Hoa Kỳ làm mất niềm tin của đồng minh

01 Tháng Chín, 2021 | Bình Luận

Chủ Nhật 15/8 những người yêu chuộng tự do dân chủ đã phải bàng hoàng khi nghe tin quân khủng bố Tabiban đã vào Dinh Tổng thống ở thủ đô Kabul mà chẳng nghe tiếng súng hay gặp sự kháng cự nào từ quân đội A Phú Hãn.

Đối với người Mỹ và những binh sĩ Mỹ đã từng chiến đấu hay bị thương tích khi thi hành nhiệm vụ mà đất nước giao phó, họ còn sửng sốt và tức giận khi Tổng thống Joe Biden kiêm tổng tư lệnh quân đội im lặng tại trại nghỉ mát trước sự chỉ trích tứ phía. Một ngày sau tổng thống mới trở lại Tòa Bạch Ốc đọc bài diễn văn, quay lưng không trả lời báo chí và tiếp tục trở về nơi nghỉ mát trong khi tính mạng những công dân Mỹ đang kẹt lại A Phú Hãn bị đe dọa bởi bọn khát máu Taliban.  Như phát ngôn viên báo chí Bạch Ốc nói thì tổng thống lúc đó đã không liên lạc với các lãnh tụ đồng minh. Phải vài ngày sau, ông mới trở lại Tòa Bạch Ốc.

Tổng thống Biden nói việc quân Taliban chiếm Kabul quá nhanh và quá dễ dàng là một sự bất ngờ đối với ông. Nhưng quyết định rút quân khỏi A Phú Hãn là của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông chỉ là người thi hành nhưng thay vì tháng 5 ông đã gia hạn đến ngày 11.9.2021. Một lý do khác để ông rút quân vì quân đội A Phú Hãn không chịu đánh để bảo vệ chính đất nước họ thì Mỹ ở lại thêm 1 năm, 5 năm hay 10 năm cũng thế thôi.

Việc đổ lỗi cho người tiền nhiệm và đồng minh mà Mỹ đưa quân sang để bảo vệ là một lối chạy tội, phủi tay không xứng đáng với trọng trách của vị tổng tư lệnh. Nếu quyết định rút quân, thì phải có thời gian chuẩn bị và có phương kế đối phó với địch cũng như bảo vệ công dân và binh sĩ đồng minh của mình, kể cả những người A Phú Hãn đã cộng tác với Hoa Kỳ nay muốn xin tị nạn. Tổng thống Biden nói ông giữ vững lập trường về quyết định của ông. Nhưng đó là một quyết định quá tồi tệ, gây tổn thất trong hiện tại và uy tín của Mỹ trong tương lai. Liệu còn bao nhiêu người tin vào Hoa Kỳ, nước được cho là lãnh đạo của thế giới tự do?

Ông Tom Tugendhay, một dân biểu bảo thủ Anh từng chiến đấu ở A Phú Hãn và hiện là chủ tịch Ủy ban Ngoại giao, phát biểu tại Quốc hội rằng Tổng thống Mỹ chỉ trích những quân nhân ông Tugendhay từng sát cánh chiến đấu bỏ chạy, là đáng xấu hổ, cho nên những ai chưa từng mặc quân phục thì nên thận trọng khi phê phán những người ở trong quân ngũ.

Cuộc chiến A Phú Hãn khởi đầu từ thời Tổng thống George W Bush, kéo dài qua các đời tổng thống Barack Obama, Donald Trump và nay là Joe Biden. 20 năm chiến tranh quả thật tốn kém và thiệt hại (1,000 tỉ Mỹ kim và trên 2,300 binh sĩ hy sinh) quả là một cái giá rất lớn khiến ông Trump quyết định rút quân sau khi thương lượng riêng với Taliban. Nhưng thương lượng có nghĩa là đặt điều kiện và bên nào không tuân thủ sẽ bị chống trả hay trừng phạt. Còn ông Biden chỉ việc nhắm mắt rút lui, ban đầu lại chọn cái ngày 11 tháng 9 (sau đổi qua ngày 31/8). Vì thế đã có những chính trị gia Cộng hòa yêu cầu ông Biden hãy từ chức.

Úc có 41 và NATO có trên một ngàn binh sĩ thiệt mạng tại A Phú Hãn nhưng Tổng thống Donald Trump quyết định rút quân mà không tham khảo hay có sự đồng ý của đồng minh. A Phú Hãn cũng như Việt Nam Cộng Hòa trước đây đã không được ngồi cùng  bàn thương thảo với đối phương. Vì vậy, không lấy làm lạ khi bà Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cuối tuần qua tuyên bố Đài Loan phải tự bảo vệ mình chứ không nên hoàn toàn phó thác cho kẻ khác.

Hình ảnh chiếc máy bay C-17 chất chứa khoảng 800 người ngồi bệt dưới sàn và những người A Phú Hãn chạy theo máy bay, đu vào bánh xe khiến người ta nhớ lại Sài Gòn ngày 30.4.1975. Thế mà trước đó Tổng thống Biden tuyên bố sẽ không có cảnh như tại tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn năm xưa.

Mất Sài Gòn, 15 năm sau Mỹ làm Liên Xô tan rã. Nhưng liệu mất Kabul có làm Trung Cộng tan vỡ từng mảng, 5 ngôi sao thành 5 nước!

Hy vọng được như vậy. Nhưng trước mắt, các nước Á Châu sẽ đối phó với lực lượng khủng bố Hồi giáo quá khích được truyền cảm hứng từ chiến thắng của Taliban và sự tiếp tay của 5,000 tù binh Al Qaeda được Taliban thả khi chiếm Kabul.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1848 phát hành ngày 25.08.2021)