Úc không thể bị Trung Cộng bắt nạt, coi thường

23 Tháng Mười Hai, 2020 | Bình Luận
Cờ của Úc và Trung Quốc treo tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Photo courtesy: Reuters

Nhiều người trong chúng ta có thể không biết hay không chứng kiến thái độ của Trung Cộng đối với Úc trước năm 1972 lúc hai nước chưa lập quan hệ ngoại giao sau khi Mao Trạch Đông đánh bại quân đội của Tưởng Giới Thạch vào năm 1949. Chỉ biết rằng, thời đó Trung Cộng còn là một nước nghèo và chậm tiến dù đã chế được bom nguyên tử.

Theo Macrotrends, lợi tức đầu người của Trung Cộng năm 1972 là $113 Mỹ kim trong khi Úc có lợi tức $3,944. Một khoảng cách thật lớn, cao gấp 35 lần! Năm ngoái, lợi tức đầu người của Trung Cộng là $14,363 trong khi Úc là $54,907 (bị giảm khoảng $13,000 so với những năm 2012, 2013), có nghĩa lợi tức đầu người của Trung Cộng đã tăng 127% trong 47 năm qua trong khi Úc chỉ tăng khoảng 14%. Điều này chứng tỏ một “phép lạ kinh tế” đã xảy ra với Trung Cộng như đối với Nhật Bản sau Đệ nhị Thế chiến. Và “phép lạ” đó đã xảy ra nhanh hơn người ta dự phóng, bởi Trung Cộng đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới sau Hoa Kỳ vào năm 2010.

Nhờ tiếp xúc với Tây phương, “học nghề” và đánh cắp sở hữu trí tuệ của tây phương, Trung Cộng hiện là nước có lực lượng hạm đội lớn thứ nhì, qua mặt cả Nga. Bởi vậy Tập Cận Bình đã thi hành chánh sách cây gậy và củ cà rốt đối với những nước láng giềng và trong khu vực, kể cả Úc.

Năm 1972 sau khi chính phủ Lao động Gough Whitlam thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Cộng, giao dịch thương mại hai chiều giữa hai nước chỉ ở mức $100 triệu Úc kim một năm nhưng bây giờ đã lên tới $160 tỉ và Trung Cộng trở thành bạn hàng lớn nhất của Úc, hơn cả Mỹ và Nhật. Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình là hai lãnh tụ cộng sản Trung Quốc đọc diễn văn tại lưỡng viện Quốc hội Úc, rồi hai nước trở thành đối tác chiến lược và ký hiệp định thương mại tự do dưới thời Thủ tướng Tony Abbott.

Một chân trời tươi sáng mở ra cho hai nước cùng khu vực, cùng hợp tác và cùng có lợi. Úc và Trung Cộng không là đồng minh nhưng không coi nhau như kẻ thù trước đây dù có hệ thống chính trị khác biệt.

Nhưng cũng đã có những sự việc xảy ra làm giảm sự tin tưởng nhau từ thời Thủ tướng John Howard (tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma), Kevin Rudd (cho thủ lãnh Rebiya Kadeer của người Uighur đến thăm Úc), Julia Gillard (cho thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân ở Darwin). Nhưng tất cả những sự va chạm đó cũng đã giải quyết ổn thỏa cho đến khi Thủ tướng Malcolm Turnbull đưa ra dự luật cấm sự can thiệp của ngoại quốc mà rõ ràng nhắm vào Trung Cộng. Rồi Thủ tướng Scott Morrison cấm cửa Hoa Vi, vận động thế giới điều tra nguồn gốc Virus Vũ Hán,  và mới tuần qua quốc hội thống qua luật Quan hệ Quốc tế.

Thế là từ đánh thuế cao ngất trời hay cấm nhập cảng lúa mạch, thịt bò, than đá, tôm hùm, rượu vang, gỗ, Bắc Kinh tuần qua còn dọa sẽ đánh thuế lên bông (cotton) và lúa mì nếu Úc không biết điều, không sửa sai. Hiệp định tự do thương mại Trung-Úc ChAFTA năm 2015 coi như chẳng còn ý nghĩa gì. Bắc Kinh từ chối nói chuyện cấp bộ trưởng do Canberra đề nghị. Phải nói rằng chính phủ Úc đã xuống nước đến mức tối đa.

Chưa hết, cũng giữa tuần qua, Đại sứ Úc tại Bắc Kinh Graham Fletcher đã mời Chủ bút Hoàn cầu Thời báo Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) đi ăn trưa bên ngoài tòa đại sứ Úc được báo chí Úc gọi là “Chinese lunch diplomacy” bởi vì trong tám tháng qua giữa hai nước chưa có một cuộc nói chuyện cấp bộ trưởng nào.

Hoàn cầu Thời báo là cái loa của đảng CS Trung Quốc bằng Anh ngữ do tay chủ bút loại ngầu quen thói gọi Úc là “tên đầy tớ”, “con chó chạy rong của Mỹ” hay “một con kangaroo khổng lồ được dùng như con chó của Mỹ”.

Trong bữa ăn trưa ngoại giao với báo chí nhà nước Trung Cộng, Hồ Tích Tiến nói Úc là nước bất thân thiện với Trung Cộng nhất thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Tay chủ bút này cảnh cáo nếu Úc không thay đổi thái độ, bám theo Mỹ để cắn Tàu thì Úc sẽ tiếp tục trả cái giá vì chính sách ngoại giao không biết điều.

Liệu Úc phải biết điều để trở thành “tên đầy tớ” của Tàu Cộng? Mấy chục năm trước không buôn bán với Tàu, Úc vẫn là một nước có đời sống cao hàng đầu thế giới, là ước mơ của nhiều người được đến sống, trong đó có vô số người Tàu? Hỏi là trả lời.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1812 phát hành ngày 16.12.2020)