Dị đoan hay tử vi phong thủy?

25 Tháng Sáu, 2022 | Uncategorized
Minh hoa: photo TVTS

(Thư cháu X)

Quý độc giả thân mến,

Tuần này TL góp ý kiến với cháu A về một đề tài không thuộc phạm vi “tâm tình” mà lại dính dáng tới tử vi, phong thủy; thành thử nếu có gì thiếu sót, cũng xin Giáo sư  Thiên Phúc và các tác giả chuyên ngành châm chước bỏ qua.

Nguyên cháu A đang chuẩn bị kết hôn với bạn gái là B. Mặc dù khách mời đa số là khách của đôi tân hôn, nhưng cha mẹ của A đã đặt ra nhiều yêu cầu, điều kiện trong việc tổ chức tiệc cưới khiến cháu phải “điên đầu”. Sau nhiều lần đối thoại, cuối cùng cha mẹ của A vẫn đòi được quyền quyết định ngày lành tháng tốt và địa điểm tổ chức tiệc cưới; cha mẹ A cũng cấm con dâu tương lai không được mặc áo cưới hở ngực!

Ý kiến của Thanh Lan:

Trước khi góp ý kiến với cháu A và gia đình cháu, TL phải thú thật là hoàn toàn mù tịt về tử vi, phong thủy; tất cả những gì TL viết ra dưới đây chỉ dựa trên “common sense” (thông cảm hiểu biết) mà thôi.

Vậy trước hết nói về “ngày lành tháng tốt”, tin hay không tin vào sự giải thích của các nhà tử vi, phong thủy, mọi người chúng ta cũng phải đồng ý với nhau rằng chắc chắn có ngày tốt ngày xấu. Thí dụ trước mắt là có những ngày chúng ta gặp mọi sự tốt đẹp từ sáng tới tối, lại có những ngày gặp đủ thứ chuyện xui xẻo bực mình; nhiều người giải thích rằng tất cả chỉ là vô tình trùng hợp, nhưng cũng có không ít người không đồng ý.

Theo TL được biết, xưa nay hai công việc cần phải chọn ngày lành tháng tốt thường thấy nhất là dựng vợ gả chồng và động thổ  (khởi công xây cất). Ở  đây chỉ  nói về dựng vợ gả chồng, theo suy nghĩ của TL, nếu cả hai, hoặc chỉ cần một phía cha mẹ tin tưởng vào ngày ngày lành tháng tốt thì đôi trẻ nên tôn trọng quyết định của người lớn. Nhưng không có nghĩa là nghe theo một cách tuyệt đối mà còn tùy thuộc người lớn quyết định như thế nào.

Theo TL, tốt đẹp nhất là đôi trẻ đưa ra khoảng thời gian (chẳng hạn holiday Christmas, Easter, Queen’s Birthday…) để cha mẹ chọn ngày. Cha mẹ không thể đòi hỏi “ngày tốt nhất trong năm” mà phải chấp nhận “ngày tương đối tốt nhất” trong khoảng thời gian mà đôi trẻ đưa ra.

Thứ đến là địa điểm tổ chức tiệc cưới. Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ khi kết hôn với người tây phương đã chọn những địa điểm “danh tiếng”, “độc đáo” để tổ chức tiệc cưới; khách mời người Việt cho dù không cảm thấy thoải mái, thích thú, cũng nên thông cảm, bởi các cháu lớn lên ở Úc, nhập gia tùy tục…  Nhưng nếu cả hai họ đều là người Việt, hoặc Việt + Á đông, thì nên tổ chức ở một địa điểm rộng rãi, cao ráo, thoáng khí (cần nhất là phải xa bệnh viện…) để mọi người cảm thấy thoải mái, thì cho dù không tin tưởng, đôi tân hôn và hai họ ít ra cũng được an tâm trước mọi việc diễn tiến tốt đẹp.

Thành thử, cũng giống như việc chọn  “ngày lành tháng tốt”, cháu A và cha mẹ nên thỏa thuận với nhau bằng cách cháu đưa ra một số địa điểm để cha mẹ chọn, hoặc ngược lại, cha mẹ đưa ra một số địa điểm để cháu chọn.

Nhưng theo ý TL thì cháu A nên chiều ý cha mẹ, bởi cha mẹ cháu chỉ có một lần để chung vui với họ hàng thân thuộc, trong khi vợ chồng cháu sau này còn thiếu gì cơ hội để đón tiếp bạn bè.

Cuối cùng là việc mẹ A cấm con dâu tương lai không được mặc áo cưới hở ngực, TL xin phép đứng giữa!

Hai chữ “hở ngực” trong lĩnh vực ăn mặc nhiều khi được người Việt chúng ta sử dụng một cách rất mơ hồ. Đúng ra, chỉ gọi là hở ngực khi nào một phần (ít hay nhiều tùy mức độ chịu chơi của “thân chủ”) hai trái tuyết lê được phơi bày, còn nếu chỉ hở tay, hở vai, hở cổ mà không khoe tuyết lê thì không  thể gọi là hở ngực.

Vậy, TL dung hòa như sau: cháu A giải thích cho cha mẹ hiểu phần lớn áo cưới tây phương ngày nay là “strapless”, nhưng không phải kiểu nào cũng hở ngực. Tốt nhất là cho B mặc thử rồi chụp hình cho cha mẹ A xem trước. Nếu cha mẹ cháu A vẫn chưa chịu thì dùng… computer kéo mép ngực áo cao thêm vài phân nữa là xong ngay!

Thanh Lan

TVTS-1519