Từ “xứng đôi” tới “tan vỡ”

02 Tháng Năm, 2022 | Uncategorized
Minh họa. Photo: TVTS

(Thư em X).

Quý độc giả thân mến,

Tuần qua, TL nhận được lá thư tâm tình của em X, một người vợ đã để hạnh phúc vuột mất chỉ vì “ảnh hưởng của gia đình”. Đây là một đề tài khá tế nhị vì có liên quan tới “Bắc Trung Nam”, TL xin miễn ghi nội dung thư và chỉ góp ý một cách chung chung.

* * *

Xưa nay, nhiều người cho rằng sở dĩ người Việt Nam ở ba miền Bắc Trung Nam chia rẽ, kỳ thị nhau là do âm mưu “chia để trị” của thực dân Pháp, nhưng theo suy nghĩ của TL, điều này đúng về mặt chính trị, kinh tế nhiều hơn là về văn hóa phong tục tập quán. Bằng cớ là sau khi đất nước bị chia đôi, lãnh thổ miền Nam trở thành nước Việt Nam Cộng Hòa, tại miền Nam nói chung, ở thủ đô Sài Gòn nói riêng, vẫn còn có sự kỳ thị giữa người miền này với người miền khác, nhất là trong hôn nhân.

Xét từng cá nhân, con người ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm, do bản tính cũng như do những gì học hỏi, tiêm nhiễm từ cuộc sống. Nhưng dưới cặp mắt một nhà nghiên cứu xã hội, còn có những ưu điểm và khuyết điểm chung chung do xuất xứ, gốc gác của người ấy.

Vậy nếu người miền nào cũng có cái hay cái dở thì bù qua bù lại là sòng phẳng?

Xin thưa, không hẳn như thế, ít nhất cũng là trong hôn nhân. Bởi vì trong rất nhiều trường hợp, những gì mà người miền này tự cho là “ưu điểm” của mình thì lại bị người miền kia cho là “khuyết điểm”. Nghĩa là có sự xung khắc. Mà một khi đã gọi là “xung khắc” thì không thể hóa giải.

Cho nên, theo nhận xét của TL, ở Sài Gòn ngày ấy, rất nhiều cặp vợ chồng khác miền đã không có sự thuận thảo với gia đình đôi bên, có khác nhau chăng chỉ là ở mức độ. Tuy nhiên, như một đoạn Thánh Kinh mà TL thường được nghe trong các lễ cưới Thiên chúa giáo (nhưng không biết xuất xứ chính xác), đại khái: người nam và người nữ sẽ từ bỏ cha mẹ anh chị em của mình để trở nên một với người bạn đời (vợ, chồng) của mình, vợ (chồng) là trên hết!

Dĩ nhiên, hai chữ “từ bỏ” ở đây chỉ là một cách nói (chỉ còn biết vợ chồng), chứ không phải hễ đi lập gia đình là phải đoạn giao, là dứt tình với cha mẹ, anh chị em. Thế nhưng, trên thực tế, đã có không ít cặp, hoặc một trong hai người, đã phải “từ bỏ”!

Nhưng không phải tất mọi trường hợp từ bỏ đều có mức độ giống nhau. Viết một cách dễ hiểu, nếu cha mẹ nhất quyết không cho mình lấy anh ấy, cô ấy, mà mình vẫn tự đứng ra lo liệu việc trăm năm, thì “từ bỏ” ở đây mang ý nghĩa quyết liệt; còn nếu cha mẹ chỉ không đồng ý chứ không cấm cản, thì “từ bỏ” chỉ có nghĩa tương đối: theo ý mình chứ không nghe lời cha mẹ.

Tuy nhiên, theo TL, thường xảy ra nhất là những trường hợp sau khi hai người đã chung sống, những xung khắc giữa chàng rể và nhạc gia, giữa cô vợ với gia đình chồng mới nảy sinh, thì “từ bỏ” có nghĩa là sống chết cũng bênh vợ, cũng về phe với chồng!

Trong những trường hợp như thế, đối với các bậc sinh thành, không còn gì đau khổ cho bằng, nhưng trở lại đoạn Thánh Kinh nói trên, điều đó đã chứng minh tầm quan trọng và ưu tiên một  của hạnh phúc gia đình, không chỉ riêng cho hai vợ chồng mà còn cho những đứa con đã hoặc sẽ ra chào đời.

Đó chính là trường hợp của em X, người vừa viết lá thư tâm tình cho TL. Ngày ấy, sau khi cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối – xứng đôi vừa lứa” của em với chồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi những xung khắc giữa chàng rể và nhạc gia, em X đã không chịu đứng về phía chồng một cách vô điều kiện. Em đã sử dụng cặp mắt quan tòa để phán đoán chồng mình…

Bây giờ thì đã quá muộn. Nhưng dù sao chăng nữa, giữa hai vợ chồng cũ mà có một sự thông cảm, hiểu biết, tôn trọng nhau vẫn tốt hơn là vì tự ái mà cứ tiếp tục lạnh lùng, làm ngơ. Duyên nợ có thể đã chấm dứt nhưng trách nhiệm với các con vẫn còn trước mặt. Bởi vì ngăn trở, cấm cản quan hệ, tình cảm giữa các con và cha của chúng không chỉ là ác tâm mà còn gây ảnh hưởng tai hại.

Thanh Lan

TVTS 1508