90%: Tại sao Úc thành công chống Covid-19?

22 Tháng Mười Một, 2021 | Tin tức,Tin nước Úc
Tác giả đã chích mũi AstraZeneca thứ hai cách đây ba tháng. Hình cung cấp

 Người Úc gốc Việt chúng ta chắc không quên câu nói của tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam năm 2020 “chống dịch như chống giặc” hay năm 2021 “Chưa diệt được dịch chưa trở về” (Hà Nội). Nhưng cuối cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính phải đầu hàng giặc vô hình (Covid-19) và tuyên bố phải sống chung với dịch, rồi không kèn không trống, kéo hàng chục ngàn quân “chi viện miền Nam” trở về Bắc.

Người Úc –nhân dân cũng như các chính trị gia—không có truyền thống nổ như cộng sản Việt Nam, hôm nay theo bài bản này ngày mai diễn vở kịch khác (mà CS gọi là kịch bản). Họ làm việc có kế hoạch, tận tâm và trong sáng. Hiếm có nơi nào mà các chính phủ từ các thủ hiến, bộ trưởng y tế và các trưởng y tế và chuyên gia hàng ngày lên truyền hình báo cáo tình hình dịch bệnh cho dân chúng, đưa ra những biện pháp và có khi chấp nhận những sai sót trong khi thi hành công vụ.

Làm việc không ngơi nghỉ trong thời dịch bệnh là một biểu hiện đáng trân trọng đối với các nhà lãnh đạo chính trị và y tế. Nhưng cũng không thể không nhắc đến công lao của những người ở tuyến đầu như các y tá, bác sĩ, những nhân viên săn sóc bệnh nhân ở các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trong đó có các cảnh sát và binh sĩ bảo vệ trật tự và thi hành lệnh cách ly, phong tỏa.

Nói đến phong tỏa một số không nhỏ người dân bất bình, thậm chí có một số người còn xuống đường biểu tình, đôi khi gây bạo động và có thể gây lây nhiễm cho người khác. Sự bực tức của họ cũng có thể thông cảm phần nào bởi chưa bao giờ trong một trăm năm qua có cảnh như thế này. Nhiều người bị “nhốt” trong nhà nhiều ngày, nhiều tháng thì không “điên” sao được?  Chẳng hạn, Tiểu bang Victoria và Thành phố Melbourne là nơi bị phong tỏa lâu nhất trên thế giới: tổng cộng 262 ngày! Mà không phải chỉ ở Victoria, các tiểu bang và lãnh thổ đã lần lượt phong tỏa nhiều hay ít. Nhưng nhờ phong tỏa mà số ca nhiễm bệnh và chết ít đi.

Nhưng nếu chỉ phong tỏa thôi, thì chúng ta không có được sự tự do như lúc này. Chính phủ liên bang cũng như tiểu bang đã có những biện pháp để vừa khuyến khích, thúc đẩy vừa buộc người dân đi chích ngừa, như ai không chích hai mũi vaccine và không có giấy chứng nhận chích ngừa thì không được đi làm hay không được vào một số nơi như nhà hàng, rạp hát, sân vận động… Úc ban đầu là nước có số người chủng ngừa rất thấp nhưng đến Thứ Sáu tuần qua đã có 90% dân số từ 16 tuổi trở lên đã chích một mũi.

Ngoài con số kỳ diệu đó, nước Úc với 82.4% dân số trên 16 tuổi đã chích đầy đủ, đứng hạng thứ 16 trong số các quốc gia OECD, qua mặt Anh đứng thứ 21. Nhưng nếu tính theo tiểu bang và lãnh thổ, ACT chỉ thua ba nước trong khối OECD với 80.7% và NSW thua 5 nước với 76.2% và Victoria thua 10 nước với 72.7%.

Bồ Đào Nha đứng đầu thế giới với 89% chích hai mũi và Chí Lợi, Iceland, Tây Ban Nha và Nam Hàn đều đứng TOP5 trong bảng. Với cái đà “đi sau về trước” do nhiều người ùn ùn chích ngừa trong thời gian gần đây, hy vọng Úc sẽ đạt tới 90% người chích đủ hai mũi trong vòng chưa tới một tháng, Victoria vào ngày 24/11 tới đây.

Chúng ta sẽ đạt tới giai đoạn có “cuộc sống bình thường mới” sớm hơn nhờ chúng ta tin tưởng vào chính quyền, và chúng ta có lòng yêu thương nhau bằng cách bảo vệ cho mình và cho người chung quanh.

Nguyễn Hồng-Anh

Báo  giấy TVTS số 1860, phát hành ngày 17.11.2021