Tân Tây Lan (7): Đi trực thăng ngắm Cổng Địa Ngục, miệng núi lửa ở Rotorua

31 Tháng Mười Hai, 2021 | Du lịch,Tân Tây Lan
Lựa chọn: Ngắm cảnh bằng trực thăng…

Nguyễn Hồng Anh

 

Sau một buổi sáng di chuyển từ thành phố Auckland đến Rotorua, một buổi chiều thăm thú khu địa nhiệt Te Puia, chúng tôi đi kiếm chỗ để ăn. Đi bộ trên một số con đường trong thành phố nhỏ này để ngắm cho biết và xem có chỗ nào hấp dẫn để ăn tối. Đã mấy đêm ăn thịt bò beefsteak, gia đình chúng tôi chia làm hai ba phe: một muốn ăn nhà hàng Tàu, một không thích gì ngoài thịt bò beefsteak, và nhà hàng nào cũng được.

Thế là chúng tôi cứ đi. Qua các tiệm Tàu, tiệm Nhật, tiệm Ý… Và cuối cùng sau khi đi mỏi chân, chúng tôi vào một tiệm beefsteak của người Á Châu với lý do đơn giản tiệm này không mở nhạc lớn hay có ban nhạc sống.

Hồi còn nhỏ mỗi lần nghe nhạc, nhất là nhạc ngoại quốc,  tôi mở âm thanh tối đa khiến mẹ tôi than ngộp ngực. Bây giờ tôi mới thông cảm cho bà mẹ. Tôi không ngộp vì tiếng nhạc nhưng thích ăn uống trong không khí êm ắng hoặc với nhạc êm dịu, mở nhè nhẹ. Một nhà hàng mà khách hàng (những người mình không quen biết) ăn uống nói chuyện đủ cho người trong bàn nghe là nơi lý tưởng tôi thích đến ăn. Tuy nhiên trong những buổi tiệc với bạn bè ở nhà, càng náo động càng vui.

Vì đã nghe danh thịt bò Tân Tây Lan nên mỗi lần ăn chúng tôi đều có nhận xét giữa thịt bò Úc và Tân Tây Lan. Thịt nơi nào ngon hơn, mềm hơn? Câu trả lời rất ba phải: tùy nhà hàng, tùy người đầu bếp. Nhưng chúng tôi chưa bị thất vọng với xứ sở bò và cừu đông hơn người.

Và sau khi ăn xong, trở về khách sạn nghỉ một lát trước khi đi tắm hồ nước nóng kiểu Polynesian. Nhưng hầu như mọi người đều trở nên lười biếng, muốn nghỉ ngơi. Muốn tắm đã có vòi sen, kể cả một hồ bơi nhỏ mà khách sạn quảng cáo.

Con chúng tôi đã mua vé sáng mai cỡi ngựa ở nông trại hay thung lũng nào đó cách thành phố nửa giờ lái xe dù xe bus đi Wellington sẽ khởi hành lúc 1.15pm. Hai vợ chồng chúng tôi chưa biết sẽ làm gì trong thời gian chờ đợi.

Hay thủy phi cơ?

 

Làm gì với một buổi sáng không có chương trình?

 

Sáng hôm sau, chúng tôi check-out, gởi hành lý tại khách sạn đợi con cái cỡi ngựa trở về. Làm gì trong vài tiếng đồng hồ còn lại?

Chúng tôi ra hồ Lake Rotorua ngắm cảnh. Nhưng cứ đứng đấy nhìn hồ nước? Vào phố đi bộ vòng vòng? Như mọi thành phố du lịch khác, Rotorua có hàng chục trò chơi, thú tiêu khiển hay những chuyến đi tour cho du khách lựa chọn, nhưng chúng tôi sẽ phải lên đường đúng giờ, trễ là mất vé và sẽ gặp nhiều phiền toái, có thể  sẽ chỉ đi tới thủ đô Wellington để đón máy bay trở về Melbourne.

Chúng tôi tới mấy kiosk dọc hồ xem có trò vui gì hấp dẫn không.

Xe đạp nước (pedal boat) $8 trong 20 phút hay chèo xuồng (kayak) $25 một giờ? Không ổn.

Một giờ đi tàu chạy trên hồ với giá $55 một người? Không hấp dẫn.

3 giờ ngắm cảnh bằng tàu và tắm hồ nước nóng với giá $95 một người? Không đủ giờ.

Đi câu cá hồi (trout) tối thiểu 3 tiếng (hay trọn ngày) với giá tối thiểu $95 một giờ, và cần có đủ số người cho một chuyến? Tôi không có thú câu cá và cũng khó thực hiện trong hoàn cảnh này.

Và còn nhiều đề nghị vui chơi khác cho du khách…

Qua kiosk khác, thấy quảng cáo  Volcanic air safari. Tôi đã hủy một chuyến đi xem núi lửa đang hoạt động bằng máy bay ở đảo quốc Vanuatu nên bây giờ vẫn còn ước mơ đi máy bay nhìn các miệng núi lửa hết hoạt động ở Rotorua.

Chiều hôm qua, tôi ra cái hồ lớn thứ nhì ở nước Tân Tây Lan này chụp vài bức hình kỷ niệm trước khi mặt trời lặn. Thấy có một chiếc thủy phi cơ (floatplane) đậu giữa hồ và bệ trực thăng nhưng không có máy bay. Có lẽ để bảo đảm an ninh.

Bây giờ gần cầu tàu có hai chiếc thủy phi cơ, và trên các bệ (helipad) có hai chiếc trực thăng đậu, một chiếc trung bình (cánh quạt 3 lưỡi) và một chiếc nhỏ (cánh quạt 2 lưỡi).

Lần đầu tiên chúng tôi đi trực thăng để xem thắng cảnh

Một toán khoảng năm người từ trong kiosk đi ra bước lên chiếc máy bay trung bình màu trắng và rồ máy bay vút đi để lại những cuộn nước xoáy trên hồ. Chúng tôi nói với nhau ước gì có thì giờ để bay đi xem phong cảnh ở Rotorua này.  Nhìn những tấm bích chương quảng cáo cảnh phi cơ cánh quạt và trực thăng bay qua các ngọn núi lửa, các hồ nước mà phát thèm.

Tôi bảo nhà tôi cứ vào trong văn phòng hỏi thăm để có thêm thông tin viết bài dù không bay.

Có trên chục chuyến bay tours, tới những địa điểm khác nhau với những thời gian dài ngắn khác nhau.

Như bay đi núi lửa Mt. Tarawera, thung lũng hỏa diệm sơn Waimangu Volcanic Valley, khu địa nhiệt Hell’s Gate, đảo White Island, thung lũng Orakei Korako,  đó là kể vài đích mà máy bay sẽ bay tới trong số này đó có thể có vài địa điểm máy bay sẽ dừng, tùy từng loại tour.

Giá vé từ $70 cho một chuyến bay dài 6 phút để ngắm thành phố Rotorua từ trên cao đến những chuyến bay đi nhiều địa điểm, có thể kết hợp với đi tàu trên một số hồ và trở về bằng máy bay. Tôi thấy chuyến bay đắt tiền nhất là $845 cho một người lớn kéo dài  3 giờ 15 phút.

Trong một số tour, cùng với thời gian bay, đi trực thăng tốn nhiều tiền hơn thủy phi cơ.

 

Tôi đi trực thăng lần đầu

 

Đang xem các hình ảnh trên tường, một nữ nhân viên tuổi trung niên hỏi chúng tôi cần giúp gì không. Rồi với tài nghệ của người bán hàng, bà giới thiệu các tour đi bằng máy bay, bảo đảm chúng tôi sẽ còn giờ kịp chuyến xe bus đi Wellington.

Nếu chúng tôi muốn chuyến bay ngắn thì có thủy phi cơ bay 30 phút giá $195 đô NZ. Tour này có tên Floatplane Mt Tarawera/ Waimangu Volcanic Valley bay tới hai địa điểm núi lửa và thung lũng núi lửa có tên vừa kể, nhưng chỉ nhìn từ trên không mà thôi. Thủy phi cơ cất cánh và đáp trên mặt hồ.

Rồi bà giới thiệu tour khác – Helicopter Mt Tarawera/ Hell’s Gate Landing & Tour—  đi máy bay trực thăng trong một tiếng với giá $330 đô NZ một người.

Hai người $660, nhưng được trả thẻ tín dụng bằng tiền Úc và với hối xuất Úc kim đang cao, chúng tôi chỉ còn trả $547 Úc kim nên đã quyết định đi một chuyến cho biết.

Một nữ nhân viên khác dẫn chúng tôi ra cầu tàu, tới chiếc máy bay trực thăng màu xanh dương, giới thiệu với anh phi công trẻ tên Cameron, và chúc chúng tôi một chuyến đi chơi vui vẻ.

Cameron, khoảng 25 đến 30 tuổi, chỉ cho chúng tôi cách trèo lên máy bay, cách khóa cửa và mở cửa đề phòng khi có chuyện khẩn cấp. Chiếc trực thăng này chỉ có 4 chỗ ngồi kể cả phi công, trước hai sau hai. Ngồi trực thăng này như ngồi xe hơi, không có khoảng trống di chuyển.

Cho máy nổ một lát, phi công điện thoại cho tổng đài báo số chuyến bay của anh và nơi anh sẽ đến, rồi mới cho  máy bay cất cánh. Tôi được hưởng cảm giác lần đầu khi đi máy bay lên thẳng, có những cú quẹo rất ngặt và hầu như giựt khi đổi hướng. Vì vậy máy bay trực thăng ngoài tên gọi khác — máy bay lên thẳng–  còn được gọi là máy bay chuồn chuồn (bay lượn như con chuồn chuồn). Cameron bảo tôi đừng sợ vì anh sẽ lái thật êm. Và quả thật cũng êm.

Cameron cho chúng tôi biết sẽ bay tới khu địa nhiệt Hell’s Gate, đáp xuống tham quan và sau đó sẽ bay tới vùng núi Mt Tarawera xem các miệng núi lửa rồi bay trở lại Rotorua. Anh nói chậm rãi và thường hỏi chúng tôi có hiểu khi anh giải thích không.

Trực thăng sắp đáp xuống Hell’s Gate, với những hồ nước nóng nằm giữa đồi núi

Tới Hell’s Gate, phải bay qua hồ Rotorua, một hồ có đường kính khoảng 13 cây số. Cameron chỉ hòn đảo giữa hồ có tên Mokoia, rồi chỉ vào đồng hồ máy bay cho biết độ cao lúc này là 1000 feet so với mặt nước biển tức khoảng trên 300 mét.

Lúc này tôi mới hỏi quê quán và nghề nghiệp của Cameron. Anh sinh quán ở Sydney, mới qua Tân Tây Lan làm việc được vài năm. Anh lái máy bay trực thăng được 5 năm. Tôi hơi yên chí.

Cameron biết tôi sợ đi máy bay nên bay chậm và rất êm và thỉnh thoảng hỏi cảm giác của tôi. Lúc này thì tôi đã yên tâm và có thể nhìn xuống dưới để thấy quang cảnh đẹp nhất mà mình chưa bao giờ thấy.

 

Cổng Địa Ngục: xem địa nhiệt lần thứ hai

 

Máy bay đáp xuống Hell’s Gate, nơi được xem là công viên địa nhiệt lớn nhất nam bán cầu với khu bảo tồn rộng tới 50 mẫu tây, nơi địa nhiệt hoạt động mạnh nhất với những hồ nước nóng, hồ bùn sôi sùng sục, những mạch nước phun lên trời.

Hells’ Gate là nơi có những xoáy nước nóng và những núi lửa bùn lớn nhất Tân Tây Lan. Đặc biệt có thác nước nóng (hot waterfall) một cách kỳ lạ Kakahi, được xem là thác nước nóng lớn nhất ở nam bán cầu.

Máy bay đậu trên đồi, Cameron bảo chúng tôi cứ ngồi trong máy bay tránh gió và sức nóng của cánh quạt, đợi máy nổ một lát để bảo trì máy trước khi tắt. Anh cho chúng tôi biết sẽ dẫn chúng tôi đi tham quan khu này trong 20 phút. Chúng tôi từ bãi đáp đi xuống thung lũng, và từ xa thấy nhiều hồ nước nằm rải rác trong một vùng đất rộng có những ngọn đồi xanh với khói bốc lên từ hồ nước nóng hay bụi nước trắng do các mạch nước phun.

Anh phi công giải thích cho chúng tôi biết Hell’s  Gate còn có tên khác là Tiketere, được đặt từ tên một tiểu thơ (princess) của một bộ lạc người Maori đã lao mình xuống hồ nước nóng chết vì người cha tù trưởng vũ phu của cô. Ngày nay, Hell’s Gate là khu địa nhiệt duy nhất tại Tân Tây Lan còn do bộ lạc Ngati Rangiteaorere làm chủ, là một khu bảo tồn quý báu  dùng để trị liệu và mang lại sức sống mới cho bất cứ ai muốn sử dụng phương pháp y học cổ truyền Maori.

Hell’s Gate cũng hơi giống khu địa nhiệt Te Puia mà chúng tôi đã thăm thú hôm qua, nhưng rộng hơn, do đó có nhiều thứ để xem hơn.

Một hồ nước trông giống hình nước Úc với bảng hiệu Map of Australia, một hồ nước trông như cái vạc có tên Devils Cauldron, dốc núi bốc hơi Steaming Cliffs. Hồ nước đen, hồ trị bệnh (sulfur lake hay medecine lake), hồ nấu ăn (cooking pool). Hồ nhỏ lớn đều có tên tùy hình dáng, tính chất hóa học và địa nhiệt của nó.

Hồ nước nóng giống hình bản đồ nước Úc

Trên đường đi chúng tôi gặp bãi đất màu xám tro và trắng được đặt tên Sulphur Crystal Valley,  rồi một ngọn núi lửa có đường kính khoảng bốn mét, cao hơn đầu người với miệng còn bốc khói. Cameron nói về đêm miệng núi lửa này phun lửa do bị áp suất của không khí. Vì còn hoạt động nên đất quanh núi lửa tràn lấn ra đường đi, và nay đã vượt qua khỏi hàng rào gỗ chừng nửa thước.

Đến một hồ bùn, anh phi công lấy tay vớt bùn đen lên, giới thiệu đấy là y dược của người Maori, bôi bùn vào mặt sẽ làm cho da dẻ mịn màng, trẻ ra. Tôi cười, không tin những trò quảng cáo này nhưng được biết có nhiều du khách (kể cả người da trắng) đã bôi bùn vào mặt, tắm hồ bùn, spa bùn với chủ đích trị liệu hay tăng sức khỏe.

Như đã nói trước đây, người Maori có nước da trắng so với người ở các hải đảo và ở nam Á Châu. Phải chăng ngoài thuộc giống Polynesian, còn nhờ tắm bùn ở các khu địa nhiệt?

Cameron chỉ cho chúng tôi hồ nước có bảng hiệu Medecine Lake, nói rằng nước ở đấy có chất sulfur (lưu huỳnh) có tính cách trị liệu, tắm vào sẽ chữa một số bệnh. Nhưng tôi vẫn nghi ngờ khả năng trị bệnh kiểu này.

Rồi gặp một đống đất cát bên bờ tường đá, anh bốc một nắm, dùng hai tay xoa, đất bỗng trở nên mịn và trắng như bột, Cameron gọi đó là loại kaolin, người ta dùng làm đồ sứ.

Phi công Cameron lấy bùn từ hồ lưu huỳnh (sulfur lake – medecine lake) giải thích khả năng trị liệu của bùn với nhà tôi

Đi qua một hồ nước đục ở giữa lòng đang sôi có bảng hiệu Cooking Pool, anh nói đây là nơi người Maori dùng để nấu thức ăn. Mặc dầu nước đục, nhưng với sức nóng luôn trên 90 độ là nơi lý tưởng để luộc rau. Nước tuy màu đen mượt như  nhung, có mùi lưu huỳnh nhưng thức ăn nhúng trong nước khi đem ra hoàn toàn không có một chút bẩn nào và hương vị… tuyệt cú mèo.

Trở về chỗ máy bay đậu, đi qua những con đường có những bụi cây cao quá đầu người, lá nhỏ với những bông trắng nhỏ, Cameron bẻ một vài ngọn đưa cho chúng tôi ngửi, nói đây là một loại lá mà người Maori dùng làm dược thảo.

Cả khu đất có tên Cổng Địa Ngục (Hell’s Gate) nơi tiểu thơ (hay công chúa) Tiketere tự tử thưở xưa nay trở thành khu trị bệnh, bồi dưỡng sức khỏe. Nhưng tại sao chẳng thấy ai tắm bùn, ngồi spa bùn?

Lý do: anh phi công chỉ đưa chúng tôi đi tham quan cảnh vật mà thôi. Muốn tới hưởng những thú vui trị bệnh này, bạn phải đi bằng xe hơi. Có những chuyến đi tour bằng xe bus. Từ trung tâm phố Rotorua tới Hell’s Gate khoảng gần 20 km đường bộ. Tại đây bạn sẽ gặp trung tâm tắm bùn có tên Hell’s Gate Waiora Spa, mở cửa từ 8.30am đến 8.30pm mỗi ngày. Giá mỗi người từ $75 đô NZ trở lên. Quảng cáo nói nên ghi danh trước để bảo đảm khi tới nơi còn có chỗ tắm.

Nghe nói tắm trong hồ nước bùn sệt như sữa đặc này sẽ làm cho máu huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, là một kinh nghiệm hiếm có. Hồi bé, tôi đã có nhiều kinh nghiệm lội bùn khi ở thôn quê, nên thấy bùn là ngán.

Hôm nay tôi đã không có cơ hội tắm hồ bùn kiểu Maori được quảng cáo tận mây xanh này, nhưng cũng không tiếc vì đang tiếp tục được quan sát từ trên không cả một khu đồi núi và hồ trải rộng trong một chu vi  khoảng 100 km.

Chúng tôi được quan sát từ trên không cả một khu đồi núi và hồ trải rộng trong một chu vi khoảng 100 km

Ngắm núi lửa từ trên cao

 

Máy bay rời Cửa Địa Ngục Hell’s Gate, phi công cho biết sẽ bay một vòng tới núi lửa Mt. Tarawera trước khi trở về thành phố Rotorua.

Phi cơ liệng một vòng quanh những hồ nước nóng trước khi bay qua dãy núi lớn, rồi bay qua hồ Lake Okataina. Xin nhắc lại, ở thành phố Rotorua có nhiều hồ mà hồ Rotorua là hồ lớn nhất, sau đó là hồ Tarawera sát núi Mt. Tarawera và hồ Lake Okataina, nhỏ khoảng một phần tư hồ Rotorua.

Nhìn bản đồ đã thấy đẹp, bay trên không với tốc độ chậm để quan sát, thật không còn gì đẹp và thú vị hơn. Tôi không còn cảm thấy cái vé $330/người là quá đắt, nhất là khi trong máy bay chỉ có hai vợ chồng, nên cảm thấy chuyến đi là đặc biệt, vì rất riêng tư.

Đã đi du lịch ở Rotorua, bạn nên đi một chuyến xem cảnh bằng máy bay, và phải là trực thăng mới đã.

Chúng tôi còn cả nửa giờ bay, mặc sức ngắm cảnh. Núi, đồi và hồ. Đó là Rotorua nơi có trên 50 cái hồ lớn nhỏ.  Bay qua một hồ nhỏ hình tròn nước xanh lơ ở dưới thấy một vài căn nhà mà Cameron nói không phải của cư dân,  rồi máy bay vượt  qua hồ Okataina, rồi qua những cánh rừng có tên khác nhau trước khi tới rừng Tarawera nơi có ngọn núi lửa nổi danh Mt. Terawera.

Núi Tarawera phun lửa vào ngày 10.6.1886, kéo dài trong 5 tiếng đồng hồ, phun ra những tảng đá đen nóng tạo thành kẽ nứt trên rặng núi dài tới 17 km. Vì vậy rất nhiều làng mạc người Maori ở khu này bị phá hủy, chôn vùi dưới trận núi lửa trong đó có làng Te Waiora ngày nay được biết dưới tên The Burried Village. Trung tâm tắm bùn Waiora Spa xuất phát từ tên của ngôi làng bị chôn vùi này

Phi công chở đi xem núi lửa Mt. Tarawera

Bay tới khu có núi lửa này, máy bay bắt đầu rung rinh. Có thể thấy nét mặt tôi hơi “khẩn trương”, tay nắm chặt móc vịn trên cửa máy bay, Cameron cho biết bay trong vùng núi như thế này hơi khó chịu một chút nhưng không sao. Anh lượn một vòng các miệng núi lửa đủ hình thể, những khe đá ngày xưa đã phun lửa.

Thời gian đã xóa đi những hình ảnh ghê rợn do thần lửa gây ra như bạn thường thấy trong những bản tin thời sự các vụ hỏa diệm sơn hoạt động. Chỉ còn lại những cái hố sâu như cái nón lật ngược. Ở đây hỏa diệm sơn đã không tạo thành những cái hồ lớn như ở một số nơi. Đáy không mảy may nước. Vách đá màu ruốc pha lẫn màu trắng do mưa nắng xói mòn tạo nên. Cũng có nơi cỏ hoang mọc tạo nên bức hoa văn của thiên nhiên.

Cameron bay khá chậm để chúng tôi quan sát và thưởng thức, xong bẻ tay lái quẹo phải hướng về Lake Rotomahana, một hồ lớn thứ tư ở đây. Trận động đất với những miệng núi lửa chung quanh khu vực đã thay đổi một phần nào hình thể của hồ Rotomahana.

Chúng tôi bay qua hồ Tarawera rộng lớn, anh phi công hỏi tôi có biết hồ này không. Tôi nói nghe quen quen bởi vì trùng tên với ngọn núi lửa của chuyến đi tour.  Quanh hồ này tôi thấy có nhiều nhà cửa. Lại núi đồi và sau đó là hồ Okareka, một hồ cỡ trung. Rồi bay qua gần thung lũng địa nhiệt Whakarewarewa với  khu Te Puia mà chúng tôi đã tham quan ngày hôm qua và đã tường thuật khá chi tiết với bạn đọc.

Chúng tôi bắt đầu thấy cái hồ thật lớn với hòn đảo nằm ở giữa. Đó là hình ảnh không thể lầm lẫn của hồ Rotorua. Chúng tôi bắt đầu thấy nhà cửa san sát bên bờ hồ cạnh thảo nguyên. Đồi núi màu xanh thẫm, đồng cỏ mênh mông xanh tươi.  Nhưng đó là khu phía đông nam của Rotorua.

Một miệng núi lửa trên núi Mt Tarawera

Phi cơ phải bay thêm một đoạn băng qua rẻo hồ thì mới thấy trung tâm thành phố với những cao ốc. Cầu tàu đã hiện ra trước mặt như máy ảnh được zoom và thu ngắn lại. Rõ và lớn dần. Chiếc trực thăng màu trắng vẫn chưa trở lại vì có thể đó là tour đi dài giờ. Chiếc thủy phi cơ vẫn đậu giữa sông và một chiếc phi cơ nằm sát cầu tàu vẫn còn đó, chứng tỏ chưa có khách đi. Chiếc tàu khách hai tầng Lakeland Queen vẫn không xê dịch. Dịch vụ du lịch trên hồ Rotorua rất yên lặng đến vắng tanh, ngoài hai chuyến trực thăng mà tôi vừa kể với bạn đọc.

Chúng tôi trở về đúng giờ. Một chuyến bay êm, tuyệt vời. Trong khi tôi nói lúc mới bay hơi sợ chút chút nhưng nhà tôi nói chẳng sợ gì. Bởi nhà tôi đã từng đi những loại ride lộn ngược lộn xuôi trong hầu hết các theme park ở Úc, Mỹ với con cái trong khi tôi chỉ đứng nhìn, chỉ một lần duy nhất cùng đi trò chơi Tower of Terror ở Gold Coast mà thôi để cho biết trạng thái khi mất trọng lực khi lên đỉnh tháp và rơi xuống.

Chúng tôi về khách sạn lấy vali kéo tới trạm xe bus ở đường Fenton Street và một lát sau con cái đi cỡi ngựa trở về. Còn gần nửa tiếng chuyến xe bus của chúng tôi mới tới. Chuyện đi đứng được sắp xếp đúng như dự tính. Con cái chúng tôi vẫn cảm thấy tội nghiệp cho chúng tôi vì phải ngồi ngoài đường đợi và phải một lát sau mới biết rằng ba mẹ đã hưởng thụ một chuyến đi chơi lý thú không ngờ.

Trở về thành phố sau một chuyến ngắm cảnh bằng trực thăng

Đi du lịch đã nhiều, lần này mới ngắm cảnh bằng trực thăng lần đầu tiên. Quá thú vị nên dài dòng chia sẻ cùng bạn đọc. Tôi nghĩ bạn đọc nào sau khi nghe câu chuyện này, sẽ không ngần ngại làm một tour bằng trực thăng khi có dịp tới vùng địa nhiệt nổi tiếng nam bán cầu như  thành phố Rotorua.

Vì thế tôi muốn sửa câu nói của linh mục Võ Thanh Xuân – phó xứ St John ở East Melbourne từng sống mười năm ở Tân Tây Lan–  khi nói với tôi rằng “Chưa đi Đảo Nam, chưa đi Tân Tây Lan”—  thành “Chưa đi Rotorua, chưa đi Tân Tây Lan”. (còn tiếp)

Nguyễn Hồng Anh

Trích báo giấy TVTS số 1240 phát hành ngày 30.12.2009