Ngày cuối ở Lisbon (bài 7)

31 Tháng Năm, 2011 | Bồ Đào Nha
Colombo, trung tâm thương mại lớn nhất Lisbon và bán đảo Iberia. Hình: TVTS

Trong bài mở đầu chuyến du lịch một nước nằm ở mạn cực tây nam của Âu Châu, chúng tôi đặt tựa “Bồ Đào Nhà có gì lạ?” và đưa ra 4 điểm đáng nói của đất nước này.

– Có Fatima nơi mỗi năm có khoảng 4 triệu người hành hương để kính nhớ Đức Mẹ hiện ra vào năm 1917.

– Nước có nhà thám hiểm đầu tiên đi thuyền tới Ấn Độ vào cuối thế kỷ 15.

– Có những liên hệ với Việt Nam về văn hóa – giúp hình thành chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ 17-  và thể thao  -giúp đoạt giải AFF Suzuki Cup 2008. (Ghi nhận  bên lề: Một hôm đang đứng đợi xe Yellow Bus tại công viên gần Tháp Belem trong lúc nhà tôi đi xem những quang cảnh kế cận,  tôi thấy một toán cầu thủ chạy tập thể dục quanh công viên trong đó một người cao ráo và khuôn mặt có nét rất dễ nhớ, làm tôi liên tưởng tới cầu thủ bóng tròn Cristiano Ronaldo người Bồ nhưng đang chơi cho đội banh Real Madrid của Tây Ban Nha. Kể lại chuyện thấy cầu thủ nghe nói được trả lương với giá đắt nhất trong lịch sử bóng tròn vừa chạy ngang qua, nhà tôi bảo sao không gọi nhà tôi để xin chụp bức hình).

– Nổi tiếng với rượu bồ đào Porto (Port wine).

Còn gì nữa không?  Chúng tôi dành trọn một ngày chỉ để mua sắm và ăn uống. Mời bạn cùng chúng tôi lang thang phố xá, gặp đâu hay đó.

 

Mua sắm

Như đã nói trước đây, khi đi tour vòng quanh thành phố bằng xe Yellow Bus, chúng tôi được nghe quảng cáo về một trung tâm thương mại có tên Amoreiras Shopping Centre được xây vào thập niên 1980 bởi một kiến trúc sư nổi tiếng người Bồ, ông Tomas Taveira. Amoreiras có nghĩa là cây dâu tằm (mulberry tree) một loại cây mà Huân tước De Pombal đem trồng ở thành phố vào thế kỷ thứ 18. Tòa nhà này được giải kiến trúc Valmor vào năm 1993.

Chúng tôi hỏi nhân viên khách sạn xe metro tới trung tâm thương mại Amoreiras cho chắc ăn dù đã xem bản đồ. Xuống trạm, tôi hỏi một thanh niên đợi xe thì mới biết tôi đã đi lộn đường, không biết do sự hiểu lầm của nhân viên khách sạn hay của tôi.

Tôi hỏi tìm xe nào để tới Amoreiras, người thanh niên này bảo tôi hãy đợi để anh  ta điện thoại cho người bạn bởi anh ta không biết. Một hồi sau, anh nói muốn đến đó hãy dùng xe bus số 723 hay 711. Nhưng anh dặn nếu muốn mua sắm, hãy tới trung tâm mua bán nằm ở trạm  xe điện Colegio Militar/ Luz vì ở nơi đó có nhiều thứ để mua sắm.

Người ta nói rằng người Bồ Đào Nha có khuôn mặt xem ra ủ rũ buồn rầu đối với người ngoại quốc nhưng dễ dãi, hiếu khách và thân thiện thật đúng trong trường hợp này. Anh thanh niên đã mất thì giờ,  hụt một chuyến xe metro để chỉ đường cho một người lạ như chúng tôi. Đúng là nghe không bằng thấy và gặp.

Chúng tôi cám ơn thanh niên này, nói sẽ đi xem trung tâm thương mại anh giới thiệu nhưng trước hết vẫn cứ đến nơi mà chúng tôi được nghe giới thiệu trong những ngày đầu xem sao.

Trở ngược về khách sạn bằng metro, chúng tôi ra quảng trường Marques de Pombal để đón xe bus. Bạn hãy tưởng tượng với một quảng trường rộng, đi một vòng bùng binh dài cả cây số để tìm con đường nào có xe bus 723 và 711 là cả vấn đề, nên chúng tôi cứ nhắm đường Av Duarte Pacheco dẫn đến trung tâm Amoreiras mà đi, gặp hên có xe thì tốt, bằng không đi bộ để ngắm cảnh hai bên đường.

Trung tâm thương mại Amoreiras. Hình: TVTS

Đi hoài chẳng thấy số xe mình tìm, đường dốc giữa trời nắng quả là khá vất vả đối với nhà tôi, mệt gấp chục lần đi Chặng đàng Thánh giá ở Fatima. Sau 20 phút đi bộ, cuối cùng chúng tôi cũng đã tới nơi. Tòa cao ốc hiện đại phần trên dùng làm văn phòng, phía dưới là nơi buôn bán, rộng rãi, nghe nói có khoảng 350 cửa tiệm, 10 rạp xi-nê nhưng lại không hấp dẫn đối với chúng tôi.

Khung cảnh đẹp, khá sang trọng nhưng ít khách hàng, là yếu tố làm cho một trung tâm thiếu sự thu hút. Chúng tôi chỉ đi ngắm trung tâm thương mại này chưa tới một tiếng mà đã bắt đầu chán.

Nhà tôi mua được một đôi giày vừa ý nhất trong chuyến du lịch, có lẽ nhờ vậy mà cảm thấy không tiếc cho một chuyến lội bộ lên con dốc dài để tới  một nơi mà hãng Yellow Bus đi tour quảng cáo.

Trở về khách sạn thì dễ, bởi bất cứ ai ngoài đường cũng có thể chỉ cho bạn xe bus về quảng trường Marques de Pombal. Người Bồ thân thiện và sẵn sàng giúp. Bạn đừng ngại khi thấy khuôn mặt trời sinh có vẻ khó khăn của họ.

Từ đây chúng tôi lấy xe bus đi tới trung tâm mua sắm mà người thanh niên hồi nãy cho là sầm uất nhất. Bảy trạm xe nhảy xuống là thấy ga Colegio Militar/ Luz. Người tấp nập, có lẽ là ga xe điện ngầm đông người nhất mà tôi có dịp thấy ở thành phố Lisbon. Không cần đi xa, tòa nhà với kiến trúc khá lạ mắt màu gạch đỏ đã đập vào mắt du khách tới lần đầu. Ảnh hưởng của văn hóa Á Rập và Bắc Phi hiện rõ qua tòa nhà chính diện hình tròn và mái vòm  cùng hai tháp hình trụ hai bên cho người xem có cảm tưởng một ngôi nguyện đường nằm giữa tòa binh đinh hiện đại. Nhìn kỹ hơn, sẽ thấy chữ Colombo hiện trước mái vòm.

Bước vào bên trong, một thế giới hoàn toàn khác với kiến trúc mặt tiền. Cả binh đinh rộng lớn này xài rất nhiều ánh sáng tự nhiên bởi những mái bằng kính che dọc hành lang của những tầng lầu hai ba tầng. Có nhiều vòm mái nhà hình nửa quả cầu bằng kính như chúng ta thấy ở tháp Melbourne Central (Daimaru cũ) che chắn những khu buôn bán hay nghỉ ngơi dành cho khách hàng trong đó gian trưng bày một chiếc xe hơi thể thao loại chiến rất được nhiều người đến xem. Tôi ít khi mơ lái xe thể thao mà cũng phải tới nhìn chiếc Tag Heuer để trầm trồ khen ngợi.

Tìm hiểu thêm mới biết Colombo và Amoreiras là hai trung tâm thương mại lớn nhất của thành phố Lisbon. Và trong khi Amoreiras bị cho là cũ nhất, Colombo được gọi là mới nhất (khai trương năm 1997) và lớn nhất (không những đối với Lisbon mà còn với cả bán đảo Iberia bao gồm nước Tây ban Nha) với 420 cửa tiệm và 64 nhà hàng, mở cửa từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm.

Một góc bên trong Colombo: nơi buôn bán nhưng có chỗ cho khách ngồi nghỉ ngơi. Hình: TVTS

Người ta nói nên tránh mua sắm vào các ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật vì rất đông người bởi trung tâm này rất được người dân thành phố ưa chuộng đem gia đình đi chơi cuối tuần. Chúng tôi đi mua sắm vào chiều Thứ Bảy nên đã chứng kiến cảnh tượng này. Rất vui. Không ngờ đất nước nhỏ và ít người như Bồ lại có một trung tâm lớn, đẹp và đông khách đến như vậy. Đi một mình chẳng được ai hướng dẫn, chúng tôi thầm cám ơn người thanh niên  gặp buổi sáng chỉ đường.

Chúng tôi đi vòng vòng 5 tiếng đồng hồ ở đây mà không chán.  Có nhiều cửa tiệm đủ loại để mua sắm, mặc sức chọn lựa, giá cả phải chăng.

Ngắm khu giải trí như vườn cỏ với bồn phun nước ở lầu ba hay bốn gì đó, nơi trẻ con nô đùa làm chúng tôi tưởng mình đã đi ra đường cái hay tới tầng trệt của trung tâm thương mại.

Nội thất của Colombo rất đẹp, trang trí rất chi li, từ những hoa văn trên lối đi cho đến những thiết bị trang trí trên các cầu thang, mái vòm.  Làm cho khách đi xem có cảm tưởng mình đang vào một viện mỹ thuật trưng bày tranh vẽ và tượng điêu khắc.

Nếu bạn hỏi tôi đến Lisbon mua sắm ở đâu, chúng tôi không ngần ngại giới thiệu Colombo.

 

Ăn uống

Sắm sửa đã đời, chúng tôi nghĩ còn phải  dành dụm tiền và chỗ trống trong vali bởi còn một chuyến đi Tây Ban Nha vào ngày mai. Cũng đã bắt đầu đói bụng chúng tôi về khách sạn cất đồ và tiếp tục ra bờ sông để ăn tối. Đi xe metro tuyến màu xanh biển, cùng nằm trên một con đường.

Hôm nay tuy có trăng nhưng gió lạnh, bầu trời nhiều mây nên chẳng thấy gì. Quảng trường Praca do Comercio với ba dãy binh đinh màu trắng và vàng chói của ban ngày cũng chìm trong bóng tối, người thưa thớt nên dù cảnh nước mênh mông của giòng sông rộng chạy ra cửa biển Đại Tây Dương có quyến rũ đến mức nào cũng chỉ giữ chúng tôi đứng xem vài phút.

Trở vào cổng khải hoàn môn (Triumphal Arch/ Arco da Rua Augusta), chúng tôi kiếm những quán ăn nằm trên con đường đi bộ Rua Augusta nổi tiếng của thành phố này để ăn bữa cuối cùng.

Chúng tôi lại chọn đúng quán ăn mà chúng tôi đã dùng một hai ngày trước đó. Lý do: khung cảnh thoải mái vì ngồi giữa đường đi, trong những căn lều bọc mành nhựa trong suốt để chắn gió  nhờ vậy có thể thấy người qua lại.

Khu giải trí với sân cỏ và vòi phun nước trên sân thượng trung tâm Colombo. Hình: TVTS

Mỗi lần đi qua nơi đây vào buổi trưa, tôi cứ bị hấp dẫn bởi bầu trời ấm áp và những miếng thịt, cá nướng và những ly bia của khách tứ phương bày trên bàn, nhưng rồi bảo bụng cần sự tỉnh táo để còn đi thăm các di tích chứ bia vào thì sẽ mờ mắt, cảnh nào cũng sẽ giống nhau.

Tôi được may mắn uống rượu bia buổi tối không say nếu dùng vừa phải và bữa ăn tối luôn luôn là thời gian đẹp nhất trong ngày của tôi, dù đi xa hay ở nhà. Tận hưởng thức ăn với bia rượu, một tứ khoái mà trời dành cho con người, thì tại sao không hưởng?

Một đĩa cá sardines nướng 7 Euro và đĩa cá salmon 8.5 Euro. Một ly bia hơi 2.5 Euro. Giá cả dễ chịu, ở đây người phục vụ chẳng đòi hỏi hay ra giá tiền tip. Lại được nghe những người hát dạo trình diễn, cho tiền hay không là tùy khách.

Lần thứ hai tôi dùng cá mòi nướng kiểu Bồ Đào Nha, thơm ngon một cách đặc biệt nhờ gia vị mà họ ướp. Tôi sực nhớ người Bồ tiên phong đến mua bán ở Ấn Độ và nhiều nước Châu Á nên họ đã học được những cách chế biến của người địa phương và mang về nước những hương liệu để biến chế nên món cá nướng dù ở những tiệm bình dân ngoài đường, cũng tuyệt vời.

Người ta nói món ăn mang dân tộc tính của Bồ Đào Nha là cá tuyết Đại tây dương (Gadus morhua – Gadiforme) với 365 cách chế biến khác nhau, nhưng tôi chưa có dịp thưởng thức.

Rượu Porto nổi tiếng thế giới  xuất phát từ thành phố Porto lớn thứ hai của Bồ Đào Nha  đã trở thành danh từ chung –port wine- để gọi một loại rượu ngọt và mạnh, thường dùng trước hay sau bữa ăn hoặc bất cứ lúc nào.

Tôi đã không có dịp thưởng thức rượu Porto bởi trong các chuyến du lịch, đi mệt và khát nước, trong bữa ăn tôi thường uống bia hơn là rượu  nên không thể bàn luận về các loại rượu vang ở những nước Âu Châu mà chúng tôi có dịp đến.

Nhưng chúng tôi có sự ghi nhận là người Bồ Đào Nha uống rượu bia rất nhiều. Loại bia bản xứ mà tôi thích dùng là Super Block. Tôi không hiểu người dân ở đây làm thế nào để sinh sống vì thấy họ nhàn hạ, uống rượu bia từ sáng tới chiều, đàn bà cũng giống đàn ông, “mỗi người Bồ là một bồ rượu”!

Mà không phải chỉ ở thành phố lớn như thủ đô Lisbon, tại thị trấn nhỏ như “làng Fatima xa xôi” , vào buổi trưa, ngồi ở các dãy bàn bên trong quán hay ngoài trời, chúng tôi thấy các bà các cô uống rượu hay bia mà không có mồi. Ngày đầu đứng ngắm cảnh ở bờ sông Tagus sát Quảng trường Comercio, nhà tôi chỉ cho tôi thấy cảnh những thanh niên nam nữ ngồi nghỉ mát ở bờ sông, tay vọc nước tay cầm chai rượu nhỏ. Có lẽ nhờ hảo rượu mà người Bồ Đào Nha đã mang lại cho thế giới một loại rượu ngon?

 

Di chuyển

Ngày mới tới phi trường Lisbon, gặp một người Ba Tây đi cùng chuyến bay từ Rome sang, tôi bắt chuyện vì nghĩ rằng Ba Tây nguyên là thuộc địa đầu tiên của Bồ nên ông ta ắt hẳn phải biết nhiều về đất nước này. Ông khuyên tôi cứ kêu taxi cho tiện vì giá rẻ, còn không thì đi xe bus, là phương tiện phổ thông nhất. Hỏi xe metro thì sao, ông nói có ít tuyến đường và còn đang mở mang thêm.

Các lều ăn uống nằm giữa con đường đi bộ nổi tiếng Rua Augusta. Hình: TVTS

Xe bus đúng là phương tiện di chuyển dễ dàng nhất và nhiều nhất ở Lisbon, nhưng trong hầu hết những lần đi du lịch, tôi vẫn thích dùng metro hơn bởi xem ra dễ dùng đối với tôi. Tuy nhiên, sau khi gần rời Lisbon, tôi mới nhận ra rằng ở đây có 4 tuyến đường xe metro và nó cũng có thể giúp bạn đi đến những nơi bạn cần, từ bắc xuống nam và cả từ đông sang tây. Tuyến đường màu xanh biển nam-bắc là nơi chúng tôi dùng nhiều nhất, đưa chúng tôi đến những nơi mà chúng tôi đã kể hầu bạn đọc.

Tôi chỉ đi taxi có một lần duy nhất. Đứng đợi xe bus ra phi trường, một thanh niên lái taxi chạy ngang qua hỏi và đề nghị giá  10 Euro trong khi vé xe bus 3.5 Euro một người. Đi chỉ mất 10 phút, lại được anh ta giúp xách vali lên xuống.

Như đã nói ở trên, người Bồ Đào Nha thân thiện. Cuộc sống ở đây rất yên bình. Nên khi trở về Úc sau chuyến du lịch mấy nước Nam Âu, một người bạn hỏi chúng tôi trong các nước đã đi qua, chúng tôi thích nơi nào nhất, tôi đã không ngần ngại trả lời: Bồ  Đào Nha.