Ga Flinders- hẹn nhau dưới dãy đồng hồ

06 Tháng Chín, 2021 | Tin tức,Tin nước Úc
Ga Flinders thời đại dịch. Hình: Reuters

LTS: HTNga, một độc giả của TVTS, cách đây vài năm có gởi vài bài viết về một thuở Việt Nam trước năm 1975 khi miền Nam đang chiến đấu chống CS Bắc Việt. Tuần này, khi cả Melbourne bị lockdown, HTNga gởi bài viết về một landmark của thành phố này. Cám ơn HTNga vẫn ủng hộ TVTS và xin giới thiệu với bạn đọc.

* * *

Flinders Street Station là nhà ga xe lửa đầu tiên được xây ở Úc, có thể nói kiến trúc cũ kỹ nhưng khá nổi tiếng này là trái tim của Melbourne và là một trong những landmarks đặc biệt của thành phố. Đây là một trong những nhà ga bận rộn nhất ở vùng nam bán cầu với hơn 1500 xe lửa và cả trăm ngàn hành khách đi ngang mỗi ngày.

Nhà ga Flinders Street được hoàn thành vào năm 1910 do hai kiến trúc sư James Fawcett và H.P.C. Ashworth vẽ kiểu. Đó là một kiến trúc tiêu biểu của thời đại Edward VII với tường sơn màu vàng mù tạt đặc trưng, mái vòm bằng đồng màu ngọc lam, bậc thềm dài dẫn lên lối vào hình cung và đặc biệt là 13 chiếc đồng hồ treo ở mặt tiền để báo cho hành khách biết giờ khởi hành sắp tới của từng chuyến xe lửa chạy ra ngoại ô. Dân Melbourne có câu “I’ll meet you under the clocks” hoặc câu “I’ll meet you on the steps”, ý nói hẹn gặp nhau ở trước nhà ga Flinders. Có thể nói nơi đây là khởi đầu của vô số những chuyện tình và là nơi tụ họp gặp gỡ của rất nhiều nhóm biểu tình mà mới đây nhất là vụ biểu tình của nhóm chống lockdown, chống vaccine.

Flinders Street station được đưa vào danh sách bảo tồn của Victorian Heritage vào năm 1982 và bắt đầu được trùng tu vào năm 2015. Bốn triệu viên gạch lần đầu tiên được chùi rửa và sửa chữa, mái vòm được dọn dẹp sạch sẽ, người ta ước lượng đã moi ra khoảng 10 tấn phân chim bồ câu tích tụ cả trăm năm ở dưới mái, tốn hơn 5 ngàn lít sơn để khôi phục lại màu tường vàng nguyên thủy. Bề ngoài kỳ lạ hơi có vẻ Ấn độ của nhà ga Flinders đã nảy sinh một giả thuyết cho rằng khi xưa thiết kế kiến trúc của hai nhà ga chính ở Melbourne và Bombay vô tình đã bị tráo đổi, người ta nói Victoria Terminus Station ở Bombay với lối kiến trúc Gothic đáng lẽ là của Melbourne, còn Flinders Street Station với lối kiến trúc East-Indian đúng ra phải được xây ở Mumbai.

Chuyện lộn họa đồ kiến trúc chẳng biết hư thực ra sao, nhưng câu chuyện đồn đãi khá ly kỳ đã tăng thêm phần hấp dẫn và kỳ bí của nhà ga Flinders. Riêng với tôi, Flinders Street Station là một phần kỷ niệm của những ngày đầu đến Úc, được hít thở không khí tự do sau mấy năm bị sống với cộng sản. Ai đã đến Úc vào những năm 70’s chắc vẫn còn nhớ cuộc sống hiền hòa êm ả và sự vắng lặng mỗi cuối tuần khi các cửa tiệm đồng loạt đóng cửa sau 12 giờ trưa thứ bảy. Thời đó tôi vẫn còn đang tuổi đi học lại xa gia đình, cuối tuần ở hostel buồn quá nên thường đón xe lửa ra CBD, nơi độc nhất shop còn mở và có đông người nhộn nhịp qua lại. Con bé tay cầm bản đồ, miệng thì lâm râm câu “thần chú” cô giáo bản xứ dạy : King, William, Queen, Elizabeth- tên của 4 con đường chính ngoài city đặt theo thứ tự hoàng gia, cứ thế mà mòn gót đi lang thang khắp xó xỉnh. Cũng có đôi lần bắt chước thiên hạ ghé sạp báo mua thỏi kẹo cao su và tờ The Age. Nhớ ngày đó tôi đứng phân vân rất lâu ở quầy bởi lẽ có quá nhiều tờ báo, cuối cùng chọn mua tờ The Age do khổ báo lớn quen thuộc gần giống tờ Chính Luận ngày xưa. Mua xong cũng bày đặt ngồi ở bậc thềm trước ga Flinders xem báo, chỉ giả bộ đọc chớ trình độ English for today đệ nhất cấp ngày đó còn khuya mới đọc nỗi tờ The Age vốn là tờ báo kén độc giả, khó đọc hơn tờ báo bình dân The Herald Sun. Bậc thềm trước nhà ga nghe nói sau này được gắn hệ thống sưởi với mục đích giữ cho thềm được khô ráo không bị trơn trợt vào những ngày mưa.

Dưới 13 cái đồng hồ: I’ll meet you under the clocks. Hình: Reuters

 

Nằm ở góc đường Flinders và Swanton- một vị trí bận rộn đông đúc nhất của thành phố, có thể nói nhà ga Flinders là tòa kiến trúc được chụp hình nhiều nhất ở Melbourne. Ngày xưa Flinders Street Station không chỉ đơn thuần là một nhà ga xe lửa đưa đón hành khách mà bên trong còn có phòng họp, thư viện, gym, chỗ giữ trẻ. Ga Flinders còn là một chốn để giải trí với nhà hát và một phòng khiêu vũ chứa được tới 400 người. Tiếc thay những phòng này đã lâu không còn được sử dụng và chính phủ tiểu bang cũng không có kế hoạch tu bổ sửa chữa.

Tôi chắc người Việt ở Melbourne ai cũng đã ít nhất một vài lần đón xe lửa ở nhà ga Flinders, nhưng có lẽ ít người biết đã có một thời Flinders Street Station qua mặt ba nhà ga nổi tiếng: Gare Saint-Lazare của Paris, Grand Central Station của New York và Liverpool Street Station của London để trở thành nhà ga đông đúc và bận rộn nhất thế giới với hơn 200 ngàn hành khách đi qua mỗi ngày. Giống như nhiều ngôi nhà cổ và những kiến trúc cũ kỹ khác, ga xe lửa Flinders cũng bị hành khách đồn có ma, con ma hiền lành không dọa người có tên George thường xuất hiện ở platform 10, tay cầm dụng cụ câu cá và mắt hướng về phía sông Yarra. Cũng xin nói thêm Platform 10 là tuyến đường đi Werribee và Williamstown, tức là chuyến xe lửa tôi cần đón ngày còn bé nhưng có lẽ đi ban ngày nên chưa bao giờ tôi gặp ông ma George.

Từ lúc biết được nhiều câu chuyện lý thú chung quanh nhà ga Flinders tôi càng thích ngắm nghía ngôi building nổi tiếng này mỗi khi có dịp ra city. Tìm một chỗ ngồi trên bậc thềm và trầm tư thả hồn về quá khứ, dõi mắt nhìn ra đường phố cố tìm một chứng tích lịch sử đã biến đổi Melbourne từ một khu lập nghiệp nhỏ của người da trắng hơn trăm năm trước thành một thành phố đa văn hóa phồn thịnh và đông đúc như bây giờ. Từng ngõ ngách, mỗi tòa nhà cho đến từng cột điện dường như có chứa đựng nhiều chuyện muốn kể cho những ai biết lắng nghe. Lòng thầm ước phải chi những bức tường vàng ở nơi này biết nói…

HTNga

Trích  TVTS số 1848 phát hành ngày 25.8.2021