Tịnh thất Bồng Lai: Luật sư ‘thất vọng’ khi ông Lê Tùng Vân bị 5 năm tù vì ‘lợi dụng tự do dân chủ’

22 Tháng Bảy, 2022 | Tin Việt Nam
Một số thành viên của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Nguồn hình: Nhat Nguyen via BBC

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 22/7, luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong năm luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai, bày tỏ thất vọng về bản án.

Tối 21/7, hội đồng xét xử phiên sơ thẩm TAND huyện Đức Hòa, Long An đã tuyên phạt ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) mức án 5 năm tù.

Tất cả các bị cáo ra tòa đều cùng tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Năm luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo gồm luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Ngô Thị Hoàng Anh và Đào Kim Lân.

Ba bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) cùng mức án 4 năm tù.

Bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) mức án 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Cao Thị Cúc (62 tuổi) mức án 3 năm tù.

Tại phiên xử sơ thẩm, các luật sư bào chữa tại tòa đã đặt câu hỏi vì sao cơ quan công an có thông tin cho báo giới về việc tiếp tục điều tra hành vi loạn luân trong khi thực tế không khởi tố hành vi này.

Truyền thông nhà nước cũng cho hay các luật sư bào chữa đưa ra 10 ý kiến, trong đó có câu hỏi liệu một số chứng cứ có dấu hiệu giả tạo hay không.

Luật sư ‘thất vọng’

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC: “Tôi hiểu về cách vận hành của hệ thống tư pháp Việt Nam nên không hề bất ngờ về kết quả tuyên án. Tuy vậy, tôi vẫn rất thất vọng.”

Luật sư Mạnh cho biết theo quy định thì các luật sư có quyền gặp và trao đổi thân chủ khi hội đồng xét xử chưa bước vào phòng xét xử làm việc.

Tuy nhiên, thực tế thì phiên xét xử vụ Tịnh thất Bồng Lai, việc này lúc được lúc không.

Nhắc đến các thân chủ của mình, luật sư Mạnh nói: “Do tuổi cao (90 tuổi) nên sức khỏa ông Lê Tùng Vân rất kém. Thông thường, ngồi độ đôi ba phút ông phải nằm.”

“Tại tòa cũng vậy, ngồi lâu ông phải nằm dài trên ghế, cho nên, tòa án phải cho đưa ông qua nằm một phòng khác để kiểm tra y tế. Sáng ngày 21/07, ông Lê Tùng Vân rất yếu nên không đến tòa được, nhưng vẫn tỏ ý muốn đến để bày tỏ sự tôn trọng tòa án. Do đó, đến buổi chiều ông mặc áo lạnh dày đến dự tòa.”

Tin đồn ‘loạn luân’ có hay không?

Tháng 1/2022, truyền thông Việt Nam đưa tin cơ quan điều tra đã lấy mẫu xét nghiệm DNA của những người ở Tịnh thất Bồng Lai, thông tin về kết quả này đã được công bố khi đang trong giai đoạn điều tra.

Báo chí nhà nước, và các nguồn phi chính thống trên mạng internet, khi đó liên tiếp đăng các bài viết có nội dung cáo buộc các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Loạn luân”.

Nhưng luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định thực tế cho đến nay thì các tội danh này vẫn không bị khởi tố hình sự.

Theo luật sư Mạnh: “Việc thông tin về các tội danh “Loạn luân” và “Lừa đảo” trước đây là một việc làm đáng xấu hổ. Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm công dân.”

Sau phiên tòa, luật sư Mạnh chia sẻ: “Quy định về tố tụng ở Việt Nam tuy chưa hoàn hảo, nhưng đã khá tốt. Chỉ cần áp dụng đúng tinh thần của các quy định tố tụng cũng sẽ giúp cải thiện nền tư pháp nhiều lắm. Nhưng rất tiếc, sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực vẫn còn khá chậm chạp và mơ hồ.”

‘Xúc phạm Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Long An’

Ông Lê Tùng Vân cùng 5 người ở “Tịnh thất Bồng Lai” bị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Các phóng viên tường thuật ở tòa cho biết mấu chốt trong vụ án là 5 đoạn clip đăng ở 2 tài khoản Youtube của nhóm “Tịnh thất Bồng Lai”.

Cáo trạng tại tòa, được báo chí nhà nước dẫn lại, nói từ năm 2019 đến 2021, bị cáo Lê Tùng Vân đã chỉ đạo Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên lập tài khoản Youtube 5 Chú Tiểu – Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ và Nhất Nguyên – Hoàn Nguyên Official.

Các bị cáo đã quay phim, dàn dựng, đăng các video có nội dung “ảnh hưởng không tốt đến dư luận, thông tin sai sự thật; xúc phạm danh dự uy tín tập thể, cá nhân, trực tiếp xâm phạm đến Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, thượng tọa Thích Nhật Từ”.

Cáo trạng nói ông Vân là chủ mưu, 5 người còn lại có vai trò đồng phạm giúp sức.

Phiên tòa gây quan tâm

Sau ba tuần tạm hoãn, hôm 20/7 TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An mở lại phiên tòa xét xử ông Lê Tùng Vân và nhóm người liên quan vụ án xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai (đã đổi tên thành Thiền Am bên bờ vũ trụ).

Sáu bị cáo bao gồm ông Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Cao Thị Cúc và Lê Thanh Nhị Nguyên, đều bị TAND huyện Đức Hòa xét xử về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Khung hình phạt cho tội danh này là từ 2-7 năm tù.

Đại diện cho các bên bị hại bao gồm ông Nguyễn Sơn, cấp bậc Thượng tá, Trưởng Công an huyện Đức Hòa, ông Trương Ngọc Toàn, pháp danh Thích Minh Thiện, trụ trì chùa Thiên Châu, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và 2 luật sư đại diện của ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng toạ Thích Nhật Từ).

Trước đó vào ngày 30/6, phiên xét xử sơ thẩm vụ án này đã bị hoãn vì vắng mặt nhiều người. Ngoài ra, các luật sư cũng đưa ra một lý do đến ngày 23-6, các luật sư mới nhận được thông báo về thời gian diễn ra phiên tòa nên không kịp chuẩn bị kỹ việc bào chữa để đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

Rất đông người dân hiếu kỳ cũng đã có mặt trước TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để quay phim, chụp ảnh.

Tuy nhiên, an ninh đã bị thắt chặt và chỉ những ai có giấy mời của toà mới được vào phòng trong, phóng viên báo đài tác nghiệp ở phòng riêng, theo dõi phiên xử qua màn hình, theo truyền thông Việt Nam.

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An cáo buộc nhóm người sống ở “Tịnh thất Bồng Lai” do ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) đứng đầu, chỉ đạo đã đăng tải các bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và Youtube, chứa đựng những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hoà, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng toạ Thích Nhật Từ)…

Chứng cứ trong vụ án này là 5 clip đã đăng tải công khai trên mạng xã hội, bao gồm 4 clip đăng trên tài khoản Youtube “5 chú tiểu – Thiền am bên bờ vũ trụ” và 1 clip có tên “Cầu cứu gấp, Tịnh thất Bồng lai sắp đổ máu. Diễm My bị bắt cóc mất tích tại đồn công an” đăng trên tài khoản Youtube “Nhất Nguyên – Hoàn Nguyên Official”.

(Theo BBC)