Tân Tây Lan (8): Từ Rotorua xuống Wellington, “cỡi ngựa xem hoa”

14 Tháng Một, 2022 | Du lịch,Tân Tây Lan
Dãy núi lửa Tongariro chụp từ quốc lộ 1 trên đường Taupo đi Wellington. Photo: TVTS

Nguyễn Hồng Anh

Người ta nói với tôi đi xe bus từ Rotorua tới Wellington mất khoảng 6 tiếng đồng hồ. Nghe là đã ngán. Đến khi mua vé, nghe nói khoảng 7 tiếng là thấy ớn. Nhưng khi lên xe đi, vì lý do này nọ , kéo dài tới gần 8 tiếng, thì phải nói là… hãi.

Nhưng bạn ơi, cái giá của sự ngồi lâu trên xe bus đôi lúc cũng mang lại cho bạn sự thích thú.

Không mong mà được

Bạn đã nghe Tân Tây Lan là nơi có cảnh đẹp? Phải nghe thôi bởi vì đấy là nơi người ta quay những cuốn phim nổi tiếng làm cho đất nước này trở thành một địa điểm hấp dẫn du khách.

Nhất định bạn đã xem hay đã nghe về bộ phim dựa vào bộ tiểu thuyết The Lord of the Rings với ba cuốn phim mang tên The Fellowship of the Ring (2001), The Two Towers (2002)và The Return of the King (2003).

Cả ba cuốn phim này với phí tổn lên tới $285 triệu đô la đã được thực hiện ngay tại quê hương của đạo diễn Peter Jackson: Tân Tây Lan. Bộ phim không những thành công lớn về mặt tài chánh mà về mặt nghệ thuật, đã chiếm được 17 giải Oscar (Sir Peter Jackson, 48 tuổi, đạo diễn của những cuốn phim khác như King Kong, The Lovely Bones vừa được phong tước hiệp sĩ knighthood dịp ngày đầu năm 2010 vì công lao đối với kỹ nghệ điện ảnh).

Câu chuyện giả tưởng này đã được thực hiện tại trên 150 địa điểm–  ở nhiều nơi xa xôi, trong rừng sâu, ở các khu bảo tồn và các công viên quốc gia. Việc Bộ Bảo tồn Môi sinh Tân Tây Lan cho sử dụng các công viên quốc gia làm phim trường đã gặp nhiều sự chỉ trích bởi vì không tham khảo đủ về tác hại về môi trường cũng như không thông báo rộng rãi cho công chúng.

Những trận chiến diễn ra trong công viên quốc gia Tongariro National Park ở Đảo Bắc đã khiến sau này người ta phải trùng tu lại công viên. Nhưng cũng chính nhờ những cuốn phim này mà thế giới biết nhiều về Tân Tây Lan, một quốc gia nhỏ và nằm ở tận cùng đáy của thế giới.

Đây là một thành công về mặt quảng cáo du lịch mà nước Úc rất mơ ước. Cuốn phim Australia do đứa con cưng Nicole Kidman đóng được Bộ Du lịch Úc hy vọng sẽ thu hút du khách nhưng đã không thành công như bộ ba The Lord of the Rings đối với Tân Tây Lan.

Sir Peter Jackson –đạo diễn phim bộ phim The Lord of the Rings– nói với báo chí: “được phong hiệp sĩ đã hơn được các giải Oscar”. Photo courtesy: poster và solarnavigator.net/films

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chính cuốn phim The Lord of the Rings đã phần nào lôi cuốn gia đình tôi đến thăm Aotearoa vùng đất của những dải mây trắng dài–  một chuyến cho biết. Tôi không nghĩ sẽ tham quan một nơi đóng phim nằm đâu đó giữa lòng của Đảo Bắc, cũng không nghĩ rằng sẽ được thấy công viên quốc gia Tongariro hay ngọn núi lửa phủ đầy tuyết Tongariro, sẽ không thấy hồ Taupo qua chuyến du lịch 6 ngày, nhưng chính chuyến đi bằng xe bus “ngán-ớn-hãi” đó trên quãng đường dài gần 500 cây số mà tôi đã được thấy những thắng cảnh vừa nói từ xa.

Hơn nửa tiếng đồng hồ nhìn Lake Taupo và sau đó hơn nửa tiếng ngắm và chụp không biết bao nhiêu bức ảnh những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng xóa bên cạnh công viên xanh  trải dài hàng chục cây số.

Từ Rotorua đi Wellington: “cỡi ngựa xem hoa”

Xe bus của hãng InterCity đã tới trạm Rotorua, rất đúng giờ. Mời bạn cùng chúng tôi lên xe, đi Taupo, một thành phố du lịch kế cạnh cũng nổi tiếng không kém về du lịch, nằm ở phía nam Rotorua.

Dân số thành phố này (34,000) chỉ bằng một nửa Rotorua và hoạt động du lịch không quy mô, rầm rộ như thành phố Rotorua. Nhưng Taupo cũng có những khu địa nhiệt, những thác nước nổi tiếng. Và Lake Taupo nằm về phía tây thành phố là hồ lớn nhất Tân Tây Lan, lớn gấp khoảng 5 lần Lake Rotorua.

Đường từ Rotorua tới Taupo cũng giống Auckland-Rotorua mà chúng tôi đi hôm qua, hai bên có nhiều đồi núi, đồng cỏ nuôi bò và cừu. Đoạn đường dài khoảng 80 km mất đúng một giờ. Chúng tôi có 15 phút để chuẩn bị đổi xe tại thành phố Taupo, lấy xe bus 2 tầng đi Wellington.

Từ đây xe bus dùng tuyến đường quốc lộ 1 và nhờ vậy chúng tôi bắt đầu thấy hồ Taupo nằm bên tay phải chúng tôi. Ngồi trên tầng cao của chiếc xe bus, tôi thấy cảnh vật hai bên rõ hơn, xa hơn.

Đây là lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng hình ảnh một cái hồ liên tục trong vòng 30 đến 45 phút trong khi xe đang chạy, bởi quốc lộ 1 chạy dọc bờ hồ Taupo. Bên kia hồ rộng tới 40 km là rặng núi trùng trùng điệp điệp, không đứt đoạn.

Lake Taupo, hồ lớn nhất của Tân Tây Lan với những đợt sóng tấp vào bờ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Màu nước giữa hồ xanh đậm, gần bờ xanh lá cây, những đợt sóng tràn vào bờ trắng  xóa như sóng biển. Nếu không biết trước, tôi có thể lầm đây là eo biển.

Khoảng nửa giờ khi xe chạy qua khỏi hồ Taupo, chúng tôi bắt đầu thấy ngọn núi trắng xóa trên đỉnh đầu. Tôi nghĩ đấy chỉ là mây phủ bởi chúng tôi đang đi trên “vùng đất của những dải mây trắng dài”.

Nhưng rồi những chóp núi bạc đầu dần dần hiện rõ. Quả thật có những dải mây trắng rất lớn và dài che trên đỉnh núi, nhưng tôi bắt đầu phát hiện rặng núi này có nhiều chỗ trắng xóa không phải là mây mà là tuyết. Bởi có nơi tuyết phủ nơi không, không đồng đều.  Trong rặng núi tuyết phủ này có một ngọn hình phễu trông rất đẹp mắt. Sau này tôi mới biết đó là ngọn hỏa diệm sơn Ruapehu nằm bên cạnh ngọn Ngauruhoe và ngọn Tongariro, mang tên công viên quốc gia Tongariro National Park. Cả ba ngọn này thường được gọi bằng một tên chung là núi lửa Tongariro, đều là những ngọn núi lửa đang còn hoạt động.

Xe chạy trên quốc lộ số 1, song song với núi và công viên quốc gia Tongariro, nên tôi được chiêm ngưỡng những ngọn hỏa diệm sơn phủ tuyết đã được quay trong bộ phim The Lord of The Rings, khác một điều chúng tôi chỉ được thấy ở tầm nhìn lúc gần nhất là khoảng 10 km.

Vì dãy núi lửa phủ tuyết này rất lớn nên phải đến gần 45 phút mới khuất tầm nhìn, không còn thấy ngọn núi hình phễu nữa.

Tôi còn nhớ khi đi xe lửa cao tốc từ cố đô Kyoto về thủ đô Tokyo trong chuyến du lịch Nhật Bản vào tháng 8 năm 2007, đã có dịp ngắm ngọn núi Phú Sĩ hùng vĩ. Nhưng lúc đó là mùa hè, đỉnh ngọn Phú Sĩ  không còn tuyết. Và vì xe lửa đầu đạn chạy quá nhanh nên chỉ thoáng một cái là ngọn núi biến mất.

Chuyến đi Tân Tân Lan này dù là cuối mùa xuân, nhưng tuyết trên các ngọn núi lửa Tongariro còn dày và nhiều, xe bus chạy tương đối chậm nên tôi được nhìn rất lâu. Quả không bõ công ngồi hàng giờ trên xe bus.

Tuyết và mây: Dãy núi lửa phủ tuyết này rất lớn nên phải đến gần 45 phút mới khuất tầm nhìn, không còn thấy ngọn núi hình phễu nữa.

 

 

 

 

 

 

 

Vài giòng về các ngọn núi lửa

Theo các thông tin trên mạng thì ngọn núi lửa Ruapehu cao 2797 mét với miệng núi hình phễu đã từng nhiều lần phun lửa trong 12,000 năm qua. Miệng núi lửa Ruapehu là một hồ nước chứa khoảng 10 triệu mét khối nước. Vào đêm vọng Giáng sinh năm 1953 miệng hồ núi lửa vỡ, đổ khoảng 1.6 triệu mét khối nước xuống lưu vực sông Whangaehu làm gãy một phần cây cầu tuyến đường xe lửa Tangiwai.

Chuyến xe lửa tốc hành từ Wellington đi Auckland không thể ngừng lại trước chiếc cầu đã gãy, đầu máy và toa thứ nhất qua được bên kia bờ trong khi 4 toa còn lại rơi xuống sông và bị cuốn đi, làm 151 hành khách thiệt mạng. Lần cuối cùng núi Ruapehu phun lửa vào năm 1995.

Ngọn núi lửa Ngauruhoe cao 2,291 mét nằm giữa hai ngọn Ruapehu và Tongariro. Mặc dầu có thể coi đây là một ngọn núi độc lập, ngọn núi có hình chóp nón thật ra là một phần của ngọn núi lửa Tongariro. Trong suốt thế kỷ 20  Ngauruhoe đã phun lửa 45 lần và lần chót vào năm 1977.

Ngọn Tongariro nằm về phía cực bắc của bộ ba ngọn núi lửa đang hoạt động, cao 1,967 mét là ngọn núi thấp nhất trong bộ ba. Đi từ Taupo tới Wellington, bạn sẽ thấy ngọn Tongariro đầu tiên.

Ngọn Tongariro phun lửa lần đầu tiên cách đây 260,000 năm. Núi lửa này có 12 cái chóp hình nón (cones). Đây là ngọn núi hoạt động nhiều nhất, trong một thế kỷ rưỡi vừa qua đã phun lửa trên 70 lần và lần chót vào năm 1975.

Cả ba ngọn núi lửa này được coi là những nơi linh thiêng của người thổ dân Maori, nhưng cũng là nơi để du khách tới chiêm ngưỡng, đi bộ việt dã hay trượt tuyết.

Các núi lửa Ruapehu, Ngauruhoe và Tongariro là nơi mà nhà đạo diễn Peter Jackson chọn để quay nhiều cảnh cho bộ phim The Lord of The Rings, tạo tiếng vang khắp thế giới.

Núi lửa Tongariro nằm trong công viên quốc gia Tongariro National Park. Đây là công viên quốc gia đầu tiên của Tân Tây Lan và được coi là một trong 4 công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản của nhân loại.

Với diện tích khoảng 800 cây số vuông, công viên quốc gia Tongariro trải dài hàng chục cây số bao trùm ba ngọn núi lửa vừa nói trên, được bao bọc bởi những rừng bản địa. Nơi đây mỗi năm thu hút khoảng 1 triệu du khách đến thăm quan.

Ở đất nước cứ 12 con cừu mới có 1 người: đàn cừu trên đồi cỏ xanh trông như những bông hoa trắng

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn và tôi chỉ đi bên lề công viên, nhìn từ quốc lộ 1. Nếu muốn nhìn tận bên trong công viên nổi tiếng thế giới này để xem có gì đẹp, có lẽ phải tạm thời xem bộ phim The Lord of the Rings bởi có rất nhiều cảnh của cuốn phim được thực hiện tại công viên này, quay nhiều đến độ làm hư hại công viên, bị dư luận chỉ trích.

Sau hồ Taupo, núi lửa và công viên Tongariro, khoảng 6 tiếng còn lại của chuyến đi hơi buồn chán, bởi vì chỉ thấy những đồng cỏ, đồi cỏ hai bên đường với không biết bao nhiêu là cừu và bò.

Nhà tôi thắc mắc cừu được thả trong những cánh đồi dọc hai bên đường lộ, dài hàng trăm cây số như vậy thì làm sao người ta kiểm soát những con cừu đó. Cừu đi lạc thì sao? Tôi không thể nào trả lời thắc mắc đó của nhà tôi, nghĩ rằng với kỹ nghệ có hàng chục triệu con cừu, vài trăm hay vài ngàn con lạc đâu đó, không đếm được cũng chẳng sao.

Nhà tôi và tôi cùng có nhận xét có những lúc cánh đồng hay đồi cỏ xanh với những bầy cừu tản mác nhìn từ xa trông như những bông hoa dại giữa cánh đồng.

Dọc đường, tôi thấy bên tay phải có một nông trại với một chiếc máy bay chong chóng đậu trước mặt nhà, như người ta đậu một chiếc xe hơi. Hồi nhỏ, tôi nghe người ta nói ở Tân Tây Lan và Úc các nông gia, trại chủ nuôi cừu và bò dùng máy bay để di chuyển. Hôm nay, tôi đã thấy cảnh đó.

Ngoài cảnh bò và cừu, ở bên phía trái đường xe chạy, thỉnh thoảng tôi thấy có những cái hồ với những vách đá cao, hùng vĩ mà tôi thường thấy trên các quảng cáo.

Xe ngừng lại 30 phút ở một quán ăn dọc đường cho du khách ăn uống và làm vệ sinh. Sau đó chạy tới thị xã Taihape, lúc này đã 5pm. Tới thị xã Bulls, tài xế xin lỗi phải ngừng 20 phút để chờ một nhóm hành khách khác đổi xe và cho biết sẽ tới địa điểm trễ chừng 30 phút.

Đến gần thủ đổ Wellington, quốc lộ 1 chạy bọc ven biển. Bạn sẽ có dịp ngắm cảnh hoàng hôn trên những đoạn đường có núi đồi và biển.  Sự mệt nhọc và chờ đợi cũng nhờ vậy mà giảm dần nếu bạn thích ngắm cảnh.

Cuối cùng chúng tôi đến trạm xe bus Wellington, cũng là trạm xe lửa. Lúc này đã 9 giờ tối.  Hành trình kéo dài từ 1.15pm đã chấm dứt. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm sau một chuyến đi gần 8 tiếng đồng hồ. (còn tiếp)

Nguyễn Hồng Anh

Trích báo giấy TVTS số 1240 phát hành ngày 6.1.2010