Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam

17 Tháng Chín, 2021 | Tin Việt Nam
Nông dân thu hoạch thanh long (Hình minh họa). Photo courtesy: VTV

Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam trong một tuần bắt đầu từ ngày 15/9. Nguyên nhân được nói do tìm thấy coronavirus trên bao bì và hộp các-tông được vận chuyển từ tỉnh Quảng Ninh.

Truyền thông trong và ngoài nước dẫn nguồn từ thông báo trên website của Bộ Thương mại Việt Nam đưa tin ngày 16/9.

Tin cho biết, nhà chức trách ở khu vực Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc, giáp với Việt Nam, đã thông báo cho Bộ Thương mại VN về việc dừng hoạt động để tiếp tục kiểm tra các lô hàng thực phẩm nhập khẩu để tìm bằng chứng về mầm bệnh.

Tuy nhiên, sau 23h00 ngày 21/9, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm này.

Nếu tiếp tục phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm PCR trên thanh long hoặc mặt hàng khác, cơ quan phòng chống dịch Covid-19 Đông Hưng sẽ gia hạn thời gian tạm dừng thông quan nhập khẩu thêm 1 tuần đối với mặt hàng đó. Nếu phát hiện 3 lần dương tính, mặt hàng đó sẽ bị tạm dừng thông quan 4 tuần.

Trung Quốc đã thận trọng kiểm tra thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thịt và hải sản, để tìm dấu vết của vi-rút, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới cho biết không có bằng chứng về việc người dân nhiễm vi-rút từ thực phẩm và bao bì thực phẩm.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương VN, dẫn thông tin từ Hải quan Trung Quốc, cho biết Trung Quốc nhập khẩu thanh long chủ yếu từ Việt Nam với lượng chiếm 99,99% tổng lượng thanh long nhập khẩu, còn lại là lượng nhập khẩu từ thị trường Đài Loan.

Còn theo lời ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam được báo chí trích dẫn, Trung Quốc là điểm đến hàng đầu của thanh long Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng lượng xuất khẩu và lên tới 1 tỷ USD mỗi năm.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến diễn ra sáng 17/9 về bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các đại biểu đưa ra đề xuất: ưu tiên tiêm phòng vắc-xin Covid-19, giảm chi phí xét nghiệm cho lao động làm việc “3 tại chỗ”; khuyến khích nông dân trở lại sản xuất và hỗ trợ lao động trở lại làm việc tại các vùng sản xuất, nhà máy, cơ sở chế biến; tăng cường kết nối thị trường để tránh đứt gãy thêm chuỗi sản xuất.