Từ G7, NATO đến Paris, Kiev: Thế giới đối đầu Nga-Tàu

20 Tháng Bảy, 2022 | Bình Luận
Thủ tướng Úc Anthony Albanese được hướng dẫn đi một vòng thăm các nơi bị tàn phá bởi hỏa tiễn của Nga. Photo courtesy: Facebook / Oleksiy Volodymyroyvch Kuleba via The Australian

Tuần qua là một tuần lễ rất bận bịu với lịch trình dày đặc của các lãnh tụ các nước Tây phương và dân chủ để bàn thảo về tình hình thế giới, nhất là chiến tranh giữa Nga-Ukraine do Moscow phát động và sự bành trướng của Bắc Kinh ở vùng nam Thái bình dương.

Bảy quốc gia G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật đã đồng ý với  dự án Đối tác vì Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (Partnership for Global Infrastructure and Investment – PGII) với kinh phí lên tới $600 tỉ Mỹ kim (khoảng $868 tỉ Úc kim) trong đó Hoa kỳ sẽ đóng góp $200 tỉ Mỹ kim từ ngân quỹ liên bang và đầu tư của tư nhân. Tổng thống Joe Biden nói dự án này không phải là “viện trợ hay từ thiện” nhưng đây là sự hợp tác giữa G7 để đối phó với sự quan tâm về an ninh, kinh tế cũng như các nhu cầu nhân đạo mà thế giới đang phải dối diện.

Cuộc họp của G7 tại vùng nghỉ mát Bavaria, Đức với dự án PGII $600 tỉ Mỹ kim có mục đích giúp các quốc gia đang phát triển xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư vào năng lượng sạch và bảo đảm có nguồn cung ứng an toàn trước chính sách bẫy nợ Một Con đường và Một Vành đai của Trung Cộng. Dự án này cũng kỳ vọng vào sự hợp tác của các đồng minh nhưng khối G7 là chủ lực. Đây là một hành động ngoạn mục về địa chính trị khi Nga và Trung Cộng toa rập để thay đổi hiện trạng thế giới qua chiến tranh xâm lược Ukraine và sự đe dọa cưỡng chiếm Đài Loan.  Cũng tại G7, trước một vài quốc gia muốn Ukraine nhượng đất đổi lấy hòa bình với Nga, lần đầu tiên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chỉ có Ukraine mới có quyền quyết định về việc nhượng lãnh thổ hay không.

Ngay sau thượng đỉnh G7 là thượng định NATO tại Madrid, Tây Ban Nha với 30 nước hội viên và trên 20 lãnh tụ các quốc gia dân chủ như Nhật, Đại Hàn, Úc và Tân Tây Lan. Một trong những vấn đề gai góc mà NATO phải đối phó là Thổ Nhĩ Kỳ chống Thụy Điển và Phần Lan gia nhập vì những lo ngại của Ankara về vấn đề Stockholm và Helsinki “bao che khủng bố” và chống xuất cảng vũ khí. Tuy nhiên, Thổ đã rút lại sự chống đối sau khi các bên ký bản ghi nhớ với sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Dù chỉ là bước đầu trước sự ưa làm eo, thay đổi bất thường của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và cũng còn chờ quốc hội 30 nước trong khối chấp thuận, nhiều thành viên NATO coi đây là một bước tiến quan trọng, giúp NATO trở nên hùng mạnh và vững chắc hơn.

Nhưng trọng tâm của NATO trong kỳ họp này là Nga và Trung Cộng. NATO là tên tiếng Anh viết tắt của Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây dương, được thành lập năm 1949 để đối đầu với Liên Xô sau Đệ nhị Thế chiến và Chiến tranh Lạnh sau đó. Sau khi Liên Xô sụp đổ, đã có thời gian Nga được mời tham dự G7+ như là một thành viên dự thính của khối Thất cường và được NATO coi như đối tác. Nhưng từ khi Vladimir Putin lên cầm quyền, xâm lăng Georgia, chiếm đảo Crimea của Ukraine thì NATO không còn coi Nga là một nước có thể hợp tác. Tuy nhiên tại thượng đỉnh Madrid vừa qua, trong Khái niệm Chiến lược 10 năm được cập nhật, NATO đã công khai coi Nga là mối đe dọa trực tiếp  với an ninh của khối này và theo Tổng thư ký NATO, đây là một điều chỉnh hệ thống phòng thủ quan trọng nhất của NATO kể từ 73 năm sau khi thành lập. Tại thượng đỉnh, trước đe dọa của Nga, Tổng thư ký Stoltenberg nói hai năm rõ mười, NATO sẽ bảo vệ từng tấc đất của các thành viên. Tuy lập ra để bảo vệ các nước Âu Châu và Bắc Âu nhưng lúc này NATO muốn bảo vệ quyền lợi của khối ở Ấn Độ – Thái bình dương. Tại thượng đỉnh Madrid, NATO đã cảnh cáo Bắc Kinh bằng cách tuyên bố Trung Cộng là một mối đe dọa an ninh cho NATO, “thách thức quyền lợi, an ninh và giá trị của chúng tôi”.

Cuối cùng, chuyến Pháp du của Thủ tướng Anthony Albanese thật đúng lúc để hàn gắn sự rạn nứt giữa hai nước sau vụ hiệp ước AUKUS. Ông Albanese bất chấp an ninh có thể xảy ra, đã đến Kiev thăm và cổ vũ Ukraine, là những điểm son đầu tiên sau sáu tuần cầm quyền. Ông sẽ tới nam Thái bình dương một ngày không xa.  Rõ ràng bàn cờ thế giới đã thay đổi, liên minh quân sự lớn nhất thế giới đang nhắm tới các nước độc tài toàn trị. Nga-Tàu coi chừng!

Xã luận báo giấy TVTS số 1893 ngày 6.7.2022