Việt Nam nói ghi nhận báo cáo của Mỹ về tranh chấp ở Biển Đông

14 Tháng Một, 2022 | Tin Việt Nam
Hình minh hoạ: Hình chụp vệ tinh đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa) nơi xuất hiện nhiều tàu nạo vét của Trung Quốc vào tháng 5/2015. Photo courtesy: Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào ngày 14/1 nói với báo giới rằng Hà Nội ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn phát biểu của Bà Lê Thị Thu Hằng như vừa nêu nhân dịp phía Hoa Kỳ có báo cáo liên quan tranh chấp tại Biển Đông. Bà Hằng nói Việt Nam một lần nữa đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Bên cạnh đó các bên cần tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Hôm 12/1 Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo mới bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm cả đòi hỏi về vùng nước lịch sử mà Bắc Kinh vẫn áp dụng đối với đường đứt khúc chín đoạn chiếm đến gần 90% diện tích Biển Đông.

Báo cáo có tên gọi “Limits of the Seas”, tạm dịch là “Các giới hạn trên biển”, dài 47 trang bao gồm cả bản tóm tắt bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc.

Báo cáo xem xét bốn loại yêu sách hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc bao gồm yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển, đường cơ sở thẳng, các vùng biển và các quyền lịch sử.

Về yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển, Trung Quốc hiện có yêu sách chủ quyền đối với hơn một trăm thực thể ở Biển Đông bao gồm cả những thực thể chìm dưới mặt biển và năm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào.

Báo cáo kết luận: “Những yêu sách như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đó các thực thể chìm không phải là đối tượng của một yêu sách chủ quyền hợp pháp hoặc không có khả năng tạo ra các vùng biển như lãnh hải.”

Về đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc áp dụng đối với bốn nhóm đảo mà Bắc Kinh đòi chủ quyền gồm Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa, báo cáo kết luận không có nhóm đảo nào trong số này đáp ứng các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng các đường cơ sở thẳng theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).

Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc chín đoạn tại Biển Đông và tuyên bố gần 90% vùng nước trong đường đó. Tòa Trọng tại Thường trực PCA vào tháng 7/2016 ra phán quyết đường đứt khúc chín đoạn đó không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử.

Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phán quyết của PCA và ngày càng có nhiều hành động lấn lướt tại Biển Đông. Hoa Kỳ và các nước như Nhật, Pháp, Anh, Đức, Úc, Ấn Độ … cùng có những phản ứng đối với sự quyết đoán bành trướng của Trung Quốc tại khu vực này.