Hồng Kông và đồng hồ báo tử: 25 năm nhìn lại Cảng Thơm (1)

17 Tháng Hai, 2022 | Du lịch,Hồng Kông
Vũ Hà tại cầu tàu ở Hongkong Island, nơi đây có phà đi Cửu Long (Kowloon) và các hòn đảo khác… 30 tháng 6 năm 1995. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng Anh

Năm nay đánh dấu 25 năm Anh trả lại Hồng Kông cho Trung Cộng với Luật Cơ bản là ‘một quốc gia hai chế độ” kéo dài trong 50 năm. Nhưng chỉ được 24 năm, Trung Cộng đã đặt Hồng Kông hoàn toàn dưới sự thống trị độc đoán của họ: không còn tự do dân chủ, quyền ứng cử. Nhiều nhà báo, nhà hoạt động chính trị bị bắt… Đây là bài học cho Đài Loan!

Tôi có dịp du lịch Hồng Kông hai năm trước ngày Anh “bàn giao” vùng đất được gọi là Hương Cảng hay Cảng thơm cho nhà nước Trung Hoa cộng sản. Bài này đã được đăng trên báo giấy TiVi Tuần San năm 1995.

* * *

Hồng Kông có gì lạ?

Nếu bạn nghĩ rằng thế nào mình cũng đi Hồng Kông một chuyến thì có lẽ nên đi trước tháng 7 năm 1997 là ngày Hồng Kông không còn là Hồng Kông ngày nay nữa.

Chẳng thế mà vào ngày 1.7.1995 vừa qua, khi chúng tôi ở thành phố có cái tên Hán-Việt rất đẹp là Hương Cảng, người ta đã cho dựng lên cái đồng hồ gọi là “Count down clock” ở cây cầu nổi giữa các thương xá với con số 731 ngày nữa, khi đồng hồ chỉ số 0 là Hồng Kông coi như đã… đi đời!

Người làm chiếc đồng hồ điện tử vĩ đại (cao khoảng 5 mét) còn chi li làm một dãy số ghi cả giây. Vào ngày đó, hàng giây xuất hiện trên đồng hồ là 63120093. Như vậy chỉ còn khoảng 63 triệu tiếng tíc tắc là Hồng Kông về với Trung Cộng. Người giữ mục tin vắn trên báo TVTS cách đây hai tuần gọi đồng hồ đó là “đồng hồ báo tử”.

Có lẽ đa số dân Hồng Kông không thích cái ngày 1.7.97.

Trong khi đó tại Bắc Kinh người ta lại vui mừng treo biểu ngữ để chờ đón ngày 1.7.97. Ít ra đã có hai lần người hướng dẫn du lịch lưu ý chúng tôi về cái ngày đau khổ đó của nhân dân Cảng Thơm. Hôm mồng 2 tháng 7 trong khi đi xem Quảng trường Thiên An (mà tôi gọi là Quảng Trường Đỏ  làm anh hướng dẫn không vui), người hướng dẫn lưu ý chúng tôi có thấy những biểu ngữ chào mừng ngày “chúng tôi nhận lại Hồng Kông” không?

Rồi ngày hôm sau khi đi xem Vạn Lý Trường Thành, một hướng dẫn viên khác lưu ý những người đi trong xe bus là nếu quý vị có lạc đường thì xin hãy nhớ xe của chúng tôi mang biển số rất dễ nhớ: 1997.

Chỉ với hai sự kiện trên đủ thấy người Trung Hoa rất mong muốn sớm nhận mỏ vàng Hương Cảng. Chỉ có dân Hồng Kông là sợ ngày nào đó cuộc sống rất cao của họ hiện nay nhưng với tài quản lý của Bắc Kinh sẽ kéo mức sống của họ xuống cho gần bằng dân số Hoa lục thì buồn lắm lắm (theo thống kê trên báo Asiaweek số ra ngày 14.7.95 thì lợi tức đầu người của Hồng Kông là $US 21,558, của Úc là $US 17,500 và của Trung Hoa là $US 435. Tuy nhiên, người hướng dẫn viên giới thiệu với chúng tôi lợi tức đầu người của Trung Hoa là khoảng $700 mỹ kim).

Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm “hòn ngọc viễn đông” là miền Nam sau hai mươi năm dưới sự quản lý của đảng cộng sản đã trở thành một trong những nơi nghèo nhất trên thế giới.

Người Hồng Kông họ cũng có cái lý của họ để sợ. Những người giàu có tìm cách để di dân trước cái hạn 1.7.97.

Đường xá ở khu Cửu Long: chật chội và đông đúc như ở Chợ Lớn vậy. Hình: TVTS

Nửa vòng Hồng Kông

Hàng năm, cứ vào khoảng mùa lạnh tôi thường rủ nhà tôi đi chơi xa một chuyến, nếu không đi ra ngoại quốc thì cũng phải đi các tiểu bang khác. Lần này, chúng tôi nhờ đại lý du lịch mua vé đi Bắc Kinh.

Họ cho biết ở Melbourne mỗi tuần có hai chuyến đi Bắc Kinh. Đi hãng China Airline thì rời Melbourne vào Thứ Bảy và trở về vào Thứ Sáu. Vé $1,473 bao gồm khách sạn ba sao, một tour xem Vạn Lý Trường Thành, lăng vua nhà Minh, một bữa cơm thịt vịt Bắc Kinh, các bữa ăn sáng và đưa rước tới phi trường. Đi hãng Qantas thì dài ngày hơn, từ Thứ Ba đến Thứ Tư tuần sau mới về (9 ngày), giá trọn gói $1,559.

Và vì chỉ còn một tuần nữa là nghỉ hè, học sinh Úc đi du lịch nhiều, tôi không thể mua vé đi thẳng Bắc Kinh cho nên quyết định đi qua ngã Hồng Kông, như vậy cùng một lúc đi được hai nước, nhưng dĩ nhiên giá vé đắt hơn: $2,050 cho mỗi người và chỉ được bao chỗ ngủ và đưa rước tới phi trường mà thôi. Tôi yêu cầu đại lý sắp xếp đi trong một tuần mà thôi nên họ đã chọn cho cách đi như sau: ba đêm ngủ ở Hồng Kông, ba đêm ngủ ở Bắc Kinh, một đêm trở lại ngủ ở Hồng Kông và đêm cuối ngủ trên máy bay về lại Melbourne.

Thuế xuất ngoại (departure tax) hiện nay là $27 Úc kim, đóng tại phi trường, nhưng sau 1.7.95 thuế này sẽ được đóng gộp trong vé máy bay.

Chúng tôi đến phi trường Kai Tak Hồng Kông khoảng 9 giờ tối sau 9 giờ bay. Từ trên cao nhìn xuống trông rất đẹp mắt, một rừng lớp lớp cao ốc với đèn điện sáng trưng cho ta có cảm tưởng như một khay đồ chơi của trẻ con. Và khi phi cơ đáp xuống phi đạo, bạn có cảm tưởng phi cơ đang đáp trên mái nhà hay sắp đụng vào các cao ốc. Thật vậy, phi trường Kai Tak nằm trên bán đảo Kowloon, nơi nhà cửa đông đúc nhất Hồng Kông, một mặt trông vào sườn núi và mặt kia trông ra biển nên khi máy bay chạy trên phi đạo, bạn có cảm tưởng như máy bay sắp đâm ra biển.

Người ở Úc lâu sẽ hơi bỡ ngỡ khi ra khỏi máy bay vì bạn sẽ không đi ra trong cầu thang ống mà sẽ bước xuống cầu thang trần như ta lên xuống máy bay ở Tân Sơn Nhất trước kia. Không phải vì Hồng Kông quê mùa mà vì đất quá hẹp, lại phải chứa quá nhiều máy bay từ khắp thế giới đổ về nên không thể xây nhiều cầu thang ống. Chính quyền Hồng Kông đang cho xây một phi trường tối tân tại đảo Lantau với chi phí dự trù khoảng 20 triệu mỹ kim.

Xuống cầu thang trần, bạn sẽ được xe bus chở từ đường bay vào phòng đợi. Trong 4 lần lên xuống phi trường Kai Tak, chúng tôi chỉ đi một lần bằng cầu thang ống dẫn thẳng tới cửa phi cơ (như ta đi ở các phi trường ở Úc và đa số các quốc gia khác). Một lần gặp trời mưa lớn, họ phát cho chúng tôi một cái áo mưa (xài xong dục) để ra phi cơ.

Công dân Úc vào Hồng Kông không cần phải xin visa. Tuy nhiên, đứng sắp hàng để qua cửa Di Trú (trình giấy passport, Immigration card và vé máy bay) thôi cũng mất chừng một tiếng rưỡi. Thật là chậm ngoài sức tưởng tượng. Trong hai lần vào Hồng Kông, chúng tôi phải đợi chừng ấy thời gian, mặc dù đã cố gắng kiếm cái dãy nào ít người nhất để xếp hàng. Bạn cũng nên biết là vào Hồng Kông không bị quan thuế khám, không phải khai mang theo bao nhiêu tiền bạc, có bao nhiêu hàng có giá trị trên $400 như ở Úc. Ấy thế mà cũng chậm. Cảm tưởng đầu tiên khi chúng tôi đến Hồng Kông là dân ở đây quá tà tà.

Chúng tôi đi vé máy bay hạng bình dân nhưng công ty dịch vụ chuyên chở ở Hồng Kông cũng đã sử dụng Mercedes 3 băng ngồi đến chở về khách sạn. Họ phục vụ khá chu đáo trong việc đưa đón. Rất đúng giờ. Khách sạn Metropole trong gói du lịch của chúng tôi là một khách sạn ba sao nhưng phương tiện ăn ở rất đáng đồng tiền bát gạo, vượt xa khách sạn 4 sao Landmark mới xây mà chúng tôi ngụ ở Bắc Kinh.

Bạn có thể đổi tiền Hồng Kông ở phi trường Úc (thời giá lúc chúng tôi đổi là 1 úc kim ăn khoảng $5.2 Hồng Kông). Bạn cũng có thể đổi tại phi trường Hồng Kông (AUS$1.00 = HK$5.1) hoặc đổi bất cứ kiosk  nào trên đường phố Hồng Kông với giá thấp hơn là AUS$1.00 = HK$5.00. Tôi cũng có trữ một số traveller cheque tiền Mỹ nhưng khi hỏi đổi thì bị đòi phải trả tiền huê hồng. Nhiều cửa hàng không chấp nhận traveller cheque nếu mình chỉ mua món hàng vài chục đô. Kinh nghiệm cho thấy xài credit card là tiện nhất và lời nhất. Trong nhiều ngày tôi trả tiền bằng master card được hưởng giá AUS$1.00 = HK$5.40. Đa số các tiệm ở Hồng Kông từ nhỏ đến lớn đều chấp nhận credit card, tha hồ mà mua sắm (dĩ nhiên các sạp bán trên vỉa hè thì chỉ đòi tiền Hồng Kông mà thôi).

Nói đến Hồng Kông là nói đến chuyện mua sắm. Không phải đối với tôi, với bà xã tôi mà người ngoại quốc nào đến Hồng Kông cũng đều ít nhiều nghĩ đến chuyện mua vài món đồ. Hồng Kông là thiên đường cho những người mua sắm.

Ấy thế nhưng phải coi chừng. Rẻ mắc tùy mặt hàng, tùy mốt, tùy tiệm và tùy chính khả năng trả giá của người mua!

Phi trường Kai Tak ở Hồng Kông năm 1995, ngưng hoạt động năm 1998. Hình: TVTS

Chúng tôi đã nghe thiên hạ nói phải coi chừng khi mua sắm ở Hồng Kông. Nhật báo Anh ngữ Hongkong Standard số ra ngày Chủ Nhật 1.7.95 cũng đã dành nguyên hai trang lớn để viết một bài về chuyện đi mua sắm đồ ở Hồng Kông với tựa đề “Taken For A Ride”. Ký giả Kate Morrow viết: “Người ta biết đến Hồng Kông với nhiều cái tên khác nhau. Có người gọi đây là thiên đường, là thành phố mua hàng rẻ. Có người gọi đây là thành phố của lường gạt. Hầu như du khách nào đã từng đi qua Hồng Kông đều có chuyện không bằng lòng để kể. Chính một cư dân Hồng Kông cũng đã phải lên tiếng: “Bạn chưa thật sự ở Hồng Kông nếu bạn chưa bị lường gạt”

Đã đọc kỹ bài viết nói trên, nhưng sau đó trong khi đi mua sắm tôi cũng không khỏi có cảm tưởng mình cũng bị gạt phần nào (chưa nặng lắm) khi mua phụ tùng máy ảnh và ăn nhà hàng.

Di chuyển bằng phương tiện gì?

Như đã nói trước, mặc dầu bạn có thể mua hàng bằng credit card và trong một vài tiệm như tiệm máy ảnh hay tiệm may áo quần tây người ta có thể nhận cả tiền Úc, bạn cũng nên có vài trăm hay vài ngàn đồng tiền Hồng Kông mà xài khi mua nước ngọt dọc đường, khi đi xe bus, xe điện ngầm hay trả tiền taxi.

Mặc dầu chúng tôi chưa biết làm thế nào để đi xe bus hay xe lửa từ Richmond qua Footscray, nhưng chỉ trong vòng nửa ngày ở Hồng Kông, chúng tôi đã biết đi xe bus công cộng và nhất là đi xe điện ngầm mà người Hồng Kông gọi là MTR (Mass Trainsit Railway). Đây là một phương tiện di chuyển phổ thông nhất, đông người sử dụng nhất và rẻ nhất ở Hồng Kông. Một chuyến đi từ ngắn đến dài, chẳng hạn từ Kowloon (bán đảo Cửu Long) đến các vùng khác trong hệ thống xe điện ngầm của Hồng Kông chỉ tốn từ 4 đến 9.50 đô HK (khoảng 80 xu đến $1.9 Úc kim). Đi xe taxi, bước lên xe và đi trong khoảng 2 cây số trở lại chỉ trả $13.60 Hồng Kông (tức khoảng $2.70  Úc kim). Ở đây đi taxi xa không tốn bao nhiêu nhưng nếu gặp kẹt đường vào giờ cao điểm thì trả hơi nặng, chúng tôi nhớ nếu  không lầm hình như gần một phút xe đứng đợi phải trả thêm 1 đô Hồng Kông, tức khoảng 20 xu Úc.

Lại nói về đi xe điện ngầm. Cứ ở mỗi khu phố của Hồng Kông có một trạm xe điện ngầm. Có nhiều cửa ra vào trạm xe điện ngầm. Cho nên mỗi lần ra vào trạm xe điện, bạn phải nhớ tên khu vực cửa ra vào, kẻo lần sau tìm lại mất thời gian. Vào trạm xe điện ngầm, bạn tìm chỗ đổi tiền kẽm. Có rất nhiều bản đồ vẽ và viết song ngữ Anh-Hoa. Chọn đi khu vực nào, bạn xem giá tiền và chỉ việc bỏ đúng tiền kẽm vào máy bán vé tự động thì bạn sẽ nhận một thẻ nhựa (như thẻ medicare vậy). Dùng thẻ nhựa này, bạn bỏ vào máy kiểm soát ở cổng và lập tức cổng (giống cổng vào ở các siêu thị Coles) sẽ mở ra cho bạn.

Đi sâu vào bên trong bạn nhìn vào các bảng hướng dẫn để chọn tuyến đi. Rủi lớ ngớ không biết, bạn cứ hỏi người đi đường, họ sẽ chỉ cho bạn. Đa số dân Hồng Kông ít nhiều biết nói tiếng Anh. Muốn chắc ăn, tìm những người mặt mày sáng sủa, những cô cậu ra vẻ học sinh mà hỏi thì thế nào cũng được trả lời bằng tiếng Anh. Cũng có lúc chúng tôi hỏi một hai người mà mình tưởng sẽ nói tiếng Anh để giúp mình tìm đường thì bị trả lời không biết tiếng Anh. Nếu bạn nói được tiếng Quảng Đông thì nhất bạn rồi. Bạn có thể xem như bạn đang ở Chợ Lớn, chẳng có gì mà phải lo lắng.

Thí dụ bạn mua vé đi từ Mong Kok đến Jordon là $4.50 Hồng Kông. Nhưng đến trạm Jordan bạn không xuống mà đi ráng đến trạm Central ở bên đảo Hồng Kông (gọi là Hongkong Island), nơi đáng lý bạn phải mua vé giá $9.50. OK, bạn vẫn đi tới đó được. Loa phóng thanh trên xe điện ngầm chỉ nhắc nhở bạn xe đang ngừng ở trạm nào để bạn xuống và loan báo tên trạm sắp tới. Không có ai đuổi bạn xuống cả. Nhưng khi xuống trạm, bạn nhét thẻ nhựa vào cổng trạm Central, cửa không mở cho bạn ra đâu. Có hai cách, hoặc bạn phải trở về trạm Jordan nơi bạn mua vé $4.50 để ra hoặc mua một vé nào đó từ Central đi trạm khác để có thể ra khỏi đường xe điện ngầm. Hành khách không thể ăn gian được vì tất cả vé xe đều được kiểm soát bằng Computer. Nếu bạn mua vé đường ngắn như nói ở trên thì khi ra khỏi cổng máy sẽ giữ lại vé của bạn. Còn nếu bạn mua vé đi lâu hơn hay vé đi tuần với giá tương nhượng, mỗi khi qua khỏi cổng máy sẽ tự động trả vé lại cho bạn.

Nguyễn Hồng Anh, tác giả bút ký “Kể chuyện đường xa” trong chuyến du lịch Hồng Kông, ngày 30.6.1995, hai năm trước khi thuộc địa Anh được trả lại cho Trung cộng. Hình: TVTS

Là người hiếm khi sử dụng phương tiện di chuyển công cộng ở Úc, tôi phải phục hệ thống xe điện ngầm ở Hồng Kông. Cứ mỗi hai đến năm phút là có một chuyến xe điện ngầm tới, chở hàng trăm, hàng ngàn người một lúc trên một dãy toa dài ngút ngàn. Người đi lên đi xuống, đi ra đi vào hầm xe điện đông ngần ấy thế mà rất trật tự. Chỉ trong cổng vào ra ở trạm xe điện tôi mới thấy dân Hồng Kông đi nhanh cho kịp xe. Ngoài ra, ở phố thấy họ rất tà tà, khác với ở Úc mình đi đứng vội vàng ra vẻ khá vất vả.

Bạn cũng nên biết rằng, thuộc địa Hồng Kông không rộng lắm, khoảng 1,000 cây số vuông tức là chỉ bằng nửa diện tích của thành phố Sài Gòn – Gia Định. Lãnh thổ Hồng Kông được chia làm 4 khu vực:

Cửu Long (Kowlon)

Đảo Hồng Kông (Hongkong Island)

Tân Giới (New Territories)

253 đảo lớn nhỏ trong đó có Lantau Island là hòn đảo lớn nhất, gần gấp đôi Hongkong Island.

Vì thật sự chỉ ở Hồng Kông khoảng ba ngày, chúng tôi chưa có dịp đi Lantau Island nơi nghe nói có tượng Phật lớn nhất thế giới. Chúng tôi cũng chưa đi ngược về New Territories là vùng đất giáp ranh giới Trung Hoa nơi hiện còn phảng phất đôi nét của cuộc sống nông thôn và nghe nói có thị trấn tên là Tây Cống (Tây Cống là chữ Hán của Sài Gòn).

Trong mấy ngày đó, chúng tôi thường dùng xe điện đi tới đi lui các khu phố thuộc bán đảo Kowloon để mua sắm và ngắm thiên hạ như: Mong Kok, Yau Ma Tei, Jordan và Tsim Sha Tsui.

Bán đảo Kowloon (bán đảo Cửu Long) là nơi dân cư đông nhất. Các trại tị nạn đa số cũng nằm ở bán đảo Kowloon. Trong bốn khu phố của Kowloon mà chúng tôi vừa nói ở trên, khu Tsim Sha Tsui là khu phố đông người nhất, buôn bán sầm uất nhất. Nghe nói đây cũng là khu ăn chơi nổi tiếng của Hồng Kông. Báo chí ngoại quốc gọi Tsim Sha Tsui là ghetto.

Thật vậy, khu phố Tsim Sha Tsui người đông như ruồi. Bạn nghĩ coi: một nơi đất hẹp hơn Sài Gòn mà chứa đến 6 triệu dân, có nghĩa là chỉ trong một cây số vuông có đến gần 5.000 người trong khi ở Úc một cây số vuông chỉ có hai người ở. Cho nên trong thời gian ở bán đảo Kowloon, chẳng bao giờ chúng tôi thấy được bầu trời. Đứng đâu cũng thấy toàn nhà lầu, cao ốc cũ mới sừng sững mọc đầy rẫy. Bạn cứ tưởng tượng mình đang đứng ở khu phố Melbourne, trên các đường Collins, William… Dù sao  thì mình cũng còn thấy chút bầu trời ở trước. Nhưng ở Hồng Kông thì chỉ thấy toàn những khối nhà hộp trước mặt, ngay cả đứng trên lầu khách sạn cũng chẳng thấy được gì ngoài những dãy cao ốc án ngữ trước mặt. Gặp trời nắng, nóng nực, đi xuống phố bạn sẽ thấy rất ngợp thở vì không khí tù túng. Tuy nhiên nếu bạn ở trong nhà (khách sạn) trong các trung tâm buôn bán thì… OK, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái vì ở Hồng Kông người ta xài đèn điện thả dàn, mở máy lạnh tối đa.

Tsim Sha Tsui nằm ở cuối mỏm phía nam của bán đảo Kowloon. Một điều đáng ghi ra ở đây là người ta nói trên bản đồ trong khu vực Tsim Sha Tsui có ba con đường mang tên Việt Nam viết bằng tiếng Anh đó là Hanoi Road, Haiphong Road và Saigon Street. Chúng tôi có thấy con đường Haiphong Road nằm giữa hai đường Cannton Road và Nathan Road nhưng rất tiếc không có đủ thời giờ để thả bộ trên những con đường đó.

Muốn qua Hongkong Island, bạn có thể mua vé xe điện ngầm đi dưới lòng biển. Nhưng có lẽ bạn nên mua vé phà đi một chuyến qua đảo như ta đi bắc Mỹ Thuận. Từ trên phà mà nhìn lại bán đảo Cửu Long hay đảo Hongkong mới thấy được thành phố cảng đẹp như thế nào. Dĩ nhiên phải đẹp hơn trong hình, hơn trên màn ảnh mà ta thường thấy. Bạn đừng lo là phải đợi phà lâu như ở Việt Nam. Rất nhanh. Phà rất lớn, sạch sẽ và có ghế đàng hoàng cho hành khách.

Nếu bạn ở Kowlon, bạn sẽ có cảm tưởng như bạn đang ở trong Chợ Lớn: đông người và không được sạch sẽ cho lắm. Trên nhiều cao ốc người ta cắm những cây sào ra ngoài mặt đường để phơi quần áo, lẫn lộn với những bảng hiệu buôn bán. Vì đường sá Hồng Kông chật hẹp, xe bus hai tầng chạy ngang làm bạn có cảm tưởng xe xuýt đụng vào các bảng hiệu hay cây phơi quần áo.

Ở Hongkong Island thì khá hơn vì đây là khu vực chính của Hồng Kông, nơi tập trung các cơ quan hành chánh, các ngân hàng, trụ sở các công ty lớn, các trung tâm thương mại tân kỳ bậc nhất lãnh thổ này. Vì các khu phố tập trung sát mặt biển nên không khí dễ chịu hơn. (Hồng Kông bao gồm những bán đảo và đảo. Họ xây nhà kín mít từ trên đồi núi xuống sát mặt biển là đã sát cầu tàu, hải cảng. Vì ở đâu tàu cũng vào đậu được nên Hồng Kông được gọi là phố cảng (?) dầu chúng tôi không thấy mùi gì thơm của Hương Cảng cả ngoài một vùng biển nước đục xem ra rất là ô nhiễm.

Chúng tôi chỉ có dịp lui tới vài lần ở hai khu phố chính của Hongkong Island là Central và Admiralty và nhận thấy hai khu vực này rất lịch sự, kiến trúc mới, sạch sẽ, nhưng người mua bán ở các khu thương mại cũng rất là tấp nập. Một nhận xét tức thời của chúng tôi là các khu buôn bán này có lẽ dành cho những người giàu hay những người trung lưu (?). Cũng ở nơi đây, trong mấy ngày chúng tôi thấy không biết bao nhiêu là đoàn người Phi Luật Tân sắp hàng nhận việc hay làm thủ tục gì đó, hoặc nghỉ trưa sau giờ làm việc. Đa số họ là phụ nữ và có lẽ họ là các công nhân của các công trường đang xây cất trong khu vực này. Bạn đừng tưởng là Hồng Kông hết đất rồi. Họ đập các binh đinh cũ để xây những binh đinh mới. Bởi vậy người ta mới nói là người Hồng Kông bồng bế nhau lên trời ở là vậy.

Sống ở một đất nước đất rộng người thưa, nhà ở có vườn trước vườn sau, garage để một hai chiếc xe, chắc chắn người Úc không thích sống ở trong những cái hộp bên Hồng Kông đâu. Nhưng bất cứ ai mà có dịp qua Hồng Kông đều muốn mua đồ về.

Vậy mua đồ ở Hồng Kông thật ra có rẻ không?

Tuần tới, chúng tôi sẽ chia sẻ một vài kinh nghiệm mua sắm, ăn uống với bạn đọc, nhất là những người sắp có ý định đi Hồng Kông.

Nguyễn Hồng Anh

Trích Kể Chuyện Đường Xa, TiVi Tuần-san  số 486 phát hành ngày 19.7.1995