… Làng Fatima xa xôi, Bồ Đào Nha nơi Đức Mẹ hiện ra (bài 5)

17 Tháng Năm, 2011 | Bồ Đào Nha
Với kiến trúc độc đáo đầu thế kỷ 21: ảnh lớn, mái cổng vào (entrance portico) nhìn từ cửa chính của nhà thờ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh xuyên qua quảng trường đến Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Fatima. Các hình nhỏ ở dưới, từ trái: (1) mặt sau quay ra đường cái, (2) mặt sau và nửa hông trước, (3) nửa hông sau và (4) mặt tiền với 2 cái đà lớn để đỡ trần nhà của thánh đường. Hình: TVTS

Bút ký Nguyễn Hồng-Anh

***

Chúng tôi đến Bồ Đào Nha vào ngày 20 tháng 10 nhưng hai ngày sau mới đi Fatima. Cứ thủng thẳng bởi những mốc đáng nhớ  ở nơi đây vào mỗi ngày 13 của những tháng từ tháng 5 cho đến tháng 10 kính nhớ Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn cừu, đã qua.

Người ta nói từ Lisbon đến Fatima có thể bằng xe lửa hay xe bus nhưng đi xe bus tiện hơn bởi bến xe nằm sát nơi Đức Mẹ hiện ra, chỉ đi bộ một đoạn ngắn.

Chúng tôi dậy sớm hơn bình thường để ra bến xe bus. Đón xe metro (vé khứ hồi 1.45 Euro/người) từ trạm Marquês de Pombal,  tới trạm dừng thứ ba Jardim Zoologico nhảy xuống đi bộ qua bến xe bus Sete Rios để mua vé đi Fatima. Mỗi lượt vé 9.45 Euro, và tuy ở Fatima có bán vé trở về, kinh nghiệm của chúng tôi nếu bạn về trong ngày thì nên mua vé trước cho chắc ăn, bởi đến chiều tối có thể không còn vé xe để trở về Lisbon.

Hãng tốc hành đi Fatima có tên Rede Expressos, tùy theo mùa, mỗi ngày có khoảng 12 chuyến, khởi hành từng giờ hay từng nửa giờ, từ  khoảng 7 giờ sáng đến 8 giờ tối. Chạy mất khoảng 1 tiếng rưỡi trên đoạn đường dài 123 cây số.

Hôm nay là mùa thu bắc bán cầu, Bồ Đào Nha ở phía nam Âu Châu nhưng thành phố Lisbon có chút gì đó giống Melbourne hay Đà Lạt, vì thành phố này nằm trên những ngọn đồi, còn được dư dân gọi là “Cidade das sete colinas”  (do truyền thuyết nói thành phố được xây dựng trên 7 ngọn đồi) nên khí hậu giống vùng ôn đới.

Trời buổi sáng êm dịu, mặc áo ấm đủ để hưởng khí lạnh ban mai trên vài con đường cây xanh ôn đới đã có vài tàng cây chuyển sang màu đỏ hay màu vàng. Là du khách, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời rất đẹp và đáng sống khi có những giây phút rảnh rỗi ngắm cảnh nhìn người, hoàn toàn xa lạ, lại sắp đến một nơi nổi tiếng linh thiêng, là ước mơ của hàng triệu, hàng trăm triệu con người muốn được hành hương một lần trong đời (xem thêm bài Guillaume, người con cầu tự Fatima trong số này).

Thành phố Lisbon vốn không nhiều cao ốc và yên tĩnh đang lùi dần để còn lại những căn nhà gạch mái đỏ một hai tầng dọc hai bên đường, trên đồi hay dưới thung lũng. Cánh đồi này nối tiếp đồi kia lác đác vài căn nhà của nông dân hay những thị trấn nhỏ lúc ẩn lúc hiện giữa sương mù hay bị khuất khi xe chạy vào đường nằm giữa quả đồi được chẻ đôi.

Chapel of Apparitions và cây sồi hơn 100 tuổi chứng kiến Đức Mẹ hiện ra. Hình: TVTS

Dọc xa lộ nhiều lane chạy đến “làng Fatima xa xôi” này luôn có sự hiện diện của con người sinh sống, dù thưa thớt.

 

Đã có dấu hiệu sắp đến nơi khi chúng tôi thấy những tòa nhà vài tầng có đề chữ Fatima và những thương hiệu bằng tiếng Bồ.

Xe dừng bến, bạn có thể hỏi ai đó gần bạn hay xem bảng chỉ dẫn. Chúng tôi ra hướng đường cái và quẹo phải. Con đường này có lẽ là con đường chính và đẹp nhất của làng (thị trấn) Fatima bởi những hàng cây phong (elm/ plane) thân cao lá xanh hai bên, che những tòa nhà hai ba tầng mà phần lớn là những khách sạn, nhà trọ, quán ăn (khách sạn ở đây trung bình từ 25-50 Euro/ đêm).

 

Nhà thờ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh

Đi dọc đường chừng 300 mét, sẽ thấy Thánh địa Đức Mẹ Fatima ở bên trái. Vào trong khuôn viên thánh này (Santuario), rộng chừng 300m dài khoảng 1000m) trước hết bạn sẽ gặp trung tâm mục vụ Centro Pastoral Paul VI mang tên Giáo hoàng Phao-lô VI  với những lối đi bên hông.  Trung tâm này cũng là  thánh đường có tên Most Holy Trinity Church (tiếng Bồ: Santissima Trindade), được xem là thánh đường lớn thứ hai trên thế giới (có người nói hàng thứ tư). Bạn đọc có thể rối trí bởi trên các tờ thông tin khi người ta gọi đấy là Most Holy Trinity Church khi thì  Paul VI Pastoral Centre.

Sự hình thành một trung tâm hay nhà thờ rất lớn như thể này có mục đích làm nơi học hỏi và chiêm nghiệm những thông điệp Fatima, bởi trước đó thánh địa không có đủ chỗ để cầu nguyện, nhất là trong những ngày Chủ Nhật và lễ lớn.  Khi mới bắt đầu, đã có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí câu hỏi đặt ra là có nên xây một ngôi thánh đường lớn như thế không.

Kiến trúc sư Alexandros Tombazis người Hy lạp trúng cuộc dự thi quốc tế  để xây binh-đinh này, bắt đầu từ năm 2004 và được khánh thành năm 2007 bởi ĐGH Benedict XVI với chi phí 80 triệu Euro do khách hành hương dâng cúng.

Trung tâm hay thánh đường là một tòa nhà hình khối tròn đường kính 125m, cao 18m, trần không có cột chống đỡ mà chỉ tựa vào 2 cây đà cực lớn nên trông rất rộng. Nội thất nhà thờ pha trộn kiểu đương đại, phục hưng và trung cổ, được chia làm hai ngăn bởi một bức tường di động cao 2m.

Theo một tài liệu, thánh đường đường có 8,633 chỗ ngồi rộng thoải mái với 76 chỗ cho người tật nguyền; cung thánh đủ chỗ cho 100 vị tế lễ.

Tác giả bút ký bên trong Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Fatima. Trên vòm cung thánh là bức tranh chạm nổi mầu nhiệm thứ 15 Chúa Ba Ngôi đội vương miện cho Đức Mẹ nặng 65,000 ký lô. Hình: TVTS

Lưng của thánh đường quay ra đường cái, không có cửa vào. Cửa chính nhìn ra quảng trường là 4 tấm bằng đồng cao 8 mét, mỗi tấm nặng 3,200 ký lô với hình ảnh nói về sự dựng nên trời đất. Mái cổng vào (entrance portico) là những tấm lưới sắt cảnh thiên thần ca hát mời gọi hãy đến thờ phượng Chúa khi khách hành hương tiến vào nhà thờ.

 

Nổi bật nhất trong nhà thờ, theo tôi, là tấm pa-nô trên tường rộng 50m, cao 10m bằng gạch terracota màu vàng kim làm phông cho bàn thánh, có hình Con Chiên (cừu) ở giữa, hình đền thánh Jerusalem và các vị thánh.

Vì kiến trúc sư là người Chính thống giáo Hy Lạp nên nhiều kiến trúc chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Byzantine và Orthodox.

Bên trong nhà thờ đang có lễ (và có lẽ lúc nào cũng có dâng lễ bởi các linh mục và phái đoàn hành hương). Những cầu tiêu công cộng kế cận  luôn có người chùi dọn, rất sạch và thơm tho, dùng miễn phí.

Cửa chính của Trung tâm mục vụ Paul VI hay  Most Holy Trinity Church  nằm thẳng đường với mặt tiền Vương cung Thánh đường tạo thành một tổng thể kiến trúc rộng và hài hòa, hai bên là những hàng cây lá xanh đậm mà tôi nghĩ là những cây sồi, tạo nên bức tường làm cho quảng trường thánh địa trở thành một khu vực biệt lập nhưng lại có thể dễ dàng ra vào ở mọi hướng.

Vào quảng trường Đức Mẹ Fatima ngang qua trung tâm mục vụ Paul VI, có đường lót gạch hai bên rộng trên khoảng 10 mét. Nếu đi bên phải, sẽ thấy cây thánh giá thật cao kỷ niệm kết thúc Năm thánh 1951,  và xa xa tháp Vương cung Thánh đường (basilica of) Our Lady of Fatima.

 

Trong sân có nhiều tượng, kiến trúc với những di tích và kỷ niệm các biến cố xã hội và tôn giáo, nhưng vì thì giờ không cho phép,  chúng tôi chỉ mời bạn xem một vài nơi mà thôi.

Nguyện đường Hiện ra

Đi hướng trái, bạn sẽ gặp một gian nhà nhỏ, mái phẳng như những căn nhà tiền chế lợp tôn mà chúng ta thường thấy ở Úc, mặt tiền để trống, vách hai bên bằng kính có chừa lối vào rộng rãi để khách hành hương ra vào dễ dàng. Nếu bạn đã từng đi Lộ Đức thì sẽ thấy nguyện đường ở đây hoàn toàn khác, bởi quá đơn giản, trông như một carpot nhưng lại là nơi rất linh thiêng và tôn kính đến độ khách hành hương từ hướng Trung tâm Mục vụ Paul VI đi vào, có những người đi bằng hai đầu gối, lết tới Nguyện đường Hiện ra (Chapel of Apparitions), nơi có bức tượng đặt trên bệ đá, được xem là chỗ Đức Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ vào năm 1917.

Năm 1919, một nguyện đường nho nhỏ đã được dựng tại đây nơi Đức Mẹ hiện ra lần thứ sáu, có khoảng 70,000 người tới xem. Nhưng chỉ đến ngày 13.10.1921, thánh lễ đầu tiên mới được làm tại nhà nguyện này.

Đã có nhiều lần tu bổ, nhưng nguyện đường vẫn giữ hình dáng cũ cho đến ngày nay, và đó là lý do tại sao bạn không thấy nơi Đức Mẹ hiện ra có khung cảnh đồ sộ hay mang nét huyền bí.

Người ta nói cái bệ cao khoảng 1 mét  đặt tượng Đức Mẹ ngày trước là nơi có cây sồi nhỏ mà Đức Mẹ hiện ra, nhưng những người hành hương đầu tiên tới viếng ngắt lá, cành và từ  từ nguyên cả cây sồi biến mất.

Bức tượng Đức Mẹ Fatima đầu đội triều thiên bằng vàng nặng 1.2 ký, gắn 313 viên ngọc trai và 2,679 viên đá quý. Sau này, khi qua viếng thánh địa, Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã gắn viên đạn đồng bắn vào ngài lên trên vương miện Đức Mẹ như là cách để cám ơn Đức Mẹ đã được cứu ngài thoát khỏi cuộc mưu sát của  Ali Agca.

Nội thất thánh đường Chúa Ba Ngôi Cực Thánh và Trung tâm Mục vụ Paul VI với pa-nô màu vàng rộng đến 50m trên cung thánh. Nguyện đường có gần 9,000 chỗ ngồi. Hình nhỏ: cửa chính bằng đồng cao 8m. Hình: TVTS

Bởi Nguyện đường Hiện ra trống không, lại chẳng thấy có an ninh canh gác, tôi không hiểu tại sao tượng không bị phá hoại hay trộm đánh cắp những vật quý như vương miện. Có lẽ các tên trộm sợ bị trừng phạt?

 

Bên trái nguyện đường là những gian nhà dành cho người hành hương đốt nến kính Đức Mẹ.

Sát bên phải nguyện đường có một  cây cổ thụ khá lớn, lá xanh thẫm, đó là cây sồi xanh có tên Large “Azinheira” sống trên 100 năm. Đây không phải là cây sồi mà Đức Mẹ hiện ra trên đó, nhưng ba trẻ chăn cừu nói chính trên cây này vào ngày 13.5.1917 họ thấy tia chớp sấm sét thứ hai xảy ra và sau đó Đức Mẹ hiện ra. Và cũng chính dưới tàn cây sồi này mà ba trẻ cùng cầu nguyện với những người đi theo các em  trong khi chờ Đức Mẹ hiện ra.

Cây sồi này là cây duy nhất còn lại, và vào năm 2007, Bộ Tài nguyên Lâm sản Bồ Đào Nha đã liệt cây này vào loại “cây có giá trị công ích”.

 

Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Fatima

Như các em chăn cừu kẻ lại, người mặc áo trắng khi hiện ra đã nói với các em “Ta muốn xây nơi đây một nguyện đường để kính Ta, vì Ta là Đức Mẹ Mân Côi”, bởi vậy thánh đường này còn được gọi là Basilica of Our Lady of Rosary. Kiến trúc sư Hòa Lan Gerardus van Krieken vẽ bản nháp và được hoàn tất bởi Kiến trúc sư Joao Antunes.

Bên ngoài

 

Ngày 13.5.1928, Tổng giám mục Manuel Santos làm phép đặt viên đá đầu tiên và được thánh hiến vào năm 1953, và năm 1954 được Đức Giáo hoàng Pi-ô XII nâng lên hàng vương cung thánh đường.

Our Lady of Fatima Basilica dài 70.5, rộng 37m và tháp cao 65m, có sức chứa 650 người. Trên tháp chuông là một vương miện bằng đồng nặng 7,000 ký lô bên trên đặt cây thánh giá có chất lân tinh ban đêm có thể thấy từ xa. Bộ chuông gồm 62 cái và chuông lớn nhất nặng 3,000 ký lô, quả chuông nặng 90 ký.

Tượng Đức Mẹ cao 4.73m nặng 13,000 ký do linh mục điêu khắc gia người Mỹ Thomas  McGlynn làm, mất 2 năm tạc tại Ý, do người Công giáo Mỹ tặng và được làm phép năm 1958, hiện đặt trên hốc tường ngay cửa chính của thánh đường.

Cha  McGlym trong lúc làm việc đã tiếp xúc nhiều lần với chị Lucia để tạc tượng theo khuôn mặt Đức Mẹ mà chị thấy trong những lần hiện ra.

Vương cung thánh đường này  tuy có bề ngang nhỏ, nhưng trông rất rộng lớn nhờ hành lang có mái hai bên tạo thành một vòng cung ôm trọn một bề ngang của quảng trường.

Kiến trúc này nổi bật với những hàng cột, nghe nói gồm tất cả 200 cột và trên các cột trụ có tượng 17 vị thánh.

Ở ngoài hành lang bên trái có vườn cỏ dựng hai bức tượng thạch cao của hai trẻ chăn cừu đang cầm tràng chuỗi là Francisco và Jacinta.

Giữa hành lang và cổng chính của nhà thờ là một lễ đài có mái để cử hành thánh lễ ngoài trời cho tín hữu ở quảng trường xem như  chúng ta thường thấy ở Quảng trường Thánh Phê-rô bên Roma.

Nhà thờ với 200 cột trụ. Hình: TVTS

Bên trong

Nhà thờ gồm một gian chính, 2 gian ngang, và 14 bàn thờ nhỏ (side altars) nằm hai bên hông của gian chính, mỗi bàn thờ có một bức phù điêu (chạm thấp) bằng đồng mô tả 14 mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi. Sự mầu nhiệm thứ 15 là một bức hình đắp nổi cao bằng đá Chúa Ba Ngôi đội vương miện cho Đức Mẹ nằm trên vòm của bàn thờ chính, do Maximiano Alves và Stella Albuquerque thực hiện, nặng 65,000 ký lô.

Còn nhiều tác phẩm đủ loại do nhiều nghệ nhân thực thiện để làm cho vương cung thánh đường thêm uy nghi nhưng chúng tôi đã không thể xem và kể ra hết. Đó là những kỷ vật có thể do một giáo xứ hay một cộng đồng địa phương hay ngoại quốc dâng tặng để kính Đức Mẹ.

Trong nhà thờ này có bức tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du (Pilgrim Virgin of Fatima), được Giám mục của Leiria đặt làm giống hình ảnh Đức Mẹ mà chị Lucia mô tả và được Tổng Giám mục của Evora làm phép trọng thể vào ngày 13.5.1947 để sau đó tượng được rước đi  khắp thế giới trong đó có Miền Nam Việt Nam.

Tượng này sau khi thánh du mọi nơi, năm 2003 đã được đem về đặt trên một bệ đá bên trái bàn thờ chính. Tôi nghe nói viên đạn bắn vào người ĐGH Gioan Phao-lô II được đặt trên vương miện tượng Đức Mẹ Fatima, nhưng không rõ là tượng nào, ở vương cung thánh đường hay nguyện đường,  mà vì  sự cung kính nên không dám tới gần dí mắt vào xem cho tỏ tường hầu kể cho bạn đọc.

Mộ của 3 mục đồng

Ở hai tiểu nguyện đường (bàn thờ của gian ngang) là nơi chôn di hài của những người đã từng thị kiến Đức Mẹ hiện ra.

Bên phải là mộ của Francisco, chết năm 1919. Cũng như người em gái, thi hài Francisco được chôn ở nghĩa địa xóm đạo Fatima, cách vương cung thánh đường chừng 2 cây số. Năm 1952, người ta cải táng và đem di hài hai em về chôn trong thánh đường. Khuôn mặt của Francisco bị hư rữa, nhưng mặt Jacinta còn nguyên vẹn.

Di hài của Jacinta, chết năm 1920  lúc 9 tuổi, được cải táng và chôn bên cánh trái nhà thờ.  Jacinta trở thành vị  á thánh trẻ nhất của giáo hội ngoại trừ những người được phong thánh vì lý do tử đạo.

Cạnh phiến đá cẩm thạch mộ của Jacinta, người ta cũng làm một phiến đá nhưng không đề tên, dự trù để chôn nữ tu Lucia sau này. Chị Lucia chết ngày 13.2.2005, chôn tại tu viện Carmêlô ở Coimbra, nhưng đã được cải táng và đem về chôn bên cạnh người em họ của mình vào  ngày 19.2.2006. Đó là lý do khi chúng tôi đến viếng vương cung thánh đường thấy hai phiến đá đều có tên tuổi của người đã mất.

Gần bàn thờ, có ngôi mộ của José Alves Correia da Silva, vị giám mục đầu tiên của giáo phận Leiria và là người đã mở cuộc điều tra và đến năm 1930 tuyên bố sự kiện Fatima là “đáng tin” và cho phép việc tôn sùng.

Mộ Jacinta (trái) và Lucia ở cánh trái nhà thờ. Hình: TVTS

Chúng tôi rời thánh địa bằng lối ra bên trái của vương cung thánh đường, chung quanh là nhà cửa của giáo phận và cư dân, những căn nhà gạch có lẽ chỉ xuất hiện trong nửa thế kỷ gần đây, bởi… “làng Fatima xa xôi” của đúng 94 năm về trước chỉ là đồng cỏ với những cây sồi…

Chúng tôi đến một khu buôn bán gần đó, có nhiều tiệm buôn và ít quán ăn. Đã gần 1 giờ trưa. Sau khi ăn uống và mua ít đồ lưu niệm, chúng tôi tới trạm xe kéo nhiều toa (minitrain) có tên Paranoma Tour đậu gần trước lối vào Trung tâm Mục vụ Paul VI, mua vé đi thăm viếng thôn Aljustrel của ba trẻ chăn cừu, nhà cửa của họ và khu chặng đường thánh giá trên đồi cây ô-liu. (còn tiếp)