Trai độc thân hay người đã có vợ?!

22 Tháng Mười Hai, 2021 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

(Thư em X)

Quý độc giả thân mến,

Tuần này, TL góp ý kiến với em X, một nàng “mẫu đơn” đang phân vân trước hai lựa chọn: chàng trẻ tuổi độc thân hay một người đã có vợ con.

Đoạn đầu cuộc đời tình ái của X khá giống của em A mà TL đã trả lời trong số báo trước:

X là người khá nhan sắc và ngoại hình đẹp, yêu và lấy chồng rất sớm chỉ vì lỡ dính bầu. Vì cả hai đều còn trẻ, lại chưa kịp tìm hiểu tính tình của nhau cho nên chỉ sau 2 năm là bắt đầu lục đục, xung đột, bạo hành, và cuối cùng chia tay.

Gái một con trông mòn con mắt, hiện nay X đang được hai người theo đuổi: A, một chàng độc thân kém tuổi X, và B, một người đã có vợ con nhưng đang trên đà tan vỡ. Xét về hòa hợp tính tình, sở thích, X chấm A, nhưng có một điều chắn chắn là gia đình A sẽ không hài lòng, nếu chấp thuận cũng chỉ là miễn cưỡng. Về phần B, là người già dặn, lại đã trải qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, thì hai người “ráp” lại với nhau có lý hơn…

 

Ý kiến Thanh Lan:

Em X thân mến,

Nếu đưa tất cả mọi yếu tố lên bàn cân thì quả thật hai bên ngang ngửa, nhưng nếu chia độc giả ra hai phe thì một phe sẽ đứng hẳn về phía A, một phe sẽ đứng hẳn về phía B.

Phe A thì cho rằng vì em yêu A và A yêu em tới mức bất chấp tất cả. Phe B thì lập luận: em và B đồng cảnh ngộ, sẽ dễ thông cảm, và cùng có quyết tâm làm lại cuộc đời.

Về phần TL là người góp ý kiến sẽ phải đứng giữa, làm công việc phân tích, đưa ra lợi hại để tùy em quyết định.

Trước hết nói về A, trở ngại chính, và cũng là điều em và A phải bận tâm trong cuộc sống vợ chồng sau này là thái độ của gia đình A. Với những cặp yêu nhau, biết thông cảm cho nhau, hết lòng nâng đỡ nhau trước những khó khăn trên bước đường đời, thì không có gì  phải bàn, nhưng với những cặp yêu nhau sôi nổi, đam mê nhiều hơn là hòa hợp, thì thái độ của gia đình người con trai sẽ ảnh hưởng nặng nề tới cuộc chung sống sau này.

Kế tới nói về B. Qua một lần đổ vỡ, chắc chắn B sẽ có kinh nghiệm hơn trong việc xây dựng, duy trì hạnh phúc gia đình; nhưng điều đó không có nghĩa là B sẽ sẵn sàng chấp nhận mọi khuyết điểm của em, sẽ bỏ qua mọi lầm lỗi thiếu sót của em trong cuộc chung sống. Bởi vì trong cùng một vị trí ấy (tức là đã qua một đời vợ) có người sẽ trở nên vị tha hơn, tận tụy hơn trong việc xây dựng, vun đắp cho hạnh phúc mới, có người lại so sánh người mới với người cũ, để rồi rất có thể sẽ thất vọng.

Riêng trong trường hợp của B, TL cũng cần nhấn mạnh tới hai yếu tố nữa, đó là chúng ta không thể biết trong vụ B quyết định chia tay vợ, phần lỗi của người nào nhiều hơn; và riêng em, em có biết chắc chắn 100% B sẽ chia tay vợ hay không, và nếu có thì bao giờ mới tiến hành?

Tóm lại, TL có thể kết luận:

Chọn A, em sẽ phải đối diện với những khó khăn, nhưng hạnh phúc sẽ là một hạnh phúc trọn vẹn, đúng nghĩa (vì có tình yêu trong đó). Nói cách khác, người nào đặt nặng yếu tố “tâm hồn” thì sẽ chọn A.

Chọn B (trường hợp B chắc chắn sẽ chia tay vợ cũ), sẽ không gặp những khó khăn do người ngoại cuộc (gia đình), mai này hạnh phúc hay không hạnh phúc cũng không ai phải hối tiếc, hoặc oán trách nhau.

Quả thật, em và B đều đã trải qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nay hai người “ráp” lại thật là có lý, như em đã viết.  Nhưng vấn đề là sau khi quyết định ráp lại với B, em có quên được những tình cảm mình dành cho A, và tình yêu A dành cho mình hay không?

Nếu trả lời là “không”, TL khuyên em nên nghe theo tiếng lòng, mà trong tiếng Anh gọi là “listen to you heart”.

Đành rằng không phải lúc nào con tim cũng đúng, nhưng kể cả trong trường hợp con tim sai, người ta cũng đỡ phải ân hận hơn là không chịu nghe theo để rồi cứ âm thầm hối tiếc suốt một đời!

Thanh Lan

TiVi Tuần-san -1471