Tây Ban Nha: Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn – bài 1

26 Tháng Bảy, 2011 | Tây Ban Nha
Cung điện Hoàng gia Palacio Real de Madrid chụp từ bao lơn Nhà thờ Chính tòa Madrid: bóng hai tháp chuông đổ xuống hàng rào trước sân cung điện. Hình TVTS

Nguyễn Hồng-Anh – bút ký du lịch

***

Còn đâu khoảng 3  tuần lễ nữa, Đại hội Giới trẻ Thế giới sẽ diễn ra tại thành phố Madrid từ ngày 16 đến 21 tháng 8. Tôi còn nhớ vào dịp tham dự  World Youth Day tại Sydney vào tháng 7 năm 2008, trong thánh lễ bế mạc tại trường đua Randwick, khi Đức Giáo hoàng Benedict 16  tuyên bố Madrid sẽ là nơi tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới lần tới, các thanh niên Tây Ban Nha là nhóm người reo hò nhiều nhất đồng thời những lá cờ ba sọc –đỏ và vàng– được phất lên để biểu lộ sự vui mừng của họ, của một đất nước sùng đạo mà dù thời thế đã thay đổi, đạo Công giáo vẫn còn ảnh hưởng lên xã hội và là một phần hằng tính của Tây Ban Nha.

Đang còn cuốn hút với chuyến dự Đại hội Giới trẻ Sydney, nhà tôi liền nói đợi lần tới dự đại hội Madrid cùng du lịch Tây Ban Nha luôn thể. Nhưng tôi nói đợi đến đó thì quá lâu, bởi vì Tây Ban Nha là một trong những nước mà tôi ước ao được đi trước tiên, như Pháp, Mỹ, Anh, Ý v.v… trong chương trình “kể chuyện đường xa” của chúng tôi.

Tôi đã mê văn hóa của Tây Ban Nha từ lâu nhưng tình yêu này càng nảy nở sau năm 1975, khi vì thất nghiệp chẳng có gì làm ngoài tính chuyện vượt biên, tôi ra chợ trời vớ được cuốn “L’Espagnol Sans Peine” (Học tiếng Tây Ban Nha chẳng mệt nhọc gì), và tôi đã tự học để có ít vốn liếng dùng khi nghe và nhất là khi hát hò với bạn bè trong những dịp đàn đúm, chè chén.

Thời đó, cứ hát tiếng Tây Ban Nha là không bị làm khó dễ, chưa kể đôi khi còn được “trọng nể” bởi người anh em xã hội chủ nghĩa Cuba được coi là thần tượng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và nước này đã sản xuất bản nhạc nổi tiếng Guantanamera (có nghĩa người đàn bà ở Guantanamo, nay là nơi nổi tiếng với trại giam bọn khủng bố của quân đội Mỹ). Bản nhạc Guantanamera đã ra đời vài thập niên trước khi Fidel Castro lên cầm quyền.

Tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ của hầu hết các nước Châu Mỹ La Tinh nhưng chính người Trung Mỹ và Nam Mỹ –từ  Mễ Tây Cơ xuống tận Á Căn Đình– đã làm cho âm nhạc tiếng Tây Ban Nha thêm phong phú. Những ai thích nghe đàn guitar sẽ không thể nào không thích điệu nhạc flamenco dồn dập, véo von, vui nhộn với những điệu vũ nện giày trên sàn của các vũ công. Không biết có phải vì âm nhạc Tây Ban Nha gắn liền với cây đàn guitar không mà người Việt dịch chữ guitar thành tây ban cầm?

Hai năm sau, cũng vào tháng 7, chúng tôi lại cùng coi trận chung kết giải World Cup và khi Tây Ban Nha thắng Hòa Lan 1-0 để giành chiếc cúp vô địch, tôi nói với nhà tôi xứ sở này có nhiều thứ đáng xem như đấu bò, đền đài, bảo tàng viện và nhất là đời sống của họ mà đọc, nghe không bằng tới tận nơi để thấy. Nhất định phải đi… ngay, khi còn đi được. Ba tháng sau, “lấy cớ” đi dự lễ phóng thánh Mẹ MacKillop, chúng tôi luôn tiện đi Bồ Đào Nha, rồi Tây Ban Nha.

 

Lịch sử và chính trị

Tây Ban Nha còn được gọi là Y Pha Nho theo kiểu cũ (như cụ Nguyễn Trường Tộ trong di thảo của ông viết năm 1864) là một quốc gia tây nam Âu Châu nằm trên bán đảo Iberia, đông ráp ranh giới Bồ Đào Nha, bắc giáp Pháp và nước nhỏ Andorra, được ngăn cách bởi dãy Pyrénées.

Cung thánh Nhà thờ Chính tòa Madrid. Hình TVTS

Với diện tích 504,782 cây số vuông, lớn nhất Tây Âu chỉ sau Pháp, Tây Ban Nha được thiên nhiên ưu đãi vì có một một chu vi gồm khoảng ba phần tư là bờ  biển dài 4,986 cây số; biên giới biển ở phía bắc nhìn ra Đại Tây Dương và khoảng gần hai phần ba còn lại quay vào Địa Trung Hải, và cùng với nước Anh, Ma-rốc là những “người gác cửa” eo biển Gibraltar. Eo  biển này phân chia Âu Châu và Phi Châu, nơi hẹp nhất dài 14 cây số.

Ở phía bắc sát với biên giới Tây Ban Nha, có Dải Gibraltar rộng khoảng 5.8 cây số vuông là lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh. Ở phía nam kề biên giới Ma-rốc có Ceuta, một lãnh thổ rộng 18.5 cây số vuông thuộc chủ quyền của Tây Ban Nha. Cũng vì sự gần gũi mà văn hóa Tây Ban Nha bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa Á Rập của Bắc Phi, nhất là trong thời gian bị người Moor đạo Hồi ở Bắc Phi xâm chiếm vào thế kỷ thứ 8.

Tây Ban Nha (Espana) tiếng Anh gọi là Spain, có tên chính thức là Reino de Espana (Vương quốc Tây Ban Nha) hiện là một nước quân chủ lập hiến sau khi chế độ độc tài quân phiệt do tướng Francisco Franco lãnh đạo (1939-75) chấm dứt khi ông qua đời vào năm 1975.

Hai ngày sau, theo luật kế vị của Franco, ông hoàng Juan Carlos sinh năm 1938 tại Rome, người được Franco chọn nối ngôi từ năm 1969, đã trở về Tây Ban Nha nhận ngai vàng và đăng quang, lấy hiệu là Juan Carlos I, và hiện là quốc trưởng của Tây Ban Nha. Chính phủ do Thủ tướng Jose Zapatero của đảng Xã hội lãnh đạo từ năm 2004.

Do vị trí địa dư đặc biệt, Tây Ban Nha chịu nhiều tác động bên ngoài của lịch sử. Có giả thuyết cho rằng tên Espana xuất phát từ Hispania, tiếng cổ La Mã dùng để gọi vùng bán  đảo Iberia, bao gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay. Những người đầu tiên đến sống trong khu vực này gồm người Iberia, Celt sau đó là người Phoenici, Hy Lạp, Carthage.

Dưới thời cai trị của người La Mã kéo dài khoảng 5 thế kỷ, văn hóa Iberia và Celt được la-mã hóa, Hispania trở thành vựa lúa cho thị trường La Mã, và các hải cảng là nơi xuất khẩu vàng, hàng len, dầu ô-liu, rượu. Một số hoàng đế La Mã sinh đẻ tại thuộc địa Hispania như  Trajan, Theodosius I hay như triết gia Seneca.

Thiên Chúa giáo được du nhập vào xứ này trong thế kỷ thứ nhất và thịnh hành từ thế kỷ thứ 2. Ngôn ngữ Tây Ban Nha và những luật lệ căn bản phát xuất từ giai đoạn này.

Vào đầu thế kỷ thứ 5 khi đế quốc La Mã bắt đầu suy tàn, nhiều bộ tộc đã đến xâm chiếm Hispania, nhưng cuối cùng bộ tộc Visigoth đã thống nhất được sau khi cải đạo Thiên Chúa giáo.

Đến đầu thế kỷ thứ 8, người Moor đạo Hồi ở Bắc Phi xâm chiếm bán đảo Iberia, là một phần trong cuộc mở rộng của Đế quốc Hồi giáo Umayyad. Người Công giáo và Do Thái giáo vẫn được giữ đạo của họ. Trong thời kỳ này, Tây Ban Nha được biết qua cái tên Al-Andalus. Người đạo Hồi mang vào Tây Ban Nha văn hóa của Bắc Phi và Trung Đông,  nhiều kiến trúc Hồi giáo hiện vẫn còn tồn tại ở xứ này.

Đế quốc Hồi giáo Al-Andalus suy yếu từ thế kỷ 12 và đến thế kỷ thứ 13 thì rơi vào tay người Công giáo trong đó Aragon là vương quốc hùng mạnh nhất, mở rộng qua Địa Trung Hải, vươn tới đảo Sicily.

Năm 1469, hai vương quốc đạo Công giáo là Aragon của vua Fernando II và Castilla của Nữ hoàng Isabella I  hợp nhất qua đám cưới của hai vị quân vương. Năm 1492, vua và nữ hoàng bảo trợ cho nhà thám hiểm Christopher Columbus trong chuyến vượt đại dương tìm ra Châu Mỹ, một phát hiện địa lý quan trọng của lịch sử.

Sự thống nhất của hai vương quốc Aragon và Castilla làm nền tảng cho nước Tây Ban Nha và đế quốc này đã lên đến tột đỉnh dưới triều đại của hai vua đầu tiên của vương triều Habsburg là Carlos I (1516-56) và Filipe II (1556-98).

Bởi chiếm hữu nhiều thuộc địa vào thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17  như phần lớn Mỹ Châu, nhiều đảo trong Á Châu Thái Bình dương (trong đó có Phi Luật Tân), nhiều vùng ở Ý,  các thành phố ở Bắc Phi, nhiều phần đất nay là Pháp, Đức, Bỉ, Lục Xâm Bảo và Hòa Lan nên Tây Ban Nha được xem là đế quốc đầu tiên được gọi là “mặt trời không bao giờ lặn”. (Câu nói này đã được thi sĩ người Ý Giovani Battista Guarini viết ra vào năm 1585 và đến thế kỷ 17 thì trở thành quen thuộc, được nhắc lại bởi nhà thám hiểm người Anh John Smith, triết gia Anh Francis Bacon hay nhà văn Ái Nhĩ Lan Thomas Urquhart, tất cả chỉ để ca ngợi đế quốc Tây Ban Nha quá rộng lớn).

Cung thánh Nhà thờ Chính tòa Madrid. Hình TVTS

Nhưng rồi những cuộc cải cách tôn giáo với sự tách lìa của Tin lành khỏi Công giáo đã lôi kéo Tây Ban Nha vào các cuộc phiêu lưu quân sự và chiến tranh với các nước theo Tin lành bởi Tây Ban Nha ủng hộ Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire) và sau đó lâm chiến với Pháp.

Rồi Hòa Lan (1648), Bồ Đào Nha (1668) giành độc lập. Tuy ảnh hưởng của đế quốc ở lục địa yếu dần, các thuộc địa của Tây Ban Nha ở hải ngoại vẫn còn nguyên vẹn đến thế kỷ thứ 19.

Bị Nã Phá Luân xâm chiếm, cuộc chiến tranh với Pháp dù cuối cùng đạt thắng lợi nhờ Nã Phá Luân thất trận trước lực lượng liên quân Anh- Bồ Đào Nha dưới quyền chỉ huy của tướng Wellington, nền kinh tế Tây Ban Nha cũng bị phá sản, các nước ở Mỹ Châu đua nhau đòi độc lập, chỉ trừ Puerto Rico và Cuba.

Cuối thế kỷ 19, chiến tranh lại bùng nổ với Hoa Kỳ khi nước này giúp các phong trào giành độc lập, với kết quả Tây Ban Nha mất những thuộc địa cuối cùng như Cuba, Puerto Rico, Guam.

Sang thế kỷ 20, Tây Ban Nha chiếm được một số thuộc địa ở Phi Châu như Morocco, Tây Sahara, Guinea Xích Đạo nhưng không còn ảnh hưởng đáng kể ở các thuộc địa mới này.

Tây Ban Nha lại lâm vào cuộc nội chiến kéo dài 3 năm (1936-39) giữa tướng Francisco Franco và phe Cộng hòa khiến khoảng nửa triệu người thiệt mạng và nửa triệu người phải bỏ xứ sang sinh sống ở Mỹ Châu trong đó có 300,000 người ở Á Căn Đình.  Franco tự xưng là thống tướng (Generalisimo)  và quốc trưởng (Head of State) cai trị đất nước một cách độc tài, dựa vào quân đội, giáo hội và địa chủ.

Trong  Đệ nhị Thế chiến, Tây Ban Nha tuyên bố độc lập nhưng nghiêng về phía trục, và đã cùng Đức Quốc Xã tấn công Liên bang Xô viết. Nhà độc tài cực hữu này trong suốt thời gian cai trị chủ trương bảo vệ Giáo hội Công giáo, các giá trị gia đình và chống Cộng sản.  Trong thời chiến tranh lạnh, Mỹ đã liên minh với Tây Ban Nha và khi Franco qua đời, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã nói rằng “Tướng Franco là người bạn và đồng minh trung thành của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ”.

 

Văn hóa

Tây Ban Nha có dân số khoảng 45 triệu người, là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, lợi tức đầu người $29,875 đô la  là nước có lợi tức thấp nhất ở Tây Âu, chỉ sau Bồ Đào Nha. Tuy nhiên văn hóa Tây Ban Nha rất đa dạng và ảnh hưởng toàn cầu.

Tây Ban Nha là một trong 5 ngôn ngữ được dùng tại Liên hiệp quốc. Tuy số người nói tiếng Tây Ban Nha khoảng 400 triệu người nhưng Tây Ban Nha là ngôn ngữ được nhiều quốc gia, dân tộc nói nhiều nhất thế giới, chỉ sau tiếng Anh. Điều thú vị là nước có nhiều người nói tiếng Tây Ban Nha không phải chính Tây Ban Nha mà là Mễ Tây Cơ. Âm nhạc là một trong những yếu tố làm cho tiếng Tây Ban Nha ngày càng quan trọng, bởi yêu âm nhạc người ta thích học hỏi ngôn ngữ đó.

Tây Ban Nha cũng là cái nôi của văn học thế giới bởi một trong những tiểu thuyết xuất hiện đầu tiên trên thế giới là Don Quixote của văn hào Miguel de Cervantes (1547-1616). Cuốn truyện châm biếm này là một trong những tác phẩm văn học kinh điển được cả thế giới yêu chuộng. Nước này đã sản xuất 5 nhà văn từng đoạt giải Nobel Văn học.

Quảng trường đấu bò ở thành phố Madrid. Hình TVTS

Đến thăm Madrid, du khách không thể không đi xem vài bảo tàng viện nghệ thuật. Tây Ban Nha là quê hương của nhiều danh họa thuộc trường phái Baroque như Diego Velaquez (1599-1660), Francisco Goya (1746-1828) hay trường phái hiện đại như Pablo Picasso (1881-1973) hay Salvador Dali (1904-1989).

Do chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau mà nhiều công trình kiến trúc Hồi giáo và Công giáo đã để lại những dấu ấn khó quên của thời đại các vương quốc đã đi qua trên bán đảo Iberia. Lại cũng có những kiến trúc pha trộn giữa Âu Châu và Á Rập tạo nên một phong thái riêng giữa một xã hội đa văn có từ ngàn năm trước.

Âm nhạc, vũ điệu flamenco, bóng tròn, đấu bò, ẩm thực  đa dạng là những nét văn hóa khác mà du khách sẽ khám phá khi đến thăm viếng xứ này.

Du lịch hiện là một nguồn lợi quan trọng của Tây Ban Nha. Trong bốn thập niên vừa qua kỹ nghệ du lịch của nước này đã tăng trưởng nhanh để trở thành kỹ nghệ lớn thứ hai trên thế giới, trị giá 40 tỉ Euro năm 2006, chiếm 5% tổng sản lượng quốc gia.

Với khí hậu Địa Trung Hải, những di tích văn hóa và lịch sử và địa lý đa dạng, Tây Ban Nha hiện nay thu hút du khách nhiều nhất thế giới, chỉ sau Pháp. Trong năm 2006, có đến 60 triệu lượt người đến Tây Ban Nha, cao hơn dân số của nước này.

Cuối tháng 7  năm 2010, tôi nghe tin bà  Michelle Obama đã chọn đưa một đứa con gái sang nghỉ mát ở một thành phố miền nam Tây Ban Nha (không có ông chồng tổng thống đi theo). Điều này càng thúc đẩy tôi phải “khẩn trương” đi Tây Ban Nha cho biết.  Ba tháng sau, chúng tôi đã đặt chân lên đất nước từng được gọi là “The Empire on which the sun never sets”, một cách nói được dùng đầu tiên cho Tây Ban Nha vào thế kỷ 16 và 17,  và sau đó mới dùng cho Anh quốc vào thế kỷ 19 và 20. (Tài liệu tham khảo: wikipeadia)