Mẹ tôi thọ 102 tuổi: “Hôm nay thiên đường có thêm thiên thần khác”

Cha chánh xứ  Nguyễn Ngọc Dũng, St Joseph Chutch và Cụ bà Vũ Thị Tý thuộc cộng đoàn Gioan Hoan trong ngày mừng sinh nhật 100 tuổi của cụ bà

Như những người lập gia đình, tôi có hai mẹ. Mẹ ruột tôi sống được 72 tuổi, qua đời năm 2002 tại Sài Gòn. So với quan niệm trước đây, là thọ (nhân sinh thất thập cổ lai hy) nhưng khi cụ bà người Úc nhà chung hàng rào và ông hàng xóm đối diện nghe tôi nói mẹ vừa qua đời ở Việt Nam, họ nói “còn trẻ”, bởi cụ bà sau đó qua đời 104 tuổi và ông hàng xóm nay 90 tuổi.

Mẹ tôi được họ hàng, các cháu và nhất là bạn tôi khen bà đẹp. Bà khéo giao thiệp, giỏi buôn bán nhất là chịu thương chịu khó cật lực làm việc nên đã một mình nuôi 11 đứa con. Tôi còn được bà cho đi học xa tận Đà Lạt, học ngành ra trường có việc làm dễ dàng, là nhờ công lao của mẹ tôi. Nhưng tôi chỉ sống cùng nhà với mẹ tôi khoảng 22 năm kể cả sau khi bà vào Sài Gòn sinh sống sau năm 1975.

Tôi thích chơi nhạc vì mẹ tôi cũng thích hát (thành viên ca đoàn giáo xứ trước khi lấy chồng) và có lẽ có di truyền kinh doanh từ nơi mẹ tôi. Một vài người coi tử vi ở Việt Nam, kể cả một anh bạn ở Úc mấy chục năm trước nói tôi sẽ thành công về business nhưng tôi không tin, vì lúc đó tôi chỉ là công nhân nhà máy, phải thay đổi công việc liên tục vì họ không còn cần người.

Người mẹ thứ hai là nhạc mẫu Vũ Thị Tý vừa qua đời ngày 11.7.2022 tại Melbourne, thọ 102 tuổi là tuổi hiếm có. Điều đáng nói nhất là mẹ vợ tôi sống mạnh khỏe từ tinh thần đến thể xác.  Chủ Nhật 3.7 bà làm vườn, tối ăn lamb cutlet uống vang đỏ bình thường, nhưng sáng hôm sau chỉ uống vài hớp cà phê, không ăn trưa, không ăn tối vì bà nói mệt. Qua ngày sau vẫn như vậy. Bà hứa ngày mai sẽ ăn khi chúng nói sẽ đưa đi bác sĩ. Nhưng ngày thứ ba bà vẫn không ăn dù vợ chồng chúng tôi nói sẽ đưa vào bệnh viện (bà chỉ muốn luôn sống cạnh chúng tôi). Ngày thứ tư, bà rất buồn khi chúng tôi gọi xe cứu thương.

Cháu gái tặng  bà ngoại chai rượu trong ngày Mother Day vừa qua và hai tháng sau, cháu là người ngồi bên cạnh bà suốt đêm và đến sáng khi bà qua đời. Cháu phát biểu trong tang lễ:  “Có rất nhiều thứ Bà Ngoại con thực sự thích- cánh gà, rượu vang đỏ, dầu gió xanh và tất nhiên là… vàng. Nhưng điều Bà Ngoại yêu nhất chính là những người Bà có trong đời”

Nhập viện, bác sĩ cho biết phổi bị nhiễm nặng, thiếu oxy và thận suy nên không muốn ăn hay ăn thì bị đẩy ra. Họ cho biết bà chỉ còn sống vài ngày, còn dùng phương pháp trợ sinh thì cũng kéo dài một hai tuần là tối đa vì tuổi quá cao. Chúng tôi quyết định để bà ra đi tự nhiên. Trong bốn ngày ở bệnh viện, con cháu thay nhau tới thăm 24/24 giờ. Một ngày trước khi qua đời, hỏi chuyện bà hiểu, chỉ hình con cháu ở Úc, VN, Đan Mạch trên mobile, bà nhận diện được hết. Bà rất tỉnh khi bà mở mắt. Cuối cùng bà qua đời đúng 7 ngày kể từ khi đột ngột không ăn uống.

So với mẹ ruột tôi, tôi sống với mẹ vợ nhiều hơn, bởi vì nhạc mẫu chỉ xa tôi vài tháng khi về thăm VN trong 22 năm qua. Hàng ngày ăn uống, trò chuyện bên bữa ăn tối,  nên tôi có rất nhiều kỷ niệm với bà. Những hình ảnh đó, con cái tôi đã gói trọn trong cuốn video clip dài 5 phút chiếu trên màn ảnh nhà thờ St Joseph, Collingwood trong thánh lễ an táng vào Thứ Bảy 16.7 vừa qua. Vài người trong vài xứ đạo ở Vinh Sơn Liêm, Holly Name, St John, St Ignatius biết bà cũng đã đến dự thánh lễ, góp lời cầu nguyện với giáo dân cộng đoàn Gioan Hoan Collingwood trước khi thân xác bà vĩnh viễn rời cõi tạm này.

Trong bài điếu văn, tôi nhắc đến lời người xưa- “sống gởi thác về” hay lời trong một bài giảng gần đây nhất của cựu Linh mục Chánh xứ Hoàng Kim Huy rằng cuộc sống là hành trình trở về—“đi về”, ra đi để về. Trong bài giảng phát tang đêm trước, Cha chánh xứ Nguyễn Ngọc Dũng làm bài thơ về người mẹ để tặng bà cụ. Cha nhắc lại câu nói tiếng Anh “from the womb to the tomb” (từ tử cung đến nấm mồ) nên trong bài điếu văn, tôi nói rằng nhạc mẫu ra đi là lẽ tự nhiên, tôi rất buồn nhưng cũng hạnh phúc vì bà đã sống trọn vẹn cuộc đời, yêu thương con cháu, mạnh khỏe và sống rất lâu.

Tôi cũng đã ví von cuộc đời là cái vé một chiều mà Chúa tặng cho bà Vũ Thị Tý, phát hành ngày 8.1.1920 tại làng Tri Lai, huyện An Lão, Hải phòng. Vé không ghi giá, thứ hạng và ngày đến nơi, nhưng có mật mã mà không ai bẻ khóa được dù đó là các tử vi gia, bói toán. Đến ngày 11.7 lúc 11.21AM Chúa đã giải mã cho đứa cháu ngoại túc trực suốt đêm cạnh bà, nên cháu đã gọi một vài người xem video call để cùng thấy được giờ phút Chúa gọi. Thật là đau buồn nhưng cũng hạnh phúc chứng kiến giờ ra đi của mẹ và bà ngoại.

Ở tuổi 100, nhạc mẫu tôi vẫn muốn phụ con cái một tay, có như vậy bà mới cảm thấy vui

Nói về nhạc mẫu tôi là nói về một người không được học, chân chất, đơn giản đến đơn sơ như tôi chứng kiến 22 năm qua. Bà không  muốn làm phiền con cháu. Sống độc lập cho đến 7 ngày trước khi qua đời. Bà tự làm vệ sinh  dù bị bệnh. Chưa bao giờ con gái bà được bà cho thay áo quần, dắt đi vệ sinh. Tuy thích sống một mình, muốn có không gian riêng trong nhà hay ngoài sân, nhưng khi con cháu đến thì bà rời phòng đi gặp chúng ngay, cùng ăn uống hay ngồi xem con cháu nói chuyện (vì bà lãng tai khá nặng) cho đến 11 giờ khuya mới xuống phòng ngủ.

Mỗi ngày tôi dắt bà xuống cầu thang đi ngủ sau bữa cơm tối vì luôn luôn mời bà uống một ly vang đỏ, sợ bà té. Bà nói tôi phải hầu bà nhiều quá. Nhưng thật ra, bà hầu chúng tôi. Ngăn bà làm thì bà buồn, nên bà muốn làm gì mặc bà, chỉ sợ có tai nạn thì chúng tôi sẽ rất hối hận. May thay, chuyện đó không xảy ra. Kinh nghiệm để bà làm theo ý muốn, đã giúp bà sống vui vẻ với chúng tôi.

Từ 80 đến 90 tuổi, bà nấu ăn tối khi chúng tôi làm việc về trễ mỗi chiều Thử Bảy. Sau đó, chúng tôi chỉ để bà quét lá, đem áo quần phơi xong mỗi khi mình chưa kịp đem vào. Chúng tôi không cho bà rửa chén bát nhưng đã trên 100 tuổi mà ăn xong, bà dọn chén vào bồn nhanh đến độ chúng tôi không kịp để dọn trước. Thỉnh thoảng bà than phiền với chị vợ tôi vì mỗi lần đi nhà thờ, tôi cầm tay bà từ bãi đậu xe vào tận nhà thờ làm bà mắc cở. Bà không bao giờ dùng gậy.

Bí quyết sống lâu của bà là ăn uống rất điều độ, không nhiều không ít. Hoạt động nhiều, trừ khi có mưa lớn, mỗi ngày đi một vòng quanh nhà sáng và chiều, mỗi lần đi bộ quét lá đường dài khoảng 150 mét và lên xuống trên 50 bậc cấp. Thật là một sự phi thường đối với cụ bà đã trên 100 tuổi.

Luôn vui vẻ, thân thiện. Cha Dũng kể trong lễ an táng rằng lần đầu tiên gặp bà, bà nói “Cha giảng hay lắm nhưng con không nghe  được vì con điếc lắm”. Theo cha,  lãng tai có thể khiến bà sống lâu vì như bà nói với cha, nghe thì chỉ làm mình bực tức, sinh tội.

Quét và hốt lá cây trong sân, vườn mỗi ngày được cụ bà gọi là “công tác” bởi bà nói “ăn rồi ngồi chơi, làm gì đâu, mà có ra ngoài làm thì cũng đỡ chán hơn ngồi không”. Có thể đó là bí kíp giúp mẹ tôi sống khỏe, sống vui, sống lâu?

Thỉnh thoảng, đi làm về bà kể cho tôi nghe hôm nay có người đi qua đường hỏi bà họ muốn vào nhà chơi, nhưng bà nói con tôi chúng nó đi làm, không có ai trong nhà, tôi không có chìa khóa nên không mở cổng được.

Bữa khác, bà nói hôm nay ông hàng xóm đối diện đến cổng nói chuyện với bà, hỏi bà quét sân vậy có mỏi lưng không. Tôi nghĩ bà đoán đúng, vì ông hàng xóm 90 tuổi rất thích nói tếu và cử chỉ của ông khiến bà nghĩ ông nói về cái lưng của bà.

Rất nhiều hôm, vợ chồng chúng tôi đang chuẩn bị cơm chiều, chưa xuống lầu mời mà bà đã lên. Hỏi sao lên sớm vậy, bà bảo bà nghe tiếng động. Tôi bảo tai bà lãng làm sao nghe được, bà nhất quyết nói có nghe. Tôi hỏi nếu thấy trộm thì bà làm gì, bà che miệng cười hồn nhiên: “Tôi chạy”.

Nhạc mẫu của tôi là thế.

Như trưởng nữ của tôi trong tang lễ nói về kỷ niệm với bà ngoại trong thời gian sống với bà là bà yêu thương các cháu và các cháu yêu thương bà, “bà Ngoại chạm vào trái tim từng người mà bà gặp, và thiên đường đã có được một thiên thần khác ngày hôm nay”.

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 17.7.2022

(Trích báo giấy TVTS số 1895 phát hành ngày 20.7.2022)