Các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và da giày của Việt Nam chật vật sau dịch COVID-19

24 Tháng Mười Một, 2021 | Tin Việt Nam

Các chuỗi cung ứng quan trọng của ngành điện thoại và da giày Việt Nam đang chật vật tìm cách vượt qua những thiệt hại do phải ngưng hoạt động bởi COVID-19 khiến kinh tế kiệt quệ. Tờ Asia Nikkei đưa tin hôm 24 tháng 11.

Tin cho biết, hiện các nhà máy ở khu công nghiệp phía Nam của các hãng lớn như Intel, Toyota đến Reebok đã được phép mở cửa trở lại từ ngày 1 tháng 10 và đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân công. Trước đó, hàng trăm nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng với nhân viên ở lại tại nhà máy. Do đó, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sẽ chậm hơn dự kiến.

Theo Nikkei, một cuộc khảo sát cho thấy 37% công ty đang hoạt động dưới 80% công suất. Điều đó đặt ra những rủi ro toàn cầu đối với việc tìm nguồn cung ứng hàng hóa như quần áo và đồ nội thất, cũng như đối với sự đổi mới khi Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị.

Tập đoàn nội thất Wanek Furniture tại Việt Nam cho biết 22% nhân viên của họ đã về quê và công ty hiện đang hoạt động với 70% nhân công so với trước khi ngừng hoạt động. Theo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, việc người dân ngoại tỉnh trở về quê dẫn đến sự thiếu hụt hơn 100.000 lao động ở miền Nam.

Lãnh đạo các tỉnh và các doanh nghiệp đang thuyết phục người lao động trở lại thành phố bằng cách cung cấp dịch vụ vận chuyển, chỗ ở và vắc xin.

Cũng theo Asia Nikkei, trong bối cảnh sự phục hồi không chắc chắn của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực may mặc và giày dép sử dụng nhiều lao động, các nhà đầu tư dự đoán Thái Lan và Indonesia sẽ tăng tốc trước Việt Nam. Tuy vậy, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang nói với báo chí hồi tuần trước là ông có niềm tin rất lớn khi Việt Nam mở cửa trở lại.

Intel, công ty có hãng lắp ráp và sản xuất chip lớn nhất Việt Nam, cho biết họ đã làm việc với các công ty khác tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn để thiết lập một cơ sở cách ly các trường hợp F0. Việt Nam đang thay đổi chính sách “không COVID”, vốn yêu cầu đóng cửa toàn bộ nhà máy nếu một công nhân bị nhiễm bệnh trước đây.