Tây Ban Nha: Đấu bò và flamenco – bài 6

30 Tháng Tám, 2011 | Tây Ban Nha
Nữ hướng dẫn viên Tauro Tour đang giải thích cho du khách. Các dãy ghế đắt tiền có mái che. Các dãy ghế bọc da màu đỏ dành cho VIP và khu đặc biệt ở giữa là khung dành cho vua, hoàng hậu và hoàng gia ngồi với ghế rời bọc nhung đỏ. Hình TVTS

Nguyễn Hồng-Anh – bút ký du lịch

***

Chúng tôi đã mời bạn đi xem cung điện và bảo tàng viện ở thành phố Madrid, những thứ mà hầu như ở nước nào cũng có. Nhưng ở đây có hai thứ mang sắc thái Tây Ban Nha mà không hẳn ở đâu cũng có: đấu bò và flamenco.

Đấu bò là một trong những lễ hội truyền thống được người Tây Ban Nha yêu thích nhất và dù có bị những tổ chức bảo vệ súc vật chỉ trích, chống đối môn đấu bò vẫn tồn tại. Môn này lan truyền sang Bồ Đào Nha, miền nam nước Pháp, và vài nước Châu mỹ La tinh như Mễ Tây Cơ, Columbia, Venezuela, Peru và Ecuador.

Môn đấu bò đã có từ lâu, thời cổ La Mã nhưng chỉ ở bán đảo Iberia mà môn này phát triển đến mức tuyệt kỹ bởi giống người Moor ở Bắc Phi khi họ chiếm cứ vùng này vào đầu thế kỷ thứ 8. Người Moor cỡi ngựa đấu với bò và sau đó giết chúng.

Ngày nay, đấu bò đã trở thành một nghệ thuật, một nghi lễ và được coi như một ngày hội ở một vài nơi, như lễ hội chạy đua với bò tót Fiestas San Fermin (Lễ hội Thánh Fermin) ở thị trấn Pamploma thuộc miền bắc Tây Ban Nha vào thượng tuần tháng 7 hàng năm.

Running of the Bulls là lễ hội kéo dài một tuần lễ của người dân thị trấn Pamploma đã được nhà văn Mỹ Ernest Hemingway mô tả trong cuốn tiểu thuyết  The Sun Also Rises năm 1926.  Thị trấn có 200,000 dân là nơi thu hút khoảng một triệu rưỡi du khách hàng năm.

Khác với đấu bò (bullfighting) dành cho người chuyên nghiệp, chạy đua với bò mở rộng cho mọi người. Như tháng vừa qua, có khoảng 3,000 người từ sáng sớm chạy đua với 6 con bò tót trên đoạn đường dài gần một cây số trong khi dân chúng đứng trên đường hay trên các tầng lầu nhà hai bên đường phố cổ võ. Trò chơi này thường chỉ gây thương tích cho vài người tham dự nhưng cũng đã có lần làm một thanh niên người bản xứ chết cách đây hai năm.

Buổi tối sau trận đấu, các con bò này bị giết và thịt đem bán cho các nhà hàng trong vùng. Sở dĩ có lễ hội Running of the Bulls vì nghe nói ngày xưa Thánh Fermin sinh quán ở thị trấn Pamploma tử đạo vào đầu thế kỷ thứ 4 bằng lối bị cột hai chân cho bò mộng kéo chạy cho đến chết.

Ngày nay đấu bò là một kỹ nghệ ở Tây Ban Nha trong đó những tay đấu bò (matadores) hàng đầu  có thể kiếm nhiều tiền ngang hàng với những ngôi sao túc cầu hay ca sĩ nhạc rock.

 

Nghệ thuật hay man rợ?

Mời bạn cùng chúng tôi lên đến xem một trường đấu bò ở phía đông bắc thành phố Madrid mà chúng tôi thấy ghi trong bản đồ, cách Cổng Mặt Trời ước chừng 10 trạm xe điện ngầm.  Chúng tôi xuống hầm ga, nhờ một người đàn ông bản xứ chỉ cách mua vé tới đấu trường có tên Plaza de Toros de las Ventas. Vé trọn ngày 5.20 Euro cho xe metro lẫn xe bus. Người đàn ông chỉ nói được vài chữ tiếng Anh đã thân thiện chỉ vào cái ví của tôi đại ý nói hãy cẩn thận kẻo bị giựt túi.

Mặt tiền đấu trường Plaza de Toros ở Las Ventas. Hình TVTS

Tới trạm Las Ventas, chúng tôi nhảy xuống và ra bên ngoài thấy ngay một quảng trường rộng với tòa nhà 4 tầng hình tròn lát gạch màu đỏ nâu, giữa sân trước cổng chính vào đấu trường có bức tượng màu đen tạc hình những đấu sĩ matadores và cảnh một matador bị bò húc lên trời.

Chúng tôi đến đây gần 1 giờ trưa. Thấy bảng đề giá vé từ 7.90 Euro đến 130.10 Euro tùy chỗ ngồi, giữa nắng hay có mái che. Nhưng chẳng thấy không khí đang diễn hay sắp có một trận đấu diễn ra. Lác đác vài nhóm người qua lại trước cổng. Tôi nói với vợ ra vẻ hôm nay không có đấu bò nhưng trên tường có treo bảng quảng cáo Tauro Tour, có người hướng dẫn giá vé 7 Euro (trẻ con 5E), từ 10am đến 1.30pm, diễn ra mỗi 30 phút. Đã bỏ công lặn lội tới đây, chúng tôi quyết định đi tham quan chuyến chót để xem cái vận động trường đấu bò như thế nào.

Nhóm chúng tôi gồm 10 người được một nữ hướng dẫn viên đưa đi xem đấu trường, các phòng ốc và giải thích mọi chuyện liên quan đến kỹ nghệ đấu bò. Cô cho biết mùa đấu bò đã chấm dứt với trận chót diễn ra vào hôm Chủ Nhật, có nghĩa là chỉ cách đấy ba ngày, là một sự kém may mắn cho chúng tôi. Cô nói vì lúc này bắt đầu mùa thu, khí hậu lạnh nên các trận đấu được dời qua Nam Mỹ.

Plaza de Toros là trường đấu bò lớn nhất của Tây Ban Nha và đứng hàng thứ ba của thế giới. Trường đấu bò lớn nhất là Plaza de Toros Mexico ở nước Mễ Tây Cơ và thứ nhì là Plaza de Toros Monumental de Valencia ở nước Venezuela.

Plaza de Toros ở Madrid được khởi sự xây vào năm 1922 nhưng đến năm 1929 mới xong và khánh thành vào năm 1931, đường kính rộng 60 mét, có sức chứa 24,000 người.  Xây theo lối Neo-Mudejar của người Moor Bắc Phi thế kỷ 12 nên làm cho kiến trúc trông có vẻ cổ xưa hơn là thực tế.

Bản nhạc đầu tiên được chơi ở Plaza de Toros là bản Espana Cani, một bản nhạc nổi tiếng với điệu passodoble mà người nào mê nhảy đầm chắc đã trên một lần bay bướm với điệu vũ này.  Espana Cani có nghĩa là Tây Ban Nha du mục, được nhạc sĩ Pascual Marquina Narro viết vào năm 1925, dùng làm nền cho các trận đấu bò ở Tây Ban Nha nhưng lại nổi tiếng thế giới và là bản thường dùng trong các cuộc thi khiêu vũ.

Giải thích của nữ hướng dẫn viên: giết trước hay sau cũng là giết. Hình TVTS

Bạn cứ tưởng tượng trường đấu bò Plaza de Toros giống sân vận động MCG ở Melbourne, nhưng nhỏ hơn.  Sân đấu bằng cát, được bọc bằng 2 vòng gỗ, cách nhau là một khoảng trống nên bò không thể nhảy qua tới khán giả.

Phần lớn chỗ ngồi là những hàng bục xi măng vòng tròn. Hàng ghế cuối và trên cao có mái che, có một khu vực dành cho VIP có ghế nệm bọc nhung đỏ và có một ô dành cho vua và hoàng gia ngồi ở trên cao, nhưng cô hướng dẫn viên nói vua và hoàng hậu thường tỏ ra bình dân, ngồi chỗ thấp gần sân đấu. Có những tuần lễ vua đi xem đấu bò đến hai, ba lần.

Người hướng dẫn cho biết ở Tây Ban Nha đấu bò là phải giết bò, ngay tại chỗ trong khi 8 quốc gia khác chỉ giết con bò bị thương sau trận đấu mà theo cô, giết trước hay giết sau cũng là giết. Cô nói bò bị thương rồi thì không nên để nó sống hay đấu lại bởi lúc đó nó sẽ trở nên hung tợn. Tai nạn có người chết khi đấu bò xảy ra cách đây khoảng 20 năm. Cô nói những người đấu bò rất ngoan đạo.

Thời gian lý tưởng nhất để xem đấu bò ở Madrid là vào dịp lễ thánh quan thầy Ididro của thành phố, giữa tháng 5 và tháng 6, lúc có những trận đấu ngoạn mục nhất,  diễn ra hàng ngày trong 3 tuần lễ liên tiếp. Giờ mở cửa từ 10am đến 2pm và sau đó từ 5pm đến 8pm.

Những đấu sĩ gồm 3 hạng người: matador (có nghĩa là sát thủ, nhân vật chính, đi bộ), picador (cỡi ngựa) và banderilleros (phụ tá, đi bộ).

Kết thúc trận đấu, matador  sẽ được đám đông vỗ tay tán thưởng và tùy sự đánh giá của họ mà matador  sẽ được thưởng một trong ba giải: một cái tai bò, hai cái tai bò hay hai tai bò và cái đuôi.

Ở Tây Ban Nha người ta nuôi bò mộng để dùng vào kỹ nghệ đấu bò và hàng năm có khoảng 24,000 con bò tót (bulls, tiếng TBN: toros) bị giết bởi vậy rất nhiều tổ chức bảo vệ súc vật lên án, coi đấy là hành động tàn ác đối với súc vật nhưng người Tây Ban Nha và các nước Nam Mỹ chịu ảnh hưởng của Tây Ban Nha coi đấy là một môn thể thao đậm tính dân tộc, nói lên sự can đảm của một đấu sĩ trước con bò mộng nặng tới 500 ký với hai cái sừng có thể húc thủng bụng đấu sĩ bất cứ lúc nào nếu vô ý hay vụng về.

Giải thích của nữ hướng dẫn viên: giết trước hay sau cũng là giết. Hình TVTS

Người Tây Ban Nha còn coi đấu bò là một nghệ thuật bởi vẻ đẹp của một metador khi vẫy khăn đỏ, bước những bước đẹp như  người ta nhảy điệu passodoble, liến thoắng, lượn quanh con bò mộng và cuối cùng là cắm một nhát kiếm thành thạo và ngọt lịm tới tim con vật.

Thi sĩ Fray Luis de Lein nói: “Đấu bò chính là máu của người Tây Ban Nha, họ sẽ không ngừng lại khi chưa đối diện với nấm mồ”.

Còn vua Carlos của xứ này? Người ta kể rằng vua Tây Ban Nha  đã có lần nói ngày nào mà Liên Âu cấm đấu bò ngày đó là ngày nướcTây Ban Nha rút chân ra khỏi Liên Âu!

 

Flamenco: ca vũ nhạc Tây Ban Nha

Cũng trong ngày hôm nay, khi tối đến chúng tôi đi xem Espana baila flamenco (vũ flamenco Tây Ban Nha) tại hí viện Teatro Munoz Seca, nằm giữa Cổng Mặt Trời và đại lộ Calle Gran Via.  Thứ Ba và Thứ Tư có giá đặc biệt nên hôm nay chúng tôi chỉ tốn mỗi người 15 Euro nhưng được ngồi trên lầu, hàng ghế thứ năm, thấy rõ cả sân khấu.

Có hai xuất vào 7pm và 9pm, kéo dài 1 tiếng rưỡi. Chúng tôi coi xuất 7 giờ để còn giờ đi ăn đồ biển ở cái chợ ăn đứng Mercado de San Miguel mà chúng tôi đã ăn đêm trước và vẫn còn mê tơi.

Xuất này hầu như chật rạp. Tôi nghĩ phần lớn khán giả là người địa phương bởi người Tây Ban Nha mê flamenco cũng như ta mê cải lương vậy.

Flamenco là vũ điệu phát xuất từ dân du mục ở xứ Andalusia miền nam Tây Ban Nha chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa người Moor Bắc Phi nhưng người Tây Ban Nha đã biến nó thành vũ điệu dân tộc mà chủ yếu là những bước nhảy quay tít những lớp váy bồng bềnh theo tiếng nhạc và tiếng đàn guitar và tiếng nện giày trên sàn gỗ kết hợp với bộ gõ trong lòng bàn tay.

Vũ flamenco chủ yếu tập trung vào đôi chân nhưng vũ công cũng sử dụng đôi tay để diễn tả nên trông linh động, lả lướt hay uyển chuyển và khúc chiết như trong tuồng hát bội của Việt Nam.

Có lúc một đoàn gồm nam nữ, có lúc từng nhóm nam riêng nữ riêng hay từng người với những nhạc công đánh đàn guitar gỗ ở hậu trường. Không có giới thiệu, trình diễn liên tục.

Passodoble (hình Krypto) và matador (hình TVTS): những bản sắc của Tây Ban Nha. Hình TVTS

Tôi vẫn thích những màn trình diễn của toàn ban hơn là cá nhân, bởi những bản nhạc của một người biểu diễn nhảy “thiết hài” của nam vũ công lâu quá cũng đâm chán, nhưng lại nhận được nhiều tràng vỗ tay nhất của khán giả.  Một tiếng rưỡi xem vũ cũng là đủ cho một người ngoại đạo như tôi đối với vũ điệu này.

Nghệ thuật flamenco có 3 phần: hát, đánh đàn guitar và vũ.

Vũ flamenco cùng với flamenco guitar (hơi giống classical guitar) là vẻ đẹp nền văn hóa nghệ thuật của Tây Ban Nha bạn đã gặp đâu đó trong cuộc sống, không cần phải tới tận Madrid để trải nghiệm, như đi xem đấu bò tót. (còn tiếp)