Đối đầu Úc-Tàu: chuyện có thể đã tiên liệu trước

02 Tháng Mười Hai, 2020 | Bình Luận
Quốc kỳ hai nước Australia và Trung Quốc. Photo courtesy: Reuters

Năm 1989 xe tăng của Giải phóng quân Trung quốc, tức Trung Cộng (TC), đã cán lên các sinh viên học sinh biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn. Không biết bao nhiêu người đã nằm dưới bánh xe xúc xích và bị mất tích trong những nhà giam của Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng và Giang Trạch Dân.

Thế giới tự do đã một phen khiếp đảm trước sự tàn ác TC cho nên không lạ gì Thủ tướng Lao động Bob Hawke lúc đó đã nhỏ lệ và cho phép hàng chục ngàn sinh viên TC du học được ở lại Úc.

Rồi thế giới dần dần quên hay có tình quên biến cố đẫm máu Thiên An Môn để mở cửa đón sự đầu tư và hàng hóa của TC với quan niệm rằng, một khi đời sống của người dân được nâng cao, sự giao dịch về thương mại, du lịch, giáo dục và việc người dân TC được tiếp cận với nền dân chủ Tây phương thì đảng cộng sản sẽ tự chuyển biến, diễn biến trong hòa bình.

Tại Úc các chính phủ Tự do John Howard, Lao động Kevin Rudd, Julia Gillard, Tự do Tony Abbott, Malcolm Turnbull đã lần lượt mở rộng quan hệ thương mại với TC và rồi TC trở thành bạn hàng lớn nhất của Úc. Chính phủ lưỡng đảng cấp liên bang cũng như tiểu bang đều “hồ hởi phấn khởi” thi đua làm ăn với TC. Các doanh gia càng sốt sắng hơn qua cơ hội ngàn năm một thuở với một đối tác có dân số trên 1.4 tỉ người có tiềm năng vô song. Thậm chí có chính phủ tiểu bang như Victoria đã ký bản ghi nhớ tham gia vào Sáng kiến Một Con đường Một Vành đai của Tập Cận Bình coi đây là cơ hội phát triển song phương. Cho đến khi có những người Úc gốc Tàu, những thường trú nhân gốc Tàu giàu có bị tố cáo dính líu vào những hành vi gián điệp.

Cuối cùng Luật Can thiệp của Ngoại nhân (Foreign Interference Laws) ra đời năm 2018 dưới thời Chính phủ Tự do Turnbull và quan hệ giữa Tàu và Úc cứ thế ngày càng xấu đi. Tỉ phú gốc Tàu từng chi tiền cho các chính trị gia, đảng phái Úc bị cấm trở lại Úc. Nhiều cơ sở kinh doanh bị ngăn chặn bán cho Tàu vì lý do an ninh quốc gia, đại công ty Huawei bị cấm tham gia hệ thống 5G và việc Úc vận động thành công đòi quốc tế điều tra nguồn gốc con virus Vũ Hán là giọt nước tràn ly.

TC trả đũa bằng cách đánh thuế thật nặng hay cấm nhập cảng lên các sản phẩm của Úc như lúa mạch, thịt bò, rượu vang, tôm hùm, gỗ v.v… 20 chiếc tàu chở than đá đậu ở hải cảng TC trong vòng sáu tháng qua đã bị cấm bốc dỡ hàng. Các bộ trưởng TC từ chối nghe điện thoại của các bộ trưởng Úc. Nhưng các doanh gia Úc ra vẻ thấm đòn. Các chính trị gia Lao động (Thủ lãnh Anthony Albanese) hay Tự do (cựu Thủ tướng John Howard) bằng cách này cách khác yêu cầu, đề nghị Thủ tướng Scott Morrison điện thoại, mở lời với Tập Cận Bình.

Tại Sydney, trong khi Thủ tướng Morrison đang công du Nhật, Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg trong buổi hội luận tại Diễn đàn Chiến lược đã đưa ra nhành ô-liu với tuyên bố “chúng ta có thể làm việc với Bắc Kinh”, cho rằng hai bên sẽ cùng có lợi hay cùng mất mát nếu kéo dài tình trạng căng thẳng hiện nay. Ông Frydenberg nói Úc “sẵn sàng đối thoại với Tàu trong tinh thần tương kính và cùng có lợi”.

Thế là Bắc Kinh nhảy đổng lên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói Úc đã gây ra vấn đề thì Úc phải tự giải quyết. Tòa đại sứ TC ở Canberra còn cha chú nói họ rất tức giận, vì Úc làm TC thành kẻ thù thì TC là kẻ thù của Úc vậy”.

Trở về Úc sau một ngày công du Nhật, Thủ tướng Morrison có câu trả lời ngay rằng dân chủ và chủ quyền của Úc không phải là món hàng để trao đổi thương mại. Ông bác bỏ luận điệu của TC cho rằng Úc là con rối của Mỹ. Thủ tướng khẳng định: “Chúng tôi làm luật và theo đuổi các quan hệ chiếu theo quyền lợi quốc gia chúng tôi. Chúng tôi đối mặt với những quốc gia khác dù đó là vấn đề nhân quyền hay những vấn đề khác xảy ra trên thế giới, gồm cả ở TC”.

Mấy chục năm làm ăn với một nước cộng sản, các chính quyền Úc đã rút ra bài học cụ thể. Bây giờ là lúc ngẩng đầu lên đối diện với thực tế, là không để lệ thuộc Tàu. Không có mợ chợ cũng đông. Thế giới này không phải chỉ có 1.4 tỉ người… Tàu!

 

(Trích từ báo in TVTS số 1809 phát hành ngày 25.11.2020)