Lãi suất tăng, con nợ trả bao nhiêu, ngân hàng hưởng lợi thế nào, chính phủ Úc sẽ làm gì?

05 Tháng Năm, 2022 | Tin nước Úc
Minh họa: Người đi bộ ngang qua mặt tiền trụ sở trung ương của Ngân hàng Trữ kim Úc tại Thành phố Sydney. Photo courtesy: REUTERS/David Gray

SYDNEY – Cuối cùng, chuyện sẽ đến, đã đến. Vào mỗi Thứ Ba đầu tháng, Ban quản trị Ngân hàng Trữ kim Úc (còn gọi là Ngân hàng Trung ương – Reserve Bank of Australia- RBA) họp để quyết định về lãi xuất chính thức của ngân hàng nhà nước. Trong vòng 12 năm qua, Ngân hàng RBA không những đã không tăng lãi suất mà còn hạ lãi xuất chính thức xuống mức thấp nhất là 0.10%, thấp đến độ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tháng qua, Thủ lãnh Đối lập Anthony Albanese của đảng Lao động không nhớ rõ mà trả lời báo chí.

Mặc dầu vào cuối năm ngoái, Thống đốc Ngân hàng Trữ kim Úc Philip Lowe cho rằng lãi suất sẽ chỉ tăng vào năm 2023 hay thậm chí năm 2024 vì ảnh hưởng còn tồn tại của nạn đại dịch Covid-19. Nhưng trong tháng vừa qua, người ta tin rằng lãi suất sẽ tăng và tăng đúng dịp có tổng tuyển cử. Có người cho rằng Thủ tướng Morrison bị xui vì ngân hàng RBA sẽ tuyên bố tăng lãi xuất đúng vào dịp vận động tranh cử, trước  ngày bầu cử chứ không đợi sau bầu cử. Và nếu xảy ra như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007 lãi suất tăng trong khi đang có tranh cử. Năm đó, chính phủ John Howard thất cử và ông thủ tướng mất luôn cái ghế dân biểu, phải về vườn. Liệu lịch sử có lập lại không?

Khác với ông Howard khi đó tin rằng lãi suất không tăng, Thủ tướng Morrison cho rằng tăng lãi suất là quyền của RBA, một ngân hàng nhà nước độc lập với chính phủ. Khi tuyên bố tăng lãi suất 0.25%, từ 0.10%  lên 0.35%, Thống đốc Lowe cho rằng vì lạm phát quá cao (5.1% so với mức bình thường 2-3%) và vì mức thất nghiệp thấp kỷ lục (4%) trong nửa thế kỷ qua, nên ngân hàng RBA phải tăng lãi suất để kìm lạm phát, và không loại bỏ khả năng sẽ tăng thêm từ đây cho đến cuối năm.

Thế là đã hoàn toàn chấm dứt thời đại giảm lãi suất vì tình trạng khẩn cấp. Người phải chịu đựng cơn đau này là những người vay tiền mua nhà. Căn cứ vào lãi suất thả nổi (variable rate) những ai vay $500,000 bây giờ mỗi tháng phải trả lãi xuất thêm $60 ( $750,000 trả thêm $102 và $1 triệu trả thêm $136). Và nếu ngân hàng RBA tăng lãi suất chính thức chính thức lên 2% (là điều rất xảy ra trong những năm sau) thì người vay $500,000 đô la (variable rate) phải trả thêm $544.95 mỗi tháng và người vay $1 triệu sẽ phải trả thêm $1,089.90.

Bốn ngân hàng lớn của Úc cho biết họ sẽ chuyển lãi suất cho khách hàng ngay. Trong khi người vay tiền phải bóp bụng trả, các ngân hàng sẽ thu vào bộn tiền. Chẳng hạn ngân hàng ANZ tính toán và cho biết họ sẽ thu lợi $800 triệu đô la trong 12 tháng đầu và $2.3 tỉ trong vòng 3 năm.

Thủ tướng Morrison ngày hôm qua đã cho rằng các ngân hàng tư luôn luôn nhanh tay để bắt những con nợ chịu lãi xuất chính thức mỗi khi ngân hàng nhà nước tăng lãi suất, do đó họ cũng nên tạo sân chơi công bằng cho những người gởi tiền tiết kiệm, đặc biệt là những người hưu trí sống nhờ vào tiền lời gởi ngân hàng.

Ngày hôm qua, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg và phát ngôn viên đối lập về Ngân khố Jim Chalmers có cuộc tranh luận tại Câu lạc bộ Báo chí ở Canberra nhưng cả hai cũng chẳng cho thấy một viễn ảnh tốt đẹp gì trước tình trạng thâm thủng ngân sách hiện nay khi ngân sách phải đối phó với việc gia tăng quốc phòng bảo vệ an ninh quốc gia và chi tiêu trong các lãnh vực xã hội.

Còn những hai tuần lễ trước ngày bầu cử để cử tri mong có sự đột phá nào trong chính sách kinh tế của lưỡng đảng.