng có thể liên tưởng hay hát làu làu bài thánh ca mở đầu “Năm xưa trên cây sồi làng Fatima xa xôi, có Đức Mẹ Chúa Trời hiện ra uy linh sáng chói. Mẹ nhắn nhủ người đời, hãy mau ăn năn đền bồi. Hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năn lần hạt Mân Côi…”.

Hình ảnh Đức Mẹ Fatima luôn gắn liền với cây sồi, vì nghe kể rằng Đức Mẹ hiện ra trên một cây sồi xanh quanh năm ở làng Fatima.

Thú thật tôi không rành về cây cỏ nên chẳng biết cây sồi nó như thế nào và ở Việt Nam có loại cây này không. Có giống cây đa, cây cừa (một loại cây giống như cây đa mọc ven sông mà một số thôn quê ở Huế thường gọi) hay cây bàng chăng?

Nhưng khi qua Úc, sồi là một loại cây nghe rất quen thuộc đối với tôi cũng như những người thích rượu vang bởi đôi khi phải tìm hiểu xem nho của chai rượu mình đang dự tính mua được cất trong thùng loại gỗ sồi nào? Của Pháp, Mỹ hay Bồ Đào Nha hay từ… làng Fatima xa xôi kia? Oak (tree) là loại cây có hàng trăm chủng loại (species) cao từ 10 đến 40 mét, mọc ở vùng lạnh Bắc bán cầu xuống vùng nhiệt đới ở Châu Á.

Còn có loại cây sồi bấc nữa chứ, tiếng Anh gọi là cork oak (tiếng La Tinh: Quercus suber), một  loại cây võ rất dày dùng làm nút bần (nút bấc, nút điên điển, cork). Cây cao trung bình, có thể tới 20 mét, xanh quanh năm, thường trồng ở Nam Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp và ở Bắc Phi như  Morocco, Tunisia, Algeria. Cây sống từ 150 đến 250 năm, vỏ cây được lột cứ mỗi 10 năm một lần.

Cork oak là một biểu tượng của xứ Bồ Đào Nha và ở xứ này, đốn cây sồi bấc là bất hợp pháp.

Với những tửu sĩ “Hoàng Hoa Hội” của Lão Ngoan Đồng, nếu chưa có dịp hành hương Fatima mà có lòng sùng đạo, tạm thời mỗi khi khui một chai rượu vang hãy nghĩ tới nơi đã cung cấp cái nút bần (uống rượu… nhớ nguồn) vì biết đâu cái nút giúp giữ cho rượu được già hơn và ngon hơn lại được làm từ võ… “cây sồi làng Fatima xa xôi” kia?

Có thể lắm, bởi Bồ Đào Nha là nước sản xuất đến 50% sồi bấc của cả thế giới!

Và trước khi cùng chúng tôi lên đường đi Fatima, xin có đôi giòng về lịch sử địa điểm linh thiêng này.

 

Tên Fatima – Làng Fatima – Đức Mẹ Fatima và những ngày 13

Fatima là một tên quen thuộc mà người Á Rập theo đạo Hồi thường đặt cho con gái- Fatimah.

Fatimah là tên đứa con gái mà Tiên tri Mohammed thương yêu nhất và phụ nữ này là người con duy nhất của ông có sinh con.

Bồ Đào Nha bị người Moor Hồi giáo ở Bắc Phi xâm chiếm vào thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên. Thị trấn Fatima ở Bồ Đào Nha được đặt theo tên của một công chúa người Moor. Công chúa Fatimah bị lực lượng Thiên Chúa giáo bắt trong cuộc chiến Reconquista (Tái chiếm)  kéo dài gần 8 thế kỷ thời trung cổ nhằm giành lại bán đảo Iberia (gồm Bồ và Tây Ban Nha)  bị người Moor từ Bắc Phi sang chiếm đóng.

Công chúa Fatimah phải lòng một hiệp sĩ, sau đó cải sang đạo Công giáo và được rửa tội trước khi lấy Bá tước Ourem năm 1158.

Fatima là một thị trấn thuộc thành phố Ourem, cách thủ đô Lisbon 123 cây số về phía bắc có dân số trên 7,500 người. Thị trấn này ngày nay sống nhờ du lịch và khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 4 triệu lượt người đến thăm viếng cái “làng Fatima xa xôi” này, nơi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn cừu cách đây đúng 94 năm.

Vào ngày 13.5.1917,  Đức Mẹ hiện ra với Lucia dos Santos (10 tuổi) và hai em họ là Francisco Marto (9t) và Jacinta Marto (7t) khi các em đang chăn cừu ở trên cánh đồng có tên Cova da Iria thuộc sở hữu của gia đình em Lucia, cách nơi các em ở chừng hai cây số.

Chuyện kể rằng các em thường dắt đàn cừu tới đây ăn cỏ. Vào khoảng giữa trưa bỗng các em thấy sấm chớp, tưởng trời sắp mưa nên các em bỏ chạy nhưng kìa, trên một cây sồi, các em thấy một bà áo trắng toát tỏa ra ánh sáng, tay cầm tràng hạt bảo các em bà từ trên trời đến, các em đừng sợ.

Thời gian này, Thế chiến Thứ nhất đã xảy ra 3 năm và nước Bồ Đào Nha đã gia nhập phe Đồng minh Anh-Pháp (Entente) được một năm. Bà mặc áo trắng bảo các em lần chuỗi, đọc kinh Mân Côi hàng ngày, cầu nguyện cho chiến tranh sớm chấm dứt. Trước khi biến mất, bà bảo các em vào ngày 13 tháng sau hãy trở lại nơi này.

Các em về thuật lại cho cha mẹ và thế là tin này mau chóng lan ra cả làng, nhưng mọi người kể cả vị linh mục cũng không tin.

Ngày 13 tháng 6, Đức Mẹ lại hiện ra với ba trẻ vào giữa trưa, có vài chục người tò mò đi theo nhưng họ chẳng thấy gì. Đức Mẹ nhắc lại việc đọc kinh Mân Côi kính Trái Tim Vô Nhiễm Maria và báo trước cho hai anh em nhà Marto biết về cái chết của họ. Mẹ nói Lucia còn ở lại thế gian một thời gian lâu để làm chứng và loan truyền lòng yêu mến Đức Mẹ nhưng Lucia cần phải đi học để biết chữ mà làm công việc này.

Ngày 13 tháng 7, Đức Mẹ hiện ra với các em, có khá nhiều người theo sau nhưng họ cũng chẳng thấy gì. Đức Mẹ cũng bảo các em đọc kinh lần hạt và tiết lộ ba bí mật mà sau này được gọi là “Bí mật Fatima”.

Ngày 13 tháng 8, có hàng ngàn người tới cánh đồng đợi xem chuyện lạ nhưng ba em bị ông chánh tổng bắt nhốt hai ngày vì tội  làm mất trật tự trong làng.  Một tuần sau khi được thả, Đức Mẹ lại hiện ra với các em trên cánh đồng, bảo các em cầu nguyện cho những người có tội mau ăn năn thống hối và hứa sẽ làm một phép lạ.

Ngày 13 tháng 9, Đức Mẹ cũng lại hiện ra tại cánh đồng này và cho biết trong lần tới sẽ có Đức Mẹ núi Carmelo, Chúa Hài Đồng và Thánh Giuse đến nữa.

Tượng Đức Mẹ Fatima (phải) đặt giữa nguyện đường nơi Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ chăn cừu được hàng triệu người tới chiêm ngắm và cầu nguyện mỗi năm. Hình TVTS

Ngày 13 tháng 10 là lần hiện ra thứ 6 và là lần chót.  Có khoảng 70,000 người gồm cả nhiếp ảnh viên báo chí và ký giả đến xem. Người ta đọc kinh cầu nguyện trong khi mưa như thác đổ. Đức Mẹ hiện ra với các em và yêu cầu cho xây một nguyện đường ngay tại đây để vinh danh Đức Mẹ, cho biết chiến tranh sẽ chấm dứt và yêu cầu những kẻ tội lỗi hay mau mau thống hối.

Khi Đức Mẹ biến đi thì mưa ngưng, mặt trời xuất hiện nhưng “nhảy múa”,  phát ra những ánh sáng  đầy màu sắc rực rỡ, có lúc mặt trời gần nhưng xuống đụng đến đất khiến cho đám đông sợ hãi.

Sự lạ này kéo dài khoảng 10 phút và sau đó trở lại bình thường. Nhiều người trong đám đông chứng kiến được hiện tượng mặt trời nhảy múa.

Ký giả Avelino de Almeida của O Século, một tờ báo có ảnh hưởng, thân chính phủ và chống giới tăng lữ, đã tường thuật đại khái như sau: “Trước những con mắt đầy kinh ngạc của đám đông đầu trần ngước mắt nhìn bầu trời, mặt trời rung rinh, làm những động tác không thể tin được ngoài luật tự nhiên của vũ trụ, mặt trời đã “nhảy múa”  ( danced) theo như phát biểu của những người đi xem”.

Một số tờ báo khác mấy ngày sau như  nhật báo Ordem cũng đã kể lại sự kiện này như “Mặt trời có lúc tỏa ra những ánh lửa đỏ tươi, lúc khác thì màu vàng và tím thẫm, ra vẻ đang quay với một tốc độ cực nhanh và đôi lúc như  tuột khỏi bầu rời và sắp chạm mặt đất, chiếu những tia sáng rất nóng”.

Nhật báo O  Dia của thành phố Lisbon viết: “Mặt trời màu bạc bao quanh bởi những tia sáng màu tím quay vòng tròn giữa đám mây còn đọng lại. Ánh sáng chuyển sang màu xanh tuyệt đẹp như chiếu qua những cánh cửa sổ kính màu của một nhà thờ chính tòa, tỏa xuống trên những chiếc đầu trần của dân chúng đang quỳ gối, tay giang rộng cầu nguyện, khóc trước phép lạ mà họ đã chờ đợi… Những giây phút này dài như cả hàng giờ, rất sống động”.

Một số người ở xa tới 40 cây số như  thi sĩ Alfonso Lopes  Vieira và cô giáo Delfina và học trò của cô  ở thị trấn Alburita cũng thấy hiện tượng mặt trời “nhảy múa”. Tuy nhiên vẫn có một số người trong đám đông bao gồm những người mộ đạo  đã chẳng thấy hiện tượng vừa nói. Còn ba bé chăn cừu thì  thấy có thấy Chúa, Thánh Giuse và Đức Mẹ Carmêlô như bà áo trắng đã hứa.

Ba trẻ nói rằng bà mặc áo trắng tiên đoán sẽ có một dấu hiệu trên bầu trời về đêm báo trước một trận thế chiến thứ hai.

Nhưng cũng trong thời gian này, các nhà khoa học trên thế giới đã chẳng ghi nhận một hiện tượng gì khác lạ của mặt trời.  Một số  người cho rằng chẳng có chứng cứ gì khoa học để chứng minh những điều mà nhiều người, kể cả các nhà báo thời đó kể lại, nên cho rằng đấy chẳng qua là kết quả của ảo giác tập thể (mass hallucination) được gia tăng bởi niềm tin quá mãnh liệt của tôn giáo đang chờ đợi một dấu chỉ. Họ cho rằng có thể những màu sắc mà một số người mô tả chẳng qua là do hiện tượng nhìn thẳng và nhìn lâu vào mặt trời gây nên.

Nhưng không có bằng chứng những người tới xem sự lạ nhìn thẳng vào mặt trời. Họ nhìn vào cây sồi mà các bé chăn cừu nói Đức Mẹ thường hiện ra và một số người cho rằng họ thấy có sương mù và những đài hoa bừng ánh sáng dạ quang chung quanh và trên cây như những lần hiện ra trước đó.

Nhưng cho dù giải thích thế nào đi nữa, vẫn có nhiều người tin. Đến năm 1930, sau nhiều năm điều tra, Giám mục da Sila của địa phận Leira đã công nhận việc Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ năm 1917 là “đáng tin” và cho phép việc tôn sùng.

Người Công giáo không bắt buộc phải tin sự kiện Fatima nhưng Đức Mẹ Fatima chính thức trở thành cái tên ngày nay được cả thế giới gọi, tiếng Bồ Nossa Senhora de Fatima hay bằng tiếng Anh, Our Lady of Fatima.

Bởi vì Đức Mẹ thường bảo ba trẻ hãy năng đọc kinh Mân Côi  nên Đức Mẹ Fatima đôi lúc cũng được gọi là Our Lady of the Rosary (Đức Mẹ Mân Côi) là tước hiệu mà ba trẻ nói bà áo trắng thường tự nhận.

Hơn 20 năm sau, nhật báo Chicago Daily Tribune số phát hành ngày 26.1.1938  đã đưa tin rằng đêm hôm qua đã xảy ra sự kiện có một dải ánh sáng nhiều màu (aurora borealis = cực quang ở bắc bán cầu) sáng chói mạnh  nhất trên bầu trời kể từ năm 1709, trải dài tới Bắc Phi, Bermuda và California.

Cũng trong ngày hôm đó chị Lucia,người duy nhất còn sống lúc đó đã viết thư cho mẹ bề trên và giám mục địa phận thông báo cho họ về những dấu hiệu đã được Đức Mẹ báo trong lần hiện ra vào năm 1917. Một tháng sau, Hitler chiếm nước Áo và 8 tháng sau xâm lăng Tiệp Khắc.

Ngày 1.9.1939  Đức xâm chiếm Ba Lan khiến 2 ngày sau, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Thế chiến Thứ hai chính thức bắt đầu.

 

“Bí mật Fatima”

Hai anh em ruột Francisco và Jacinta tuần tự chết sớm trong trận Dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1919 và 1920. Lucia đi tu ở Tây Ban Nha năm 1925 vào năm 18 tuổi và khấn trọn đời năm 1934. Sau đó chị trở về Bồ Đào Nha, sống trong Dòng Kín Carmêlô tại Coimbra cho đến khi qua đời vào năm 2005, thọ 97 tuổi.

Vào năm 1935, theo lệnh của giáo quyền địa phương, chị Lucia đã bắt đầu viết hồi ức về những sự kiện năm 1917, nghe nói gồm 4 bản văn khác nhau mà bản cuối cùng viết vào năm 1944. Những bản văn này được gọi là “Bí mật Fatima” hay “3 Bí mật Fatima”.

Hai “bí mật” trước được đã được công bố vào năm 1942. “Bí mật thứ 3” đã được thiên hạ bàn tán trong hơn nửa thế kỷ, bởi vì nghe nói chị Lucia cho biết theo lời của Đức Mẹ chỉ có các Đức Giáo hoàng mới được đọc và phải cất giữ kín và chỉ được công bố sau năm 1960.

Thời đó tôi được nghe những giả thuyết của “Bí mật thứ 3” như báo hiệu đại chiến thứ ba, ngày tận thế, đức giáo hoàng bị giết, giáo hội lại một lần nữa có chuyện phân hóa v.v…

Đến năm 2000 khi qua Fatima phong chân phước cho hai bé Francisco và Jacinta, “bí mật thứ 3” mới được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố đồng thời cám ơn Đức Mẹ đã cứu ngài thoát chết bởi viên đạn của tên sát nhân Ali Agca người Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau đây là nội dung của Bí Mật Fatima gồm những thị kiến và sứ điệp, được trích từ wikipedia.

Bí mật thứ nhất: thị kiến hỏa ngục
“Các con hãy nhớ đến đây hằng tháng. Tới tháng 10, Ta sẽ nói cho chúng con biết Ta là ai và Ta muốn gì, Ta cũng sẽ làm một phép lạ cho mọi người thấy mà tin… Hãy hy sinh cầu cho các tội nhân và sau mỗi một hy sinh các con hãy nói: (Con dâng hy sinh này) ‘Lạy Chúa Giêsu, vì yêu Chúa và để cầu cho tội nhân ăn năn thống hối cũng như để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ’.

Nói xong, Đức Mẹ lại mở tay ra như hai lần trước. Lần này tia sáng thấu qua trái đất làm cho 3 Thiếu Nhi Fatima thấy một biển lửa, ma qủi và các linh hồn dưới hình người cháy đen và đỏ rực như những cục than hồng, đang ngoi ngóp và phập phồng, rên rỉ và nghiến răng”.
Bí mật thứ hai: sứ điệp cứu độ
“Các con vừa thấy hỏa ngục, nơi tội nhân khốn nạn rơi xuống. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu những điều Mẹ dạy được thi hành thì nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình.

Chiến tranh sắp chấm dứt, nhưng nếu người ta không thôi xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến khốc liệt hơn sẽ bùng nổ trong đời Đức Piô XI. Khi các con thấy ánh sáng lạ lùng chiếu giữa ban đêm, thì các con hãy biết rằng đó là điềm lạ vĩ đại Thiên Chúa muốn cho các con hay Ngài sắp sửa trừng phạt thế giới tội lỗi, bằng chiến tranh, đói khát và việc bắt bớ Giáo Hội cùng Đức Thánh Cha.

Để ngăn ngừa điều này, Mẹ sẽ đến để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và xin rước lễ đền tạ các ngày Thứ Bảy Đầu Tháng. Nếu người ta nghe lời Ta yêu cầu, Nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình. Bằng không, Nước Nga sẽ truyền bá lầm lạc khắp thế giới, gây chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Nhiều người lành bị giết, Đức Thánh Cha sẽ khổ; nhiều nước sẽ biến mất, nhưng cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng.

Đức Thánh Cha sẽ dâng hiến Nước Nga cho Mẹ(1), Nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình. Ở Bồ Đào Nha tín điều về Đức Tin vẫn luôn được bảo vệ v.v.  Con đừng nói với ai, có thể cho riêng Phanxicô biết. Mỗi khi lần hạt, các con hãy đọc lời nguyện sau đây: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem mọi linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn’”.
Bí mật thứ ba: thị kiến tử đạo

“Sau hai phần con đã diễn tả, thì ở bên trái của Đức Mẹ và cao hơn một chút, chúng con thấy có một vị Thiên Thần cầm một lưỡi gươm cháy lửa nơi tay trái; thanh gươm chớp chớp phát ra những ngọn lửa như muốn thiêu đốt thế giới; tuy nhiên, những ngọn lửa ấy đã bị tắt mất trước ánh quang sáng ngời từ bàn tay phải của Đức Mẹ phát ra chiếu về phía vị Thiên Thần, bởi thế, lấy bàn tay phải của mình mà chỉ xuống trái đất, vị Thiên Thần đã kêu lớn tiếng rằng: ‘Hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội!’.

Rồi chúng con thấy một vị Giám Mục mặc Áo Trắng, ‘mà chúng con có cảm nhận đó là Đức Thánh Cha’, trong một vùng sáng mênh mông là Thiên Chúa, ‘giống như người ta thấy mình đi ngang qua trước một tấm gương soi’.

Các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ khác đang tiến lên một ngọn núi dốc đứng, trên đỉnh có một cây Thập Giá lớn, được làm bằng những thân cây nứt nẻ như loại thân cây điên điển còn vỏ; trước khi tiến lên tới đỉnh núi, Đức Thánh Cha đã băng qua một thành phố lớn, một nửa đã bị tàn rụi, còn nửa kia thì đang lẩy bẩy dừng bước, với đầy những đớn đau và buồn khổ, Ngài đã cầu nguyện cho các linh hồn của những thi thể Ngài gặp thấy trên quãng đường đi; tiến tới đỉnh núi rồi thì khi đang quì ở dưới chân cây Thập Giá lớn, Ngài đã bị ám sát bởi một nhóm lính bắn tới bằng những viên đạn và mũi tên, cũng lần lượt bị sát hại như thế có cả các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ cùng với thành phần giáo dân ở các tầng lớp và vai trò khác nhau.

Dưới đôi cánh Thập Giá có hai Thiên Thần, mỗi vị cầm trong tay mình một bình nước thánh bằng pha lê để chứa đựng máu của các vị Tử Đạo và hai vị dùng máu ấy vẩy trên những linh hồn đang tìm đường đến cùng Thiên Chúa”.
* * *

Phần thứ ba của Bí mật Fatima là thị kiến tử đạo, chị Lucia đã viết xong vào ngày 3/1/1944 theo lời yêu cầu của Đức Giám Mục địa phương Da Silva, giáo phận Lieria, vị đã giữ bản văn này trong công hàm của giáo phận cho tới ngày 4/4/1957 thì gửi về Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha Gioan XXIII nhận được bản văn Bí mật Fatima phần thứ ba này ngày 17/8/1959, nhưng đợi mấy ngày sau mới đọc với sự hiện diện của cha linh hướng. Tuy nhiên, Ngài đã không tiết lộ gì, như Tòa Thánh công bố quyết định giữ kín phần bí mật này vào ngày 8/2/1960.

Đức Thánh Cha Phaolô VI đã đọc bản văn bí mật này vào ngày 27/3/1965, song cũng quyết định không tiết lộ gì. Mãi cho đến Đại Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mới cho phép tiết lộ, vì theo Ngài, phần bí mật còn lại này có liên quan đến biến cố Ngài bị ám sát ngày 13/5/1981, như Đức Hồng Y Angelo Sodano tiết lộ ngày 13/5/2000 vào cuối Thánh Lễ phong chân phước cho Phanxicô và Giaxinta ở Linh Địa Fatima:
“Trong dịp trọng đại ngài đến Fatima này, Đức Thánh Cha đã chỉ thị cho tôi việc công bố cho anh chị em biết. Như anh chị em đã rõ, mục đích của việc ngài viếng thăm Fatima là để phong chân phước cho hai ‘mục đồng nhỏ’. Tuy nhiên, ngài cũng muốn cuộc hành hương của ngài đây là một cử chỉ lập lại lòng ngài tri ân cảm tạ Đức Mẹ về việc Mẹ đã phù trì giáo triều của ngài trong những năm qua. Việc phù trì này của Mẹ dường như được dính liền với chi tiết được gọi là ‘phần thứ ba’ của bí mật Fatima”.

Đồng cỏ Cova da Iria ngày xưa nay trở thành quảng trường có tên Santuario. Chụp từ lễ đài trước Vương cung Thánh đường Our Lady of Fatima; giữa sân bên phải là Nguyện đường Hiện ra, cuối hình là Centro Pastoral Paul VI, một ngôi thánh đường mới kiểu hình khối tròn, được xem là thánh đường lớn thứ 2 trên thế giới, nằm ở cổng vào khu linh địa Fatima. Hình TVTS

Về lý do tại sao trong khi các vị tiền nhiệm của mình không muốn tiết lộ Bí Mật Fatima phần thứ ba thì Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại quyết định làm điều này, là vì, căn cứ vào những lời ngài chia sẽ trong buổi triều kiến chung ngày thứ tư hằng tuần 17/5/2000 tại Đại Thính Đường Phaolô VI, chúng ta có thể khẳng định là, theo ngài, đã đến lúc phần còn lại của Bí Mật Fatima cần phải được công bố để cảnh tỉnh thế giới, tức để làm cho thế giới nhận biết là thực sự có một bàn tay từ mẫu đã bí mật song hiển nhiên nhúng vào để lèo lái lịch sử loài người hiện đại, (từ thế kỷ 20 của cuối thiên niên thứ 2 sang thế kỷ 21 mở đầu thiên niên thứ 3), nhờ đó, lời kêu gọi của trời cao vang vọng ở Fatima về việc loài người hãy ăn năn cải thiện đời sống sẽ được đáp ứng nhiều hơn.

Chính vì tầm quan trọng của Bí Mật Fatima phần thứ ba này mới có Bản Văn Kiện dẫn giải 40 trang của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, được chính thức phổ biến trong cuộc họp báo vào trưa ngày Thứ Hai 26/6/2000.

Để chính thức cắt nghĩa phần Bí Mật Fatima thứ ba này, trong bản dẫn giải thần học được chia làm ba phần của mình, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin  Ratzinger (hiện là ĐGH Benedict XVI, chú thích của TVTS) đã đi từ vấn đề “vị trí thần học của Mạc Khải Chung và các mạc khải riêng”, sang vấn đề “cấu trúc nhân loại học của các mạc khải tư”, tới vấn đề “cố gắng để giải thích ‘bí mật’ Fatima”.

Theo Đức Hồng Y Tổng Trưởng, như “việc cứu các linh hồn” là ý chính của phần Bí Mật Fatima thứ nhất và thứ hai thế nào, thì cũng vậy, “ý chính của phần thứ ba này là tiếng kêu ba lần: ‘Hãy Ăn Năn Đền Tội, Ăn Năn Đền Tội, Ăn Năn Đền Tội!’…

Đó là đáp ứng xác đáng với giây phút lịch sử mang những đặc điểm hiểm nguy được tóm gọn nơi những hình ảnh sau đó”. (ngưng trích)

* * *

Cho đến hôm nay, vẫn còn một số người Công giáo không chấp nhận sự đổi mới, canh tân của Giáo hội La Mã qua Công đồng Vatican 2. Họ đòi duy trì nghi thức phụng vụ trước thập niên 1960 như làm thánh lễ bằng tiếng La Tinh thay vì tiếng địa phương;  chống đối hay chỉ trích các vị giáo hoàng từ ĐGH Gioan XXIII –người mở ra công đồng– đến người kế vị hiện tại là ĐGH Benedict XVI, gọi các vị là những kẻ… lạc đạo!

Một số người này cũng như một số khác vẫn cho rằng Bí mật Fatima còn được giữ kín và bí mật mà ĐGH Gioan Phaolô II công bố là… dổm!

Trong bài bút ký này, người viết kể lại những sự kiện (2) dù thuần là tôn giáo nhưng có liên hệ đến chuyến du lịch Bồ Đào Nha vừa qua của mình.

Hẹn bạn đọc trong số báo tới.

 

Chú thích:

(1) Ngày 7.7.1952, trong tông thư có tên Sacro Vergente dâng hiến nước Nga (consecration of Russia), ĐGH Pi-ô XII viết: “Cách đây vài năm chúng ta đã dâng hiến toàn thể nhân loại cho Trái tim Vô nhiễm của Trinh nữ Maria, Mẹ của Thiên Chúa, ngày hôm nay chúng ta dâng hiến và một cách đặc biệt chúng ta phó thác tất cả nhân dân Nga cho Trái tim Vô nhiễm…”. Đức Pi-ô XII cũng nhắc nhở nhân dân Nga và chế độ Stali-nít là Trinh nữ Maria “luôn luôn chiến thắng”. Tôi còn nhớ thời nhỏ khoảng cuối thập niên 1950 và đầu 1960, tại các họ đạo thỉnh thoảng nghe các linh mục làm theo ý chỉ của Tòa thánh dâng hiến nước Nga cho Đức Mẹ để xin cho nước Nga “mau trở lại đạo” vì lúc đó Nga (tức Liên Xô) là trùm của cộng sản vô thần.

(2) ĐGH Pi-ô XII và ĐGH Gioan Phao-lô II là những vị đặc biệt tôn sùng Đức Mẹ. Năm 1984 ĐGH Gioan Phao-lô II lại dâng hiến thế giới cho Đức Mẹ nhưng không nói rõ về trường hợp nước Nga. Đạo Binh Xanh (Blue Army) trong một bài viết trên tạp chí Sol de Fatima ở Tây Ban Nha năm 1985 nói rằng chị Lucia cho biết việc dâng hiến như vậy chưa đáp ứng đòi hỏi của Đức Mẹ vì đã không đề cập đến nước Nga và nhiều giám mục đã không coi chuyện này là quan trọng. Năm 2001, Tổng giám mục Tarcisio Bertone ra một thông cáo cho biết ngài đã gặp chị Lucia và chị nói “Tôi đã nói việc dâng hiến mà Đức Mẹ muốn đã được thực hiện vào năm 1984 và đã được trên Thiên đàng chấp nhận”.