Kể chuyện đường xa: Lăng nhà Minh, Vạn lý Trường thành- ngắm và ngẫm nghĩ (1)

10 Tháng Ba, 2022 | Du lịch,Bắc Kinh
Vũ Hà trên Vạn Lý Trường Thành vào mùa hè 1995

Nguyễn Hồng Anh

Trong tháng  vừa qua, trên đường đi Hồng Kông và Bắc Kinh chúng tôi gặp một vài người Việt ở Melbourne cũng đang trên đường đi Thiểm Tây (mà thủ phủ là Tây An), nơi đây có di tích khá nổi tiếng là mộ của Tần Thủy Hoàng, ông vua đầu tiên thống nhất nước Trung Hoa.

Nếu bạn muốn du lịch Trung Hoa thì còn nhiều chỗ khác mà bạn có thể đi như Quảng Châu, nơi có mộ của liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Tại đây bạn có thể đi xe hơi đến xem khu chế xuất Thâm Quyến, một khu kinh tế giàu mạnh đang vươn lên, một mô hình kinh tế mà cộng sản Việt Nam đang muốn bắt chước. Bạn cũng có thể đi Thượng Hải để xem thành phố biển nổi tiếng của Trung Hoa đẹp như thế nào.

Ngoài ra, nếu bạn muốn đi thăm viếng các di tích lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa thì không chỗ nào hơn được Bắc Kinh. Người ta nói với chúng tôi rằng, muốn xem các thắng cảnh di tích ở Bắc Kinh, bạn phải ở đó khoảng một tuần. Vé du lịch bao máy bay khứ hồi, khách sạn (3-4 sao trong một tuần), ăn sáng, bao đi xem thắng cảnh trong một ngày, giá khoảng 1,500 Úc kim.

Rất tiếc chúng tôi chỉ ở Bắc Kinh được hơn hai ngày. Tuy nhiên, cũng đã xem được một số di tích lịch sử đáng xem, thấy được sinh hoạt của người dân Trung Hoa ngày nay và cũng học được những kinh nghiệm lặt vặt khác mà chúng tôi sẽ kể hầu quý vị trong những bài sau.

Phi trường Bắc Kinh năm 1995. Chúng tôi chuẩn bị rời phi trường để về khách sạn sau chuyến bay đi từ Hồng Kông

Đã đi đến Bắc Kinh thì không thể không đi xem Vạn Lý Trường Thành. Một vài người hướng dẫn du lịch đã ví von rằng “nếu bạn chưa trèo Vạn Lý Trường Thành thì bạn chưa thấy nước Trung Hoa”.

Câu ví von đó không quá đáng vì Vạn Lý Trường Thành là một trong bảy kỳ quan của nhân loại (the 7 wonders in the world).

Người Việt mình nếu đi ra nước ngoài và muốn thăm quan các di tích lịch sử của các nước khác ắt hẳn sẽ thích đi một trong ba nước này trước tiên: Tàu, Pháp, Mỹ. Chẳng qua vì các nước này có liên hệ lịch sử và văn hóa với chúng ta nhiều nhất.

Và nếu đi Trung Hoa mà đọc được chữ Hán nữa thì nhất. Vì nếu phải đọc những dòng chữ ở bảng ghi chú các di tích như “Qin Shi Huang” thì rất khổ tâm. May ra thuộc lịch sử rồi mới đoán mò ra đó là Tần Thủy Hoàng. Chúng tôi không biết được cả một gọng chữ Hán thành thử rủi có đoán bậy thì xin quý độc giả chỉ cho.

Ở bất cứ khách sạn nào cũng có văn phòng tổ chức đi tour cho du khách. Nếu bạn muốn đi rẻ tiền và xem được nhiều, được người hướng dẫn du lịch giải thích bằng tiếng Anh khá lưu loát và rõ ràng, bạn nên đi tour. Ngoài ra, muốn tiện lợi, muốn đi chỗ mình thích và có thể ở lâu để xem ngắm tùy ý thì có thể thuê taxi. Cũng không đắt lắm nếu bạn đi hai người, nhưng trở ngại lớn là đa số người lái taxi ở Bắc Kinh không nói được tiếng Anh, cả những taxi trực ở khách sạn để đón khách. Chúng tôi đã bị một bà lái taxi không hiểu được cả chữ “STOP PLEASE” để rồi lái chúng tôi chạy vòng vòng thành phố Bắc Kinh trong vòng gần hai tiếng đồng hồ. Phải dùng tay ra dấu hiệu nhảy xuống xe bà ta mới dừng lại!

Vợ chồng tác giả bút ký Kể Chuyện Đường Xa ở một chặng trên Vạn Lý Trường Thành bằng đá và gạch hiện nay được xây lại dưới đời nhà Minh cách đây khoảng 600 năm

Trong lúc ở Bắc Kinh, chúng tôi đã chọn một chuyến tour, đi thăm quan Vạn Lý Trường Thành và lăng vua nhà Minh (Minh Tomb). Xe bus đến khách sạn rước từ 8 đến 9 giờ sáng (vì phải ghé nhiều khách sạn khác đón khách đã ghi danh) và chở về nơi cư ngụ khoảng 6 giờ tối. Lệ phí mỗi đầu người là 300 nhân dân tệ (tiền Trung Hoa), tương đương với khoảng $52 Úc kim ($1 Úc kim ăn khoảng 5.6 nhân dân tệ, nếu đổi ở các quầy hàng ở nhà nước trong thời gian đó). Số tiền này bao luôn cả một bữa trưa nhiều món, ăn chung bàn với nhau và tiền vào cổng các di tích. Cũng nên biết, du khách ngoại quốc phải trả tiền cao hơn người địa phương khi vào cổng, tùy di tích mà giá có thể từ 5 đến 15 Úc kim mỗi đầu người.

Cung đình sâu 7 mét dưới lòng đất

Xe chở chúng tôi đến lăng nhà Minh trước tiên, cách thành phố Bắc Kinh chừng 50 cây số. Đây là một thung lũng bao bọc bởi núi đồi, cũng là nơi có 13 ngôi mộ của 16 vị vua triều đại nhà Minh. Tôi là người sinh quán ở Huế, thuở nhỏ đã từng đi xem các lăng tẩm triều Nguyễn ở Huế như lăng Khải Định, Minh Mạng, Tự Đức, v.v… và nhận thấy cách bố trí xây cất cái “nhà đời đời” của mấy ông phong kiến có phần giống nhau.

Hiện nay chỉ có hai lăng của vua Vĩnh Lạc (Yongle: 1403-24) và vua Vạn Lịch (Wanli: 1573-1619) là mở cửa cho công chúng vào xem. Chúng tôi được đưa đi xem lăng của vua Vạn Lịch.

Cổng vào lăng Vạn Lịch

Vua Vạn Lịch là ông vua thứ 14 và là ông vua trị vì lâu nhất trong triều đại nhà Minh. Ông được chôn năm 1620 cùng với hai bà vợ. Lăng của ông nằm sâu 7 mét dưới đất. Vì du khách quá đông, cả ngàn người xếp hàng đi xem, tôi chỉ nghe lóng ngóng hình như anh hướng dẫn viên du lịch nói rằng các ngôi mộ chôn sâu dưới đất với các cửa mộ được dấu kín để bảo mật, sợ người ta tìm ra được hòm chôn vua, và ngôi mộ này cũng chỉ mới được phát hiện gần đây! Anh ta nói tảng đá to lớn nặng hàng tấn trước cửa ra vào dùng để bít lối ra, chôn vùi tất cả quan quân xây mộ ở trong lòng đất một khi công tác hoàn tất.

Thật vậy, lăng thì có nhiều, nhưng chỉ có mộ (tức là nơi chôn hòm, xác vua) của vua Vạn Lịch (tức vua Thần Tông) là mộ duy nhất người ta tìm được lối vào. Hình như người ta vẫn chưa tìm ra được đúng nơi chôn xác của các vua triều Nguyễn ở Huế. Lăng thì đồ sộ trơ trơ đó nhưng hòm chôn xác đâu? Vẫn là bí mật của các nhà vua, vua Tàu cũng như vua Việt.

Ngôi mộ của vua Vạn Lịch là một ngôi mộ rất lớn, đi xuống bằng những bậc thang bằng đá. Ngày nay, để tiếp hàng trăm du khách ở trong ngôi mộ sâu này, người ta phải sử dụng hệ thống máy lạnh và thông hơi. Lăng được xây khi vua Vạn Lịch còn sống, phải huy động đến 30,000 công nhân và phải mất 6 năm mới xây xong. Người ta phải chở đến 50,000 viên đá hoa cương từ 1,400km ở một vùng phía Bắc Trung Hoa về đây xây lăng cho vua. Công trình xây cất này tốn tất cả 8 triệu lạng bạc thời đó.

Lối ra: du khách ra khỏi đường hầm chôn vua Vạn Lịch

Dưới lòng đất có tất cả 5 căn phòng. Vì quá đông người và đi tour theo đoàn nên phải chen lấn đi cho kịp nhau do đó không có dịp quan sát lâu, nhưng chúng tôi thấy rõ một cái phòng lớn nhất (cao 10m, dài 30m và rộng 9m) có bục đá lớn trên đó có để ba cái hòm lớn. Hòm giữa là hòm của vua và hai hòm bên cạnh là của hai bà vợ. Còn rất nhiều hòm nhỏ chung quanh và những hòm vàng bạc châu báu của nhà vua. Tất cả các hòm, rương này đều bằng gỗ sơn màu đỏ, được khóa kín. Chúng tôi không biết trong ba hòm kia có xác người không nhưng khi hỏi các rương đựng châu báu có còn không thì anh hướng dẫn viên du lịch nói rằng đã mất khá nhiều qua chiến tranh. Riêng chúng tôi nghĩ sau khi Mao Trạch Đông chiếm Hoa Lục và qua cuộc Cách mạng Văn hóa sau này, các nhà làm cách mạng chắc đã vơ vét sạch kho báu dưới lòng đất này rồi.

Qua một căn phòng khác là một ngai vàng bằng đá cẩm thạch trang trí như là một triều đình nho nhỏ, chắc là để cho vua ngự nhưng ngự ở âm ti?

Du khách đi vào đường hầm bên phải lăng và ra bằng đường hầm bên trái, bằng những bậc thang đá và không được phép chụp hình cảnh mộ dưới lòng đất. Thật sự mà nói, cảnh ở dưới lòng đất này chẳng hứng thú gì mà xem, có chăng chỉ là vì sự tò mò mà thôi hoặc xem để rồi nguyền rủa vua chúa là đến chết vẫn còn bắt dân khổ!

Máu xương muôn dân làm nên cái vĩ đại!

Sau khi dùng cơm trưa tại quán ăn trong khu vực lăng nhà Minh, chúng tôi được đưa đến Vạn Lý Trường Thành.

Cũng nên biết là bạn muốn đi xem Vạn Lý Trường Thành thì phải tới Bắc Kinh vì đây là thành phố gần bức trường thành dài vạn dặm hiện còn được bảo trì tốt đẹp để du khách viếng. Du khách có thể được đưa đi xem một số đoạn của Vạn Lý Trường Thành. Chúng tôi được đưa đi xem Vạn Lý Trường Thành ở đoạn Badaling (The Great Wall at Badaling).

Vạn Lý Trường Thành ở đoạn Babaling. Từ bến xe chúng tôi đi lên trạm đầu tiên, từ đây du khách khởi hành chuyến đi bộ. Chúng tôi  đi hướng tay phải, phía sau lưng. Xa xa là những tháp canh

Đây là một vùng đồi núi, cách thành phố 60km. Công sự (the Fort at Badaling) là một khu du lịch nổi tiếng, nơi đây có đủ nhà hàng, tiệm bán đồ tiểu công nghệ và nhiều sạp bán áo quần kỷ niệm cho du khách và những người bán nước uống dạo.

Trước khi đặt chân lên thành, tưởng cũng thưa với bạn đọc một chút tư liệu về bức thành dài vạn dặm này.

Theo sử sách và các cuộc khảo cổ cho biết một số tường đã được xây từ thời nhà Chu, thời Thất Quốc, khoảng 500 năm trước công nguyên để chia biên giới cũng như làm thành trì phòng thủ giữa các nước. Các nhà khảo cổ nói rằng số tường thành đã được phát hiện cho đến nay dài cả 50,000km. Dĩ nhiên tất cả đều bằng đất sét. Đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, bạo chúa này mới ra lệnh cho gộp lại tất cả các thành trì đã có sẵn và xây lại thành một bức tường thành vĩ đại nhất, dài nhất để ngăn chặn rợ phương Tây và phương Bắc, trải từ Lan Châu chạy dài hướng Nội Mông, xuyên qua các vùng Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Bắc, Liêu Ninh. Người ta ước đoán tối thiểu cũng đã có  khoảng 300,000 người bị Tần Thủy Hoàng bắt đi xây Vạn Lý Trường Thành và không biết bao nhiêu người đã vùi xương cho đại công trình có một không hai trên trái đất này.

Đến khi Thái Tổ nhà Minh tức vua Hồng Vũ (1368-1398) đánh thắng nhà Nguyên của Mông Cổ, việc trước tiên là lo xây đắp lại Vạn Lý Trường Thành. Công tác tu bổ và tân trang Vạn Lý Trường Thành kéo dài trong 200 năm. Thành trước kia bằng đất nay được đắp bằng đá và gạch, cao khoảng 8 mét, rộng 7 mét và dài 6,350 km.

Lối đi qua những vọng gác, công sự phòng thủ trên Vạn Lý Trường Thành

Như vậy Vạn Lý Trường Thành mà ngày hôm nay còn lại để du khách đặt chân lên đã được xây lại dưới đời nhà Minh, cách đây khoảng 600 năm. Tuy nhiên thời gian đã làm thành hư hại nặng nề, nay chỉ còn lại một số đoạn dài khoảng 200km là người ta có thể đi lại trên đó được. Nhà nước Trung Hoa cũng đang cố gắng để trùng tu lại nhiều đoạn thành khác để trước là giữ gìn di tích lịch sử, sau là thu hút du khách (khoảng 3 triệu du khách đến Trung Hoa mỗi năm).

Ở Badaling, bạn có thể chọn đi đoạn thành ở phía phải hay phía trái tùy ý. Chúng tôi chọn đi đoạn tay mặt. Người hướng dẫn du lịch cho biết chỉ được đi tối đa trong vòng 1 giờ 30 phút, sau đó phải tập trung đầy đủ về lại xe bus.

Lúc này là 1 giờ trưa. Nhiệt độ 30 độ C. Nắng chói chan. Một cặp vợ chồng già người Mỹ trong xe chúng tôi chỉ đứng ở công sự phòng thủ (hay đài phóng hỏa) thứ nhất nhìn người ta đi lên đi xuống dù họ biết rằng xem Vạn Lý Trường Thành thôi chưa đủ mà phải trèo, leo mới thưởng thức trọn vẹn.

Từ công sự thứ nhất phóng mắt nhìn ra xa, chúng tôi thấy bức thành chạy dài uốn éo bọc núi đồi lên xuống như một con rắn cho đến khi mắt không còn nhìn thấy nữa. Mắt chúng tôi thấy được khoảng 7 cái đồn phòng thủ trên trường thành và nghĩ rằng mình có thể trèo lên tới những đồn xa nhất đó vì dùng ống dòm thấy có người đi.

Tường thành nhìn từ xa

Quan sát bức trường thành, chúng tôi nhận thấy có hai mặt tường. Mặt bên ngoài cao hơn, hướng về phía địch, cao hơn đầu người và cách vài thước có một lỗ hổng để binh lính phòng ngự, tấn công địch thủ, bắn cung tên, phóng đá hoặc lửa xuống địch quân ở dưới đất hay đang bắc thang trèo lên thành.

Cứ khoảng một vài trăm thước, có một công sự phòng thủ. Bạn có thể gọi đây là một lô-cốt hay đồn canh. Đồn canh này có hai cửa chính vào và ra. Bên trong khá rộng, có thể đủ chỗ cho vài chục người đứng. Có nhiều cửa sổ để nhìn ra và có tầng cấp để lên trên nóc đồn (sân thượng). Vì đồn là nơi cao nhất có thể thấy đối thủ rõ hơn và cũng vì thế mà người ta còn gọi là đài phóng hỏa. Khi phát hiện địch quân, binh sĩ trên đồn sẽ phóng hỏa làm hiệu. Mỗi một ngọn hỏa là ám hiệu quân số địch là 1,000 người. Ở Bắc Kinh (kinh đô) có thể thấy ám hiệu đó mà chuẩn bị phòng thủ.

Người ta nói rằng nhà Minh rất hãnh diện và an tâm với Vạn Lý Trường Thành mới này, chỉ cần một binh sĩ ở trên thành cũng đủ sức chống cự với một ngàn binh sĩ địch dưới chân thành. Ấy thế cuối cùng nhà Minh bị nhà Mãn Thanh đánh bại cũng chỉ vì quan giữ thành ăn hối lộ mở cửa thành cho địch quân vào. Sau này, nhà Thanh không còn coi Vạn Lý Trường Thành là bức tường bất khả xâm phạm để phòng ngự nữa.

Nghỉ chân để lấy sức đi tiếp

Chúng tôi đi qua được khoảng 2 cái đồn trên trường thành thì đã thấy mệt (bạn nên nhớ hễ đi Vạn Lý Trường Thành thì phải mang dày vải mới có thể đi xa được). Thỉnh thoảng phải dừng. Đi đến đồn thứ 4 thì đặt chân không đúng tầng cấp nữa. Chân đã dại rồi. Tôi tưởng chỉ mình tôi không điều khiển được chân mình nữa, ai dè nhà tôi và những người đi cạnh cũng cười lắc đầu vì quá mệt, bước đi như người có tật và đa số phải vịn vào các thành sắt sát tường để khỏi té.

Chúng tôi lại phải ngồi nghỉ mệt. Đã gần một tiếng đồng hồ. Xong chúng tôi trèo tiếp lên tới đồn thứ 5. Nhìn những cái đồn từ xa còn người leo, chúng tôi tiếc nếu thuê taxi đi riêng thì mặc sức mà ngồi nghỉ xả hơi để đi tiếp, để có thời gian ngắm một trong những kỳ quan của thế giới.

Từ trên cao nhìn xuống, chúng tôi thấy bức tường cứ chạy lên xuống như những biểu đồ trên máy computer. Tường chạy lên cao theo núi đồi, xuống thấp với thung lũng, không ngắt quãng. Bạn phải đứng trên Vạn Lý Trường Thành mới cảm nhận sự tàn bạo đằng sau cái vĩ đại của con người. Biết bao máu xương của người dân, của tù binh và nô lệ mới làm nên bức tường dài hàng ngàn cây số, một công trình duy nhất trên trái đất mà các phi hành gia Mỹ trong chuyến bay lên mặt trăng lần đầu có thể nhìn thấy bằng mắt trần!

Bạn muốn “lưu danh” đời sau? Tên của du khách để lại trên tường

Ngày trước, du khách có thể viết tên mình trên tường đá Vạn Lý Trường Thành. Ngày nay, nhà nước Trung Hoa đã học được kinh tế thị trường, nên chỉ yêu cầu bạn trả số tiền nào đó (chúng tôi không hỏi nên không biết) thì họ sẽ dùng máy khắc tên bạn lên tường ngay, để tên tuổi bạn được lưu truyền đến đời sau.

Người ta nói rằng ở đây chỉ vắng du khách vào mùa đông lạnh giá hoặc khi phải đóng cửa để tiếp đón quốc khách hay các yếu nhân của nhà nước, chứ lúc nào cũng đông nghẹt người trèo lên trèo xuống.

Chuyến đi Vạn Lý Trường Thành, dù chỉ trèo trong khoảng hai cây số thôi, cũng đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh. Hơn hai ngàn năm sau, đi trên trường thành này không biết hậu thế còn nguyền rủa Tần Thủy Hoàng nữa không?

(Còn tiếp)

Nguyễn Hồng Anh,  trích báo giấy TiVi Tuần-san số 490, phát hành ngày 16.8.1995