Tân Tây Lan (kỳ 2): Vé máy bay, khách sạn và chuyện tài xế Kiwi

28 Tháng Chín, 2021 | Du lịch,Tân Tây Lan
Trực thăng này đưa chúng tôi từ Rotorua Lake bay qua Hells Gate và Mount Tarawera xem các hồ nước nóng và các miệng núi lửa đã ngưng hoạt động

Bút ký du lịch Nguyễn Hồng Anh ***

Người ta nói vé máy bay đi Tân Tây Lan rẻ lắm, chỉ vài trăm Úc kim thôi,  cũng tựa như đi từ Melbourne qua thành phố Perth ở Tây Úc (khoảng cách 2,730 km)hay lên khu nghỉ mát Cairns ở Queensland (2,324 km), rằng thời gian bay và tiền vé không cách nhau bao nhiêu.

Một người bạn của tôi nói bà đã mua vé đi Tân Tân Lan vào dịp bán hạ giá nên vé khứ hồi chỉ khoảng $400 đô la mà thôi, rằng được như vậy là nhờ theo dõi trên internet và mua nhiều tháng trước.

Mua vé: Qantas hay Air New Zealand?

Tháng Giêng năm 2008 gặp lúc hứng chí muốn đi chơi xa, tôi dự tính đưa vợ con đi Tân Tây Lan nhưng khi lên mạng xem giá cả thì thấy giá vé trung bình là $1,000 đô la một người trong khi đó đi Cairns khoảng $800. Lướt một vòng những đảo quốc trong vùng Nam Thái Bình Dương, thấy giá vé khứ hồi đi Vanuatu chỉ $1,005  nên chúng tôi đã mua ngay và vì thế đã có bút ký “7 ngày ở xứ đảo thần tiên”.

Năm nay, vào giữa tháng 11 gặp lúc học sinh đang chuẩn bị thi tú tài và các trường học chưa nghỉ hè, tôi lên internet xem giá cả vé máy bay của hãng Qantas và Air New Zealand. Lần này tôi tính toán kỹ hơn, mua trước 21 ngày để bảo đảm còn chỗ với giá vé rẻ.

Lướt mạng Qantas thấy giá vé trung bình từ $550 đến $600 nên tôi nghĩ rất có cơ hội cả gia đình cùng đi. Lại lướt mạng Air New Zealand, thấy quảng cáo giá vé một chiều đi Auckland chưa tới $150, còn rẻ hơn cả bay từ Melbourne qua Adelaide, nên tôi nói với nhà tôi phải tức tốc mua ngay kẻo hết chỗ.

Nhưng khi làm thủ tục, đến đoạn cuối thì giá vé cũng lên tới $260 bởi vì còn phải cộng nhiều loại thuế. Đây là kinh nghiệm để khi bạn mua vé on-line khỏi bị hụt hẫng bởi mỗi hãng máy bay có một cách bán vé khác nhau. Nhìn giá của Qantas là bạn đã biết rằng giá vé quảng cáo từ đầu cũng sẽ là giá cuối cùng vì đã bao gồm mọi chi phí. Giá vé của Air New Zealand chưa tính các loại thuế, nên chớ vội mừng!

So sánh, tôi thấy giá vé hai hãng chẳng cách biệt nhau bao nhiêu. Nhưng cùng một hãng, tùy ngày đi và giờ bay mà giá vé có thể cách nhau vài chục đô la. Vì thế tôi muốn mua vé Qantas hơn  vì “lòng ái quốc” cũng có và cũng vì Qantas vẫn còn nổi tiếng an toàn.

Mua vé khứ hồi đến một địa điểm thì dễ. Nhưng nếu bạn muốn mua vé lượt đi Melbourne-Auckland và lượt về Wellington-Melbourne như chúng tôi đã chọn, bạn không thể mua online với Qantas được. Bạn chỉ có thể mua lượt đi, chứ lượt về dù từ Aukland hay Wellington, không thấy bán online, tôi không hiểu tại sao.

Nhưng với hãng Air New Zealand thì không thành vấn đề, có lẽ vì là hãng nhà nên có nhiều chuyến để phục vụ mọi nhu cầu của khách.

Vì tôi muốn tới một nơi (Auckland) và trở về từ một nơi khác (Wellington), tôi phải chọn Air New Zealand khi mua online.

Tôi không muốn đi những chuyến bay sớm hay quá trễ trong ngày, nên vì vậy phải chịu tốn thêm vài chục đô cho mỗi chuyến bay. Khoảng cách đường chim bay từ Melbourne tới Auckland là 2,629 km và thời gian bay mất khoảng 3 giờ rưỡi. Đường bay từ Wellington về Melbourne ngắn hơn 50 km nhưng vé đắt hơn khoảng $60 và mất khoảng 4 giờ bay. Tôi không hiểu tại sao, có thể vì bay ngược gió?

Giá vé khứ hồi cho một người mà chúng tôi mua của Air New Zealand trong chuyến du lịch vừa qua tổng cộng $571 Úc kim, tính cả thuế má của chính phủ. Nhưng khi trở về Melbourne, mỗi du khách trước khi vào cửa di trú và quan thuế, phải trả thuế ra đi (departure tax) $25 đô Tân Tây Lan.

Rotorua: Nước bùn trong hồ đang sôi, nóng khoảng 90 độ C

Ngày trước, Úc cũng buộc những người rời Úc (kể cả công dân) phải trả thuế departure tax, nhưng sau này không biết đã hủy bỏ hay được bao gồm trong giá vé máy bay. Nhưng bạn nên nhớ, khi rời Tân Tây Lan, vé lên phi cơ (boarding pass) của bạn phải được dán tem đã đóng thuế departure tax đấy. Tại Wellington, bạn đóng thuế ở quầy hàng đổi ngoại tệ của công ty Travelex.

Nếu bạn không quen mua vé online, bạn hãy tìm các đại lý du lịch như các đại lý đang đăng quảng cáo trên TiVi Tuần-san. Người viết cũng thường nhờ các đại lý du lịch, nhất là khi phải mua vé đi nhiều chặng đường, dừng tại nhiều thành phố ở ngoại quốc.

Và một điều bạn không nên quên, cần mua bảo hiểm du lịch (travel insurance) để đề phòng rủi ro xảy ra bởi nếu phải nằm bệnh viện ở ngoại quốc mà không có bảo hiểm thì sẽ cháy túi.

Đặt khách sạn

Sau chuyến du lịch Bắc Mỹ vào tháng 9 năm ngoái, có vài độc giả đã điện thoại đến tòa soạn hỏi tên khách sạn ở New York do vợ chồng đại triệu phú người Việt làm chủ mà chúng tôi từng trọ. Tôi đã đưa các loạt bút ký du lịch lên website của TiVi Tuần-san và nhờ vậy các độc giả có dịp để tìm.

Đi du lịch tự túc mà phải kiếm chỗ trọ là việc làm khá nhọc và tốn thì giờ. Bởi ai cũng muốn có chỗ trọ sạch sẽ tiện nghị, gần hay ngay trung tâm thành phố và quan trọng nhất là giá rẻ hay phải chăng. Đi vài ngày không nói gì, chứ vài tuần thì chắc chắn tiền trọ sẽ cao hơn cả vé máy bay.

Đừng nói đâu xa, trong chuyến du lịch vừa qua ở Tân Tây Lan, trong khi vé máy bay khứ hồi chỉ $571 Úc kim, tiền phòng giường đôi (hay hai giường đơn) mỗi đêm đối với loại khách sạn 3 sao khoảng $150 Úc kim.

Vì chúng tôi du lịch ở 3 thành phố do đó phải mất khá nhiều thì giờ để tìm hiểu. Tôi sẽ giới thiệu với các bạn những khách sạn chúng tôi đã ở và kinh nghiệm khi đặt phòng qua internet.

Trước hết bạn nên book thật sớm (xin được dùng tiếng Anh book cho gọn), càng nhiều ngày trước chuyến bay càng tốt.  Chúng tôi book khách sạn ở thủ đô Wellington chỉ  một tuần lễ trước ngày tới trọ nên hầu như chẳng còn khách sạn nào trống, ngay cả qua trung gian các công ty chuyên book khách sạn. Chúng tôi đã không biết rằng tối Thứ Bảy 14.11.09 sẽ có trận đấu giữa đội chủ nhà Tân Tây Lan và đội Bahrain để vào chung kết giải World Cup cho đến khi tới nơi thấy những người vận y phục truyền thống Á Rập ở một số khách sạn và những người bản xứ đi từng nhóm đánh trống ầm ĩ trên đường phố.

Tôi tưởng rằng khi đến thành phố Wellington sẽ phải ở trong các nhà trọ tập thể (dormitory), một việc không thoải mái cho cả gia đình, nhưng biết làm sao, vì đã không tiên liệu trước. May thay, chỉ còn một khách sạn còn chỗ trống, duy nhất với hai phòng ngủ, đó là Central City Apartment Hotel ở số 130 đường Victoria Street, 2 phòng giường đôi hai đêm giá $510 đô New Zealand. Apartment này, chúng tôi book trực tiếp với khách sạn qua internet, địa chỉ www.primehotels.co.nz. Ở apartment được cái tiện là có bếp để nấu ăn, nếu bạn muốn.

Chương trình du lịch Tân Tây Lan của chúng tôi là bay qua thành phố Auckland, nghỉ vài ngày. Sau đó đón xe bus (hay xe lửa) tới khu nghỉ mát Rotorua. Ở lại đó một hai ngày, xong đón xe tới thủ đô Wellington. Từ Wellington sẽ bay về Melbourne.

Vì đi ít ngày mà thích tới nhiều thành phố, nơi nào cũng muốn dừng lại vài ngày, nên chỉ hai ngày trước khi lên đường tôi mới book khách sạn ở Wellington.  Đề nghị bạn đọc không nên bắt chước tôi, vì sẽ hồi hộp lắm. Đi một người thì vẫn còn dễ bề ứng biến, chứ cả nhà thật là bất tiện, nếu không muốn nói sẽ làm chuyến đi mất vui.

Vào internet, thấy khách sạn nào nằm trong khu vực đề Central, bạn có thể yên chí chọn vì nó nằm ngay trung tâm phố.  Nếu bạn nhìn bản đồ, đề nghị bạn nên chọn trong chu vi các con đường Quay Street (phía bắc),  Hobson Street (tây), Wellesley Street (nam) và Queen Street (đông).

Auckland: Khách sạn Mercure Hotel Windsor trên đường Queen Street

Theo tôi, đường Queen Street có thể được coi như con đường chính của thành phố Auckland. Chúng tôi thuê khách sạn Mercure Hotel Windsor, số 58 Queen Street, loại 3 sao, giá 2 phòng một giường đôi và 3 giường đơn hai đêm tổng cộng $570 Mỹ kim (chuyển sang tiền Úc trên thẻ tín dụng là $640).

Còn Rotorua thì sao?

Tuy là thành phố du lịch nổi tiếng của Tân Tây Lan, nhưng khách sạn ở Rotorua không đắt cho lắm so với Auckland và Wellington. Ngoài những loại phòng ngủ bình dân, những apartment rẻ tiền cho thuê dài hạn, bạn có thể đặt phòng ngủ ở khách sạn loại 3 sao như chúng tôi đã làm, đó là khách sạn Ibis Rotorua, trên đường Lake End Rangiuru Street, Rotorua. Các khách sạn phần lớn nằm dọc hồ Rotorua Lake.

Một phòng có 2 giường đôi (quảng cáo trên mạng: standard 2 double beds, up to 2 adults) giá chỉ $120 đô NZ một đêm (khoảng $100 Úc kim). Tôi không hiểu tại sao họ lại sắp xếp 2 giường loại double mà không phải là 2 giường single cho 2 người lớn. Bởi vì nếu hai vợ chồng ngủ trên 1 giường đôi thì trong phòng sẽ dư 1 giường đôi. Có thể khách sạn dự trù cho những người to con khi chia chung phòng? Nhưng đó là chuyện của khách sạn. Giá rẻ, tôi và bạn cứ việc đặt.

Từ phi trường về thành phố, hai lần đi hai lần xe đưa lộn

Hầu như ở các thành phố lớn của những nước tân tiến đều có phương tiện di chuyển công cộng cho hành khách từ phi trường về trung tâm thành phố và ngược lại.

Tôi biết từ Melbourne ra phi trường Tullamarine có xe bus và xe lửa, nhưng tôi chưa bao giờ dùng vì không tiện bằng taxi, được đưa rước tận cửa. Vả lại đi đông người trong một chuyến taxi thì cũng không đắt hơn bao nhiêu. Cho đến nay, tôi chỉ mới dùng phương tiện công cộng một lần trong chuyến du lịch Nhật Bản bằng cách đi xe lửa giữa phi trường Narita và thành phố Tokyo.

Trong cuốn sách hướng dẫn có tên Arrival – The Guide to New Zealand  ấn bản số 29 Mùa Xuân 2009, người ta cho biết đoạn đường từ phi trường quốc tế về thành phố Auckland dài 21 cây số.

Suối nước nóng (geyser) phun từng cột hơi nước từ dưới đất lên trời hàng chục mét và những miệng núi lửa trong khu du lịch Rotorua

Cứ mỗi 15 phút có một chuyến xe Airbus đi từ trạm phi trường về thành phố, bắt đầu từ 5.15am cho đến 10.15pm, bảy ngày trong tuần. Mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 45 phút. Giá vé một chiều $16 đô NZ hoặc khứ hồi $23 cho một người. Xe đậu cách cửa ra phi trường 20 mét bên tay phải. Bạn có thể mua vé qua máy tự động hay trả tiền cho tài xế trên xe bus.

Cũng theo cuốn sách hướng dẫn này, tiền taxi khoảng từ $60 đến $70 đô NZ. Trước khi đi Tân Tây Lan, tôi đã không có dịp đọc cuốn Arrival – The Guide to New Zealand (vì chỉ khi đến khách sạn hay trung tâm phố, mới có thể kiếm được các loại tài liệu hướng dẫn du lịch này) nhưng nghĩ rằng với một gia đình 5 người, đi taxi chẳng đắt hơn bao nhiêu. Hôm chúng tôi đi từ phi trường về Auckland xe cộ bị kẹt, chạy rất chậm và giá taxi là $87 (nếu đi xe bus cũng mất $80).

Ngồi xe, gặp bác tài người Hoa, hỏi được nhiều chuyện về đời sống của người Á Châu ở Auckland, kể cả giá nhà cửa ở một số vùng xe chạy qua.

Tôi nói tên khách sạn và đưa giấy đặt khách sạn cho bác tài xem: Mercure Hotel Windsor, đường Queen Street. Thế nhưng khi vào trình giấy cho nhân viên tiếp tân, họ nói chúng tôi lộn rồi, vì đây là Mercure Hotel, còn khách sạn Mercure Hotel Windor nằm ở đường khác, cách đấy một block, đi tới ngã tư, quẹo phải…

Chúng tôi trở ra đường, may quá, bác tài người Hoa đang còn xem sổ sách nên vẫn còn ngồi trên xe. Tôi nói bác đã chở lộn, bác xin lỗi vì nghe tôi nói Mercure mà ở đây có tới hai Mercure. Bác lại nhanh nhẹn khuân va li lên xe và đưa chúng tôi đến khách sạn, chỉ mất một hai phút. Bác không nhận thêm tiền và hỏi có cần bác đưa trở lại phi trường khi trở về không. Tôi cám ơn, cho biết chúng tôi sẽ đi xe bus tới thành phố nghỉ mát Rotorua và sau đó xuống Wellington.

Lại thêm một chuyện chở lầm địa chỉ của bác tài xứ Tân Tây Lan.

Wellington: Ngôi nhà Tree House nằm cao trên ngọn cây ở đồi Botanic Garden

Chúng tôi đi xe bus từ thành phố Rotorua tới trạm xe bus ở thành phố Wellington lúc 10 giờ đêm. Ngồi trên xe bus hơn 8 tiếng đồ hồ là đã quá mệt, trời tối và lạnh (ở Melbourne trên 30 độ C trong khi ở Wellington cao nhất 15 độ C) nên khi có bác tài lái xe Shuttle (một loại xe van chở khách song song với taxi nhưng có kéo theo một thùng rờ-mọt để chở hành lý) tới hỏi đi đâu và cho biết dù đi bất cứ nơi đâu trong thành phố cũng chỉ tính $10 đô NZ cho một người, chúng tôi đồng ý ngay.

Tôi không biết đường về khách sạn bao xa nhưng giá như vậy là được, rất được cho một du khách đến một nơi xa lạ về đêm.  Rút kinh nghiệm ở thành phố Auckland, tôi vừa “trình” giấy đặt khách sạn, nói tên Central City Apartment Hotel,  vừa chỉ số 130 Victoria Street ghi trên giấy.

Bác tài người Tân Tây Lan da trắng, để tóc búi tó, mặt mày trông hippy nhưng ăn mặc lịch sự lại có tài ăn nói, mua vui cho hành khách. Xe chạy là bác đùa ngay. Bác nói chiếc xe van của bác là xe van duy nhất chạy bằng xăng, xe bác là xe duy nhất có chương trình văn nghệ và bác mở đèn đóm trông như một buổi dạ vũ  disco. Bác nói liên tu bất tận, con cái chúng tôi cười thì bác bảo phải trả thêm tiền công mua vui của bác. Tôi nghĩ xe chạy chỉ mất mười phút. Bác lịch sự mở cửa xe, mang thêm bục gỗ để khách bước xuống. Tôi đưa cho bác thêm $5 nhưng bác không nhận. Bác nói xe bác lấy giá rẻ nhất và mỗi người chỉ trả $10, không ít hơn và không nhiều hơn. Tôi chụp bức hình chiếc xe van với logo là tháp Eiffel có tên 11er Retour Shuttles Ltd để mai mốt giới thiệu với độc giả về bác tài xế lịch sự như tây này (rất có thể bác tài này gốc Pháp lăng sa).

Chúng tôi vào khách sạn, trình giấy nhưng lại bị sốc khi nhân viên cho biết khách sạn có tên hơi giống nhưng khách sạn mà chúng tôi book cách đây mấy block, đi bộ chừng 15 phút. Rồi cô nhân viên đưa cho chúng tôi cái bản đồ, chỉ ra cửa quẹo trái, tới đường ngã tư quẹo trái, đi tới vài còn đường quẹo phải…

Xe con thoi 11er Retour Shuttles Ltd đưa chúng tôi sai khách sạn

Lần này chúng tôi không còn may mắn, bác tài xe con thoi đã biến mất. Hơn 10 giờ đêm, chưa ăn tối và mệt, nay lại còn phải đi bộ giữa trời lạnh vì làm sao kêu taxi có khả năng chở 5 người giữa đường?

Thế là chúng tôi kéo vali, ghé hỏi các tiệm buôn dọc đường, hỏi người đi bộ trên đường. Vừa đi, tôi vừa thầm rủa bác tài xế xe shuttle. Cho đến khi tìm được khách sạn.

Thủ đô Wellington quả thật nhỏ, qua ngày hôm sau tình cờ đi dạo trên đường gần khu vực trụ sở quốc hội, thấy chiếc xe shuttle của bác tài đêm hôm trước chở người đậu ở một khách sạn, tôi chạy tới hỏi bác có nhớ chúng tôi không, bác trả lời nhớ. Tôi cho bác biết đêm hôm qua bác chở lộn khách sạn làm chúng tôi phải đi bộ một đoạn. Bác xin lỗi. Tôi nhờ bác trưa mai đến khách sạn đón chúng tôi ra phi trường để trở về Melbourne.

Nhưng khi chở đến phi trường bác tài mới hỏi chúng tôi đi đâu, nội địa hay quốc tế, vì giữa đường bác còn rước mấy người đi nội địa. Bởi vì đường ra phi trường quá gần (trưa Chủ Nhật ít xe cộ) tôi vẫn đinh minh chỗ xe dừng là nội địa. Tôi nói với bác tôi ra phi trường quốc tế. Bác tài nói thì quốc tế hay nội địa cũng là một chỗ, chỉ việc vào bên trong, quẹo trái thì gặp quầy check-in.

Lần này không còn chở lộn nữa. Nhưng với kinh nghiệm này, tôi có thể cho rằng các tài xế Kiwi (cách gọi thân mật người Tân Tây Lan) vui tính, hiếu khách nhưng không đáng tin cậy.

Lý do? Bởi chỉ hai lần đi  là hai lần họ chở chúng tôi sai địa chỉ, làm như họ nghĩ rằng khách sạn mà họ chở tới là khách sạn quen biết của chúng tôi (ở bến xe Rotorua, chúng tôi tự đi bộ tới khách sạn).  Cho nên, khi qua Tân Tây Lan, taxi đưa bạn tới khách sạn, khoan vội trả tiền mà hãy coi xem các bác tài đã đưa đúng khách sạn của bạn chưa.

Đến đây, bạn có thể nghĩ rằng du lịch Tân Tây Lan gặp nhiều vấn đề? Không, đấy là những chuyện nhỏ kể cho vui, chứ Tây Tân Lan là nơi đáng để bạn làm một chuyến du lịch, rất đáng đồng tiền bát  gạo.

Hẹn bạn tuần tới.

Nguyễn Hồng Anh