Cao thượng cho trót!

03 Tháng Mười Một, 2021 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

(Thư Ông X)

 

Quý độc giả thân mến,

Tuần này TL góp ý kiến trước một hoàn cảnh rất đặc biệt, đặc biệt tới mức TL chỉ cần tóm tắt vài hàng, những người trong cuộc sẽ biết ngay là viết về mình. Cho nên TL sẽ không đề cập tới nội dung thư hỏi, mà góp ý một cách chung chung, điểm nào ông X thấy có thể áp dụng vào hoàn cảnh của mình, ông sẽ tùy nghi.

* * *

Trên đường đời, do sự vô tình mà TL biết được một câu chuyện rất ly kỳ và cảm động không thua gì tiểu thuyết Quỳnh Dao: Ngày còn học bậc trung học ở tỉnh, ông A yêu B, một cô gái vừa đẹp con nhà danh giá. Không hiểu B có nghĩ tới việc hôn nhân với ông A hay không, nhưng riêng ông thì không, sau bậc trung học ông bỏ lên Sài Gòn, và cuối cùng gia nhập quân đội. Sau khi ông A bỏ đi, B biết mình có thai, được gia đình sắp xếp lấy ông C, một người giàu có và nghĩa hiệp. Biết bào thai trong bụng B là của người khác nhưng ông C không chỉ nhìn nhận là con mình mà còn yêu thương hết mực.

Cảm kích trước lòng tốt của ông C, bà B đã hết lòng đáp trả. Không may, ông C qua đời hơi sớm, bà B âm thầm ở vậy nuôi con (con riêng và con chung), trong khi ông A vẫn tiếp tục cuộc sống độc thân.

Mãi tới sau này ở hải ngoại, cả hai đã bước vào mùa thu cuộc đời, bà B mới bí mật liên lạc với ông A, cho ông biết ông có một người con gái (D), và để ông toàn quyền quyết định về việc có cho D biết người cha thật của mình hay không. Ông A đã quyết định không, vì hai nguyên nhân: (1) khi còn sống ông C đã tỏ ra cao thượng thì nay ở bên kia thế giới, ông xứng đáng tiếp tục được D yêu mến, thờ kính; (2) cho D biết chỉ gây thêm rắc rối phức tạp, ít ra cũng về mặt tinh thần của D.

Ông A chỉ mong được gặp lại bà B một lần trong đời, và ông đã được toại nguyện.

* * *

Theo suy nghĩ của TL và có lẽ không ít độc giả, những chuyện tốt đẹp như thế rất hiếm, bởi nó cần tới sự cao thượng của người cha hờ, ý thức của người cha ruột, và nhân cách của người mẹ. Khi thiếu một, hai, hoặc cả ba thứ vừa nói tới, chuyện sẽ bớt tốt đẹp, hoặc trở thành xấu. Nhưng dù sao chăng nữa, kể cả trong trường hợp người cha ruột thiếu ý thức, hoặc người mẹ không biết điều, thì người cha hờ vẫn nên tiếp tục cao thượng.

Bởi nếu không, sự việc càng trở nên rắc rối, khó xử. Xét cả tình lẫn lý, người cha ruột có quyền nhìn nhận đứa con của mình, và người mẹ có quyền cho đứa con biết cha thật của nó.

Việc người mẹ có tình ý gì với người tình cũ hay không, cũng là quyền của bà ấy, mình không thể oán trách bà ấy đã phụ bạc lòng cao thượng của mình. Viết một cách lý tưởng là khi thi ân cho ai, đừng cầu mong người ấy sẽ đền đáp lại, bởi nếu cầu mong mà không được thì sẽ cảm thấy cay đắng, tự trách mình đã có lòng tốt lầm đối tượng!

Còn việc “tình cũ không rủ cũng tới”, chỉ đúng trong những trường hợp người đàn ông kia là kẻ chẳng ra gì, còn người vợ thì thiếu tư cách, thiếu thủy chung, mà một khi đã gặp phải hai con  người như thế, chuyện “cho cha con gặp nhau” chỉ là một cái cớ.

Tóm lại, nên bình thản chấp nhận những tầm thường của con người, đừng để nó trở thành những ưu phiền đè nặng tâm hồn mình.

Dĩ nhiên, nói là một chuyện, làm được hay không lại là một chuyện khác, nhưng kể cả trong trường hợp không tránh được những buồn bực, đắng cay, chúng ta cũng nên cởi hơn là buộc, chấp nhận tình đời đen bạc hơn là níu kéo vô ích.

Thanh Lan

TiVi Tuần-san 1465