Lấy chồng xem tông…

08 Tháng Chín, 2021 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

(Thư cháu X)

Quý bạn đọc thân mến,

Tuần này, TL trả lời thư cháu X, một cô gái không được gia đình chấp thuận cho lấy người yêu chỉ vì “tông giống”. Sơ lược nội dung thư như sau:

X, đã trên 25, có sự nghiệp, quen và yêu A từ mấy năm nay; hai người đã “thân mật”. Theo nhận xét của X, A là một người con trai “perfect”: good looking, có sự nghiệp, tính tình rất đàng hoàng, không tứ đổ tường, luôn luôn tôn trọng và tìm mọi cách làm vui lòng bạn gái… Nhưng tới khi X công khai hóa chuyện tình của mình với gia đình thì bị phản đối kịch liệt. Lý do: cha mẹ A đã chia tay nhau từ lâu, và cả hai sau đó đều chỉ cặp kè chứ không bước thêm bước nữa. Dù X đã cố gắng thuyết phục, cũng không có kết quả, gia đình cứ viện dẫn câu “lấy chồng xem tông, lấy vợ xem giống” để bác bỏ.

Trả lời của Thanh Lan:

Cháu X thân mến,

Trước tiên, cô nói về câu “lấy chồng xem tông, lấy vợ xem giống” mà gia đình cháu khuyên cháu. Đúng ra, câu của ông bà dạy là “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, hoặc “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”. Sở dĩ có câu này là vì nơi một người vợ, nết na là yếu tố quan trọng nhất, còn nơi người chồng là sức khỏe.

Vì thế, khi chọn vợ, điều quan trọng nhất là tìm hiểu tông môn, viết một cách dễ hiểu hơn là tìm hiểu xem cha mẹ ông bà, anh chị em, thậm chí cả cô dì chú bác của người con gái ấy có phải là người đạo đức, đàng hoàng tử tế hay không, nếu không, cô gái không chỉ bị đánh giá thấp mà còn bị cho là sẽ giống những người nói trên. Ngược lại, khi chọn chồng, người ta sẽ ưu tiên tìm hiểu dòng giống, để xem gia đình, họ hàng ba đời của chàng trai ấy có ai bị “tật” hay không; bởi nếu có, sẽ di truyền.

Ngày nay, cho dù đầu óc con người đã cởi mở hơn, khoa học đã tiến bộ hơn, câu nói “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” của ông bà truyền lại vẫn còn phần nào giá trị, có khác chăng là chọn vợ hay chọn chồng, cũng phải xem cả “tông” lẫn “giống”.

Nhưng kể cả “tông”, “giống” vẫn có những trường hợp trừ. Mỗi năm tới mùa Vu Lan, chúng ta lại nhớ truyện Mục Liên – Thanh Đề, để rồi tự hỏi làm sao một người mẹ suốt đời gây nghiệp ác, phải sanh làm ngạ quỷ như bà Thanh Đề lại có thể sanh ra một người con sau này trở thành Bồ Tát như Mục Liên?

Hoặc những ai mê truyện kiếm hiệp Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung, khinh ghét gã Dương Khang chơi bời khét tiếng thể nào, thì cũng yêu quý mến phục con trai của y là Dương Qua như thế.

Tóm lại, trong khi “giống” có thể là di truyền thì “tông” không nhất thiết phải như thế.

Và muốn thuyết phục gia đình thì cháu phải chứng minh A của cháu không giống “tông” của cha mẹ. Chứng minh bằng cách thường xuyên đưa A về nhà mình để A có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với gia đình cháu, từ đó hy vọng sẽ thay đổi, giảm bớt thành kiến của gia đình cháu đối với A, cũng như thấy được tình yêu mà A dành cho cháu.

Bên cạnh đó, chúng ta thấy những người con xuất thân từ gia đình nghèo hèn cố gắng học hành để vươn lên như thế nào, thì những người con sinh ra trong một gia đình tan vỡ sẽ càng ra sức xây dựng, trân quý hạnh phúc lứa đôi của chính mình như thế.

Tóm lại, phương cách duy nhất để thuyết phục gia đình cháu là phải dể gia đình cháu thấy được tư cách con người và thiện chí của A. Phần cháu, phải kiên nhẫn.

Thanh Lan

TiVi Tuần-san 1459