Thăm nhà chị Lucia (kỳ 6)

24 Tháng Năm, 2011 | Bồ Đào Nha
Di tích: căn nhà màu trắng là nơi chị Lucia sinh ra và sống lúc Đức Mẹ hiện ra, căn phía sau nằm cùng đường là Nhà bảo tàng Aljustrel, hậu cảnh là ngã ba của khu buôn bán. Hình: TVTS

Trước đây, khi viếng Đức Mẹ Lộ Đức bên Pháp, chúng tôi đã tới thăm căn nhà chật chội nghèo nàn của chị Bernadette nơi vị nữ tu sinh sống khi còn bé hay căn nhà hai tầng khang trang của cha mẹ chị do  giáo quyền địa phương dành cho họ khi người thiếu nữ đi mót củi trong rừng được Đức Mẹ hiện ra, đã trở thành một nữ tu.

Qua viếng Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha, chúng tôi cũng đã tới xem nơi cô bé Lucia sinh sống cũng như bảo tàng viện nho nhỏ lưu giữ lại hình ảnh và đồ vật của một thôn xóm hẻo lánh nhưng nay đã trở thành địa danh nổi tiếng qua sự kiện năm 1917.

Theo các tờ hướng dẫn, Aljustrel  là một trong những thôn xóm (hamlet hay village/ làng) xưa nhất của xứ đạo (parish) Fatima. Vào đầu thế kỷ 20, Aljustrel là một nơi chỉ có 25 gia đình sinh sống với khoảng 100 cư dân, làm nghề nông và chăn cừu, phần lớn mù chữ.  Họ kiếm sống ở vùng đất khô cằn bằng cần cù làm việc, đổ mồ hôi trên cánh đồng để kiếm ăn hàng ngày. Và khi tối đến, gia đình quây quần bên lò sưởi để dùng bữa tối và tạ ơn Chúa. Đấy là cuộc sống của dân quê chất phác.

Bạn muốn đi một vòng cho biết? Hãy cùng chúng tôi đến trạm xe chạy tour quanh Fatima và thôn Aljustrel nằm ở hướng nam cách Vương cung Thánh đường Fatima chừng hai cây số.

Khung cảnh vườn sau nhà của chị Lucia với tượng Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ. Hình: TVTS

Paranoma Tour  sử dụng loại “xe lửa” đầu máy kéo 3 toa chạy trên đường nhựa như xe ở trong các khu du lịch.  Giá vé 3.50 Euro, hop on hop off, đi quanh khu vực thị trấn (town) Fatima, dừng ở  4 trạm, mỗi nơi đợi 30 phút. Bạn có thể nhảy xuống bất cứ chỗ nào bạn muốn hay ngồi mãi trên xe.

Xe dừng ở bùng binh Rotunda Sul, chúng tôi nhảy xuống khu  Via Sacra (Stations of the Cross) để đi xem Chặng đường Thánh giá. Ở Lộ Đức, Chặng đường Thánh giá là con đường đèo cây cao vút như đồi núi ở rặng Dandenong của Melbourne nên “đi đàng thánh giá” mà giống như đi ngoạn cảnh.

Tại Fatima, con đường ngắm sự khổ nạn của Chúa tuy cũng nằm trên đồi, nhưng đồi thấp. Phần lớn đường xi măng hay lót đá bằng phẳng, dài chừng hai cây số, hai bên là vườn ô-liu và những cây địa phương. Dọc đường có những cầu tiêu portable, tương đối sạch cho khách hành hương dùng.

Bạn sẽ gặp một tượng đài có mái, tượng Đức Mẹ đứng trên bệ,  có bảng ghi bằng ba thứ tiếng Bồ, Anh và Pháp: “VALINHOS: nơi đây Đức Mẹ hiện ra vào ngày 19.8.1917 và nói: ‘Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, và làm những việc hy sinh cho các kẻ có tội’”.

Vahinhos  là địa điểm Đức Mẹ hiện ra lần thứ 4 với ba trẻ, bởi vào ngày 13.8 trong khi người ta tụ họp để chờ xem Đức Mẹ hiện như ba trẻ nói, các em đang bị ông chánh tổng bắt nhốt vì tội làm mất trật tự trong làng.

Chặng đàng cuối cùng là con đường dẫn bạn lên ngọn đồi cao, sân rộng lót gạch đá, được bao bọc bởi những hàng rào bụi cây cắt tỉa gọn gàng, có những cây lớn nhưng phần nhiều là những loại tùng, thông, và dĩ nhiên có cả cây sồi (theo tôi nghĩ vì tôi vẫn chưa rành về cây sồi).

Giữa sân, người ta xây một đài lộ thiên có những bậc cấp đi lên ở hai bên, trên đài có ba cây thánh giá lớn với Chúa bị đóng đinh, bên dưới thánh giá là các tượng mà tôi đoán là của Đức Mẹ, thánh Gioan và Magdelene. Đứng ở đây, bạn có thể thấy nhà cửa của thị trấn Fatima ở các ngọn đồi chung quanh.

Trong khu vực này có những con đường đất, đá sỏi nhỏ dẫn bạn băng qua những vườn cây ô-liu  khiến bạn cảm thấy dễ chịu giữa trời nắng.

Bạn nên nhớ  lời dặn của ông tài xế, sau khi đi bộ Chặng đường Thánh giá xong, hãy tới trạm Valinhos nơi có xe chờ. Tại đây bạn có thể tiếp tục thăm thú những di tích của thôn làng Aljustrel của 3 trẻ chăn cừu qua bảo tàng viện nho nhỏ có tên  Nhà Bảo tàng Casa – Museu de Aljustrel/  Museum – House of Aljustrel” và nhà của chị Lucia “Casa de Lucia”.

Cả hai di tích này nằm dính liền nhau, ở ngã ba con đường mà ngày nay phần lớn những căn nhà chung quanh là tiệm bán đồ lưu niệm và thức ăn.

Xem nhà chị Lucia miễn phí. Đây là căn nhà gạch mái ngói, tường bên ngoài tô xi măng màu trắng, trông giống kiểu nhà ngói ba gian ở thôn quê Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 thời Pháp thuộc.

Một phái đoàn hành hương đi đoạn đầu của Chặng đường Thánh giá tại “làng Fatima xa xôi” . Hình: TVTS

Joaquim Rosa, ông ngoại của chị Lucia là người sinh đẻ ở làng Aljustrel. Mẹ của chị là Maria, con út trong gia đình 7 người con. Bà lấy ông Antonio Santos, một người sinh quán ở đây và cho cho ra đời  6 gái 1 trai trong đó một chết lúc mới sinh. Lucia de Jesus dos Santos là đứa con út, sinh năm 1907.

Tuy là nông dân, nhưng gia đình chị Lucia không phải nghèo như các gia đình khác bởi ông Antonio Santos làm chủ nhiều đất đai, và đồng cỏ Cova da Iria  nơi Đức Mẹ hiện ra là một. Mẹ của chị Lucia không biết đọc chữ nhưng rất sùng đạo và được chị ghi trong các hồi ký là “người phụ nữ mà tôi yêu nhất trên đời”.

Ở trong căn nhà của chị Lucia, những vật dụng cá nhân của chị và gia đình còn được lưu giữ, từ giường nệm, bàn tủ, máy may, khung dệt vải, nồi nêu soong chảo, các vật dụng cá nhân như giỏ mây, ly tách v.v…

Căn nhà này chính là nơi mà Lucia cùng các anh chị được sinh ra. Tuy căn nhà chật hẹp, tường đá lởm chởm và tối nhưng Lucia có căn phòng riêng, có lẽ vì con út nên được cưng chiều chăng?

Nhiều hình ảnh chụp ông bà Santos và các con gái năm 1921 trong đó Lucia đã lên 14 tuổi, nghĩa là 4 năm sau sự kiện hiện ra. Cũng có hình 4 bà chị của Lucia chụp vào thập niên 1960, cũng tại căn nhà mà các bà này được sinh ra.

Sau lưng căn nhà của chị Lucia là vườn cây, được chăm nom như khu ngoạn cảnh, có các tượng thạch cao diễn khung cảnh Đức Mẹ hiện ra và một cây sồi được chăm sóc theo kiểu cây cảnh, thân và cành to bằng thân người nhưng thấp và ít lá. Người ta cũng duy trì một cái chái ở phía sau nhốt vài con cừu để gợi lại cuộc sống nông dân của gia đình nhà Santos.

Mời bạn đi vài bước ra ngã ba để qua Nhà Bào tàng Aljustrel. Nhà bảo tàng này có 12 phòng ghi lại cuộc sống của làng này mấy thế kỷ trước.

Theo tờ hướng dẫn, căn nhà làm bảo tàng hiện nay có thể đã được xây từ thế kỷ thế 17 hay 18.

Chặng đường Thánh giá cuối cùng trên đồi. Hình: TVTS

Vào năm 1880, căn nhà này thuộc sở hữu của ông Jose Pedro Marto. Ông nhà để lại cho con gái là Maria Rosa, mẹ đỡ đầu (godmother) của chị Lucia. Bà Maria Rosa lấy ông Jose Henriques. Ông nông dân chất phác và có lòng tốt này vào những buổi tối rảnh rỗi đã dạy cho đám trẻ và người lớn trong làng đọc và viết.

Năm 1969, căn nhà này hầu như đổ nát xiêu vẹo, nhưng đã được hội Fatima- SETIMA mua và tu bổ,  thu thập nhiều bộ sưu tập về đời sống và văn hóa của người dân địa phương. Mục đích của hội là để cho người ta thấy cuộc sống của dân làng Aljustrel ngày xưa như thế nào.

Nhà Bảo tàng được khai trương vào ngày 19.8.1992 và là sở hữu của Thánh địa Fatima. Vào cửa, du khách trả 1 Euro như là hình thức giúp bảo trì và điều hành nhà bảo tàng này. Cuộc sống hàng ngày, văn hóa và niềm tin vào tôn giáo của dân làng Aljustrel được trưng bày trong một tá phòng của căn nhà bảo tàng bé nhỏ nhưng cũng khá phong phú với đồ gia dụng hàng ngày, dụng cụ sản xuất thức ăn, uống và nếp sinh hoạt gia đình được ghi lại qua những di tích hay sự dàn dựng khá công phu.

Làng Aljustrel cũng giống mọi làng quê của xứ Bồ Đào Nha với nếp sống dân dã, mộc mạc, thô sơ  nhưng có giá trị lịch sử bởi là một trong những nơi hiếm hoi trên địa cầu được Đức Mẹ chọn để truyền đạt mệnh lệnh của ngài.

Đón xe trở về, bạn sẽ được ghé qua Nhà thờ giáo xứ Fatima, ngôi nhà thờ mà các trẻ chăn cừu cũng như cha mẹ của họ và dân trong làng đến dự lễ và cầu nguyện hàng ngày. Ngay bên kia đường của nhà thờ giáo xứ có nghĩa địa trông khá khang trang, rất tiện cho việc chôn cất. Ngày xưa Francisco và em gái Jacinta chỉ là đứa bé vô danh của xóm đạo, ngày nay tượng của hai em được dựng ngay trước sân nhà thờ. Dẫu sao, hai em cũng đã trở thành hai vị chân phước, là những vị được phong thánh nhờ cuộc sống đạo chứ không phải do chết vì đạo, là một đặc ân và đặc cách mà Vatican  cứu xét cách riêng cho những người đổ máu vì đức tin như  117 vị thánh tử đạo của Việt Nam.

Nhà thờ giáo xứ Fatima của biến cố năm 1917 là chỗ đừng chân cuối cùng của chuyến đi thăm “làng Fatima xa xôi”. Ngày xưa đây là khu của người nghèo miền quê. Nhưng ngày nay, khi xe trở về khuôn viên (santuario) thánh địa Fatima, chúng tôi thấy dọc hai bên đường là những căn nhà gạch mái ngói mới xây, kiến trúc mới, trông như những căn vila nho nhỏ  mà một người trung bình ở Úc ước mơ. Có lẽ nhờ Đức Mẹ hiện ra ở đây mà đời sống người dân được nâng cao qua dịch vụ du lịch và hành hương.

Một căn nhà như thế ở Fatima giống những căn nhà ngoại ô xa ở Melbourne, như Mill Park hay South Morang có giá khoảng 500 đến 700 ngàn đô la. Tôi đã không có dịp tìm hiểu giá nhà ở Fatima!

“Một người làm… thánh cả làng được nhờ”: tượng các trẻ chăn cừu ở một bùng binh thị trấn Fatima. Hình: TVTS

Thị trấn có nhiều tượng của 3 trẻ tại những nơi công cộng, kể cả  ở một bùng binh khá lớn và đẹp. Có lẽ đấy là dấu hiệu để thị trấn thu hút du khách.

Xe trở lại địa điểm bang đầu, Santuario. Chúng tôi lại vào bên trong thánh địa, ngắm Nguyện đường Hiện ra lần chót, chụp thêm một số bức hình để kỷ niệm và dùng làm tài liệu.

Vé mua ở Lisbon ghi 8pm xe bus của hãng Rede Expressos sẽ rời Fatima. Chúng tôi dùng bữa tối và tới bến xe trước 30 phút đợi cho chắc ăn, nhưng đến 8pm thì tất cả các nhân viên trạm xe đóng cửa phòng bán vé và  ra về. Hỏi, họ nói cứ chờ, xe sẽ tới.

Một bà Úc xồn xồn thấy chúng tôi thì lại gần hỏi vì bà không biết còn xe trở về Lisbon hay không. Chúng tôi cũng hơi lo vì thấy có chừng mười người đợi xe mà trong đó có những hành khách đi các thị trấn khác.

Chúng tôi tưởng mình là người lo sợ giữa cảnh trời tối nhưng không ngờ bà người Úc này còn tỏ vẻ sợ hãi hơn chúng tôi. Bến xe Fatima lúc này trông như ở một cánh rừng âm u.  Bà Úc nói chuyện với một ông da ngăm đen (trông có vẻ là) Bồ Đào Nha nhưng bà ta không hài lòng với ông này nên tìm cách nói chuyện với chúng tôi.

Bà hỏi chúng tôi từ đâu đến và tưởng chúng tôi từ  Việt Nam sang đây, nên bà nói rằng ở Úc bà quen người Việt Nam và những người hàng xóm gốc Việt của bà rất tốt, dễ thương, là những người rất sùng dạo. Tôi thấy khuôn mặt bà Úc này khá quen quen, đã thấy đâu đó ở Melbourne. Bà có dáng dấp của một bà giáo dạy Anh văn cho di dân

Đến lúc này, chúng tôi cũng hơi bắt đầu lo vì đã trễ mà chưa thấy xe nhưng bà Úc ra vẻ hoảng sợ hơn. Gặp ai bà cũng hỏi, mà những người còn lại hoặc nói ít hay hoàn toàn không biết tiếng Anh.

Bà cho chúng tôi biết bà đi hành hương Rome dự lễ phong thánh Mẹ Mary MacKillop với một nhóm, nay tiếp tục đi tour qua Bồ Đào Nha và Pháp, nhưng trên đường đi  Lisbon hãng máy bay làm mất vali của bà. Sáng hôm nay người ta xác nhận sẽ gởi vali qua Lisbon. Bà đi hành hương Fatima một mình, nhưng phải về Lisbon để  7 giờ sáng mai sẽ bay qua Pháp.

Gia đình chị Lucia, thứ 3 từ trái cạnh bà mẹ Maria Rosa (thứ hai) chụp năm 1921 lúc Lucia 14 tuổi. Hình: TVTS

Vì thế bà rối lên, trong 50 phút chờ đợi thấy xe nào tới cũng bà tưởng là xe về Lisbon. Tôi nói lấy làm tiếc cho việc vali của bà bị thất lạc. Bà tỏ ra yên tâm khi có người nói được tiếng Anh với bà.

Đi du lịch nhiều nơi, bị lạc hay đợi xe ở nơi xa xôi hẻo lánh mà không mua vé trước, nhiều lúc chúng tôi cũng hơi rét, nhưng không sợ hãi hay quýnh lên như bà đồng hương này.

Cuối cùng xe bus cũng đến. Trễ 20 phút. Và đây là chuyến chót. Bởi vậy, khi đi Fatima, bạn nên mua vé khứ hồi cho chắc ăn. Và không nên mua vé chuyến cuối cùng để phải thấp thỏm chờ đợi, khi các nhân viên trạm bán vé đã ra về, vì họ làm việc quá… đúng giờ giấc. (còn tiếp)