Chia tay vì chàng không xứng?

12 Tháng Mười, 2021 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

(Thư em A)

Quý bạn đọc thân mến,

Tuần này TL góp ý kiến với em A, một người con trai bị người yêu tự dưng đòi chia tay. Tóm tắt câu chuyện như sau:

A và B cùng trạc tuổi, yêu nhau đã mấy năm. B tốt nghiệp đại học còn A thì học hành dở dang nên nửa thầy nửa thợ. Tuy nhiên cả hai không xem đó là một cách trở. Cả đến gia đình B cũng không tỏ ý khinh rẻ A. Nhưng gần đây, A phải đi làm ở xa mấy tháng, trở về thì nhận được nhắn tin (SMS) của B nói rằng B muốn chia tay, vì B đã có người khác rồi, và khuyên A đừng nghĩ tới B nữa… A không tin B có thể yêu người khác mau đến thế, muốn gặp mặt để nói chuyện cho ra lẽ nhưng B dứt khoát từ chối. A vô cùng đau khổ, mất ăn mất ngủ với bao nghi ngờ, thắc mắc trong đầu…

A hỏi: làm sao biết B nói thật? Có cách nào để gặp B?

Ý kiến của Thanh Lan:

Em A thân mến,

Em không cần tả oán, cô và mọi người cũng có thể tưởng tượng ra nỗi đau khổ và những băn khoăn thắc mắc của em. Tuy nhiên, trong khi không ai có thể trả lời cho em câu hỏi “B có thật sự đã người khác hay chỉ bịa cớ” thì mọi người đều phải đồng ý một điều: trong một mối tình, khi người con gái tự động chia tay, rất khó lòng cứu vãn.

Như vậy, câu hỏi “làm sao biết B nói thật” chỉ có thể trả lời một nửa, đó là B đã nói thật về quyết định chia tay. Theo sự suy đoán của cô, không phải tới giờ này B mới có ý định chia tay mà đã có từ lúc nào đó rồi, chắc chắn là có trước khi em đi làm xa. Nay nhân cơ hội hai người xa cách nhau một thời gian dài, B cho là “right time” để cho em biết quyết định của cô ấy.

Khi yêu nhau, nam cũng như nữ, ai cũng muốn yêu nhau dài lâu, và nếu hội đủ điều kiện, sẽ tiến tới hôn nhân. Nhưng trên thực tế, không phải cặp nào đủ điều kiện yêu nhau dài lâu, hoặc tiến tới hôn nhân. Có hai trở ngại chính: một khách quan, một chủ quan. Khách quan là sự phản đối của gia đình, hoặc những gì ngoài ý muốn, như bệnh tật, mất công ăn việc làm, vì hoàn cảnh phải sống cách biệt lâu dài…; còn chủ quan là sự xét lại, sự tính toán, sự thay lòng dổi dạ của người trong cuộc.

Trở ngại khách quan có thể tìm cách hóa giải, vượt qua, nhưng trở ngại chủ quan thì vô phương. Nay, B đã quyết định chia tay thì không biết vì nguyên nhân gì, cũng là quyết định của cá nhân B, em phải tôn trọng mà không có quyền đòi hỏi một sự giải thích. Nghĩa là em không nên đòi B phải cho gặp mặt.

Gặp mặt để làm gì khi B đã đơn phương quyết định chia tay? Chẳng lẽ em sẽ năn nỉ với hy vọng B thay đổi ý định? Nếu việc này xảy ra thì là sự thương hại chứ đâu còn là tình yêu!

Ở đời không phải không có những người yêu say mê, mù quáng tới mức độ không cần sự đáp trả, chỉ cần được đối tượng chấp nhận, giống như lời hát trong bài “Không cần nói anh yêu” (You don’t have to say you love me, just be close at hand…), nhưng thường thường đó chỉ là thái độ nhu nhược, cam chịu của đàn bà con gái, chứ đàn ông con trai chẳng mấy ai chấp nhận sự thương hại.

Tóm lại, em không còn cách nào khác hơn là phải chấp nhận quyết định của B. Chấp nhận mà không thù hận, thắc mắc. Bởi càng thù hận thì càng khó quên, càng thắc mắc thì càng tự đặt ra nhiều câu hỏi nhức đầu: B có người khác, B chê mình không xứng…, từ đó có thể sinh mặc cảm, bi quan, gây ảnh hưởng xấu cho việc quen biết tìm hiểu những người con gái khác trong tương lai.

Thanh Lan, TVTS 1463