Xã luận: Từ Ukraine đến Úc, hiểm họa độc tài

30 Tháng Tư, 2022 | Tin thế giới,Bình Luận
Putin họp với Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 4.2.2022.  Photo: Sputnik/Aleksey Druzhinin/Kremlin via REUTERS

Chiến tranh xâm lăng Ukraine đã bước qua tháng thứ ba, nhưng Nga vẫn chưa chiếm trọn vẹn một thành phố nào. Tuần qua, bạo chúa Vladimir Putin tuyên bố đã chiếm được thành phố cảng Mariupol ở phía nam Ukraine và ra lệnh “ngưng tấn công” bởi chỉ còn một ít binh sĩ  Ukraine chưa chịu đầu hàng, nhưng kể từ nay một con ruồi cũng không thể bay ra khỏi nhà máy thép Azovstal đang bị bao vây. Putin muốn những lính thủy quân lục chiến kiên cường trong nhà máy thép hoặc đầu hàng hoặc chết đói chứ không cần  quân Nga phải xông vào các hầm sâu của nhà máy thép khổng lồ Azov. Điều này có nghĩa những thường dân gồm phụ nữ và trẻ em sẽ bị chết đói hay người bị thương vì bom đạn không có thuốc men chữa trị. Máu lạnh của viên cựu đại tá tình báo KGB không có ngôn từ nào để diễn tả.

Bên cạnh đó, Putin đã cho thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Sarmat mà Tây phương gọi “quỷ sa tăng” và tuyên bố rằng với vũ khí vô địch bắn xa 18,500 cây số mang 10 đầu đạn nguyên tử với vận tốc siêu thanh không có vũ khí nào phát hiện và ngăn chặn, một vũ khí độc nhất vô nhị thì những kẻ thù của Nga phải suy nghĩ khi có hành động đe dọa an ninh của Nga. Có những nguồn tin cho rằng Putin hiện đang yếu do bị ung thư. Trong lần xuất hiện vào Lễ Phục Sinh của Chính Thống giáo vào cuối tuần qua, người ta thấy Putin cầm nến phục sinh nhưng đứng có vẻ không vững, mặt đanh lại vì cơn bệnh hay đang lo lắng chuyện gì đó.

Mà thế giới cũng phải lo bởi với tham vọng và tuyệt vọng trước cuộc xâm lăng không thành công như mong đợi, Putin có thể làm liều nếu yêu cầu Tây phương ngưng viện trợ vũ khí cho Ukraine không được đáp ứng. Tại sao Ukraine có thể trụ trước sức mạnh và sự tấn công tàn bạo không phân biệt đối với thường dân? Đó là nhờ sự viện trợ quân sự tối đa của Hoa Kỳ và Tây phương ngoài sự dũng cảm của quân dân Ukraine. Báo chí Tây phương nói Putin là anh chàng điên Vlad đang tuyệt vọng, bám víu vào bom nguyên tử (Mad Vlad goes nuclear).  Nhưng chúng ta cũng có thể yên tâm phần nào bởi Hoa Kỳ và Tây phương đang theo dõi hoạt động quân sự của Nga.

Bên cạnh chiến tranh súng đạn đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, chiến tranh bằng miệng đã bắt đầu giữa Trung Cộng và Tây phương ở Thái Bình dương. Cuối tuần qua, trước khi ông Kurt Campbell, cố vấn Thái Bình dương của Tổng thống Joe Biden đến quần đảo Solomon, cả Bắc Kinh và Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon đã tuyên bố họ vừa ký thỏa thuận an ninh với nhau nhưng bác bỏ cáo buộc là Solomon cho phép Trung Cộng lập hải cảng ở nơi chỉ cách Úc chưa tới 2,000 cây số.

Sau buổi nói chuyện kéo dài 90 phút của nhà ngoại giao cao cấp về Thái Bình dương tại thủ đô Honiara, Tòa Bạch Ốc đưa ra thông cáo báo chí nói Hoa Kỳ rất quan tâm và sẽ đáp trả thích đáng (respond accordingly) nếu Trung Cộng được cho phép lập căn cứ quân sự ở đó. Mỹ không nói đáp trả với Trung Cộng hay cả hai nước. Ngay sau đó, cuối tuần qua Thủ tướng Scott Morrison đã vạch ra một “lằn ranh đỏ” ở Thái Bình dương về việc Trung Cộng đặt căn cứ quân sự ở Solomon. Ông nói Úc sẽ liên kết với Mỹ và các đồng minh để không cho Trung Cộng đặt chân lên “thềm nhà chúng tôi”. Ông Morrison nói Thủ ướng Sogavare đã nói rất rõ ràng với ông là sẽ không có căn cứ như vậy, điều đó có nghĩa rõ ràng ông Sogavare cùng chia sẻ “lằn ranh đỏ của chúng tôi”.

Sogavare có dám vượt lằn ranh đỏ đó không? Chủ Nhật tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cáo buộc “Trung Cộng dùng hối lộ để đánh bại các nước khác khi thương lượng với Solomon. Điều này có nghĩa sóng gió ở Thái Bình dương bắt đầu.

Trích xã luận của báo giấy TVTS số 1883 phát hành 27.4.2022