Việt Nam cần chính sách rõ ràng để đảm bảo tương lai của điện gió ngoài khơi

23 Tháng Bảy, 2021 | Tin Việt Nam
Ảnh minh họa: Dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. Photo courtesy: Reuters

Việt Nam có thể trở thành quốc gia đi đầu về điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam cần giải quyết một số thách thức về chính sách và quy định bảo vệ nguồn đầu tư và phát triển các dự án điện gió. Đó là khuyến nghị mà Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) đưa ra trong một báo cáo công bố mới đây. Mạng báo Power Engineering International đưa tin ngày 23/7.

Tin trích báo cáo vừa ra mắt của Hội đồng GWEC và Nhóm Tư vấn Năng lượng, cho biết Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng gió mang đẳng cấp thế giới tuy nhiên nước này đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng về chính sách năng lượng tái tạo và cần hành động ngay bây giờ để đẩy nhanh việc phát triển năng lượng gió ngoài khơi trong thập kỷ này.

Báo cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam khẩn trương áp dụng giai đoạn chuyển tiếp đối với điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp một quá trình tham vấn có hệ thống và cởi mở trong việc thiết kế mua sắm và đấu thầu trong tương lai.

GWEC gợi ý các chính sách cần được giải quyết khẩn cấp bao gồm việc nâng mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi từ mức 2GW vào năm 2030 của Quy hoạch điện 8 đang được Bộ Công thương soạn thảo lên mức 10GW nhằm tối đa hóa lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường đồng thời giải quyết vấn đề biểu giá ưu đãi FIT cho điện gió ngoài khơi hết hạn vào tháng 11/2021.

GWEC khuyến nghị Việt Nam có một cách tiếp cận phối hợp hơn, xem xét sự tương tác của chính sách đấu thầu với các yếu tố khác như niềm tin của nhà đầu tư và sự trưởng thành của chuỗi cung ứng, cũng như đảm bảo một giai đoạn chuyển đổi phù hợp để chuyển sang một cơ chế mới.