Đài Loan-Trung Cộng: Úc đã có sự lựa chọn rõ rệt

16 Tháng Sáu, 2021 | Bình Luận
Hình ảnh cờ Đài Loan và Trung Quốc cùng các máy bay quân sự trong bức ảnh minh hoạ chụp hôm 9/4. Trung Quốc đã điều lượng máy bay lớn nhất từ trước tới nay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan để đáp trả cái mà Bắc Kinh gọi là “sự thông đồng” với nước ngoài. Photo courtesy: REUTERS

Cách  đây 25 năm, kể từ ngày đảng Tự do cầm quyền dưới thời Thủ tướng John Howard, nước Úc đã tìm cách lôi cuốn Trung Cộng (TC) ngả về phía Tây phương, dù trước đó đã có vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn. Tuy đường lối khác nhau nhưng cả Lao động lẫn Tự do khi cầm quyền đều muốn kéo TC về phía Tây phương nói chung và Úc nói riêng với quan niệm lợi đôi đường: đời sống dân Tàu khá hơn thì họ sẽ cởi mở hơn khi tiếp cận với các nền dân chủ Tây phương và các nước bang giao với TC sẽ hưởng lợi về mặt kinh tế với bạn hàng khoảng 1.2 tỉ người lúc đó.

Và vì vậy chẳng bao lâu TC trở thành bạn hàng lớn nhất của Úc, qua mặt cả Mỹ và Nhật. Sinh viên Tàu đua nhau ghi danh học ở Úc. Cả triệu khách TC du lịch hàng năm. Nông sản, khoáng sản, hải sản Úc ồ ạt xuất cảng sang TC. Nhiều doanh nghiệp, nông trại, nhà máy được bán cho người Tàu. Thậm chí cả cảng Darwin có tính cách chiến lược lâu dài cũng cho công ty Tàu thuê 99 năm. Nhưng nay, hầu như mọi sự đã đảo ngược.

Trước đây, chẳng mấy người Úc để ý đến hòn đảo có tên là Đài Loan vì nước Trung Hoa Dân Quốc đã trở thành quá khứ vào năm 1979 khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để nhìn nhận Bắc Kinh. Cho đến gần đây Biển Đông trở thành nơi TC xây các căn cứ quân sự và tranh chấp với các nước trong vùng. Tổng thống Thái Anh Văn không chấp nhận Đài Loan là một tỉnh của TC dù Bắc Kinh dọa sẽ thống nhất bằng vũ lực. Nếu TC chiếm được Đài Loan thì Hoa Kỳ sẽ không còn làm bá chủ Á Châu và Thái Bình Dương, an ninh của các quốc gia đồng minh thân thiết trong vùng có thể lâm nguy, đặc biệt là Nhật Bản và Nam Hàn vì Đài Loan là cửa ngõ ra Thái Bình Dương, là tiền đồn để Bắc Kinh kềm chế những nước trong khu vực như Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương.

Là một đồng minh thân thiết bậc nhất trong hơn một thế kỷ, Úc cảm thấy có nhiệm vụ phải cùng Hoa Kỳ và các đồng minh chận đứng sự bành trướng của TC bằng cách bảo vệ Đài Loan, tức là bảo vệ mình. Ngoài sự gia tăng thương mại với một quốc gia dân chủ và kinh tế phát triển có 24 triệu dân, Úc đã ít nhất hai lần vận động để Đài Loan được làm quan sát viên của Cơ quan Y tế Thế giới (WHO) của Liên Hiệp Quốc với lý do  Đài Loan thành công trong việc chống lại đại dịch Vũ Hán nên sẽ mang lại những kinh nghiệm quý báu cho 194 hội viên của WHO.

Nhưng trước áp lực của TC  và sự chi viện của Bắc Kinh cho nhiều thành viên, đại hội đồng của WHO năm ngoái đã bác bỏ đề nghị của Úc được khoảng 20 quốc gia dân chủ ủng hộ. Đầu tháng này, một lần nữa sự vận động của Úc dành cho Đài Loan làm thành viên của WHO -một bước trong việc được quốc tế thừa nhận- cũng đã thất bại vì TC. Không lạ gì cựu Tổng thống Donald Trump năm ngoái đã gọi WHO là bù nhìn của TC và đã rút ra khỏi WHO, không còn làm mạnh thường quân đóng góp cả nửa tỉ đô la hàng năm cho WHO.

Việc ủng hộ Đài Loan làm quan sát viên WHO  là một tuyên cáo chính trị và ngoại giao gián tiếp đối với Trung Cộng nên những đe dọa “trừng phạt” hay trả đũa của Bắc Kinh chẳng có nghĩa lý gì ngoài là trò “tống tiền”—blackmail để hù những doanh gia thật sự “sợ” Tàu! Muốn giúp Đài Loan giữ vững “tiền đồn”, phải giúp Mỹ bằng cách cho Mỹ lập căn cứ quân sự ở vùng “giới tuyến”—Top End- của Úc chứ không chỉ là nơi cho vài trăm, vài ngàn Thủy quân Lục chiến luân phiên đến tập luyện. Như  Quyền Đại sứ Mỹ tại Canberra Mike Goldman trong một cuộc phỏng vấn với ký giả báo The Australian, Mỹ cần hợp tác với Úc để thành lập căn cứ quân sự ở Bắc Lãnh, nới rộng đường bay phi trường Tindal của Không quân Úc ở phía nam thành phố Darwin dài 3.3 cây số để có thể chứa pháo đài bay B-52, lập kho dự trữ nhiên liệu và cùng hợp tác với Mỹ để chế tạo các hỏa tiễn ngay trên đất Úc. Vì các căn cứ ở đảo Guam hay các nơi khác nằm trong tầm của hỏa tiễn TC.

Đó chỉ là những dự thảo, chưa tiến hành cũng như ý tưởng hủy hợp đồng cho thuê cảng Darwin. Chủ trương đã quá rõ ràng, chỉ còn thời gian để thi hành.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1837 phát hành ngày 09.06.2021)